Chủ đề nêu ra nghe
hơi lạ, kinh Phật có nói đến vấn đề này hay không, tại sao chúng ta lại
đề cập. Phật dạy rằng những gì Ngài đã nói chỉ là phương tiện; còn việc
chính yếu là Ngài làm cho cuộc sống con người hướng thượng và thăng hoa.
Vì vậy, Đức Phật có vô số phương tiện; cho nên trước khi Phật Niết bàn,
Ngài nhắc lại rằng những gì Ngài nói nên coi là phương tiện của thời kỳ
đó và quốc độ đó; nhưng gặp hoàn cảnh khác, quốc độ khác thì Phật không
nói như vậy. Trong kinh, Đức Phật cho biết thế giới của Phật Hương Tích
chỉ thuyết pháp bằng mùi hương, ngửi mùi hương thì tâm người ở thế giới
đó được thanh tịnh, giải thoát, cho nên không cần dùng ngôn ngữ. Còn ở
thế giới Cực Lạc thì tâm đại chúng hoàn toàn thanh tịnh, vì từ tâm và
bản nguyện của Phật Di Đà truyền sang cho đại chúng thanh tịnh. Như vậy,
ở Cực Lạc, Phật Di Đà thuyết pháp bằng tâm.
Còn ở
Ta bà thì Phật Thích Ca tùy theo chỗ, tùy theo bộ tộc khác nhau mà Ngài
khai thị bằng ngôn ngữ tương ưng để họ có thể tiếp nhận mà thực tập
trong cuộc sống. Đức Phật cho biết những gì Ngài nói ví như lá trong
tay, có nghĩa là những gì Phật nói có giá trị nhất định ở thời đó; còn
những người ở nơi khác, ở hoàn cảnh khác thì có thể dùng để tham khảo,
rút kinh nghiệm. Và Đức Phật khuyến cáo rằng phải phát huy trí tuệ và
đối mặt với cuộc sống để giải quyết mọi việc được tốt đẹp; đó là trách
nhiệm của chúng ta. Vì vậy, Phật nói rằng một người chỉ giải quyết được
một phần việc, nhiều người sẽ có được nhiều sáng kiến khác nhau. Cho
nên, Ngài đề cao sáng kiến của tập thể vẫn hơn quyết định cá nhân.
Ở thời đại của chúng
ta, vấn đề khủng hoảng dân số được đặt ra, vì với cái đà tăng trưởng
dân số quá nhanh, có thể trong vòng 50 năm cho đến 100 năm nữa, thức ăn
sẽ bị cạn kiệt và còn biết bao vấn đề nan giải khác nữa. Lúc đó, chúng
ta không còn hiện hữu trên cõi đời này, nhưng thế hệ con cháu của chúng
ta phải đối mặt; cho nên chúng ta không thể làm ngơ. Cả thế giới quan
tâm đến vấn đề bùng nổ dân số, thì chúng ta cũng cần quan tâm, hãy xem
sự tu chứng của mình như thế nào để có thể có sự đóng góp chung cho nhân
loại. Thiết nghĩ ý kiến riêng của tôi không đủ, phải có ý kiến của Tăng
Ni và Phật tử để đưa ra sáng kiến tốt nhất cho xã hội chúng ta và cho
cả nhân loại.
Vấn đề dân số ở thời kỳ Phật tại thế đương nhiên chưa được
đặt ra, vì lúc đó, dân số thế giới có khoảng vài trăm triệu; nhưng ngày
nay dân số toàn cầu tăng lên đến 6 tỷ người, tạo thành cuộc khủng hoảng
đáng sợ. Vì vậy, chúng ta cần có sự đóng góp nhất định cho sự tồn tại
của nhân loại.
Có người cho rằng cần hạn chế sinh đẻ để dân số không tăng;
nhưng từ đó lại tạo thành một bất cập khác và một số tôn giáo khác đã
không đồng ý giải pháp này, nhất là tôn giáo nhất thần cho rằng không
được hạn chế sinh đẻ, vì làm như vậy là trái với ý của Thượng đế. Họ bảo
Thượng đế cho sinh bao nhiêu đứa con thì phải sinh thôi. Nếu không nghe
lời Thượng đế thì đó là một cái tội, không được lên thiên đường.
