Từ hơn 25 thế kỷ qua, Lục hòa kính vẫn luôn là khuôn thước của người
xuất gia, giúp cho đời sống trong Tăng đoàn luôn duy trì được sự hòa
hợp, an vui. Nhưng không chỉ là như thế, nếu chúng ta biết vận dụng Lục
hòa kính một cách thích hợp vào đời sống thường ngày, chắc chắn cũng sẽ
đạt được sự hòa hợp với tất cả mọi người quanh ta. Tuy nhiên, xưa nay,
sáu nguyên tắc hòa kính chỉ vận dụng chủ yếu trong đời sống Tăng đoàn
nhằm tạo ra môi trường hòa hợp để chư Tăng cùng nhau tu tập. Việc vận
dụng các nguyên tắc này vào cuộc sống gia đình cũng như trong cộng đồng
xã hội có vẻ như còn rất xa lạ đối với nhiều người. Điều đó vốn có lý
do riêng của nó.
Trước hết, những nguyên tắc này có thể nói là
quá lý tưởng đối với cuộc sống của những người bình thường, khi chưa có
những sự chuẩn bị nền tảng về đạo đức, nhân cách nhất định. Khi chúng
ta chưa hình thành được khuynh hướng tu dưỡng theo một số chuẩn mực đạo
đức cơ bản, thì việc vận dụng những nguyên tắc hòa kính vào cuộc sống
sẽ rất khó khăn, nếu không nói là sẽ có phần xa lạ, không phù hợp.
Chẳng hạn như, nếu chúng ta nói đến việc sống hòa hợp và chia sẻ với
nhau mọi lợi ích vật chất, hầu hết những người bình thường đều sẽ thấy
là không hợp lý, vì rõ ràng là năng lực cũng như hiệu quả làm việc của
mỗi người trong tập thể đều không giống nhau, làm sao có thể chia sẻ
đồng đều như nhau? Nguyên tắc này chỉ có thể được chấp nhận khi đời
sống của mọi người đều dựa trên chuẩn mực của những giá trị tinh thần
như lòng từ bi, đức nhẫn nhục... mà không phải là các giá trị vật chất
nhìn thấy được.
Đời sống của chư Tăng hoàn toàn đáp ứng được yêu
cầu đó. Các vị đều đã buông bỏ đời sống thế tục, buông bỏ mọi tài sản
vật chất của thế gian để bước vào đời sống xuất gia, đời sống không có
tư hữu. Mục tiêu theo đuổi của các vị không phải là những sự hưởng thụ
vật chất tầm thường, mà là sự tôi luyện một tinh thần hướng thiện, tu
dưỡng mọi đức tính để đạt đến đời sống an vui, giải thoát. Xuất phát từ
nền tảng đó, các vị mới có thể tiếp nhận và thực hành các nguyên tắc
hòa kính một cách phù hợp và hiệu quả. Đây là lý do giải thích vì sao
từ xưa đến nay Lục hòa kính chỉ được vận dụng chủ yếu trong Tăng đoàn.
Nhưng
điều đó hoàn toàn không có nghĩa là những người bình thường không thể
thấy được giá trị tích cực của những nguyên tắc hòa kính. Vấn đề ở đây
là, trong đời sống đầy dẫy ý thức tư hữu, chúng ta cần biết vận dụng
chúng như thế nào cho phù hợp với đời sống thực tế của mỗi người, trong
gia đình cũng như trong cộng đồng xã hội để thăng hoa đời sống của mình.
Trước
hết, như đã nói, các nguyên tắc hòa kính là quá lý tưởng trong đời sống
thế tục. Và vì quá lý tưởng nên tuy chúng ta vô cùng ngưỡng mộ, tôn
kính nhưng lại rất khó làm theo. Bởi vậy, để vận dụng các nguyên tắc
này, chúng ta nên xem đây là những nguyên tắc, những định hướng để noi
theo mà không phải là những quy định, khuôn thước phải khép mình vào.
Nhận thức theo cách này, chúng ta sẽ thấy là các nguyên tắc hòa kính
đều có thể được vận dụng tốt trong đời sống thế tục.
Khi chúng
ta chấp nhận Lục hòa kính như là kim chỉ nam của cuộc sống chung giữa
mọi người, chúng ta sẽ luôn hướng đến sự hòa hợp. Ngay cả khi ta chưa
thực sự đạt được sự hòa hợp - và không nên đòi hỏi điều đó một cách
tuyệt đối - thì chắc chắn chúng ta cũng luôn có thể làm cho cuộc sống
ngày càng tốt đẹp hơn, và quan hệ giữa mọi người với ta cũng ngày càng
gắn bó, cảm thông nhau nhiều hơn.
Trong quan hệ giữa mọi người
trong gia đình, nếu chúng ta luôn ý thức được mục tiêu của đời sống
hạnh phúc là sự hiểu biết lẫn nhau, đối diện với mọi bất đồng để cùng
nhau giải quyết và hướng đến cuộc sống chung hòa hợp, chúng ta sẽ luôn
tránh xa thái độ sống cách biệt, thiếu cảm thông và thờ ơ lạnh nhạt.
Chúng ta biết rằng khi đã cùng chung sống dưới một mái gia đình thì
không thể có hạnh phúc riêng cho mỗi người nếu mọi người không cùng
nhau tạo ra được một môi trường sống hòa hợp và gắn bó. Cách hiểu như
thế không gì xa lạ mà chính là nguyên tắc “thân hòa đồng trú” chúng ta
đã bàn đến. Hơn thế nữa, chúng ta còn có thể vận dụng cách hiểu này
trong quan hệ với mọi người ở nơi làm việc hay bất cứ tập thể nào mà
chúng ta tham gia.
Thận trọng và khéo léo trong lời nói, hạn chế
mọi sự tranh cãi và luôn tôn trọng, lắng nghe người khác, đó chính là
khuynh hướng mà chúng ta phải noi theo khi thực hiện “khẩu hòa vô
tranh”. Lời nói hòa hợp không chỉ cần thiết cho một gia đình hạnh phúc,
mà cũng là nhân tố thiết yếu cho bất cứ tập thể hòa hợp nào. Vì thế,
nếu chúng ta có thể luôn noi theo khuynh hướng này trong việc nói năng,
tiếp xúc cùng mọi người quanh ta, điều tất nhiên là chúng ta sẽ góp
phần tạo ra môi trường hòa hợp chung cho tất cả mọi người. Cho dù chúng
ta chưa tạo ra được một tập thể hoàn toàn hòa hợp, nhưng sự đóng góp
tích cực của khuynh hướng này là không thể phủ nhận.
Quan tâm
giúp đỡ và phục vụ lẫn nhau trong công việc, tạo ra được sự đồng lòng
nhất trí trong mọi công việc chung của gia đình hoặc tập thể, đó là noi
theo nguyên tắc “ý hòa đồng duyệt”. Nếu mọi người trong gia đình đều
noi theo khuynh hướng này, công việc dù có khó khăn đến đâu cũng đều có
thể cùng nhau vượt qua, và ngay cả khi có thất bại cũng không vì thế mà
tổn hại đến hòa khí trong gia đình. Mỗi người đều biết nhận lấy phần
trách nhiệm về mình, không đổ lỗi cho nhau nên sẽ không bao giờ có sự
trách móc lẫn nhau. Đối với một tập thể, mối quan hệ gắn bó lẫn nhau
theo khuynh hướng này cũng là yêu cầu tất yếu để có thể tạo ra được sự
hòa hợp và đoàn kết.
Nói đến nguyên tắc “giới hòa đồng tu”,
chúng ta thường nghĩ ngay đến sự giới hạn trong phạm vi những người
xuất gia. Tuy nhiên, khái niệm này thật ra hoàn toàn có thể - và cần
phải - mở rộng để vận dụng vào đời sống thế tục. “Giới” không chỉ là
giới luật của người xuất gia, mà có thể được hiểu rộng hơn như là mọi
khuôn thước, chuẩn mực mà những người trong một gia đình hay tập thể
phải tuân theo. Hiểu theo cách này thì trong mọi môi trường, mọi hoàn
cảnh, chúng ta đều có những “giới” khác nhau để tuân theo. Khi tham gia
giao thông, ta phải tuân thủ luật đi đường; khi làm việc phải tôn trọng
những quy định về an toàn lao động; khi về nhà phải tuân theo nền nếp
sinh hoạt chung trong gia đình... Tất cả những chuẩn mực, khuôn thước
đó đều là “giới”, bởi vì nếu mọi người trong cùng một môi trường, hoàn
cảnh mà không nghiêm túc tuân theo những chuẩn mực, khuôn thước ấy thì
điều tất yếu là tập thể đó sẽ phải bị rối loạn, xung đột. Chẳng hạn,
khi có người tham gia giao thông không đúng luật, khi có người cùng làm
việc lại vi phạm quy định về an toàn lao động, hoặc khi trong gia đình
có người không tuân theo nền nếp sinh hoạt chung... tất cả đều sẽ là
nguyên nhân gây ra xáo trộn và bất an cho những người khác chung quanh
họ. Vì thế, môi trường nào cũng đều có những “giới” nhất định cần phải
tuân theo.
Mặt khác, khái niệm “tu” cũng không chỉ dành riêng
cho người xuất gia. Theo nguồn gốc chữ Hán, tu (修) có nghĩa là sửa
chữa, là điều chỉnh sự sai lầm, làm cho trở nên tốt hơn, hoàn thiện
hơn. Hiểu theo nghĩa như vậy thì tất cả chúng ta cũng đều đang tu,
không chỉ là các vị xuất gia. Chỉ có điều là các vị xuất gia tu học
theo điều kiện và môi trường, chí hướng thoát trần của họ. Còn chúng ta
chỉ tu để sửa chữa, loại bỏ dần những sai lầm, khuyết điểm trong đời
sống của mình mà thôi.
Như vậy, “giới hòa đồng tu” cũng là một
nguyên tắc vô cùng tích cực đối với đời sống thế tục của chúng ta. Nếu
mọi người trong gia đình hay một tập thể đều nghiêm túc tuân thủ, tôn
trọng những khuôn thước, nền nếp hay chuẩn mực chung và cùng khuyến
khích nhau sửa chữa mọi sai lầm, khuyết điểm, thì gia đình hay tập thể
đó chắc chắn sẽ sớm trở thành một môi trường hòa hợp, gắn bó mọi người
với nhau để cùng tiến bộ.
Hai nguyên tắc cuối cùng là “kiến hòa
đồng giải” và “lợi hòa đồng quân” có vẻ như rất khó đạt được sự tán
thành của quan điểm thế tục. Trong khi mọi người đều cho rằng vốn liếng
tri thức là tài sản của mỗi cá nhân, thì đối với việc chia sẻ kiến thức
tất nhiên không phải ai cũng có thể đồng ý. Hơn thế nữa, vấn đề đặt ra
là nếu chúng ta chấp nhận việc chia sẻ kiến thức trong khi những người
khác lại không làm như thế thì sao? Mặt khác, làm sao chúng ta có thể
chia sẻ đồng đều lợi ích với mọi người nếu như những người khác không
chịu nỗ lực góp sức tương đương với chúng ta? Câu trả lời ở đây là:
chúng ta cần phải thuyết phục mọi người thấy được giá trị chân thật của
đời sống không nằm ở các giá trị vật chất, và vì thế mà cái gọi là
“thiệt thòi” về mặt vật chất chưa hẳn đã là thua thiệt. Nhưng làm thế
nào để thuyết phục những người khác tin tưởng và thực hiện theo những
nguyên tắc mà chúng ta cho là đúng đắn? Trong một dịp khác, chúng ta sẽ
bàn đến nội dung này qua việc vận dụng Tứ nhiếp pháp - bốn phương pháp
thu phục lòng người.
Nguyên Minh
Nguồn Tập San Pháp Luân 37