Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)
Đáp: Trong
Kinh Địa Tạng, có nêu ra hai hình ảnh của hai người con báo hiếu cứu
mẹ. Một là, ở phẩm thứ nhứt, tiết mục 5, nói về Bà la môn nữ cứu mẹ. Hai
là, ở phẩm thứ tư, tiết mục 4, nói về Quang Mục cứu mẹ. Nhưng trong câu
hỏi của Phật tử, Phật tử không có nêu rõ là người con nào ở trong Kinh
Địa Tạng, Bà La Môn Nữ hay là Quang Mục. Vì không nêu rõ, nên ở đây,
tôi xin nêu ra hiếu tử Quang Mục, để tạm so sánh sự dị đồng giữa hai
người con như Phật tử đã hỏi.
Nếu xét trên tinh thần và mục đích báo hiếu giữa hai người con,
nhằm hướng đến cứu thoát mẹ mình khỏi tội để được giải thoát, thì ta
thấy cả hai đều giống nhau. Tuy nhiên, nếu luận về chi tiết qua thời
gian, không gian và hoàn cảnh, nhân vật, phát nguyện, phương pháp hành
sự, và người chịu khổ v.v… thì ta thấy có những điểm khác nhau.
Xét về thời gian, và hoàn cảnh, ta thấy có sự khác biệt. Thời
gian, và hoàn cảnh của nàng Quang Mục trong kinh Địa Tạng nói, so với
thời gian, và hoàn cảnh của Tôn giả Mục kiền liên, trong Kinh Vu lan
nói, thì khác biệt rất xa. Chuyện của Quang Mục cứu mẹ là việc xảy ra
trong vô lượng kiếp về quá khứ, thời của một vị Phật hiệu là Thanh Tịnh
Liên Hoa Mục Như Lai. Đó là chuyện xảy ra quá xa xưa và chỉ là một
chuyện truyền thuyết, chớ không phải là chuyện xảy ra trong lịch sử.
Ngược lại, chuyện của Tôn giả Mục kiền liên cứu mẹ là việc xảy ra trong
thời kỳ đức Phật Thích Ca còn tại thế. Đó là câu chuyện có thật trong
lịch sử loài người.
Xét về nhân vật cũng có sự khác biệt. Quang Mục là một nhân vật
người nữ không có trong lịch sử hiện thực. Đó chỉ là tiền thân của Bồ
tát Địa Tạng. Còn Tôn giả Mục kiền liên là một nhân vật lịch sử có thật.
Có quá trình xuất gia tu học và đắc quả, được sử liệu ghi chép rõ ràng.
Và ngài đã được nhơn loại thừa nhận là một nhân vật lịch sử trong thời
đại đức Phật Thích Ca. Và ngài do công phu tu hành mà có được thần thông
đệ nhất. Chính ngài dùng huệ nhãn thấy rõ sự đọa lạc thọ khổ của mẹ
ngài. Còn nàng Quang Mục phải dâng phẩm vật cúng dưòng và nhờ đến vị La
Hán chỉ bảo mới biết mẹ mình thọ khổ.
Xét về phương pháp hành sự cứu mẹ thoát khỏi tội khổ, thì giữa hai
người cũng khác nhau. Ngài Mục kiền liên thì dâng theo lời dạy của
Phật, đích thân ngài thỉnh Phật và chúng Tăng, sắm sanh phẩm vật thiết
lễ cúng dường trai tăng để cầu nguyện cho mẫu thân của ngài. Ngài tổ
chức một buổi đại lễ trai tăng rất trang nghiêm trọng thể vào ngày lễ Tự
tứ mãn hạ của chư Tăng. Ngược lại, nàng Quang Mục thì vâng theo lời dạy
của vị La Hán vẽ đắp hình tượng của đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai
và khóc than chiêm ngưỡng tượng Phật để cầu nguyện. Sau đó, nàng chiêm
bao thấy Phật chỉ bảo cho biết là thân mẫu của nàng sẽ thác sanh vào
trong nhà của nàng. Quả nhiên, người tớ gái trong nhà sanh ra một đứa
con trai, chưa đầy ba tuổi đã biết nói. Đứa trẻ đó chính là bà mẹ của
Quang Mục. Bà mẹ cho biết, năm 13 tuổi sẽ chết và đọa vào địa ngục. Biết
rõ đó là mẹ mình, nên Quang Mục vì cứu mẹ mà phát đại nguyện là sẽ cứu
các tội khổ chúng sanh ở trong địa ngục. Như thế, phương pháp và hành sự
cũng như bản nguyện cứu mẹ giữa hai người có khác nhau.
Nhân vật thọ khổ xét vể nguyên nhân tạo nghiệp ác thì có phần
giống nhau. Nhưng cách thọ khổ cũng như sự tái sinh giữa hai người có
khác nhau. Bà Thanh đề do lòng tham lam bỏn xẻn gây tạo nghiệp ác mà đọa
làm thân ngạ quỷ. Đói khát đau khổ trăm bề. Trong khi đó, bà mẹ của
Quang Mục vì tội sát sanh hại vật quá nhiều, ăn các loài cá trạnh, mà
phải bị đọa vào địa ngục vô gián. Sau khi mãn kiếp địa ngục thác sanh
vào trong nhà làm con của một người tớ gái. Còn bà Thanh Đề nhờ thần lực
chú nguyện của Phật và Thánh Tăng mà đánh động được lương tâm của bà.
Nhờ bà ăn năn cải hối chuyển đổi tâm ý mà được thoát khổ sanh lên cõi
trời hưởng phước báo. Ngài Mục kiền liên thì không có phát đại thệ
nguyện như Quang Mục. Nhờ sự phát nguyện của Quang Mục, mà đức Phật
Thanh Tịnh Liên Hoa cho biết là sau 13 tuổi bà mẹ sẽ chết và tái sanh
làm người Phạm Chí sống lâu trăm tuổi. Sau đó, sẽ sanh về cõi nước Vô Ưu
sống lâu không thể tính kể. Như vậy, việc hướng đến môi trường tái sanh
của hai người cũng khác nhau.
Tóm lại, mục đích báo hiếu giữa hai người con cứu thoát mẹ mình,
trên căn bản thì giống nhau. Cả hai đều đạt được mục đích và biểu lộ với
tất cả tấm lòng của một người con chí hiếu, dù bản nguyện, cách thức,
việc làm và đối tượng cầu nguyện có phần khác nhau.
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)