Ngoài ra có một tư
tưởng cực đoan khác, chủ trương hạn chế tối đa sự tăng trưởng dân số,
chỉ nên có khoảng hơn 1 tỷ người thôi và mỗi người chỉ sinh một con. Nếu
áp dụng giải pháp này thì Trung Quốc gặp khủng hoảng khác nữa, vì theo
tập quán của nước này, chỉ có con trai mới nối dõi dòng giống được. Cho
nên họ cố gắng sinh con trai, lỡ sinh con gái thì phạm tội lớn, nên phải
giết chết đứa bé từ trong bào thai. Nhưng nếu chỉ được sinh một con
trai để nối dòng họ, thì Trung Quốc sẽ có đàn ông nhiều hơn đàn bà; đó
cũng là một vấn nạn. Như vậy, chúng ta thấy giải quyết vấn đề này lại
nảy sinh ra vấn đề khác, chỉ ở trong cái vòng luẩn quẩn không thoát ra
được.
Trong
khi đó, một số nước văn minh tự hạn chế việc sinh con; nên dân số nước
họ không tăng; còn các nước lạc hậu lại để phát triển tự do việc sinh đẻ
thì sẽ xảy ra tình trạng là những người không tốt sẽ tăng, điều này
cũng nguy hiểm. Nước Pháp trước năm 1945 có 50 triệu dân, nhưng nay dân
số cũng vậy, họ cố giảm, không cho tăng dân số. Nhưng họ lại gặp vấn nạn
khác là những người nhập cư bất hợp pháp vào nước Pháp hơn mười mấy
triệu người. Những người này bị chính phủ đặt ra ngoài lề xã hội, không
được đối xử tốt, không được giáo dục tốt, lại tạo thành một khủng hoảng
nữa. Ở Mỹ, thời xưa, dân da đen là nô lệ, nhưng số dân này tăng nhanh và
ngày nay, Tổng thống Mỹ cũng da đen; nên họ lo ngại. Bản thân một người
hạn chế sinh đẻ thì không đủ để giải quyết được vấn đề tăng dân số, mà
đó là việc của toàn xã hội cho đến của toàn cầu, vì đây là một vấn đề
lớn, nên sự đóng góp của chúng ta rất cần.
Người Nhật có ý kiến hay, theo họ, sinh
con gái, hay con trai không quan trọng; nhưng phải sinh con tốt, con
giỏi. Vì theo tinh thần Phật dạy, nam nữ bình đẳng, không phân biệt giới
tính, không phân biệt giai cấp. Ở Nhật có điều đặc biệt là không nhất
thiết phải lấy họ cha. Tôi thấy Thủ tướng Sato thời tôi học ở Nhật, ông
này thật sự mang họ Kishi rất nổi tiếng. Dòng họ này có ba anh em thay
nhau làm Thủ tướng. Ông Thủ tướng đầu của dòng họ này cũng xuất thân từ
Tịnh độ tông, nên ông có mục tiêu xây dựng nước Nhật theo mô hình Cực
lạc, nghĩa là mô hình xã hội văn minh. Ông nói Phật Di Đà trước khi về
Cực lạc thì nơi đó không phải là Cực lạc, nhưng với trí tuệ của Phật Di
Đà, Ngài đã chuyển đổi thế giới đó thành Cực lạc. Người Nhật chủ trương
tu Tịnh độ là phải xây dựng nơi mình đang sống theo đạo Phật, tức xây
dựng xã hội tốt; nhưng xây dựng bằng cách nào? Ông Thủ tướng này có
người em trai rất giỏi và lập gia đình với dòng họ Sato không có con
trai, cho nên người em đã chuyển qua dòng họ Sato. Như vậy, người Nhật
chủ trương thành lập gia đình hoặc sử dụng họ của chồng, hoặc họ của vợ,
không lo sợ tuyệt tộc. Việc nối dòng giống của họ bằng cách có trí tuệ,
không giết con gái mà cũng không sợ tuyệt tộc. Cách thứ hai của sự kế
thừa là ai nuôi dưỡng nên người thì lấy theo họ của người đó, có thể là
họ cha hay họ mẹ. Nếu cha mẹ không có khả năng nuôi con, mà để cho người
khác nuôi thì khi đứa bé trưởng thành, nó kế thừa theo dòng họ của
người nuôi nó. Người Nhật chấp nhận giải pháp này ổn thỏa, có thể lấy họ
cha hay họ mẹ tùy theo sự bàn bạc của gia đình một cách hợp lý. Nếu hai
gia đình có một con trai và một con gái, thì một đứa lấy họ cha, một
đứa lấy họ mẹ. Họ giải quyết hợp tình hợp lý, không bắt buộc phải theo
truyền thống, nên mọi người thấy an tâm và tạo được một xã hội quân
bằng. Dân số Nhật không tăng, lúc tôi tu học ở đó thì dân số của họ là
110 triệu, nay cũng vậy.
