Phật Học Online

Không đủ năng lượng – Cảm giác mệt mỏi buồn ngủ
Sayadaw Ashin Tejaniya

Thiền sinh: Tuần trước con nhận thấy thân tâm mình có nhiều sức mạnh hơn vào buổi sáng. Đến chiều sức lực cả thân tâm đều giảm. Con vẫn không hiểu được tại sao lại thế. Có phải đó chỉ là do tinh thần hay vì chỉ ăn buổi sáng còn buổi chiều không ăn nên ít sức hơn và năng lượng của tâm cũng đi xuống?

 Thiền sư:  Điều này thường xảy đến đối với các thiền sinh khi họ hành thiền suốt cả ngày.  Họ cảm thấy tươi mới vào buổi sáng, có rất nhiều năng lượng nhưng rồi toàn sử dụng đến cạn sạch.  Bạn cần kiểm tra xem mình đã dùng đến bao nhiêu sức?  Bạn có bị căng thẳng do cách mình dùng sức hay không?  Bạn có sử dụng quá nhiều năng lượng hay không?  Bạn có thực hành hăng hái quá mức hay không?  Nếu bạn thực sự lưu ý đến những điều đó và chỉ dùng sức vừa đủ, bạn có thể hành thiền đến tận 9-10 giờ tối. 

Bạn cũng phải tự nhắc mình không cần thiết phải tiêu phí quá nhiều năng lượng để chằm hăm chú tâm vào đề mục làm gì.  Bạn có cần phải chú tâm dỏng tai lên mới nghe được hay không?  Bạn có cần phải  chằm hăm nhìn thì mới thấy được hay không?  Bạn có cần thiết cứ phải tập trung chú tâmn mới hay biết được hay không? 

Thiền sinh:  Thưa thầy, con có một khó khăn là rất hay buồn ngủ khi ngồi thiền.  Cơn buồn ngủ đến rất thường xuyên, nhất là trong những ngày đầu mới hành thiền. 

Thiền sư: Khi bạn ngồi bạn có thấy sự lờ đờ của tâm mình hay những dấu hiệu đầu tiên của cơn buồn ngủ không? 

Thiền sinh:  Chỉ thỉnh thoảng thôi ạ. 

Thiền sư:  Không chỉ quan sát những gì đang diễn ra mà hãy cố gắng đặt câu hỏi để tăng thêm sự hứng thú cho tâm mình.  Hãy tự hỏi mình “Tâm có hay biết không? Đang hay biết cái gì? Tâm đang làm gì?” Thường thì những câu hỏi như thế sẽ giữ cho tâm được tỉnh táo và năng động. Hình như bạn đã có thói quen buồn ngủ ngay từ khi mới đến hành thiền, hình như bạn đã để buông trôi, chấp nhận cho nó đến.  Đặt câu hỏi sẽ giúp đánh thức tâm bạn dậy. Nếu có thái độ hành thiền đúng đắn và thực hành một cách kiên trì, bạn sẽ thấy rằng – với thời gian trôi qua – năng lượng trong tâm sẽ tăng dần lên; bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn, chánh niệm hơn và tỉnh giác hơn. 

Thiền sinh:  Nếu làm vậy cũng không được thì con phải làm thế nào? Có lúc con cảm thấy mình phải cố vật lộn để ngồi cho hết một giờ và cảm thấy rất bực mình vì cứ buồn ngủ suốt. 

Thiền sư:  Không nên coi nó là một cuộc vật lộn hay chiến đấu gì cả.  Nếu thấy không áp dụng cách nào thành công, cũng chẳng thể quan sát hay tìm hiểu trạng thái tâm hôn trầm  được tý nào cả mà chỉn cố vật lộn để giữ cho tỉnh táo thì tốt nhất là bạn nên đứng dậy mà làm việc khác – như đi kinh hành chẳng hạn. 

Thiền sinh:  Trong khóa thiền này con bị hôn trầm rất nhiều.  Khi không hôn trầm thì tâm lại phóng lung tung  và lại còn suy nghĩ mãi về việc phóng tâm đó nữa. Tuần trước con nhận ra rằng căn bản giới của mình không còn vững chắc như xưa.  Năm nay con đã làm nhiều việc phạm giới.  Con cũng nhận thấy mình hay phê phán, đánh giá người khác và nghĩ rằng có thể con làm như thế là để tự trấn an mình không phải là người xấu. Hình như đó là mấy trò lưu manh của tâm nó bày vẽ ra để cảm thấy đỡ tội lỗi về những việc mình đã làm. Câu hỏi của con là: Phải làm thế nào để có được giới hạnh trong sạch trở lại?  Con cảm thấy mình sẽ không thể tu tập tốt được như xưa nếu không trở thành một con người có giới trong sạch. 

Thiền sư: Bạn không thể thay đổi được quá khứ.  Đừng nghĩ về quá khứ nữa. 

Thiền sinh: Vâng, con cần tiếp tục đi tiếp.  Nhưng làm thế nào để con làm được điều đó? 

Thiền sư: Nếu bạn có sự định tĩnh (samādhi) ngay lúc này là giới của bạn đã trong sạch rồi.  Tại sao cứ nghĩ về giới hạnh quá khứ để làm gì? Bạn đã làm nhiều việc sai lầm, được rồi, nhưng bạn có thể quay lại quá khứ được không? 

Thiền sinh: Không. 

Thiền sư: Thế thì hãy để nó lại đằng sau đi. 

Thiền sinh: Có phải chính phiền não cứ bám giữ vào việc đó không? 

Thiền sư: Đúng. Bạn bám giữ vào chính những sai lầm mình đã làm trong quá khứ. Lý do nào khiến bạn không giữ được giới hạnh trong sạch?  Đó có phải là tâm tham không? 

Thiền sinh: Vâng. 

Thiền sư: Tâm tham đó có phải là “bạn”không? 

Thiền sinh: Không. 

Thiền sư:  Vậy thì bạn phải hiểu rằng bởi vì có quá nhiều tâm tham nên giới hạnh không được trong sạch.  Giới hạnh trong sạch đó không phải là giới của bạn.  Và ngay bây giờ, khi định tâm tăng trưởng thì giới đã trong sạch trở lại rồi. 

Thiền sinh:  Đây là những điều mà con cảm thấy khó chấp nhận được vì con vốn sinh trưởng trong một xã hội Thiên chúa giáo. [1]  

Thiền sư:  Giới trước kia không trong sạch, nhưng bây giờ đã trong sạch.  Hãy đem chánh niệm vào giây phút hiện tại và làm giới hạnh của mình được trong sạch ngay bây giờ. 

Bạn cũng nói buồn ngủ là một vấn đề khó khăn.  Chính bởi vì bạn cho rằng buồn ngủ là khó khăn nên tâm bạn mới quanh quẩn nghĩ ngợi tại sao mình lại buồn ngủ như thế.  Bởi thế nó mới bắt đầu nghĩ ngợi về quá khứ và lôi mình vào tất cả rắc rối này. Rồi bạn đi đến kết luận là giới không trong sạch nên mới bị hôn trầm (buồn ngủ).  Đó là tà kiến, là kết luận sai lầm.  Bạn cần phải nhận ra nguyên nhân của sự hôn trầm ngay trong hiện tại này, chứ đừng nghĩ đến cả một câu chuyện có thể có đằng sau nó như thế.  Bạn muốn biết cái gì đang diễn ra trong tâm mà khiến mình buồn ngủ như thế này.  Càng quan sát các hoạt động của tâm một cách thành thục, bạn sẽ càng dễ thấy được nguyên nhân tại sao trạng thái tâm của mình thay đổi. 

Cách hiểu của tôi về hôn trầm rất đơn giản.  Tôi tin rằng lý do tâm trở nên buồn ngủ là bởi vì nó không có hứng thú.  Có thể chánh niệm vẫn làm việc, có thể định tâm vẫn có, nhưng nếu tuệ căn không hoạt động, tâm không hứng thú thì nó vẫn hôn trầm.  Nếu tâm thực sự hứng thú với những tiến trình đang diễn ra, nếu nó muốn hiểu rõ đối tượng quán sát, các cảm thọ, các phản ứng tâm lý và cách thức chúng tương tác, liên hệ với nhau ra sō, nó sẽ không bao giờ cảm thấy buồn ngủ. 

Điều đó hay xảy ra với những người hành thiền nhiều là định (samādhi) tăng mà tuệ thì không theo kịp.  Chúng ta phải quán chiếu, phải thẩm xét các pháp, phải sử dụng trí tuệ.  Một khi đã có được định tâm, đã có được sự tĩnh lặng và quân bình trong tâm, chúng ta phải biết đặt các câu hỏi cho tâm mình (để quán chiếu, thẩm sát và tìm hiểu).  Mình có thực sự hay biết được những gì đang diễn ra trong tâm không ?  Tâm hay biết thế nào về đối tượng quan sát và tâm quan sát. 

Thiền sinh : Thiền nói là lấy chính tâm mình làm đối tượng hay biết nghĩa là thế nào ạ ? 

Thiền sư : Đúng thế.  Bạn không chỉ biết tâm mình đang tĩnh lặng, mà còn phải biết cái tâm đang biết sự tĩnh lặng đó nữa.  Chớ dừng lại đối tượng quan sát hay kinh nghiệm, mà phải đi tới cái tâm đang hay biết đối tượng đó. Nếu chỉ dừng lại ở chánh niệm và tiếp tục hay biết sự có mặt của nó, nó sẽ tăng trưởng mạnh lên.  Nhưng nếu ta quên không làm điều này (biết tâm quan sát) mà chỉ nhìn mỗi vào định tâm mạnh đó thôi, thì chánh niệm dần dần suy yếu mà chúng ta không biết được điều đó.  Bạn làm gì khi đã có được sự tĩnh lặng ? 

Thiền sinh : Thường thì con chỉ thả mình vào trong cảm giác đó. Nhưng hôm nọ con cũng đã quay chánh niệm của mình lại theo dõi những gì đang diễn ra trong tâm.  Câu hỏi của con lúc đó là xem có phiền não nào có mặt trong tâm không.  Con không thấy có phiền não nào nhưng ngay lập tức con lại nghĩ rất có thể có những phiền não vi tế hơn mà mình không nhìn thấy được.  Thế rồi, lúc sau con nghĩ đến một người thân đang có nhiều xích mích, ngay lập tức các  phiền não nổi lên rất mạnh. 

Thiền sư : Lúc đó bạn có bị buồn ngủ không ? 

Thiền sinh : Không ạ. 

Thiền sư : Chỉ khi tâm không hoạt động, nó mới bị buồn ngủ.  Khi tâm tĩnh lặng và bình yên là lúc nó sẵn sàng để quán chiếu.  Nhưng bạn không cần thiết phải dùng đến những suy nghĩ bằng ý niệm [2].  Bạn có thể chỉ cần thẩm xét  xem cách tâm đang làm việc  như thế nào.  Bạn có biết (mình đang) chánh niệm hay không ? Chánh niệm đứng yên như cũ hay luôn mới mẻ trong từng khoảnh khắc. 

Bạn không cần phải tìm câu trả lời ! 

Chỉ cần đưa ra câu hỏi, cho tâm một chủ đề để làm việc, và khuyến khích nó hứng thú với những gì đang diễn ra. 

Thiền sinh :  Thưa thầy, con đã thực hành theo những gì thầy chỉ dẫn nhưng con thấy rất dễ mệt mỏi.  Con không thấy cách thực  hành của mình có gì sai.  Hình như việc quán sát các hoạt động của tâm làm con bị mệt. 

Thiền sư : Chính điều đó làm tâm mệt mỏi.  Nếu bạn thấy rằng mình thường phản ứng rất mạnh lại những gì đang quán sát thì tốt nhất nên thực hành thiền chỉ (samātha).  Chẳng hạn khi có tâm sân khởi lên, bạn hãy nhận biết nó rồi chuyển sang một đề mục trung tính khác như hơi thở  hay một cảm giác nào đó trên thân chẳng hạn (không tiếp tục quan sát tâm sân nữa, tránh để cho tâm tiếp tục phản ứng- ND).  Quan sát đề mục đó một lúc để tâm dịu trở lại, rồi sau đó nhìn tâm sân ấy lại một  lúc nữa – cứ tới lui lại như vậy.  Nhiều người cảm thấy quan sát tâm liên  tục là một việc quá khó đối với họ. 

Khi chưa có trí tuệ thực sự, khi bạn còn phụ thuộc vào việc áp dụng trí tuệ từ bên ngoài vào, bằng con đường tri thức như vậy, thì chúng ta phải sử dụng thêm thiền chỉ (samātha) để làm cho tâm dịu xuống và tĩnh lặng trở lại [3] 

Chú thích : 

[1] Tâm của thiền sinh này bị mặc cảm giày vò vì chịu ảnh hưởng quan điểm của Thiên Chúa giáo, họ coi những việc xấu mình đã lỡ làm trong quá khứ như một tội lỗi.  Mặc cảm mình là một người tội lỗi, kém cõi, không được xã hội chấp nhận và tha thứ được cho chính mình là một căn bệnh tâm lý rất phổ biến và khó chữa trị ở xã hội Phương Tây. 

[2] Suy nghĩ bằng ý niệm (conceptual thinking) là những suy nghĩ sử dụng ngôn ngữ, danh xưng chế định: tôi, anh, đàn ông, đàn bà, thân, tâm, nhà cửa, cây cối… Là những suy nghĩ chúng ta vẫn thường sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.  Các suy nghĩ nặng nề phiền não, phóng tâm, mơ mộng tương lai, tiếc nuối quá khứ... đa phần là những suy nghĩ loại này.  Các suy nghĩ dùng trong quán chiếu các  pháp không cần dùng nhiều đến ngôn ngữ chế định mà chủ yếu là những tác ý  để định hướng tâm quán chiếu, tìm hiểu bản chất các Pháp hay cơ chế hoạt động của thân tâm và sự tương tác giữa chúng với nhau- ND 

[3]  Đây là điều rất quan trọng trong pháp hành.  Nhiều thiền sinh nói rằng việc áp dụng quán chiếu liên tục thường làm tâm họ thêm bất an và khó giữ chánh niệm hơn, bởi vì chánh niệm chưa miên mật, tâm chưa đủ độ ổn định và tĩnh lặng cần thiết (hoặc đã tĩnh nhưng chưa thực sự ổn định), nên không thể mở rộng tâm để tự nhận biết, quán chiếu nhiều đề mục khác nhau hoặc chỉ làm vậy được một chút là tâm trở nên xáo động và mệt mỏi.  Càng cố, tâm càng tháo động và mất sức, phiền não càng xâm nhập.  Chính vì vậy, thiền sinh cần phải quán sát pháp hành của mình một cách cẩn thận và liên tục để biết khi nào cần mở rộng tâm mình ra để quán chiếu, khi nào cần thu hẹp lại một, hai đề mục đơn giản, trung bình ( như hơi thở, cảm giác xúc chạm...) để tăng cường định tâm, làm cho tâm ổn định và tĩnh lặng trở lại. 

Nhiều người bị vướng vào chỗ này do quá dựa vào tri thức, vào những hiểu biết về thiền qua sách vở, đánh giá thấp sức mạnh của phiền não và đánh giá quá cao bản thân mình mà thiếu công phu tu tập Định, Niệm nên tính thời gian tu đã lâu, song phiền não vẫn còn thô rõ, đôi khi còn biến tướng của sân, si, ngã mạn ẩn tàng, phức tạp hơn. Một số không đi sâu được vào pháp hành thì quay sang chấp theo kiểu thiền "ung dung tự tại" trong cuộc sống, đa phần do tâm dễ duôi, dính mắc đẻ ra ; không muốn buông bỏ lợi dưỡng, chỉ muốn được cả mà không muốn trả giá, coi thường cách tu hành tinh tấn, viễn ly cuộc sống thế gian, khép mình trong giới luật.  Đây cũng là một cực đoan không kém phần nguy hiểm. – ND 

Theo: Chỉ mới chánh niệm thôi thì không đủ

Dịch giả: Tỳ kheo Tâm Pháp


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage