Phật Học Online

Ai không chết ?
HT. Thích Như Điển

Đời người có 4 giai đoạn quan trọng, đó là: Sanh, già, bệnh và chết. Có người mới sanh ra đã chết, có người già rồi mới chết, có người phải chịu bệnh tật triền miên rồi mới chết và cuối cùng thì sự chết nó không tha cho ai hết. Trên từ Vua quan, Hoàng hậu, thứ phi, Tổng thống, Thủ tướng, dưới cho đến những người bình dân hạ tiện, áo vải cơ hàn thiếu cơm ăn, áo mặc.

Trong Kinh Bát Dương có nói rằng: “Sanh hữu hạn, tử bất kỳ”, nghĩa là: “Sanh có thời gian, chết chẳng ai biết được”. Điều nầy có nghĩa là khi chúng ta được sanh ra trong cuộc đời nầy, Cha mẹ, Bác sĩ có thể dự đoán ngày tháng nào chúng ta ra đời, vì họ là những chủ nhân của việc tạo dựng ra sanh mạng của chúng ta; nhưng sự chết, không ai có thể làm chủ được và không ai trong chúng ta, là những người thường, có thể biết trước được ngày giờ nào chúng ta phải ra đi khỏi trần thế nầy cả. Do vậy Đạo Phật gọi cuộc đời nầy là vô thường.

Đời người có 4 giai đoạn quan trọng, đó là: Sanh, già, bệnh và chết. Có người mới sanh ra đã chết, có người già rồi mới chết, có người phải chịu bệnh tật triền miên rồi mới chết và cuối cùng thì sự chết nó không tha cho ai hết. Trên từ Vua quan, Hoàng hậu, thứ phi, Tổng thống, Thủ tướng, dưới cho đến những người bình dân hạ tiện, áo vải cơ hàn thiếu cơm ăn, áo mặc… tất cả đều phải chết. Như vậy chết là một việc chắc chắn, không một ai thoát khỏi, nhưng thử hỏi trong hơn 7 tỉ người được sanh ra, lớn lên và cư trú trên quả địa cầu của thế kỷ thứ 21 nầy, có được bao nhiêu người lo cho sự chết đó và có được bao nhiêu phần trăm số người ý niệm được sự vô thường đó, hay chúng ta vẫn mãi tranh danh đoạt lợi một cách bất chánh để vơ cho đầy túi tham? Nhưng để làm gì và kết cuộc của cuộc đời nầy, ai cũng đã biết, nhưng tại sao phải gánh lo âu, phiền não vào người mình nhiều như thế? Đây là một câu hỏi mà mọi người trong chúng ta phải tự trả lời. Có như vậy chúng ta mới rõ đường sanh tử được.

Trong bốn giai đoạn của cuộc đời ấy, có người chỉ trải qua có một giai đoạn, có nghĩa là khi sanh ra hay chưa được sanh ra đã chết trong bụng mẹ và cũng có kẻ chưa già và không bịnh, nhưng cũng phải bị chết. Có người được sống đến cả một trăm tuổi, nhưng không bị bịnh và cuối cùng cũng phải chết. Như vậy sanh là một tiền đề và chết là một kết luận, nhưng sống như thế nào trong khoảng thời gian 30 hay 50 năm của cuộc đời ấy cho có ý nghĩa để rồi một ngày nào đó chúng  ta phải ra đi, đó mới là điều đáng nói. Mỗi chúng ta đều có biệt nghiệp và cộng nghiệp riêng và chung, không ai giống ai cả, dầu cho đó là những kẻ song sinh hay sinh ra cùng một lúc ba, bốn người. Cha mẹ không có quyền năng để sắp đặt nghiệp lực của con cái. Cha mẹ chỉ là nhân duyên để cho những thai nhi chào đời, rồi trong cuộc sống nầy do nhân duyên và nghiệp quả của kiếp trước do chính mình tự tạo ra và bây giờ chính là lúc chúng phải được hay bị hưởng quả ấy từ trong vô lượng kiếp. Cho nên Ông Bà chúng ta thường nói rằng: “Cha mẹ sinh con, chứ chẳng sinh lòng” là như vậy. Lòng ấy chính là tâm thức của mỗi chúng sanh. Thân thể nầy có thể mất và biến đổi qua nhiều hình tướng khác nhau, nhưng tâm thức ấy vẫn luôn tồn tại qua nhiều giai đoạn chuyển biến của nghiệp lực. Khi ta làm thân người thì tâm thức ấy mang tâm con người, khi ta làm Chư thiên thì tâm thức ấy là người của cõi trên, khi ta bị rơi vào địa ngục thì tâm thức ấy sẽ biến thành tâm của chúng sanh trong địa ngục…. cứ thế, con đường vào ra của sanh tử không bao giờ ngưng nghỉ, cho đến khi nào chúng ta có thể làm chủ được sự sống và sự chết mới thôi.

Những bậc Vua chúa, Tổng thống, Thủ tướng hay những người lãnh đạo quốc gia, họ là những người đã tạo ra nhân bố thí trong nhiều đời, nên trong kiếp nầy chỉ là kết quả của những gì mà họ đã tạo được, còn chúng ta dầu cho có cố gắng trong kiếp nầy rất nhiều, nhưng nợ cũ của tiền kiếp chúng ta trả chưa xong, thì phải chờ kiếp sau nữa mới mong có được cuộc sống đầy đủ hơn trong hiện tại. Nhưng thói đời, con người ít ai tự làm chủ mình được khi có danh và có địa vị đi kèm. Nhiều người được bầu lên làm Tổng thống, Thủ tướng v.v… cứ nghĩ rằng mình sẽ mãi ở được nơi ngôi cao, lộc cả ấy, nên cứ lao vào tham dục, càng tham bao nhiêu lại càng thấy thiếu bấy nhiêu, chẳng bù với lúc cơ hàn, dân dã, chỉ mơ làm sao cho đủ cơm ăn, áo mặc. Nhưng khi đã có quyền bính trong tay rồi thì chẳng luận là ai, nếu không chế ngự được lòng ham muốn thì con đường dẫn đến tội lỗi ở ngay trước mắt, chứ chẳng xa xôi gì. Và rồi, chẳng ai ngờ được, một ngày nào đó, khi cơn vô thường hay đời sống dân chủ của người dân trổi dậy, thì ngôi cao, lộc cả ấy đâu có còn gì nữa để mà mong. Ai hiểu được điều nầy, người ấy sẽ nhẹ gánh tang bồng, ai không hiểu được lý nhân duyên và luật nhân quả, thì người ấy sẽ khổ đau muôn kiếp, không phải chỉ trong kiếp nầy mà thôi.

Nói về cộng nghiệp của chúng sanh thì có vô số thí dụ. Ví như chúng ta là những người chẳng quen biết nhau, nhưng sẽ đi chung trên một chuyến đò qua sông, qua biển hoặc giả sẽ cùng đi chung trên một chiếc xe hơi hay máy bay, xe lửa v.v… chẳng ai hẹn ai, nhưng có kẻ bước lên, có người bước xuống. Đùng một cái, tai nạn xảy ra, có người được cứu sống, có kẻ bị thương nhẹ, có người bị thương nặng và cũng có nhiều người phải chết tức tưởi trong chuyến đò sanh tử ấy. Quả thật tất cả những người đã cất bước ra đi nầy, chẳng ai mong điều ấy xảy ra, nhưng rốt cuộc, ít ai trong chúng ta tránh khỏi. Cho nên nhà Phật gọi đây là cộng nghiệp. Nghĩa là nghiệp ấy đã có sẵn trong bao đời rồi, bây giờ cùng trong chuyến hành trình hữu hạn ấy, bắt buộc chúng ta phải chịu lấy quả báo kia. Dĩ nhiên là chẳng có ai trong chúng ta chờ đợi và mong muốn như thế, nhưng chúng ta vẫn không tránh khỏi, vì nghiệp đã đến lúc chín mùi, nhân và quả đã thuần thục, nên kết quả mới xảy ra như thế. Thế nhưng nghiệp sẽ chẳng chấm dứt nơi ấy, mà những hành vi tạo tác trong bao đời kia vẫn còn luôn tiếp diễn như những màn kịch trên sân khấu trường đời mà những nghệ sĩ đang tiếp tục trình diễn những vở tuồng như thế thôi. Hay có, dở có, lâm ly bi đát, khổ sở vì tình, quyền uy biến mất rồi tái hiện v.v… tất cả chỉ là những tuồng huyễn hóa của thế gian mà con người và tâm thức là những nhân vật chính.

Nhìn những chính trị gia mới ngày nào đó còn hăng say hùng biện trên diễn đàn chính trị của thế giới, khiến cho ai đó hết sức thầm ca ngợi cho những con người tài ba lỗi lạc kia. Bẵng đi một thời gian lại được nghe tin rằng: Ông kia, bà nọ… nay đã bị lâm vào chứng bệnh Altzheimer nhớ trước, quên sau, ngay cả chỗ nằm của mình còn không nhớ để trở về, thì làm sao có thể nhớ được chuyện trước, chuyện sau. Như vậy không phải do vô thường biến đổi là gì và con người mấy ai ý niệm được sự vô thường ấy. Khi ta còn trẻ khỏe thì chúng ta ít ai nghĩ đến sự già chết, bịnh đau. Vì chúng ta nghĩ rằng cái già cái chết ấy nó sẽ đến với người khác chứ nó chưa đến với mình, nhưng đâu ai biết được chuyến đò sanh tử của thế gian nó sẽ đến mang ta đi khỏi nơi nầy vào bất cứ lúc nào và chuyến đò ấy nó sẽ chở ta đi tiếp tục cuộc hành trình của sanh tử và chắc chắn một điều là chúng ta không có quyền hẹn lại ngày mai chúng ta mới có thể bước lên chuyến đò ấy, dầu cho là một bậc Quân vương có uy thế lừng trời hay một bà Hoàng hậu vốn là mẫu nghi trong thiên hạ…

Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã dạy về nhân cách sống của một con người và Ngài cũng dạy về nguyên nhân của sanh tử bì lao như thế nào, để từ đó người tại gia cũng như người xuất gia rút ra những kinh nghiệm, rồi thực hành theo để lợi mình và lợi người trong khi sống cũng như sau khi đã chết. Trong kinh Tạp A Hàm có kể lại một câu chuyện như sau:

Một hôm Ngài A Nan cầm một cành hoa lên và bạch Phật rằng:

“Kính bạch Đức Thế Tôn, con ngửi thấy mùi của bông hoa nầy rất thơm, mà ngay cả cành và lá của nó cũng thơm, nhẫn đến rễ của nó cũng thơm nữa, không biết có loài hoa nào hương thơm của nó có thể bay được ngược gió hay không?”

Có chứ! Nầy A Nan, “Đó là những người Cư sĩ tại gia giữ tròn năm giới cấm. Đó là những người tại gia thực hành Bát Quan Trai Giới mỗi tháng 6 ngày vào các ngày mồng tám, hai ba, mười bốn, rằm, ba mươi và mồng một. Đó là những người Cư sĩ tại gia giữ trọn mười điều lành của thân, của miệng và của ý. Chính đó là những hương thơm, dầu ngược gió cũng có thể bay khắp muôn phương”.

Chừng ấy việc thôi, nếu chúng ta đọc và suy nghĩ kỹ cũng như thực hành thì giá trị vô song. Đây chính là đức hạnh, đây chính là con đường dẫn đến các cõi nhân thiên thiện lương. Đây chính là hành trình của những con người hướng đến hướng giải thoát sanh tử.

Cũng có khi các vị Đệ Tử xuất gia của Ngài thắc mắc về nhiều đề tài khác nhau và mang ra tranh cãi, khi Ngài nghe lớn tiếng ồn ào ở một góc Tịnh Xá nào đó, thì Ngài mới bảo Đại Chúng nhóm họp lại để Ngài giải nghi cho chư Tăng hiện diện. Thông thường Ngài hay dạy như trong các kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm và Tạp A Hàm như sau:

Phàm vật đó có hình tướng hay  không?

Bạch Thế Tôn, có

Vậy vật ấy có bị vô thường chi phối hay không?

Bạch Thế Tôn, có

Vậy vô thường do đâu mà có?

Do sự khổ mà ra. Bạch Thế Tôn.

Sự khổ ấy từ đâu mà sanh?

Bạch Thế Tôn, do vô minh và ái nhiễm mà có.

Vậy vô minh và ái nhiễm từ đâu mà sanh?

Bạch Thế Tôn, do sự sanh mà có.

Vậy sanh từ đâu đến?

Bạch Thế Tôn, từ chấp ngã, thủ mà có.

Vậy căn bản của ngã và thủ là gì?

Bạch Thế Tôn, là không, là vô tướng.

Cứ như thế và như thế, Ngài đã giải rõ mọi hành hoạt và nguyên nhân. Người xuất gia hay người tại gia nào chiêm nghiệm được những lời dạy ấy rồi, đem ra quan sát, thực hành ắt sẽ có kết quả ngay.

Một hôm có một vị Tỳ Kheo đến hỏi Phật rằng:

Bạch Đức Thế Tôn, ngã và ngã sở là gì vậy?

Ví như hai bàn tay chạm vào nhau, chúng ta sẽ nghe một âm thanh, nhưng ngươi hãy quan sát kỹ là âm thanh ấy trước khi xảy ra nó ở đâu và sau khi âm thanh ấy không còn nữa thì nó sẽ đi về đâu? Ngã nó cũng như thế đó. Vì nó không có thật tướng như âm thanh kia, nhưng chúng sanh cứ cho là thật, nên cứ bám víu vào đó và khổ đau, sanh tử từ đây mà thành. Còn ngã sở tức là những gì thuộc về mình, nhưng các ngươi nghiệm xem có đúng như vậy chăng?

Ví như một đống củi để đó, có người mồi lửa để đốt. Rõ ràng là ta thấy có củi và có lửa hiện hữu, nhưng khi củi hết, lửa tắt rồi thì lửa ấy đi về đâu? Những người chấp cái nầy là của ta, cái nầy thuộc về ta cũng như thế ấy. Thật ra chẳng có cái nào có cái tướng thật cả. Do vậy con người mới khổ đau và dẫn đến sanh tử bì lao.

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển thứ tám, Đức Phật đã dạy cho Ngài A Nan quán về An Ban (Ànàpàna), có nghĩa là quán niệm về hơi thở. Đây là một kinh cũ nhất trong các kinh và các Tỳ Kheo và các Phật Tử vẫn còn thực hành cho đến ngày nay trên quả địa cầu nầy, dầu cho đó là Nam Tông hay Bắc Tông, Đại Thừa hay Kim Cang Thừa cũng đều lấy kinh nầy làm chính. Đức Phật dạy rằng:

“Khi hít hơi thở vào, ngươi biết rằng đang hít vào, khi thở hơi thở ra, ngươi biết là đang thở ra. Khi hít hơi thở vào ngươi biết là hơi thở lạnh, khi thở hơi thở ra, ngươi biết là hơi thở ấm. Cứ thế ngươi lần lượt quan sát về vô thường, về khổ về không và vô ngã cũng như vậy”.

Thế là Ngài A Nan thực hành ngay. Hôm ấy Ngài không ăn, quyết ghi nhớ lời Phật dạy, dành thời gian để quán niệm về hơi thở và cuối cùng Ngài đã tự tại, giải thoát, rời khỏi mọi sự ràng buộc của thế gian và đến trước Đức Phật, đầu lễ sát dưới chân Phật và bạch rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn, “Con việc sanh đã hết, những phạm hạnh đã lập, việc nào cần làm con đã làm xong và con biết chắc một điều là kiếp sau con không còn tái sanh nữa”.

Đức Phật khen tặng công hạnh của Ngài A Nan và báo cho các vị Tỳ Kheo khác biết rằng: Đây chính thật là một vị đã rõ biết con đường sanh tử.

Hầu hết các vị A La Hán đều chứng quả như vậy. Các Ngài chứng Thánh quả nầy khi còn sanh tiền chứ không phải khi các Ngài nhập diệt. Chứng là chứng cái gì? Đó là hiểu rõ tận gốc của sanh tử bì lao, không còn bị sanh tử chi phối nữa. Người chứng quả sẽ làm chủ sự sống và sự chết, còn người chưa chứng quả, chính sự sống chết làm chủ mình. Cái khác nhau giữa Thánh nhân và phàm phu là vậy. Người phàm chỉ có chấp tướng và chấp ngã, nên mới bị sanh tử chi phối, còn chư vị Thánh nhân đã rõ biết đường đi lối về, cho nên các bậc A La Hán, các vị Bồ Tát hay chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều là những người không bị cái chết nó sai xử.

Để kết luận bài nầy, tôi xin nói ngay rằng: Nếu Qúy Vị có dịp đọc các Tạng Nam Truyền bằng tiếng Pali hay đã được dịch ra Hán Văn rồi Việt Ngữ hay Nhật ngữ v.v… các kết luận đều như vậy. Nghĩa là 100 vị Tỳ Kheo, 50 vị Tỳ Kheo Ni khi Phật còn tại thế đã chứng được Thánh quả nầy. Nghĩa là các vị ấy sau khi đã quán sát sanh tử luôn nói rằng: “Ta việc sanh đã hết, những phạm hạnh đã lập, những việc nào cần làm, ta đã làm xong và ta biết chắc một điều là kiếp sau ta không còn tái sanh nữa”.

 

Riêng 40 vị Cư sĩ nam và 30 vị Cư sĩ nữ chỉ chứng ba quả đầu của tứ Thánh quả khi Đức Phật còn tại thế, nên đã chưa nói ra được sự rõ biết của con đường sanh tử nầy, vì ái dục vẫn còn thì sanh tử vẫn còn hiện hữu và ngay cả con đường của Đại Thừa Bồ Tát cũng như vậy. Nghĩa là người Cư sĩ có thể giải thoát sanh tử được, nhưng chưa có thể vào ngôi vị của A La Hán hay Phật quả. Vì ái nghiệp vẫn còn. Xin nguyện cầu cho tất cả chúng ta sớm xa lìa lưới ái, để có được sự tự chủ trong vấn đề sanh tử của mình.

 

Viết xong ngày 12 tháng 2 năm 2015  tại Tu Viện Viên Đức vào một sáng mùa Đông khi bên ngoài tuyết vẫn còn rơi.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage