Phật Học Online

Tập đế trong ăn uống
Chân Hiền Tâm


Một câu chuyện thời quá khứ

Sutasoma và Brahmadatta(1) là hai vương tử của nước Câu-lâu và Ba-la-nại. Lệ là trước khi thành quốc vương đều được gởi đến một vị danh sư để học pháp. Suta, chẳng bao lâu đạt đến tài năng giảng dạy, nhưng lại không muốn thăm hỏi các bạn khác nhiều mà chỉ chú ý đến Brahma, và trở thành thầy riêng của Brahma. Suta tiên đoán đại nạn sẽ xảy đến với Brahma trong tương lai, nên trước khi chia tay, Suta dặn dò:

- Sau khi chứng tỏ tài học của mình trước phụ vương, các vị sẽ ổn định đời sống của riêng mình. Khi ổn định xong, xin nhớ tuân lời giáo huấn của ta.

- Thưa Tôn sư, đó là lời giáo huấn gì?

- Vào những ngày trăng non và trăng tròn phải giữ giới Bồ-tát và không được sát sinh.

Các vương tử đều đồng ý tuân lời dặn ấy.

Vua Brahma chưa bao giờ ăn cơm mà không có thịt, vì thế để giữ ngày trai giới, quần hầu thường lấy thịt cất riêng một nơi. Do người đầu bếp bất cẩn, bầy chó của hoàng cung ăn hết. Sau đó, người đầu bếp không thể tìm ra thịt, nên phải lấy đỡ miếng thịt đùi của một người vừa chết, nướng thật chín và dọn lên làm thức ăn.

Khi lát thịt vừa chạm vào đầu lưỡi, toàn thân của Brahma rúng động. Đó là do tiền kiếp, vua đã từng là quỷ Dạ-xoa ăn thịt người. Ăn thịt người đã thành tập nghiệp ẩn sâu trong tiềm thức của Brahma. Giờ đủ duyên, tập ấy bùng phát. Vua quên hết những gì đã được học, mê mải theo món thịt người, quên luôn lời dặn của Suta là không được sát sinh.

Vua ra lệnh cho đầu bếp bỏ hết tất cả các loại thịt khác, chỉ làm một món thịt người nướng. Ban đầu, là thịt của hàng tù nhân. Sau thịt tù nhân không đủ cung cấp, vua và đầu bếp lập kế tìm đến thịt dân lành. Việc xảy ra liên tục, khiến dân chúng rúng động và cầu cứu lên tướng quân Kalahatthi. Sau nhiều tuần theo dõi, đầu bếp của vua bị bắt.

Tướng quân biết việc vua ăn thịt người, ông ra sức khuyên nhủ nhưng vua nhất quyết không nghe. Vua bị tước vương quyền và đày ra sống ở bìa rừng. Theo sở nguyện, Brahma được giữ một thanh kiếm bên mình và ra đi cùng tên đầu bếp.

Sống trong rừng, ông tiếp tục gây nghiệp để tìm thức ăn cho mình. Khi người trong rừng hết, ông giết tên đầu bếp…

Câu chuyện còn dài nhưng chỉ ghi lại phần này vì nó liên quan đến những gì cần nói. Tướng quân Kalahatthi là tiền thân của ngài Xá Lợi Phất. Sutasoma là tiền thân của Đức Phật. Sau này Sutasoma chính là người cảm hóa vua Brahma.

Tập, là thứ đáng sợ

Brahma trở thành như thế là do đã huân tập thói quen ăn thịt người khi còn làm quỷ Dạ-xoa.

Tập, là sự tích tụ. Một chi phần của Tứ diệu đế. Thứ gì tích tụ nhiều sẽ có lực dẫn mình lao theo nó như con thiêu thân lao vào ánh đèn dù chỉ để chết. Nghiện hay thói quen là một dạng của tập. Nó là căn nguyên khiến chúng sinh rơi vào đường khổ. Cũng khiến chúng sinh không được giải thoát và Niết-bàn.

Không chỉ có vua Brahma bị cái tập ăn thịt dẫn phát mà cả thánh Ananda, do nhiều đời làm vợ chồng với Ma-đăng-già, nên khi khất thực ngang qua nhà nàng, đã “bị Ma-đăng-già dùng thần chú Ta-tỳ-ca-la Tiên Phạm Thiên bắt vào phòng riêng, kề cận, vuốt ve, khiến Anan sắp mất giới thể”(2).