Không có trí tuệ, không có được biện pháp thỏa đáng mà
cứ nhất định phải hạn chế dân số thì cũng không giải quyết được vấn đề
mà còn phải đối đầu với nhiều khó khăn khác xảy ra. Còn chủ trương không
hạn chế sinh sản và nghĩ rằng phải có con để nối dòng, rồi sanh đẻ bừa
bãi cũng rất nguy hiểm, tạo thêm nhiều vấn nạn cho xã hội. Phật tử phải
có trí tuệ để nhận thấy được việc nào lợi ích cho bản thân mà cũng góp
phần tốt đẹp cho xã hội thì theo đó mà làm. Một số nước theo các tôn
giáo chủ trương rằng trời cho sao thì chịu vậy, rồi sinh đẻ tràn lan,
không nuôi nổi và đẩy chúng ra lề đường lang thang, gây nguy hiểm cho
chúng và tạo bất an cho xã hội. Xã hội Nhật không có tình trạng này, vì
họ sắp xếp hợp lý nên xã hội an lạc. Còn sắp xếp không hợp lý, thì nhiều
vấn đề sẽ xảy ra, cho đến chiến tranh bùng nổ cũng do sự sắp xếp không
hợp lý. Thật vậy, nếu trong xã hội có nhiều thành phần lang thang, bất
mãn; khi chúng còn nhỏ thì chỉ gây rối trật tự xã hội, nhưng nếu chúng
tập họp thành từng nhóm nhỏ có người lớn phía sau xúi bẩy, sai khiến thì
sẽ làm loạn, sẽ chống đối, cho đến lật đổ chính quyền. Biết bao vấn đề
phức tạp phát sinh do sự sắp xếp bất cập.
Muốn sắp xếp trật tự, từ cái gốc phải hợp
lý. Tôi hỏi một người bạn vì sao anh không lập gia đình. Anh ta nói vì
mắc bệnh di truyền, anh khổ nhiều vì bệnh, nên không muốn nỗi khổ này
tiếp diễn trong xã hội cho thế hệ kế tiếp. Theo Phật, có trí tuệ, chúng
ta biết cái gì khổ thì không để cho nó tiếp diễn là có sự tính toán hợp
lý. Tôi gặp một người khác bị cận thị nặng 9 độ lập gia đình với người
vợ cận thị 13 độ. Họ sống với nhau nhưng không sinh con, vì sinh con thì
nó có thể sẽ bị cận hơn 20 độ; đó là sự sắp xếp có trí tuệ. Hoặc có
người bị nhiễm chất độc, nếu sinh con sẽ bị dị tật, nên họ tuyệt đối
không sinh con, để không làm con khổ và không làm xã hội nhức nhối thêm.
Thiết
nghĩ người có trí tuệ học Phật không làm nhẹ gánh nặng cho cuộc đời thì
thôi, chứ không làm xã hội xấu thêm. Người không có gia đình, hay không
sinh được con tốt, nhưng giàu có, nên họ hiến tặng tài sản cho các cơ
quan từ thiện, hoặc họ chọn những đứa trẻ tốt của gia đình nghèo để nuôi
dưỡng, cho học hành thành tài, đưa vô xã hội những con người tốt. Hoặc
đỡ đầu cho những sinh viên học giỏi, thiếu điều kiện kinh tế, giúp những
người này thành đạt sự nghiệp là kỹ sư, bác sĩ, bác học, v.v…, nghĩa là
họ đã đóng góp cho an sinh xã hội. Nhờ vậy, nhân tài luôn tấn xuất,
không cần đứa trẻ là dòng họ, dòng máu của mình, nhưng cần đưa vô xã hội
những nhân tài càng nhiều càng tốt; đó chính là sự thể hiện cao độ tinh
thần vị tha vô ngã theo Phật giáo. Từ căn bản này, người ta tự đóng góp
xây dựng xã hội văn minh; vì xã hội văn minh thì cần phải có con người
văn minh.
