Phật Học Online

Nhất Niệm Vô Minh Tức Đoạ Luân Hồi
Hòa Thượng Tuyên Hó

Người trên thế gian đều ở trong cảnh sống mê chết mộng, không có lúc nào tỉnh ngộ để tìm ra lối thoát khỏi luân hồi. Từ thời vô thủy đến nay, chúng sanh bị vô minh đưa đẩy, đi trong sáu nẻo luân hồi, sống rồi chết, chết rồi sống, quẩn quanh lên xuống không có hạn kỳ.

Banh-Xe-Luan-Hoi-a.jpg

Bánh xe luân hồi

Cuộc đời như một vở tuồng. Trong tuồng, khi thì đóng vai vua, vui thú với vinh hoa, phú quý; khi thì đóng vai ăn mày, chịu đủ thứ khổ nạn. Khi làm hoàng đế thì không biết cái lúc khổ làm thân ăn mày; làm ăn mày không biết cái vui khi làm vua. Những cảnh bi hoan ly hợp thoáng qua như trong nháy mắt, chẳng khác gì một giấc mơ xuân.

Nghiệp chướng của mình, tăng nhiều hay ít? Không hay biết. Đức hạnh của mình gieo trồng được bao nhiêu? Không hay biết. Không hay biết tức là vô minh, vô minh là gốc rễ của sanh tử. Nếu không vô minh thì đâu có còn bị khổ trong cảnh luân hồi. Mục đích của chúng ta tu đạo là phá vô minh, chuyển thức thành trí, chuyển thức A Lại Da thành trí Đại Viên Kính.

Người có vô minh của người, thú vật có vô minh của thú vật, cho đến quỷ đói, chúng sanh địa ngục, mỗi loài đều có vô minh riêng. Trong chỗ vô minh, các chúng sanh tìm lối ra (ra khỏi tam giới), nhưng càng tìm càng hồ đồ, tìm không ra lối, vẫn chịu khổ sở trong luân hồi. Tại sao? Bởi vì vọng tâm tác quái, và không biết dùng chân tâm (trí huệ) để kiếm lối ra.

Vô minh tức không có trí huệ. Người không có trí huệ thì bất luận làm việc gì cũng làm trong sự điên đảo, lấy trái cho là phải và ngược lại. Biết rõ điều sai quấy mà vẫn làm, ấy chỉ vì vô minh che lấp khiến ta phải lầm đường. “Chọn đường gai góc mà đi,” thì vĩnh viễn không kiếm ra đường chánh.

Kẻ học Phật pháp, cần phải phá vô minh này, cho pháp tánh hiển lộ. Bởi có vô minh, nên vui vẻ mà làm chuyện hồ đồ. Có các loại tà tri tà kiến này nên tâm tự tư, ích kỷ mới nổi lên tác quái, mất hết cả sự công bằng và vô tư. Từ đó, mỗi kiếp sanh ra là mỗi lần đi xuống, cho đến tận cùng là kiếp súc sanh, hoặc làm thân con kiến, hoặc làm thân con muỗi, lúc đó chỉ còn chút xíu tri giác mà thôi. Vậy mà vẫn tham, tham không biết chán, vẫn hành động trong hồ đồ. Quý vị coi! Các loại động vật đều có tánh cả. Các chúng sanh vốn sẵn có Phật tánh, nhưng không hoàn toàn, ấy bởi lý do “tánh hóa linh tàn,” cho nên chúng ngu si, thường xuyên sống trong vô minh.

Con người tuy gọi là vạn vật chi linh, có trí huệ, nhưng lại tạo ra nghiệp ác, cũng vì lý do vô minh che khuất trí huệ, nên mới lấy vọng tâm mà hành động. Có câu kệ tụng nói về tác dụng của cái “tâm”, nay tôi lược giải ra như sau:

            Tam điểm như tinh bố,
            Loan câu tự nguyệt nha,
            Phi mao tòng thử khởi,
            Tác Phật dã do tha.

Dịch nghĩa:
            Ba chấm như sao bầy,
            Móc cong như trăng mới,
            Mang lông từ đây ra,
            Thành Phật cũng từ đấy.

Tam điểm như tinh bố: Trên đầu của chữ “tâm” là ba chấm, giống như mấy ngôi sao trên trời xếp thành một hàng.
Loan câu tự nguyệt nha: Ở dưới chữ “tâm” là một cái móc cong, giống như vầng trăng mới vào các ngày mồng ba hay mồng bốn âm lịch, nằm cong cong trên bầu trời.

Phi mao tòng thử khởi: Phi mao, đái giác, là mang lông đội sừng, chỉ các loài súc sanh. Tất cả đều do ảnh hưởng tâm lý mà tạo thành. Làm thân chó, thì có quả báo của loài chó, làm nhân mèo có quả báo của mèo, cho đến thân ngựa, trâu, dê, rồi gà, vịt, ngỗng cũng như vậy.

Tác Phật dã do tha: Thành Phật, làm Tổ sư, cũng do tâm mà nên, cho nên nói “Nhất thiết do tâm tạo.” Chịu khổ ở địa ngục, hưởng phước ở thiên đàng, tất cả đều từ cái niệm trong tâm mà tạo ra cả.

Nếu khởi lên một niệm thiện, thần cát tường sẽ hộ trì ta. Khởi lên niệm ác tức thì hung thần ác quỷ cũng sẽ bám sát ta. Người xưa nói: “Một lần lỡ bước hận thiên thu,” cũng như nói: “Một niệm sai là thiên cổ hận.” Thiện hay ác chỉ cách nhau một niệm. Nghĩ thiện thì đi lên, nghĩ ác sẽ đi xuống. Tâm người như hạt bụi, bay lơ lửng trong không, bỗng chốc lên thiên đường, bỗng chốc xuống địa ngục, bỗng chốc là thú vật, bỗng chốc là quỷ đói, chẳng bao giờ ngưng tạo nghiệp rồi chịu quả, chịu quả rồi tạo nghiệp, cứ vậy mà tuần hoàn luân chuyển.

Tới khi nào thì hiểu được “Biển khổ vô bờ, quay đầu là bến?” Biết được biển nghiệp là mênh mông, không bờ không bến, mau quay đầu lại thì đến được bến bờ. Học Phật pháp là học điều này, ngoài ra chẳng có điều gì huyền diệu cả. Nói giản dị hơn, phá bỏ các tập khí, phá bỏ tâm tự tư, tự lợi, sống không tranh, không tham, không cầu, tức là nắm được yếu nghĩa của Phật pháp.

Ngày ngày nghe pháp, phải hiểu yếu nghĩa của pháp. Đâu là chỗ khẩn yếu nhất của pháp? Chính là các điểm không tranh, không tham, không cầu, không tự tư, không tự lợi, không nói dối. Sáu tiêu chuẩn này chính là mực thước dẫn dắt chúng ta hàng ngày trong mọi hành động. Nếu có gì không đúng với tiêu chuẩn chúng ta biết ngay để sửa đổi. Sửa làm sao để không còn sai nữa thì toàn là công đức, lúc đó mới đúng là tín đồ Phật giáo. Đây cũng là sáu tôn chỉ của Vạn Phật Thánh Thành, hy vọng mọi người chúng ta đều tuân theo, mọi người đều giác ngộ, mọi người đều thành Phật.

Cuộc Đời Như Mộng, Như Ảnh
Có một bài kệ tụng, rất hợp đạo lý, nay xin đọc ra để tham khảo:
            Bất cầu đại đạo xuất mê đồ,
            Túng phụ hiền tài khởi trượng phu,
            Bách tuế quang âm thạch hỏa chước,
            Nhất sinh thân tự thủy bào phù,
            Thê tài phao hạ phi quân hữu,
            Tội nghiệt tương hình nan tự khi,
            Thí vấn đôi kim đẳng sơn nhạc,
            Vô thường mãi đắc bất lai hồ.

Bất cầu đại đạo xuất mê đồ (Chẳng cầu đại đạo để ra khỏi đường mê): Cuộc đời của chúng ta như mộng ảo, như bọt nước, như làn sương, như điện chớp, phải quán nó là như vậy. Mạng sống con người là vô thường, sự nghiệp vô thường, phú quý vô thường, cho nên “niềm vui là nhân của khổ.” Tất cả khoái lạc trong thế giới này cũng đều hàm chứa cái khổ. Muốn lìa khổ để an vui, tất phải lo tu đạo. Tu đạo thì trước hết phải trừ tập khí. Trừ như thế nào? Bên trong thì khắc kỷ phục lễ, bên ngoài thì đoạn dục khử ái, cả hai đàng cùng dụng công, ắt sẽ thành công.

Con người sanh ra bởi sắc dục, chết bởi sắc dục, đó là lẽ thường của thế tục, và thuận theo thế tục thì cứ sống đi chết lại không ngừng. Kẻ xuất gia thì đi ngược lại, có đi ngược mới thành thánh, nên cái gì hay với thế gian thì lại không hay với người xuất gia; người thế gian tham, chúng ta không tham; cái gì người thế gian yêu thích, chúng ta không yêu thích; cái gì người thế gian mê, chúng ta không mê. Muốn cầu đại đạo ắt phải ra khỏi đường mê.

Thế nào là đường mê? Chính vì vô minh tác quái nên bất cứ đi hướng nào cũng là hồ đồ, rút cuộc chẳng biết làm sao. Mê cũng là nghĩa mất phương hướng, con đường phải đi lại không nhận ra, mà đi lạc vào chỗ khác. Phải biết rằng chẳng cầu đạo thì chẳng ra khỏi đường mê. Muốn ra khỏi đường mê tất phải tu đạo.

Tu đạo cần phải có thiện tri thức chỉ điểm cho sáng mắt. Thiện tri thức biết cách thức dạy ta tu sao cho được dứt đường sanh tử, giúp ta không trở lại với cảnh luân hồi. Cái thấy và cái biết của thiện tri thức là chính xác, trong đó không có chút nào gọi là tà tri tà kiến.

Túng phụ hiền tài khởi trượng phu? (Để phụ cái tài trí thì đâu phải trượng phu?): Nếu chúng ta không cầu đạo, không ra khỏi đường mê, ắt là ta phụ cái hiền tài của ta, hiền tài cũng là cái trí huệ đức tướng của ta. Phật đã từng nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai.” Nếu quả chúng ta không tu hành, ắt ta chẳng thành tựu được gì. Như vậy chúng ta đã cô phụ cái trí hiền tài, tức đâu còn là kẻ trượng phu nữa?

Bách tuế quang âm thạch hỏa chước (Quang âm của trăm năm qua đi như lửa lóe ra – từ đá đánh lửa): Tỷ dụ có thể sống tới trăm năm thì ngày tháng cũng qua nhanh như tia lửa chớp, trong thoáng qua đã tắt.
Nhất sinh thân tự thủy bào phù (Một đời, thân xác giống như bọt nước): Từ lúc sanh ra cho đến lúc chết, gọi là một đời người. Thân thể này giống như một cái bọt trên mặt nước, nổi trôi bồng bềnh, thật là hư vọng chẳng có gì là thực chất, chỉ trong một sát na đã thấy nó biến mất. Vậy thì lưu luyến nó làm gì? Hà tất chấp trước vào nó?

Thê tài phao hạ phi quân hữu (Tài sản và vợ bỏ lại, anh chẳng có gì): Tới khi lâm chung, dù anh có bao nhiêu tiền cũng không đổi được cái chết. Hết thảy nào vàng bạc, châu báu, anh đều bỏ lại, một đồng cũng không mang đi. Lúc đó, vợ và tài sản đều không còn là của anh, anh chỉ còn hai tay buông xuôi về chầu Diêm Vương.

Tội nghiệt tương hình nan tự khi (Tội vạ đi theo như hình, không thể tự dối): Bất cứ loại nghiệp nào, sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu, đều theo ta như hình với bóng, như câu nói: “Mọi thứ mang chẳng được, chỉ có nghiệp tùy thân.” Nghiệp tội thì không thể dối gạt được, bởi chính ta tạo ra thì nhất định ta phải lãnh quả báo, chẳng ai có thể thay ta lãnh giùm.

Thí vấn đôi kim đẳng sơn nhạc (Thử hỏi vàng chất lên thành núi): Chất đầy vàng bạc, cao như núi, thành vua kim tiền, giầu bậc nhất thiên hạ, thử hỏi khi chết những thứ đó có ích gì? Để lại cho con cháu, thì con cháu nào hay, chúng chẳng cần tới, con cháu nào xấu thì lấy tiền tạo nghiệp xấu, còn nặng tội hơn.

Vô thường mãi đắc bất lai hồ (Liệu có mua được luật vô thường chăng?): Tuy vàng bạc chất lên cao bằng núi, nhưng liệu chúng ta có mua nổi Quỷ Vô Thường không? Không thể mua được. Quỷ Vô Thường rất là công bình, không thiên lệch, không nói chuyện ân tình, cũng không nhận quà cáp.

Cảnh ngộ của người ta tại thế gian là như vậy. Chúng ta là người xuất gia, chính là vượt qua thói tục, không chịu để thói tục giam hãm. Nay lại không tu hành nghiêm chỉnh thì còn chờ tới lúc nào nữa? Phải nhớ rằng mục tiêu của kẻ xuất gia là dứt đường sanh tử, vượt qua luân hồi, chớ không thể sống như thế tục. Quý vị! “Tướng quân bất hạ mã, các tự bôn tiền trình,” quý vị hãy ráng sức tu hành!


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage