GN - Thái độ hành xử trên của Đức Phật
có lẽ là phẩm chất tôn giáo mà thế giới thời nay đang tìm kiếm.
Một trong những yếu tố khiến con người của thế giới văn
minh đương thời quan tâm đến Phật giáo là đặc tính nhân bản của Đức Phật. Trên
bình diện lịch sử, phần lớn giáo chủ các tôn giáo trên thế giới đều là thượng
đế, đấng sáng thế, thánh thần, hoặc là nhân vật thần bí được mặc khải xuống
trần gian để thế thiên hành đạo. Những nhân cách như thế có lẽ khó có sự đồng
cảm với thế thái nhân tình của con người trong cuộc sống đời thường. Bởi lẽ, ai
đã từng khổ đau vì đổ vỡ hạnh phúc, tuyệt vọng vì thất bại trong cuộc sống mới
cảm nhận được giá trị của niềm khích lệ, chia sẻ và cảm thông. Một nụ cười, một
lời động viên, một sự an ủi trong những tình huống như thế sẽ là chiếc phao cứu
sinh giữa biển đời đau khổ. Nói theo ngôn ngữ của đại thi hào Nguyễn Du “Đoạn
trường ai có qua cầu mới hay”. Không ai cảm nhận một cách sâu sắc nỗi đau sanh
lão bệnh tử, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ… của con người bằng chính con
người! Không ai thấu hiểu được hạnh phúc lớn lao của người mẹ khi thấy đứa con
chính mình sinh ra lớn khôn từng ngày bằng chính những bà mẹ. Nói khác đi, chỉ
có con người mới biết con người nghĩ gì, thích gì, khát khao điều gì…! Chỉ có
con người mới cảm nghiệm được hạnh phúc cũng như nỗi đau về thân xác cũng như
tinh thần của con người! Lý tưởng sống của tôn giáo nào giải quyết được yêu cầu
trên chắc chắn sẽ được con người chấp nhận. Vì lẽ, khi được cảm thông và chia
sẻ người ta dễ dàng lắng nghe nghệ thuật sống đưa đến sự an bình của nội tại
ấy.
Giáo chủ của đạo Phật là một con
người lịch sử! Ngài tên là Sirdattha (Tất-đạt-đa), con vua Suddodhana (Tịnh
Phạn) và hoàng hậu Maya của nước Sakya (Thích-ca) thuộc đất nước Nepal ngày nay.
Trước khi trở thành Phật, bậc giác ngộ được nhân loại tôn kính và quy ngưỡng,
thái tử Sirdattha cũng sinh ra và lớn lên như mọi con người. Thái tử đã trải
nghiệm tất cả những hương vị mặn, ngọt,
chua, cay của cuộc đời; những cung bậc hỷ, nộ, ái, ố và được, mất, thịnh, suy
của kiếp người. Từ đó, Ngài thấu hiểu được tâm trạng con người và cảm nhận được
giá trị thật của kiếp người. Ngài biết cần phải hành xử như thế nào để giúp
đồng loại trong từng tình huống cụ thể. Vì vậy, dù được thế giới kính ngưỡng,
tôn xưng là Thế Tôn, bậc thầy của trời người sau khi tìm ra con đường giải
thoát cho tự thân và tha nhân, Đức Phật vẫn luôn ứng dụng tinh thần khế cơ khế
lý trong cuộc đời hành đạo của Ngài. Chính tinh thần tùy bệnh cho thuốc, tùy
căn cơ thuyết pháp đã giúp được nhiều người ra khỏi những nỗi khổ của tự thân
và có được nhân duyên tiếp xúc với đạo Phật.
Kinh Tương ưng ghi lại rằng
sau khi trực tiếp nghe pháp và tu tập dưới sự giảng dạy của Đức Phật, Bà-la-môn
nữ Bhannanjani thật sự kính ngưỡng Ngài và thường ca ngợi Ngài trong các hội
chúng Bà-la-môn. Việc làm ấy đã khiến cho
một bậc trí giả ngoại đạo là Bà-la-môn Bhadavada ganh tỵ, tức tối.
Bhadavada mắng nhiếc bà Bhannanjani là ti tiện, ngu dốt vì buông lời tán thán
lão Sa-môn đầu trọc Gotama (Cù-đàm) và tuyên bố sẽ luận phá đạo sư của bà. Để
thỏa mãn cơn bực tức ấy, Bà-la-môn Bhadavada đến gặp Đức Phật và vặn hỏi Ngài
rằng: “Giết vật gì được lạc, giết vật gì không sầu. Có chăng một pháp gì, Ngài
tán đồng giết hại! Thưa Tôn giả Gotama”1. Thay vì phải đón nhận sự
phản hồi tiêu cực theo cách thường tình của một người bị đụng chạm tự ái, xúc
phạm tự ngã, Bà-la-môn Bhadavada lại được Đức Phật vui vẻ trả lời: “Giết phẫn
nộ được lạc, giết phẫn nộ không sầu! Pháp ấy bậc hiền thánh, tán đồng sự giết
hại; giết pháp ấy không sầu”2. Cung cách truyền giáo đầy trí tuệ và
hòa nhã ấy đã khiến Bà-la-môn ngạc nhiên, thán phục, khởi lòng ngưỡng mộ và
phát tâm xin làm đệ tử tại gia của Đức Phật. Có lẽ đây là đức hạnh cần thiết mà
những người mang trọng trách truyền bá tôn giáo trong bối cảnh xã hội hiện nay
cần phải nghĩ đến. Đặc biệt, trong một xã hội đang tràn ngập sự thù hận, lòng
ganh ghét, đố kỵ, hơn thua vì địa vị, danh tiếng và quyền lợi thì những phẩm
chất tôn giáo mang đậm tính nhân văn lại cần thiết hơn bao giờ hết. Thế giới
con người đang quằn quại trong chiến tranh, giết chóc, đấu đá, trả thù… bởi
chính sự ích kỷ, lòng tham lam, tính tự cao, tự đại, chấp thủ, định kiến của
con người. Vì thế, lòng khoan dung, độ lượng, vị tha, nhân ái là chất liệu vô
cùng cần thiết, có khả năng tạo nên một môi trường sống hòa bình, hữu nghị và
thân thiện mà nhân loại đang hướng đến. Cách hành xử của Đức Phật được ghi lại
trong Kinh tạng Pali3 có thể xem là bài học tiêu biểu để chúng ta
suy nghiệm.
Với động cơ mong muốn đả bại Đức
Phật để làm rạng danh tôn giáo mình (đạo Lõa thể), gia chủ Ưu-ba-li, người đệ
tử tại gia trí thức và giàu có nhất của Nigantha Nataputta, đi đến luận chiến
với Đức Phật về chủ đề triết lý nghiệp. Sau cuộc luận đàm đầy gay cấn và thú
vị, cuối cùng gia chủ Ưu-ba-li thật sự tâm phục, khẩu phục trí tuệ siêu việt và
khả năng biện tài vô ngại của Đức Phật. Sau đó, Ưu-ba-li phát nguyện quy y Tam
bảo và mong Đức Phật nhận ông làm đệ tử cư sĩ. Thay vì hoan hỷ và phấn khích khi
được một bậc trí giả, một người giàu có mong muốn được làm học trò mình, Đức
Phật lại ân cần khuyên bảo Ưu-ba-li: “Này gia chủ, hãy chín chắn suy tư. Chín
chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như ông”. Cách hành xử một cách
thận trọng và nhân ái của một giáo chủ tôn giáo với người ngoại đạo đã khiến
Ưu-ba-li vô cùng kinh ngạc và kính phục và phát biểu rằng: “Bạch Thế Tôn, con
càng bội phần hoan hỷ, bội phần thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con ‘Này
gia chủ, hãy chín chắn suy tư. Chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ
danh như ông’ - Bạch Thế Tôn, nếu các ngoại đạo được con làm đệ tử, họ sẽ
trương cờ lên và tuyên bố: ‘Gia chủ Ưu-ba-li đã trở thành đệ tử của chúng tôi.
Nhưng Thế Tôn lại nói với con: ‘Này gia chủ, hãy chín chắn suy tư. Chín chắn
suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như ông”4.
Tuy nhiên, thái độ đầy lòng nhân
ái và vị tha của Thế Tôn mới thật sự làm cho Ưu-ba-li xúc động và nhận ra được
giá trị tâm linh chân thật của một bậc giải thoát, người đã hoàn toàn vượt lên
những danh vọng, lợi dưỡng của cuộc đời. “Này gia chủ, đã từ lâu gia đình ông
như là giếng nước, mưa nguồn cho các người Nigantha. Hãy cúng dường các món ăn
cho những ai đến với ông”. Lời dạy này hoàn toàn trái ngược với những gì
Ưu-ba-li được nghe trước đó “Sa-môn Gotama đã nói: Chỉ bố thí cho Ta, chớ bố
thí cho các người khác. Chỉ bố thí cho đệ tử Ta, chớ bố thí cho những người
khác. Chỉ bố thí cho Ta mới có phước đức lớn… Nhưng Thế Tôn lại khuyến khích con bố thí cho các vị
Nigantha”5.
Thái độ hành xử trên của Đức Phật
có lẽ là phẩm chất tôn giáo mà thế giới thời nay đang tìm kiếm để giải quyết
những sự xung đột mang nặng màu sắc cực đoan, định kiến về tín ngưỡng, tôn giáo
và chủ nghĩa. Khi được học tập và ứng dụng một triết lý sống mang tinh thần vị tha, độ lượng nhưng
đầy trí tuệ, giải thoát vào trong chính cuộc sống của họ, người ta sẽ rất tỉnh
táo và sáng suốt trong việc chọn lựa một tôn giáo để tôn thờ vì mục đích hạnh
phúc và an lạc cho mình và xã hội. Do vậy, mặc dầu bị người thầy cũ của mình
tức ngài Nigantha Nattaputta mắng nhiếc, chê trách là đã bị huyễn thuật của
Sa-môn Gotama chinh phục, lôi cuốn, cư sĩ Ưu-ba-li đã nói như sau: “Thưa Tôn
giả, vi diệu thay, huyễn thuật lôi cuốn này! Tốt lành thay, huyễn thuật lôi
cuốn này! Thưa Tôn giả, nếu bà con huyết thống thân yêu của tôi…, nếu tất cả
Bà-la-môn…, Vessa…, Sudda…, chư thiên và loài người được huyễn thuật này lôi
cuốn, thời thật an lạc và hạnh phúc lâu dài cho bà con huyết thống thân yêu của
tôi, cho Bà-la-môn…, cho Vessa... cho Sudda… cho chư thiên và loài người…”6.
Rõ ràng, những phát biểu của cư sĩ
Ưu-ba-li xuất phát từ chính sự trải nghiệm được giá trị thật sự của một nhân
cách sống vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của thế nhân, như lời dạy của Đức
Phật khi nói đến giá trị và ý nghĩa về cuộc đời của Ngài: “Một người, này các
Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho số đông, an
lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an
lạc cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc
A-la-hán, Chánh đẳng giác…”7.
Viên Trí
Chú thích:
1 Kinh Tương ưng bộ, tập 1.
2 Sđd.
3 Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung bộ,
tập 1.
4 Sđd.
5 Sđd.
6 Sđd.
7 Kinh Tăng chi bộ, tập 1.