1.
Tết của thời thơ bé, theo bà quanh quẩn trong sân chùa Phước Hòa, vùng Bàn Cờ, Sài Gòn, tôi thấy nhà chùa chưng hai bên non bộ chậu cây là lạ. Trái xanh, trái vàng chen nhau trên cành, lúp búp trông như bàn tay người. Trái chín da vàng óng ả, thơm lừng. Bà tôi nói chùa theo nếp Bắc, Tết thường chưng Phật thủ. Phật thủ là loại trái cây quý, gọi vậy có lẽ vì trông giống hình thù bàn tay của Phật. Ở miền Bắc, Phật thủ cùng với chuối tiêu, hồng, cam, quýt hình thành mâm ngũ quả ngày Tết, trong đó Phật thủ màu vàng, tượng trưng cho hành Thổ trong ngũ hành theo phong tục cổ truyền. người xưa quan niệm Phật thủ biểu thị phồn vinh, thường dùng làm quà mừng thọ hoặc để dành tặng nhau với mong ước cát tường, trong nhà luôn có bàn tay Phật chở che, bao bọc, phù hộ độ trì. Người ta còn chưng nấm linh chi, tượng trưng cho như ý cùng trái Phật thủ để tạo thành mùi hương thanh khiết luôn phảng phất trong không gian sống.
Mấy năm sau, có người ra Bắc mang vào biếu bà một trái Phật thủ vào dịp cận Tết. Bà mừng lắm, dạy tôi lấy rượu trắng lau sạch rồi chính tay bà đặt lên bàn thờ cúng, miệng lẩm nhẩm đọc câu ca dao: “Đầu năm ăn quả thanh yên / Cuối năm ăn bưỡi cho nên đèo bồng”. Ra giêng, bà lấy Phật thủ cắt ra, chưng với mạch nha làm thuốc chữa bệnh ho cho thằng em tôi. Nó uống “lộc Phật”chỉ một thời gian là khỏi hẳn.
2. Nhắc đến Phật thủ, tôi nhớ có đọc đâu đó một tích xưa kể chuyện “Vua ăn Phật thủ”như vầy:
Vua nước Lương thích ăn ngon, sau khi đã ăn đủ trái cây ở miền Bắc, không biết miền Nam còn trái cây gì thơm ngon hơn không nên sai sứ giả sang nước Ngô tìm hỏi.
Người nước Ngô tặng một giỏ quýt. Vua Lương ăn xong, cảm thấy mùi vị ngon lành, liền sai người tiếp tục sang nước Ngô tìm kiếm trái cây ngon lạ khác. Người nước Ngô liền tặng trái cam đường. Vua Lương ăn lại thấy ngọt ngon hơn cả quýt, cả quyết rằng nước Ngô chắc chắn phải có những loại trái ngon hơn nhiều, liền sai người sang nước Ngô âm thầm điều tra xem.
Một hôm, sứ giả đi ngang một ngôi nhà, ngửi thấy mùi thơm, ngước lên trông thấy một trái lớn, vàng óng ánh bèn xin ăn thử. Chủ nhà nói đây là trái Phật thủ, nhìn đẹp đẽ, có mùi thơm dễ chịu nhưng không thể ăn được. Sứ giả cho rằng chủ nhà nói dối.
Sứ giả về bẩm báo với vua Lương. Nghe xong, vua Lương tức tốc sai sứ thần đến nước Ngô nhờ tìm trái Phật thủ. Vua Ngô cũng hết lời giải thích đặc điểm không ăn được của loại trái cây này, nhưng sứ thần nếu không mang Phật thủ về thì đắc tội nên nhất định xin vua Ngô ban cho một giỏ.
Khi sứ thần mang giỏ Phật thủ về dâng vua, mùi thơm sực nức cả cung điện. Vua Lương thấy trái Phật thủ vừa lớn, vàng ươm lại thơm thì mặt mày hớn hở, hai tay chụp lấy cắn một miếng lớn.
Vua Lương cắn xong, không thể nuốt nổi, nước mắt nước mũi chảy ra vì cay, vì đắng.
Vậy đó, trong ngũ dục “tài, sắc, danh, thực, thùy”, sở thích ham ăn ngon, mặc đẹp dễ khiến người ta buông lung, kể cả bỏ bê việc nước như vua Lương chỉ để lo tìm trái ngon, vật lạ thỏa mãn lòng vị kỷ. Không biết bàn tay phổ độ của Phật đã chìa ra qua câu chuyện này có đủ để cảnh tỉnh chúng sinh đang ngụp lặn trong mê đắm giữa biển dục vọng đầy cảm bẫy?
3. Người mê cổ ngoạn có thú chơi đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn mà tầm được đĩa trà vẽ Phật thủ thì gọi là mừng hết lớn. Đĩa Phật thủ hiếm gặp, ít có đồ non tuổi, thường có hiệu đề “Thành Hóa niên chế”, men lam đậm viền quanh chừa trái Phật thủ trắng, trong lòng Phật thủ viết hai câu thơ: “duy hữu Tây phương sinh thử chủng / Toàn bằng Nam quốc đắc tư trân” (giống này vốn sinh ở phương Tây/nhờ nước Nam được thành loài quý- Cư sĩ Trần Đình Sơn dịch nghĩa). Câu này ý nói đạo Phật có nguồn gốc từ Thiên Trúc (Ấn Độ) nhưng từ khi truyền qua Việt Nam đã hòa quyện với dân tộc, trở thành “báu vật trong nhà”, là tài sản tinh thần vô giá của tổ tiên. Không rõ câu thơ này của ai làm, nguồn gốc từ đâu mà cha ông mình lấy mẫu, đặt thợ Trung Quốc vẽ kiểu về dùng mấy trăm năm nay, để sau thời công phu bái sám hay lúc rỗi việc, ngồi uống chung trà sen, nhìn đĩa vẽ Phật thủ mà cao giọng ngâm nga: “giống này gốc ở phương Tây / nay thành trân quý: công dầy nước Nam”. Ai có lòng với nước, có tâm với đạo nghe qua mà không thấy quyến luyến trân trọng hay có chút cảm tình với loại quả quý này thì cũng lạ.
4. Chợ hoa Tết Sài Gòn mấy năm gần đây thi thoảng cũng bắt gặp hàng Phật thủ. Khép nép, khiêm cung, nhạt nhòa hai màu vàng xanh giữa muôn hoa xanh đỏ tím vàng vây quanh. Lũ con nít chỉ trỏ, trái gì mà giống con bạch tuột, ghê không. Người lớn cũng thử hỏi giá, tắc lưỡi quay đi, bảo nhau về mua đào Trung Quốc chưng kinh tế hơn, để được cả năm, lại màu mè dây nơ hoa hòe hoa sói nhìn bắt mắt. Cái thời nhìn con dơi thành chữ phúc, nhìn con nai qua chữ Lộc, nhìn trái Phật thủ mà nghĩ đến phồn thịnh, an lành, giải thoát…yêu quý những biểu tượngchuyên chở ước vọng của cuộc sống con người để luôn mong phải có trong nhà những khi xuân về, Tết đến hình như đã quá vãng rồi. Có chăng vài cụ già, tay cầm chậu thủy tiên vừa mua xong, mắt dõi chọn cặp Phật thủ về chơi Tết như hoài niệm về một ngày xuân xa lơ xưa lắc với những thú chơi phong lưu, thanh lịch mà nay hình như rớt rơi đâu mất, con cháu bây giờ hỏi tới lơ ngơ.
Vậy mà trong ánh nắng lưa thưa buổi trưa ngày cuối năm, cón có gã trai gom chút tiền gọi là sắm Tết, sau khi trừ đi mọi khoản nợ nần, lễ nghĩa, ngoại giao, chi tiêu phải có, tất tả tìm khắp nơi để tậu bằng được hai chậu Phật thủ ưng ý, chỉ để buổi chiều ba mươi rỗi rảnh nhất trong năm, ngồi bên hiên nhà chơi với đứa con, nhìn vợ đi tới đi lui sữa soạn bữa cơm cúng đón ông bà, ngắm cặp Phật thủ chưng hai bên bàn thờ Phật đang xông hương khắp nhà đón Tết trong âm điệu dìu dặt qua tiếng hát bất hủ của nhóm ABBA bài “Happy New Year”là đủ để thấy an khang thịnh vượng, cát tường như ý, phước lộc thọ gì cũng ở đây nè. Xuân đã đến bây giờ, ngay lúc này thôi, đâu còn chờ đến thời khắc giao mùa nửa đêm chi nữa.■
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 72-73