Trong đời này, ta đã tích tụ rất nhiều thứ như thế. Tình cảm, ái dục, ngủ nghỉ, ăn uống, tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… không thể kể xiết. Cũng không hề biết đó là cái nhân của sự trói buộc và khổ đau.

Thói quen hay sự tích tụ, bản chất của nó là trói buộc. Khi nhận thức trói buộc không phải là một trạng thái hạnh phúc, ta muốn giải thoát. Vì thói quen là nhân đưa đến trói buộc nên muốn giải thoát, chỉ có cách là phải phá bỏ thói quen. Vì thế dừng bỏ được những thói quen của mình, chính là tu. Đó là cách tu thẳng tắt nhất trong các cách tu. Vì thẳng tắt quá nên khó làm. Thành phải mượn sự huân tập các thiện nghiệp như tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền v.v… để có lực dừng đi các tập nghiệp xấu. Những cái tập mà hiện giờ, có thể ta thấy bình thường, nhưng về lâu về dài, có khi trở thành cái họa không hay cho mình.

Có lẽ, đó là lý do vì sao đối với Phật tử tại gia mới đến thiền viện tu học, Hòa thượng Trúc Lâm nói “Không ăn chay vẫn tu được” mà tất cả chư Tăng của Hòa thượng không ai được ăn mặn. Các bậc tôn túc cũng thường ăn chay khuyên người tu tập nên chay lạt dần. Các bộ kinh giảng cho hàng đại Bồ-tát như kinh Lăng-già cũng nhắc đến việc ăn chay. Vì ngoài việc giúp hiển phát lòng từ đối với chúng sinh và hạn chế dần việc tham đắm mùi vị, đó còn là cách giúp chấm dứt cái tập ăn mặn.

Có người cho rằng ăn chay vẫn giết hại sinh vật không khác ăn mặn, vì trong rau có các vi sinh vật mà mắt mình không thấy. Nếu nói đến việc đó thì ở đâu cũng có, không phải chỉ trong rau mới có. Trong nước cũng có, trong bò, trong heo còn nhiều hơn nữa. Nếu mang lên bàn cân để coi nặng nhẹ thì bò, chó, heo và lũ vi sinh vật theo chúng vẫn nặng ký hơn nhiều so với một mớ rau cải.

Nói đến mặt tham đắm mùi vị, thức ăn chay dù biến hóa thế nào, cũng không thể có khẩu vị và sự bày biện như thức ăn mặn. Có giả thịt giả cá thì ăn vào nó vẫn bột bột, không thể như cá với thịt, dù mùi vị có tương tợ.

Cho nên ăn chay vì thích hay vì để trị bệnh thì không nói, còn đã có ý thức ăn chay để thấy mình không phải là cái duyên (dù chỉ là gián tiếp) khiến chúng sinh bị sát hại thì đó là một bước ngoặt khá tốt đối với người tu. Song chay mặn gì thì “tập” vẫn là thứ cần phải thanh lọc cho sạch nếu muốn giải thoát.

Sợ nhất là không thấy rõ tâm mình. Bị cái nghiệp ăn mặn trói buộc mà cứ nghĩ là đã tự tại với việc ăn uống. Có người chay được vài tháng, bỗng lăn ra ăn mặn, không vì lợi ích cho ai, chỉ vì nghĩ mình đã tự tại với việc chay mặn. Không biết là đang bị thằng vọng tưởng nhà mình nó gạt, mà gốc là cái tập ăn mặn ẩn sâu trong tiềm thức của mình. 

Thôi thì chay mặn gì cũng được miễn là nhìn cho tường tận về con người của mình là tốt. Nên nhìn các pháp đúng như chính nó. Làm được hay không để đó tính sau. Không nên để cái tưởng của mình thần thánh hóa mình lên rồi đi từ nhầm lẫn này sang nhầm lẫn khác.

Vậy tu là phải ăn chay?

Đây là đề tài khá nóng bỏng đối với giới trên mạng. Người thì cho “Tu hành là phải ăn chay”. Người lại nói “Ăn mặn không hề hấn gì”. Cãi qua cãi lại bất phân thắng bại. Làm sao phân được thắng bại khi lỗi không nằm ở việc chay mặn mà ở chữ “tập”?

Thái hậu, một lần mở tiệc thịnh soạn. Tuệ Trung Thượng Sĩ dự tiệc, gặp cá, gặp thịt cứ ăn. Thái hậu thấy lạ hỏi:

- Anh tu thiền mà ăn cá ăn thịt thì thành Phật sao được?

 Thượng Sĩ cười:

- Phật là Phật, anh là anh. Anh chả cần làm Phật. Phật chả cần làm anh. Thái hậu không nghe người xưa nói: “Văn Thù là Văn Thù. Giải thoát là giải thoát” sao?(3).

Ăn chay không phải là cái nhân thành Phật, dù đó là một trợ duyên khá tốt cho việc tu hành. Muốn thành Phật thì điều kiện tiên quyết phải là định tuệ bình đẳng rồi mới nói tiếp việc khác. Nó liên quan nhiều đến việc thanh lọc tâm, không phải chỉ một việc ăn chay mà thành Phật được. Nếu chỉ ăn chay mà thành Phật thì con bò cũng đã thành Phật từ lâu. Nhưng bò là bò mà Phật là Phật. Thành vấn đề không nằm ở việc chay hay mặn mà là bạn có dính mắc hay bị trói buộc vào đó hay không.

Hòa thượng Tinh Vân khi dùng cơm ở Hội Phật giáo Nhật Bản đã từng phải ăn mặn, dù “nghe mùi tanh nồng nặc xông khắp”. Biết “canh mình dùng toàn bột nêm tôm cá”, ngài vẫn phải dùng. Chỉ vì “Phật pháp dùng từ bi làm nền tảng, lấy phương tiện làm cửa vào để tu đạo và độ chúng. Sự thanh tịnh nội tâm mới là quan trọng”(4). Do muốn tránh cho mọi người sự khó chịu, nên ngài vui vẻ cùng dùng. Trong những duyên khác, ngài vẫn dùng chay.

Dù không phải là giới cấm nhưng nếu thiên hạ dọn lên một bữa chay mà mình nuốt không trôi, hoặc ăn vài tháng đã thấy thèm mặn thì phải hiểu cái tập ăn mặn đang đóng khắp châu thân của mình. Ăn chay mà người sinh bệnh hoặc trở nên yếu cũng là một dạng đang bị cái tập mặn trói buộc. 

Cho nên, vấn đề không nằm ở bữa chay hay bữa mặn mà ở cái tập chay mặn ta đã thanh lọc tới đâu. Nếu thanh lọc sạch thì có thể tùy duyên làm Phật sự, không lệ thuộc vào chay hay mặn. Ăn mặn mà độ được người thì ăn mặn. Ăn chay mà độ được người thì ăn chay. Tùy duyên mà hành xử không dính gì đến chay mặn. Vì tập nghiệp đã trừ. Chay hay mặn như thế không làm cản trở con đường thành Phật của mình. Chỉ thêm trợ duyên cho Bồ-tát đạo.

Hồi tôi mới tới thiền viện, thường được nghe kể về Đại sư TM. Do cái duyên độ sinh ở bãi biển, vùng toàn dân đánh cá, nên ngài ít khi dùng chay. Người ta mời gì ngài ăn nấy. Nhưng cuối đời, lại xếp bằng ngồi hóa mà đi. Mới biết, tuy ăn mặn nhưng ăn mặn không phải là tập của ngài, chỉ vì vấn đề độ sinh mà ngài dùng mặn. Một dạng Đồng sự trong Tứ nhiếp pháp.

Còn đã là “tập”, thì dù là chay, đối với chỗ giải thoát thanh tịnh hay cứu cánh Niết-bàn, vẫn như mạt vàng rơi vào mắt, dù quý cũng gây trở ngại ít nhiều.

Bởi còn tập thì “Trí phân biệt” khi ứng vào sự chưa thể không. Trí phân biệt, là tướng đầu trong lục thô, thuộc chín tướng bất giác nói trong luận Đại thừa khởi tín. “Tập” chính là thứ khiến cho thân tâm mình thành trở ngại đối với các pháp, không thể “vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn”(5). 

Tóm lại, ăn chay hay ăn mặn đều tu được. Ăn chay hay ăn mặn đều giải thoát được. Đương nhiên phải có điều kiện (duyên) đi kèm không thể nói khơi khơi.

Hai chữ tùy duyên

Trong một thế giới mà Duyên khởi là thực lý chi phối tất cả thì khi nói “được” hay “không được”, luôn phải nói kèm với duyên của nó. Không có một giá trị chung chung cho toàn bộ vấn đề. Giá trị của pháp chỉ có khi pháp đó được nói trong một duyên nào đó.

Như ngón áp út chỉ có giá trị ngắn khi so với cái duyên là ngón giữa, có giá trị dài khi so với ngón út. Không có hai duyên đó thì ngón áp út chỉ là ngón áp út, không thể nói là ngắn hay dài. Nói ngắn hay dài là phải nói trong duyên. Duyên nào có giá trị đó. Khi so với ngón giữa mà nói ngón áp út dài thì lỗi.

Chay mặn trong vấn đề tu hành cũng vậy. Được hay không được, đúng hay sai đều phải nói trong duyên, mới hiển được giá trị của nó. Không nắm được mặt Duyên khởi này của pháp mà cứ luận chung chung rồi cãi nhau ì xèo thì muôn đời lục quân, không thấy đâu là mặt trời.

Tùy vào thân tâm của hành giả: Nói “Ăn mặn vẫn tu được” vì tu là trừ bỏ tham, sân, si. Nếu ngay khi tham sân khởi lên, mình có thể nhận biết được chúng, không để chúng phát khởi thành hành động rồi tạo nghiệp, thì ăn chay hay ăn mặn đều tu được. Bởi nó liên quan đến sự tỉnh giác và lực quán chiếu của tâm không phải là miếng ăn.

Hoặc như khi dùng cơm, chúng ta có thể quán thức ăn như Phật đã dạy để không dính mắc, thì chay mặn không thành vấn đề.

Nhưng giả như việc ăn mặn khiến người bạn khi nào cũng nóng bức, việc điều thân điều tâm thành khó khăn - như khi hành thiền, ăn thịt cá vô thấy thân mình nặng trịch, cứ như nhuốm đầy máu của thiên hạ, tâm luôn bất an. Còn ăn chay thấy thân nhẹ nhàng(6), việc điều thân điều tâm trở nên dễ dàng - thì “ăn mặn không tu được”, ăn chay trở thành trợ duyên cần thiết cho việc tu hành.  

Tùy vào mục đích tu hành: Bạn không tu giải thoát mà chỉ tập trung tu phước thì ăn chay không phải là vấn đề nghiêm trọng.

Kinh dạy nhiều về bố thí và giữ gìn năm giới cho Phật tử tại gia(7). Trong đó có giới “không sát sinh” chứ không phải là “không được ăn mặn”. Khá nhiều người nhầm lẫn về chỗ này. Cứ cho không sát sinh là phải ăn chay. Hai việc đó tuy có liên quan với nhau nhưng chúng không phải là một. Nếu bạn ăn thịt cá mà tự tay bạn giết hay bảo người khác giết, tức vì mình mà thiên hạ chết thì việc ăn mặn đó đi liền với sát sinh. Còn nếu ăn mặn mà mua đồ có sẵn ngoài chợ hay đồ đông lạnh trong siêu thị về ăn thì không phải là sát sinh.

Thứ gì dính liền với sát sinh thì cái quả mình phải nhận khi đủ duyên là bệnh tật, tai ương, đoản mạng. Nặng hơn là đọa vào ba đường dữ(8).

Đang sung túc hạnh phúc mà bệnh hoạn ngặt nghèo hay mới ba mươi đã lăn ra chết thì hạnh phúc biến thành bất hạnh. Càng hạnh phúc bất hạnh càng nhiều. Duyên khởi đối đãi nên như vậy. Thành có khi giảm đi môt chút ngon miệng, một chút bổ khỏe mà hạnh phúc tạo ra trong hiện đời và tương lai được trọn vẹn hơn. 

Ngài Liêm Sứ ở Hồng Châu hỏi Mã Tổ: “Uống rượu ăn thịt là nên hay không nên?”.

Mã Tổ trả lời: “Uống rượu ăn thịt là cái lộc của ông, không uống rượu ăn thịt là cái phước của ông(9).

“Không uống rượu ăn thịt là cái phước của ông”. Câu trả lời bao gồm cả hai mặt nhân quả. Không uống rượu ăn thịt là một phước báu, cũng là cái nhân tích phước cho tương lai.

Tôi có người quen. Bà có cái duyên cúng được cho các vị cao tăng và ăn chay rất sớm. Nhưng miệng thì hơi phóng túng. Sự thật thường chỉ nói một phần, còn lại là tự chế sao cho có lợi cho mình. Nói dối coi như có bằng chứng. Đầu xuôi đuôi lọt. Một phần vì cái lợi của mình. Một phần vì thói quen. Lỡ rồi tới luôn.

Quan sát mọi việc xảy ra từ những ngày câu chuyện mới bắt đầu (trong tầm nhìn của tôi) cho đến khi việc nói dối được phá bỏ, tôi chiêm nghiệm được một điều: Ăn chay cũng có cái phước đỡ được ít nhiều tai họa chứ chẳng phải chơi. Không phải là thứ quyết định tất cả, nhưng nó là một trợ duyên, như lỗ thủng trong cái chậu khi chưa thủng.

Nói dối là nghiệp xấu nhưng thiên hạ thích nói dối vì chưa bị quả báo. Bà cũng vậy, chỉ mang lại những kết quả tốt đẹp và lợi lộc nên nói rất mạnh. Có những thứ mình thấy “ai ngu mới tin”, vậy mà vẫn êm xuôi trót lọt. Thiên hạ đổ nước mắt cũng nhiều. Cho đến khi bà không thích ăn chay nữa. Cái chậu nguyên vừa thủng một lỗ nhỏ, nước bắt đầu rỉ ra…

Tôi thấy mọi việc bể lần, không cần ai khai báo. Tai họa cứ dồn tới không kịp trở tay. Hình như chính bà cũng nhận ra điều đó. Chấm dứt liền việc ăn mặn. Cũng không còn nghĩ đến việc nói dối sau khi đã nhận khá nhiều cái quả tệ hại từ nó, đủ để hiểu lý Nhân quả chi phối thế giới này thế nào.

Không ăn thịt có cái phước của nó. Điều đó có nghĩa ăn chay cũng là một phần của việc tu hành. Ai muốn thêm phước thì ăn chay. Không thì cứ ăn mặn.

Tùy vào điều kiện xã hội của từng thời: Xưa Đề-bà-đạt-đa trình với Phật chế luật chay trường cho Tăng Ni. Phật không chấp nhận. Có lẽ do nhiều lý do. Một, ăn chay không phải là cái nhân đưa đến giải thoát. Hai, điều kiện Phật pháp lúc đó đang còn sơ khai và ăn uống đặt nặng ở việc khất thực. Đi khất thực thì thí chủ cúng gì nhận nấy. Nếu lấy chay làm trọng thì bất lợi đối với việc độ sinh.v.v...

Trong điều kiện khất thực như thế, dù dùng mặn cũng không phạm vào ba việc mà Như Lai đã cấm: “Này Jīvaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng là thấy, nghe và nghi vì mình mà giết”(10).

Ngược lại, Phật cũng không đặt ra cái lệ là phải luôn cúng mặn cho Tăng chúng mà không cúng chay, như khá nhiều Phật tử hiện nay đang làm. Cứ nghe đến hai chữ Nam tông là lại bàn nhau cúng mặn. Phật không hề đặt ra cái lệ như thế. Chư Tăng cũng đâu nói có thịt tui mới ăn.

Trong kinh Phật dạy: “Vị Tỳ-kheo ấy không nghĩ “Thật tốt lành thay! Người cư sĩ này (hay con người cư sĩ này) thỉnh ta dùng các món ăn khất thực thượng vị. Mong rằng người cư sĩ này (hay con người cư sĩ này) trong tương lai sẽ thỉnh ta dùng các món khất thực thượng vị như vậy”. Tỳ-kheo ấy không nghĩ như vậy. Vị ấy thọ dụng các món ăn khất thực ấy với tâm không tham trước, không tham đắm, không đam mê, thấy rõ các tai họa, ý thức rõ rệt sự xuất ly”(11). Nếu đã quán tâm như thế trong khi thọ nhận thức ăn thì chay mặn không khác vì “ý thức rõ rệt sự xuất ly”. Chỉ là tự Phật tử mình nghĩ không thông rồi truyền nhau mà… thành lệ. Lệ lâu thành luật. Nhưng luật hoài coi chừng sinh “tập”. Đó không phải là một việc tốt đối với người tu giải thoát.

Ngày nay việc khất thực (ở Việt Nam) đa phần chỉ dành cho mấy vị giả danh. Tăng chúng thường quy tụ và có chỗ nơi nhất định. Điều kiện ăn uống đã khác. Đã có phần tự lo và tự quyết định. Đã tự quyết định thì cần chú trọng hơn đối với tinh thần Phật đã dạy “thấy, nghe và nghi vì mình mà bị giết thì không được ăn”. Dù không thấy, không nghe cũng không nghi mà làm một bài toán liền thấy nếu không có mình, con vật vẫn sống cho đến khi người khác đến mua mới bị giết thì cũng không được dùng, vì đã phạm vào cái gọi là vì mình mà bị giết.

Cho nên, là Phật tử chúng ta cũng cần có trí tuệ đối với việc cúng dường thực phẩm cho Tăng chúng. Cúng chay thì khỏe rồi. Phước mình, phước người. Còn cúng mặn thì nhớ cúng sao cho phù hợp với lời Phật dạy là không vì việc cúng dường mà khiến sinh vật bị giết hại.

Có một số món gần như không bao giờ được cúng. Vì cúng, liền sa vào giới cấm của Như Lai. Đó là những món mà khi mình phát tâm mua, chúng mới bị giết, như cá lóc, cá hồng, nghêu, sò, ốc v.v… Dù không thấy không nghe thì cũng vì cái đơn đặt hàng của mình, chúng mới lên đĩa.

Kinh nói: “Này Jīvaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân...”(12). Có thể việc mình làm không vướng tới năm nguyên nhân, nhưng một hay hai cũng mệt rồi. Cúng dường Tăng chúng là để cầu phước mà lại vướng vào cái phi công đức thì lợi không bằng hại. Thành muốn việc cúng dường được phước báu tốt nhất, Phật tử mình cũng cần coi xem nên cúng cái gì và không nên cúng cái gì để được lợi người lợi mình mà không phụ ân Đức Phật.

Cuối cùng là…

Dù chay hay mặn thì đối với người tu hành là ăn để mà sống không phải sống để mà ăn, ăn để mà tu, không phải tu để mà ăn. Như Phật nói: “Vì cầu pháp mà theo Phật tu hành, không phải vì cầu ẩm thực”(13).

Ăn để sống thì ăn cái gì cũng được, miễn không bệnh, không hoạn, no bụng là vui. Sống mà không phải lệ thuộc vào việc ăn uống nhiều quá là một cái sướng trong đời.

Ăn để mà tu thì dù ngon dù dở, dù chay dù mặn đều phải y những gì Đức Phật đã dạy, mới không bị cái tập ăn uống trói buộc.

Không cần phải thức ăn cao sang, chỉ một hũ cà pháo ngâm tương, nếu không ý thức sự nguy hiểm của “tập”, thì không có nó, có khi chẳng ăn cơm được. Dính mắc như vậy, gặp cận tử nghiệp mà đủ duyên nữa thì thành con dòi bám đó như chơi. Thành là người tu hành, mình nên ý thức ít nhiều về cái tập chay mặn này. Thứ gì có nguy cơ thành “tập” thì gắng mà dừng. Thứ gì đã thành “tập” rồi thì gắng mà bỏ từ từ.

Tổ Trúc Lâm nói: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn mệt ngủ khì”. Không dính mắc thì đói mới ăn liền được. Không thì phải đúng cái món mình thích mới chịu ăn. Khổ hiện tại. Tương lai chắc cũng chẳng vui.

 Chú thích

(1) Tiểu bộ kinh tập IX, Đại sư Sutasoma (Chuyện tiền thân của Đức Phật).

(2) Kinh Thủ Lăng nghiêm trực chỉ, Thiền sư Hàm Thị trực giải, dịch giả Thích Phước Hảo.

(3) Thiền sư Việt Nam, HT.Thích Thanh Từ biên soạn.

­(4) Nghĩa tình trân quý,  HT.Tinh Vân, NS.Hạnh Đoan biên dịch.

(3) Bát-nhã Tâm kinh.

(6) Ăn theo kiểu bình dị.

(7) Được nói nhiều trong các kinh thuộc hệ A-hàm.

(8) Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Trung bộ kinh, HT.Thích Minh Châu dịch.

(9) Giai thoại Thiền, Viên Đức sưu tầm, NXB. Thuận Hóa.

(10) Kinh Trung bộ, kinh Jīvaka, số 55, HT.Thích Minh Châu dịch.

(11) Kinh Trung bộ, kinh Jīvaka, số 55: “Cái gọi là tham, là sân, là si, do đó sân hận khởi lên, tham ấy, sân ấy, si ấy được Như Lai đoạn trừ, chặt cho đến tận gốc, làm cho như thân cây ta-la, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai”.

(12) Kinh Trung bộ, kinh Jīvaka, số 55.

(13) Kinh Trung A Hàm, phầm Cầu pháp, Thích Tuệ Sĩ Việt dịch và hiệu chú.


Chân Hiền Tâm


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage