Trong Kinh Mi Tiên Vấn Đáp chép, có lần, Na Tiên Tỳ Kheo đến cầu pháp một vị thầy rất giỏi. Một hôm, vị thầy cùng Na Tiên Tỳ Kheo đi trong cánh rừng, cùng đàm đạo, bỗng thấy một người chăn bò cùng với đàn bò đi ngang qua. Vị thầy hỏi Na Tiên Tỳ Kheo:
- “Con có biết việc làm của người chăn bò như thế nào không?” .
Na Tiên Tỳ Kheo thưa:
- “Bạch thầy, người chăn bò biết rõ đàn bò của mình có bao nhiêu con, bao nhiêu con bê, bao nhiêu con bò già, bao nhiêu con bò đực, bao nhiêu con bò cái… Anh ta biết cách chăm sóc cho đàn bò mau lớn, mau ra sữa. Thế nhưng, người chăn bò này không hưởng được hương vị của sữa từ đàn bò chính tay anh ta chăn”.
Vị thầy khen Na Tiên nhận xét rất sắc sảo. Na Tiên tiếp rằng:
- “Người làu thông tam tạng kinh điển, nói pháp rất hay, thao thao bất tuyệt như nước chảy. Thế nhưng nếu không hưởng được hương vị của pháp, sống trong pháp và thực hành pháp thì so với người chăn bò kia, cũng chẳng khác gì”.
Vị thầy khen:
- “Con nói rất hay và con cũng đừng là người chăn bò tội nghiệp kia nhé!”.
Nghe vậy, Na Tiên Tỳ Kheo ngộ ra rằng: Lâu nay mình chỉ có học mà chưa hành, chưa thực sự nếm được pháp vị. Sau khi được vị thầy khai thị, Na Tiên Tỳ Kheo quyết chí, dốc lòng tu tập. Ngài có thể thuộc làu 5 bộ Kinh, 5 bộ chú giải chỉ trong 6 tháng. Trong khi đó, 5 bộ kinh rất dày, và 5 bộ chú giải cũng dày tương đương. Không chỉ thế, trong 4 tháng, Ngài học thuộc tạng Luật và Luận. Nhờ thông minh xuất chúng, chẳng bao lâu sau, Ngài đã chứng được quả A La Hán.
Qua câu chuyện người chăn bò, chúng ta thấy rằng, có thể một số Phật tử cũng giống như người chăn bò kia, hiểu biết Phật pháp, nói đúng Phật pháp nhưng chưa thực hành được Phật pháp, cho nên, khổ vẫn hoàn khổ.
Trên thực tế, để hiểu được, nói được Phật pháp cũng là một vấn đề khó khăn. Người hiểu được Phật pháp, mà muốn hiểu đúng, đòi hỏi phải có một quá trình học tập, nghiên cứu, nghe thuyết giảng. Còn để nói cho hay, thuyết phục được người nghe lại đòi hỏi một quá trình rèn luyện lâu dài. Nhiều người học rất giỏi, hiểu rất sâu sắc, nhưng đến khi nói pháp thì nói không thông, khiến người nghe cảm thấy khó hiểu. Tại chùa chúng tôi, hằng tuần, có tổ chức cho các chú mới xuất gia tập sự thuyết giảng. Có nhiều chú học rất giỏi nhưng khi lên nói thì rất lúng túng, nói không trôi chảy. Ngược lại, nhiều chú có khiếu nói rất hay nhưng nội dung lại không sâu sắc.
Do vậy, hiểu và nói được đã là khó, mà thực hành theo đúng lời mình nói ra lại càng khó hơn. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Phật dạy, vấn đề tu học gồm có: Văn, Tư, và Tu. Văn là lắng nghe, nghĩa là phải học tập, nghiên cứu thật sâu sắc những lời Phật dạy. Sau khi nghe, học, tìm hiểu, phải suy nghĩ thật sâu, thật kỹ những lời đó, gọi là Tư. Cuối cùng, mang những điều đã học được ra thực hành, đó là Tu. Nhưng phần lớn chúng ta chỉ dừng lại ở Văn và Tư, còn Tu thì hình như lại thiếu sót.
