Đức Phật dạy rằng :“Có 4 hạng người, hạng thứ nhất, những người trong bóng tối đi ra ánh sáng; hạng thứ hai, những người trong bóng tối đi vào bóng tối; hạng thứ ba, những người trong ánh sáng đi vào bóng tối; hạng thứ tư, những người trong ánh sáng đi ra ánh sáng” .Những kẻ mê tín là những hạng người đã và đang đi vào bóng tối, bóng tối của vô minh, của tham lam, của sân hận .
Niềm tin vào nhân quả báo ứng đã bị thui chột ngay trong đời sống hàng ngày này, những kẻ muốn làm giàu nhanh chóng, bất kể đạo đức nhân quả, người thì bán thách, cân non, kẻ thì làm ra “rau siêu tăng trưởng”, “rau giả bio” , “lợn siêu nạc”, “nước tương MCP3” , …. Phân bón giả …còn nữa, còn nữa, như nước giải khát chỉ là nước đường hoà tan với hoá hương liệu …nào là thịt hôi thúi tẩy hoá chất giả làm thịt tươi, hải sản ướp urea… không sao kể xiết ! . Nếu không quen, thì bị mất tiền hay mất cả mạng do tiêu thụ hàng đôc hại .
Biểu lộ rõ nét nhất, là khi mua bất kỳ vật dụng gì, ai cũng dọ hỏi chỗ nào là chỗ “uy tín” ? Và những bà nội trợ khi đi chợ hàng ngày, đều ghé nơi quen để mua, nếu không đi siêu thị . Niềm tin chân chánh đã bị xói mòn, nên lòng tham trở nên vô độ, mỗi khi lễ tết, vật giá cứ tăng chóng mặt. Vì sao sự giả dối, tham lam nhiều đến như thế !
Niềm tin chân chánh đã bị đui mù, khi những phòng Đông y quảng cáo hoang đường tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng , họ chỉ biết lấy tiền bệnh nhân, còn sinh mệnh con người ra sao, thì mặc !
Họ không biết rằng, lấy của không cho – dù bất cứ dưới hình thức nào – cũng là hành vi trộm cắp . Họ cũng không biết rằng làm hại sinh mệnh con người – dù dưới khía cạnh hợp pháp nào đó – cũng là hành vi Tham ác . Họ không biết rằng, quảng cáo không trung thực, cũng là hành vi nói lời thêu dệt, nói dối, nói hai lưỡi .
Niềm tin bị thui chột đã làm con người tự hạ thấp phẩm giá của chính họ . Những kẻ có tiền của, với ánh mắt, gương mặt khẩn cầu của kẻ mê tín đang quì mọp , lạy lấy lạy để, để cầu mong phước lộc thọ. Hãy nhìn thái độ thấp kém của những kẻ đang nhét tiền vào tay các Bồ tát, La hán, Phật ; hãy nhìn những kẻ hèn kém khi sờ vuốt tượng Bồ tát, La hán, Phật, rồi vuốt mặt, vuốt đầu, vuốt mình, có kẻ lấy tà áo khoác tượng lau đầu, mặt… ý thức hối lộ, vụ lợi, mua bán vẫn hiện diện nơi chốn tôn nghiêm .
Niềm tin trở thành điên đảo, khi có những người tin vào số mệnh tất định của Tử Vi, Bát Trạch, Phong Thuỷ . Họ coi ngày lành tháng tốt cho mọi thứ, từ ma chay cưới gã, thậm chí đến ….xây WC !.
Nhưng ý thức lừa đảo , tâm lý lừa đảo, dối trá vẫn hiện diện trong việc coi ngày tháng này, hết thảy những ông thầy đều khuyên gia chủ rằng, làm “lấy ngày” để sau này làm tiếp, họ khuyên gia chủ rước dâu cửa sau, chàng rễ không thắp nến (lên đèn) trong lễ gia tiên, khi 2 tuổi không hạp, …… Những sự lừa đảo, dối trá thần thánh, tổ tiên, ông bà ấy, suy cho cùng, là để đạt đươc mục đích của họ : ông thầy được tiền hay được khen là hay ; gia chủ đạt được theo sở cầu !!! Nhưng họ có biết đâu, hành vi lừa đảo ấy lại là biểu hiện của một ý thức lừa đảo . Ghê thay những ông thầy, ông ta đã dạy con người lừa đảo cả thần thánh, tổ tiên dưới từ ngữ hoa mỹ “kiêng” hay “tránh”!!! Nếu chư vị tổ tiên còn hiện hữu trong cõi vô hình, thì tổ tiên nào mà trách phạt con cháu ? tổ tiên nào mà không yêu thương con cháu ?? . Ghê thay những ông thầy, ông ta cho rằng chư vị tổ tiên là bạc ác, bất nhân !
Có những kẻ mê muội còn coi hướng để xây nhà, đặt cửa, từ nhà bếp, ông táo đến mồ mã, cho đến giường ngủ và cả đến … phòng làm việc . Họ thiết kế sân trước sau, hai bên, … cho đến bàn thờ tổ tiên. Thực là ….con cháu đặt đâu, tổ tiên ngồi đó !!!
Tận sâu trong đáy vô thức, những kẻ mê tín luôn mang một nỗi sợ hãi không tên từ tận đáy sâu vô thức…….. nỗi sợ hãi ấy xuất phát từ lòng tham vô hạn của họ . Tất cả họ, ai cũng biết :“không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” .Nhưng lòng tham đã làm họ quên đi, họ muốn mọi việc luôn vững bền, không những ba đời, mà còn vô số đời sau :“Hy sinh đời bố, củng cố đời con” .
Phật nói:“Thế gian bày ra có lịch số tính toán, là từ trước kia, bỡi ông Nhân-Vương Bồ-Tát, có tâm từ bi quảng đại, thương xót người đời, cũng như cha-mẹ thương xót con thơ, mới giáng sanh xuống trần làm vị nhân chúa, làm cha mẹ nhân dân. Từ đó mới thuận theo tánh của người đời mà dạy bày phong tục, làm ra lịch số, coi ngày coi giờ, coi niên vãng vận hạn địa lý, ban truyền trong thiên hạ, cho biết bốn-mùa tám-tiết mà dùng, biên ra có chữ trực bình, trực mãn, trực thành, trực thâu, trực khai, trực trừ, có văn chấp, nguy, phá, sát.
Ðó là xét chơn-lý mà dùng,những người ám độn kia, lại mê chấp y theo văn-tự đó mà tin dùng, ắt không khỏi bị việc hung-họa. Chẳng những vậy thôi, lại còn rước bọn tà-sư về nhà an-phù trấn trạch, nói luận lăng-xăng, lên đồng nhập cốt, cầu khẩn tà-thần, bái xá cúng lạy loài ngạ-quỷ. Làm như thế thì gây thêm đường tội lỗi, sự lo phiền khổ não lại tự mình chịu. Những người như vậy, chẳng những gây họa lụy cho mình, lại còn mắc tội phản nghịch chánh lý của thiên-địa. Vả lại người đời chẳng chịu làm lành tu phước y theo chánh-giáo sửa mình, lại đi rước thầy ếm đối, cúng tế tà thần v.v... mà cầu cho mình tiêu tai khỏi họa ấy.Thí như bỏ ánh sáng của nhật nguyệt mà chun vào chỗ tối tăm, trái bỏ đường chính đạo, lại đi lầm đường tà giáo, những hạng người đó, rất đỗi là ngược ngạo . (kinh Thiên Đia Bát Dương)
Qui luật nhân quả không chừa một ai, kể cả những người nấp sau lưng tượng Phật, những người chui vào gầm Phật điện :“Dù có cao bay xa chạy lên trời hay xuống tận địa ngục, thì Nghiệp báo vẫn theo sau, như cái xe đi theo vết chân con bò” .
“Này Sariputa, lúc các Đức Phật ra đời nhằm vào thời kỳ dữ dội, đó là lúc thế gian đủ cả năm thứ vẫn đục (ngũ trược ác thế) . Đó là : 1) Kỷ nguyên vẫn đục (kiếp trược) ; 2) Tâm thức vẫn đục (phiền não trược) ; 3) Con người vẫn đục (chúng sinh trược) ; 4) Nhận thức vẫn đục (Kiến trược) ; 5) Mạng sống vẫn đục (Mạng trược). Như vậy, Sariputa, trong kỷ nguyên vẫn đục rối loạn, chúng sinh nhơ bẩn sâu dầy (cấu trọng), bủn xỉn, tham lam (xan tham), đố kỵ ganh ghét nhau (tật đố) , thành tựu nhiều bất thiện căn……” Kinh Pháp Hoa .
Do sự dẫn dắt của niềm tin mê muội, nhiều người đã phạm phải 10 nghiệp ác, mà sự báo ứng tất yếu sẽ phải đến – vấn đề là thời gian – nếu không đời này, thì ắt phải đời sau, hoặc đời sau nữa .
Hãy thắp sáng niềm Chánh tín rằng, gieo hành vi (nghiệp) sẽ gặt thói quen (quả) ; gieo thói quen (nhân) sẽ gặt tính cách (quả) ; gieo tính cách (nhân) sẽ gặt số phận (quả) .
Đức Phật đã từng dạy :“Này Sariputa, không nên nói nữa, vì sao ? Vì Phật đã thành tựu được pháp khó hiểu hy hữu đệ nhất, chỉ có Phật với Phật mới rõ thấu cùng tột tướng chân thật của mọi hiện tượng, sự vật . Đó là :Tướng như vậy, Tánh như vậy, Thể như vậy, Lực như vậy, Tác động như vậy, Nguyên nhân như vậy, Động lực và điều kiện như vậy, Kết Quả như vậy và Hậu Báo như vậy” –Pháp Hoa 10 như thị .
Số phận hay định mệnh của chính con người chính là bắt nguồn từ hành vi ngay trong thường ngày, từ trong tư tưởng và lời nói ngay trong ngày thường . Do đó, muốn có một số phận, một định mệnh đầy đủ Phước Báu , Đạo Đức, Tài lộc , và Thọ mạng, thì thay vì làm những điều xấu xa, làm những điều bất thiện, những điều mê tín, xin mọi người hãy thắp sáng niềm Chánh Tín để làm theo lời Phật dạy :
Về thân nghiệp : không sát-sanh, không trộm cắp, không tà hạnh.
Về ngữ nghiệp : không nói dối,không nói hai lưỡi,không nói ác khẩu,không nói thêu dệt.
Về ý nghiệp : không tham lam, không sân hận, không ngu si tà kiến.
( Kinh Thập Thiện Nghiệp)
Với 10 nghiệp lành, thì hạnh phúc, an bình và phước báu sẽ đến cho mọi người, đời này, đời sau, đời sau nữa, vì Chánh Tín là lẽ sống vĩnh cữu , còn Tà tín chỉ một đời . Hãy tin rằng, đây là niềm tin chân chánh và không có niềm tin nào khác có thể mang lại hạnh phúc, ấm no, phước báu, cho dù những điều ấy có thể đến trong tương lai xa hay gần đi nữa . Bởi vì trong thời ác thế ngũ trược, có những người sống bằng Chánh Tín có thể thua thiệt những kẻ tà tín, nhưng, hãy nghĩ suy lại, sự thua thiệt chỉ là về lòng tham, sân hận, si mê, dù cho sự tham lam, sân hận, si mê ấy được bao bọc bằng sự xa hoa, giàu có do của cải của bóng tối, của những người đi trong tăm tối . Hãy trầm tĩnh và sáng suốt để đừng đi theo con đường tối tăm đó, con đường vô minh . Hãy đi vào ánh sáng, để cho ánh sáng trí tuệ và đạo đức sáng mãi trong lòng ta .“Trí tuệ và Đạo Đức là những gì không ai có thể cho ai được, không ai có thể xin ai được, và không gì có thể cướp đi được . Trí tuệ và Đạo Đức đơn giản chỉ là sự tự rèn luyện khó khăn trong kiên nhẫn lâu dài mà có, và một khi đã có, thì không bao giờ mất đi”.