Tu theo tinh thần Đại thừa, mặc dù cá nhân ta không làm
việc xấu, nhưng sai lầm của người khác tạo thành sự tác hại cho xã hội
thì chúng ta cũng phải gánh chịu. Ví dụ ta không nghiện, nhưng các con
nghiện ở thành phố đông tạo thành tệ nạn cướp giật trên đường phố, làm
chúng ta cũng bị bất an. Vì vậy, chúng ta phải có sự đóng góp cho xã
hội, nhưng nếu không có trí tuệ thì việc làm lại trở thành có hại. Ví
dụ, ta có lòng trắc ẩn thương người, thấy người nghèo đói bệnh hoạn liền
nghĩ giúp đỡ. Nhiều người đi chùa đổi sẵn tiền lẻ để cho người ăn xin;
hậu quả là chúng ta làm cho đất nước mình có nhiều ăn mày, vì họ lười
biếng, không chịu làm việc. Chính lòng tốt của chúng ta tạo thành tệ nạn
xã hội. Hoặc người ưa phóng sinh chim hay cá. Nếu có trí tuệ sẽ thấy
những con chim, con cá bé xíu không ai bắt ăn thịt chúng, đáng lẽ chúng
không bị bắt, nhưng tại ta phóng sinh nên họ bắt để bán cho ta thả. Tu
thiếu trí tuệ như vậy là đóng góp cho người đi bắt chim cá, đóng góp cho
người ăn xin. Chùa ở Nhật Bản không có người ăn xin; vì họ dạy người
dân lòng tự trọng, ai cũng muốn phấn đấu vươn lên, không muốn nhận sự
giúp đỡ. Nếu có nhận giúp đỡ thì sau này, họ cũng phải giúp đỡ lại để
trả ơn. Vì vậy, học sinh nghèo nhận được học bổng, lớn lên nó làm ra
tiền cũng giúp lại học sinh khác; nghĩa là thế hệ này tiếp nối thế hệ
khác một cách tốt đẹp, kinh Duy Ma gọi tinh thần đó là vô tận đăng, tiếp
nối ngọn đèn trí tuệ của Đức Phật mãi mãi bằng cách chính ta làm việc
tốt và giúp cho người khác cũng làm tốt, cứ như vậy mà xã hội trở thành
tốt đẹp. Người làm từ thiện với những địa chỉ có trách nhiệm, có uy tín;
nhưng cũng có người thường bị rơi vô danh nghĩa từ thiện, còn bên trong
có phức tạp. Chúng ta cần có suy nghĩ đóng góp cho cơ sở từ thiện Phật
giáo đáng tin cậy và vận động người khác cùng hợp tác để phát triển
những việc làm đúng đắn, tạo thành xã hội an định. Việc làm có trí tuệ
chỉ đạo như vậy, thì phải gặt hái được kết quả tốt.
Bản thân ta tốt và
nên giáo dục những thành phần tệ nạn xã hội cho họ tốt để ngăn chận
những hạt nhân xấu này phát triển, vì hạt giống xấu dễ phát sinh và dễ
tăng trưởng. Thể hiện tinh thần này, kinh Duy Ma dạy rằng Bồ tát thông
đạt Phật đạo và nhập thế là nhắm vô đối tượng xấu ác để giúp đỡ, giáo
dục họ thành người tốt. Không có Bồ tát thì chúng ta phát tâm Bồ đề, làm
việc của Bồ tát là đi vào đời, xem người nào nên giúp đỡ chúng ta sẵn
lòng hỗ trợ họ.
Bồ tát có trí tuệ nhìn thẳng xem tại sao người xấu ác. Đầu
tiên là vì họ có mặc cảm. Tôi đã từng tiếp xúc với những đứa trẻ lang
thang, những người đau khổ đến mức có thể hủy hoại cuộc sống của họ. Ta
có thể an ủi, giúp đỡ họ thành người tốt. Nếu giúp người tốt rồi thì họ
tốt thêm cũng được, còn không giúp thì cũng không sao, vì họ đã tốt sẵn;
cho nên tôi ít quan tâm đến người tốt, người giàu, người giỏi. Tôi quan
tâm đến người nghèo khó, người hư hỏng nhiều hơn; vì người rơi vô hoàn
cảnh xấu mà ta không kéo họ lên được thì tác hại sẽ lớn. Cứu được họ là
ta đóng góp lớn cho xã hội.
Tôi cũng có đệ tử bị nghiện, hay phải làm
nghề không tốt. Tôi lóng nghe họ để biết hoàn cảnh nào đẩy họ vô cuộc
sống tội lỗi. Hiểu được tâm trạng bức xúc của họ có thể sinh liều mạng,
thì đưa ra được lời khuyên hợp lý phát xuất từ tâm từ bi và sự tỉnh giác
của mình, họ sẽ nghe theo, thay đổi cuộc đời, sống hoàn lương, cứu họ
ra khỏi vũng bùn mà cũng giúp cho gia đình họ được hạnh phúc và đóng góp
một phần an ổn cho xã hội. Có những gia đình mà cha mẹ bất hòa, dứa con
phải nhận tất cả nỗi khổ niềm đau của cha mẹ, nó phải bỏ nhà đi. Cha mẹ
nó ghét nhau cũng truyền qua nó, nhìn trong sâu thẳm tâm nó là địa ngục
khổ đau trong một gia đình bề ngoài thấy như yên ấm. Tại sao cha mẹ dạy
mà nó không nghe, lại nghe hàng xóm. Tôi bảo người mẹ nên tụng kinh và
bình tâm suy nghĩ lại. Cha mẹ phải lóng nghe đứa con trước, xem nó suy
nghĩ gì, muốn gì, làm được gì. Phần lớn cha mẹ bắt ép con cái những điều
mà nó không muốn làm, thì nó bứt phá là điều tất yếu. Vì vậy, phương
cách giáo dục sai lầm đã đẩy đứa con vào hoàn cảnh khổ và nó sẽ làm khổ
người khác, như vậy là tạo dây chuyền khổ cho xã hội. Phật tử có trí tuệ
phải tháo gỡ từ cái gốc, nghĩa là làm cha mẹ, làm bạn đừng khó tính bắt
buộc con cháu nghe mình, mà không tìm hiểu tâm trạng nó đang ẩn chứa
nỗi niềm gì.
Nếu chúng ta có cơ hội nên tham gia, đóng góp để hóa giải
những vấn đề trong xã hội, làm như vậy là ta đã góp phần làm xã hội an
lạc và cao hơn nữa là xây dựng Tịnh độ ở Ta bà. Có người hỏi tôi tại sao
không về Cực lạc. Tôi trả lời rằng tôi tu Pháp Hoa có suy nghĩ Đức Phật
Thích Ca là giáo chủ cõi Ta bà, mình ở đây được Đức Phật Thích Ca nuôi
dạy trưởng thành, thì tại sao mình lại bỏ Phật Thích Ca đi dễ dàng như
vậy, cảm thấy giống như mình phụ ơn giáo dưỡng của Ngài. Vì vậy, tôi lập
nguyện : “Cõi Ta bà thị hiện độ sinh”.
Với chí nguyện ở lại Ta bà để giáo hóa độ
sinh, mở ra cho tôi cái nhìn sáng trong giáo lý Phật, phẩm Như Lai Thọ
Lượng thứ 16, là Phật thường ở Ta bà thị hiện sanh thân trong nhiều quốc
độ, nhưng tiếc cho chúng ta không thấy Ngài. Từ đó, trên bước đường tu,
tôi tìm Phật không ở trong vô hình, nhưng tìm trong sanh thân là các
thiện tri thức. Những người che chở, dìu dắt, dạy dỗ tôi trưởng thành
trên bước đường tu, tôi coi đó là sanh thân của Phật. Đây là ý quan
trọng của người tu Pháp Hoa Bổn môn, khi ta quyết định ở lại thế giới
này với Phật thì sẽ thấy được Phật thị hiện sanh thân giúp đỡ ta. Thấy
Phật bằng niềm tin, hay thấy được người tốt là Phật, đây chính là thái
độ của người Tây Tạng đi tìm Phật sống. Trên bước đường tu, chúng ta tầm
sư học đạo, tìm Phật sanh thân là Phật sống mới giúp chúng ta được.
Phật sống này có thể hiểu là Hóa thân Phật, nghĩa là một người tu có tâm
thanh tịnh thì Phật hiện thân vào họ, có thể ví như mặt trăng hiện trên
mặt nước, nơi nào có nước sẽ có bóng trăng : Thiên gian hữu thủy thiên
gian nguyệt. Nơi nào có người tu thanh tịnh thì Phật huệ sẽ rọi vào họ,
nên họ phát huệ và họ là thiện tri thức mà chúng ta có thể theo học được
rất nhiều điều hay.
Vì vậy, Phật Thích Ca nhập diệt rồi, Phật giáo truyền sang
Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, v.v… , ở đâu cũng có các bậc Thánh Tăng,
cao Tăng, có chư Tổ nối tiếp ngọn đèn chánh pháp của Phật. Đó chính là
Hóa thân của Phật Thích Ca. Ý này được kinh Duy Ma diễn tả rằng 500 công
tử dâng 500 cây lọng báu cúng dường Phật, biến 500 cây lọng này che
khắp tam thiên đại thiên thế giới và dưới mỗi cây lọng có vô số Hóa
Phật. Tôi thấy ở Pháp, Mỹ, Úc, Phi châu, v.v… nơi nào cũng có Phật. Nhìn
thấy như vậy, tôi cảm thấy mình không cô đơn ở Ta bà, nên cũng không
cần về Tịnh độ, ở đây làm đạo cũng thấy vui. Vì Đức Phật dạy trong kinh
Duy Ma rằng hành phi đạo tức thông đạt Phật đạo. Điều này lạ, ở Cực lạc
tu một kiếp không bằng ở Ta bà tu một ngày. Ở đây có việc cho chúng ta
làm. Ở Cực lạc toàn thượng thiện nhân, mình thất nghiệp. Cho nên, tôi
quyết định xây dựng xã hội mình sống, biến nó thành Cực lạc.
Tóm lại, đối với
những người có bệnh di truyền thì ta khuyên họ đừng sinh con để nối cái
dòng di truyền chẳng ích lợi gì. Họ nên tu để diệt được ác nghiệp, cuộc
sống sẽ thanh thản, vui tươi. Nếu họ lập gia đình có vợ con thì vui ít
mà khổ nhiều; còn niềm vui diệt được nghiệp thì không có khổ. Người bệnh
hoạn sinh con cũng bị bệnh, họ lo cho bản thân còn không xong mà lo cho
con nữa làm sao nổi. Chúng ta dùng trí tuệ góp ý, xây dựng họ thành
người tốt và đưa vào xã hội thêm nhiều người tốt.
Hạn chế việc sinh đẻ
không phải là vấn đề của chúng ta; nhưng bằng tâm từ bi và trí giác,
chúng ta xét thấy người nào đáng sinh con và người không nên sinh con.
Người đáng có con mà khuyên họ đừng sinh là làm tiêu mất hạt giống tốt
cho xã hội. Gặp người đáng tu mới cho tu. Điển hình như Thiền sư Vạn
Hạnh nhận thấy Lý Công Uẩn không thể làm người xuất gia, mà ông có khả
năng làm vua; nên Ngài đã dạy dỗ ông trở thành ông vua tài đức làm được
nhiều việc lợi ích cho nước nhà. Gặp ai cũng khuyên đi tu thì xã hội sẽ
ra sao. Đừng hiểu lầm rồi cho tất cả những người bệnh tật, côi cút vô
chùa tu thì chùa sẽ trở thành cái gì. Sinh thời, Hòa thượng Thiện Hoa
thường khẳng định rằng chùa không phải là trại mồ côi, không phải là
viện dưỡng lão; vì thời đó người ta quan niệm chùa như vậy.
Cần có lớp người
tốt, tài đức hy sinh làm việc cho đạo. Có trí tuệ để thấy rõ người đáng
giúp và giúp cách nào, thấy rõ nên dạy pháp gì thích hợp với người để họ
sống tốt cho đời, làm đẹp cho đạo. Đó chính là xây dựng xã hội tốt, xây
dựng thiên đường ngay tại đây. Trong thời kỳ bùng nổ dân số, người tốt
thì nên tiếp tục sinh cho xã hội những con người có lợi cho đời. Còn
người không tốt thì nên chuyển hóa thân tâm cho tốt rồi mới tính đến
việc sinh con. Mong Tăng Ni và Phật tử có những suy nghĩ hay để góp phần
cho xã hội được tốt đẹp trong mọi lãnh vực của cuộc sống./.