Giống như một vị giáo thọ dạy các chú tiểu ở chùa. Một hôm thầy giảng giải về tai hại của lòng sân: “Sân hận như lửa dữ, làm hư hoại dung nhan, thiêu đốt cả tâm can, cháy tan rừng công đức. Cái hại của bực tức, gây khổ mình và người, hiện đời không an lạc, thác đọa ba đường ác”. Trong lúc thầy giảng, ở dưới có hai chú tiểu vì tuổi còn nhỏ nên ngồi nói chuyện. Thầy nhắc một lần, chú cũng nghe nhưng lát sau lại quên, ngồi nói chuyện tiếp. Nhắc lần thứ hai, đến lần thứ ba, thì thầy quát tháo, mắng cho, rồi đuổi ra khỏi lớp. Như vậy, chúng ta thấy, thầy giáo thọ đang dạy học trò về sự tai hại của lòng sân, thế mà chính bản thân thầy lại không thực hành được. Lại có một vị pháp sư thuyết pháp rất hay, dạy cho các Phật tử làm thế nào để cuộc sống gia đình được hạnh phúc, an vui. Vị pháp sư này có hai người em, cả ba xuất gia cùng một chùa, thế nhưng ba anh em không ai nói chuyện được với ai. Vậy, cũng như vị giáo thọ kia, vị pháp sư này hướng dẫn cho mọi người phương pháp xây dựng hạnh phúc gia đình, nhưng bản thân lại không thể giúp mình và người thân hòa hợp được với nhau. Đó chính là mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của hai vị thầy này.
Nói thì hay, khuyên người thì được nhưng bản thân lại làm không được. Thế thì, những vị hiểu Phật pháp, nói được Phật pháp, nhưng bản thân chưa thực hành, chưa hưởng được pháp vị thì chẳng khác gì người chăn bò tội nghiệp kia.
Quý Phật tử ai cũng biết và hiểu, thân người là vô thường, giả tạm, có sinh phải có tử, hữu hình tất hữu hoại. Chết không phải là hết, chết chỉ là một sự thay đổi về hình hài, thể chất mà thôi. Cho nên, người Phật tử phải tin sâu nhân quả, tin có đời này - đời sau, tin có luân hồi lục đạo. Người tin nhân quả, luôn muốn tích phước làm thiện. Vì nếu làm những điều thiện, sẽ được hưởng phước đức. Ngược lại, làm điều ác sẽ phải nhận lấy đau khổ trong ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh). Cho nên, trong cuộc sống, nếu ai cũng hiểu Phật pháp, ai cũng tin sâu nhân quả, ai cũng sống đúng lời Phật dạy thì thế gian sẽ an vui, thanh bình.
Dù biết thân người là giả tạm, chết là điều tất nhiên. Thế nhưng, một hôm đi khám bệnh, bác sĩ bảo bị ung thư giai đoạn cuối, khó sống nổi 6 tháng nữa. Người học Phật nếu nghe mà buồn, mà sầu não thì đúng là chúng ta chưa hưởng được pháp vị. Bởi, hằng ngày, người tu hành thường đọc bài kệ “Cầu cho con thác biết ngày. Biết giờ, biết khắc, biết rày tánh linh”. Thế mà giờ, bác sĩ bảo sắp chết thì lại sợ, lại khổ! Người tu sợ nhất là điều mình không biết. Bởi không biết, nên ta mới lo; còn nếu chúng ta biết, sẽ có thể chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc ra đi rồi.
Trước đây, tôi có quen một thầy ở Thiền viện Chơn Đức, dáng người khỏe mạnh, hồng hào. Mới sáng hôm trước, tôi với thầy còn ngồi gần nhau trò chuyện. Vậy mà, sáng hôm sau, tôi rất ngỡ ngàng khi được tin thầy qua đời. Tôi cứ hỏi đi, hỏi lại các đệ tử của thầy: “Có thật không? Có đúng như vậy không?”.
Quả là, khi sinh ra trên cuộc đời, không ai biết trước ngày chúng ta sẽ ra đi. Người xưa có câu: “Sinh hữu hạn, tử vô kỳ”. Nghĩa là, căn cứ vào ngày mang thai của người mẹ, bác sĩ có thể đoán được ngày ta sẽ ra đời, nhưng không ai trong chúng ta biết chính xác lúc nào mình chết. Có người cứ nghĩ rằng, mình còn khoẻ, còn sống lâu nên không lo tu tập, khi vô thường đến trở tay không kịp. Chúng tôi nghĩ rằng, người tu học Phật pháp càng phải thấu rõ được sự vô thường của cuộc đời, mà tinh tấn tu hành. Để khi biết cái chết sắp đến gần, ta vẫn mỉm cười, thanh thản đón nhận như một lẽ tất nhiên của đời người. Chứ không phải “Có bệnh thì vái tứ phương, không bệnh thì nén hương chẳng mất”. Tâm lý chúng ta thường như vậy, chỉ khi gặp tai nạn hay sắp chết mới lo niệm Phật, lo tu hành. Có người khi khuyên niệm Phật, thì họ nói: “Thầy ơi, giờ con còn bận chồng, bận con, bận cháu, bận làm ăn,… không có thời giờ niệm Phật”. Thế nhưng, họ lại có thì giờ để ngủ nghỉ, ăn uống, nói chuyện phiếm, xem tivi v.v… Lẽ ra, chúng ta phải thấy việc gì cần, việc gì không cần. Bởi khi chết chúng ta mang theo được gì? Không gì cả, ngoài phước đức tạo ra nhờ việc tu tập. Vậy nên: “Khuyên niệm Phật hẹn mai hẹn mốt, quỷ sứ đòi khóc một, khóc hai”. Cái chết đến làm sao hẹn được, thậm chí có người mới sinh, có những người còn rất trẻ, cuộc đời còn thênh thang phía trước, vẫn không tránh khỏi vô thường.
Dù là người xuất gia hay người học Phật tại gia đều biết căn bản về giáo lý Tứ Diệu Đế là “khổ”, nguyên nhân của “khổ”, chấm dứt “khổ” và con đường thoát “khổ”. Tất cả những người sinh ra trên cuộc đời này, đều mang theo mình nghiệp quả và thân chịu nhiều thứ khổ. Vậy, do đâu mà chúng ta khổ, do đâu mà ta có thân này? Sau thời gian tu hành, đức Phật đã chứng ngộ và Ngài đã nhận thức được: Khổ là do ái dục. Ái là ưa, dục là muốn. Ham muốn của con người đã có từ vô thỉ, ham muốn đó dẫn chúng ta đến tạo nghiệp, đã tạo nghiệp thì phải trả quả, phải chịu luân hồi trong lục đạo. Người xưa nói rất hay: “Ái bất trọng, bất sinh Ta-bà”, nghĩa là nghiệp ái không nặng thì ta không sinh ra trên cuộc đời này. Vậy, chúng ta muốn hết khổ phải đoạn trừ ái dục. Trong kinh Pháp cú có dạy: “Người nào hàng phục được ái dục, thì sầu khổ sẽ rụng tàn như giọt nước rơi trên lá sen”. Đối với người xuất gia, nhất là những vị còn trẻ, được dạy rất kỹ về bài học Tứ Diệu Đế và được cảnh giác sự ô nhiễm sắc dục dẫn đến sa đọa, bởi nếu phạm vào sắc dục thì xem như không còn đủ tư cách để làm người tu sĩ. Trên thực tế, có nhiều vị xuất gia trẻ, học rất giỏi, nói pháp rất hay nhưng thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe mấy vị này hoàn tục. Những vị xuất gia này, họ biết rằng ái dục là gốc của đau khổ nhưng lại không tự làm chủ được.
Cũng vậy, thông thường chúng ta sau khi quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới trở thành Phật tử. Trên thực tế, có bao nhiêu người, giữ được trọn vẹn năm giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Người nào giữ được trọn vẹn cả năm giới này mới thật sự sống trong pháp và hưởng được pháp vị.
Có người nói rằng: “Tại sao những vị tu theo pháp môn Tịnh Độ lại niệm Phật để cầu vãng sinh về thế giới của đức Phật A Di Đà? Tại sao chúng ta lại không biến thế gian này thành Tịnh Độ, mà phải về thế giới Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà làm gì?”. Đây là những câu hỏi rất hay, rất lý tưởng. Thế nhưng, quý vị có biết Tịnh Độ là thế giới như thế nào không? Tịnh nghĩa là trong sạch, độ là cõi. Tịnh Độ là cõi trong sạch. Thế giới của chúng ta là thế giới Ta Bà ô nhiễm, là thế giới uế trược, nhìn ra ngoài biết bao nhiêu cảnh sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu… Chúng ta thử tính, giả sử có 5 tỷ người trên trái đất, nếu muốn biến thế giới này thành Tịnh Độ, ít nhất chúng ta phải khuyên được hơn 4 tỷ người không tham, không sân, không si và giữ gìn được 5 giới. Nhưng đó là một việc không thể, vì khuyên 1 triệu người (trên 5 tỷ người) giữ được 5 giới cũng là khó rồi.
Đức Phật dạy, có rất nhiều cảnh giới: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A Tu La, người, trời. Người tu theo nhân nào thì sẽ về cảnh giới đó. Thế giới của chư Phật là thế giới của những người thanh tịnh, chúng ta muốn về thế giới thanh tịnh phải gắng tu tập nhân thanh tịnh.
Qua đây, tôi mong rằng quý Phật tử làm thế nào để “tri hành hợp nhất”. Có nghĩa là biết để thực hành, chứ biết để nói thì cái lợi ích đó chưa được bao nhiêu. Người tu học Phật pháp phải đem những lời Phật dạy áp dụng vào cuộc sống. Chúng ta phải nhớ rằng, Văn là nghe, Tư là suy nghĩ, sau đó Tu là thực hành. Áp dụng Văn, Tư, Tu trong việc tu tập thì sẽ có được lợi ích ở hiện tại và tương lai.
Nam mô A-di-đà Phật