Phật Học Online

Bất Nhị (Niềm vui không nguyên nhân)
Huệ Hải

Bất nhị là không hai. Thế nào là không hai ? Không hai là không lạc vào hai cực đối đãi của một vấn đề . Bản chất sự vật là Thái cực nội bao âm và dương trong nó, trong âm có dương, trong dương có âm .

Thế nào là Bất nhị (Atvatya) ?

  Bất nhị là không hai. Thế nào là không hai ? Không hai là không lạc vào hai cực đối đãi của một vấn đề . Bản chất sự vật  là Thái cực nội bao âm và dương trong nó, trong âm có dương, trong dương có âm . Âm dương tương thôi thì nhi sinh ra vạn pháp. Trong sự việc nào cũng gồm đủ hai mặt đối đãi của nó . Bạn thấy một việc thuận lợi, thật sự mầm tan vỡ đã ở bên trong . Bạn thấy một việc buồn rầu, thật sự mầm an lạc có bên trong . Bạn thấy một chúng sanh, thật sự mầm Phật tánh đang phát triển bên trong  . Bạn thấy một sinh vật chuyển động, thật sự mầm yên lặng đang lớn dần bên trong. Bạn thấy ánh sáng, thật sự mầm của Phật tánh là bóng tối huyền diệu ẩn tàng bên trong. Bạn thấy yên lặng , thật sự âm nhạc cỏi lặng yên ngân nga không bao giờ dứt trong tâm thức của vũ trụ . Chúng sanh vô minh chỉ thấy mặt hiển tướng của vấn đề, không thấy mầm ẩn tàng của sự việc . Hai mặt một vấn đề luôn đi đôi với nhau . Không thể cầu thành Phật khi không có mầm chúng sanh bên trong . Chúng sanh là mặt bên kia của Phật . Bạn đang vui cười hớn hở vì sự thành công trong cuộc đời đó là Bạn đang bắt đầu đến việc thất bại nhất định sẽ xảy ra trong mai sau. Khi Bạn sinh ra đời và lớn dần lên có nghĩa là Bạn chết đi từ từ . Hai mặt một vấn đề gọi là Nhị nguyên, gọi là âm dương, gọi là bản chất của sự vật không cách gì thay đổi được cả . Hai mặt này luân phiên, cái thì hiển, cái thì mật, cái thì lộ bên ngoài, cái làm nhân bên trong, chúng tác động vơi nhau làm cho vật chất năng động và biến hóa không ngừng nghỉ . Bởi vậy Như Lai nói : Vật chất vật pháp chẳng qua là sự năng động không bao giờ ngừng…..Thấy như thật nghĩa là gì?   Thấy như thật nghĩa là thấy mặt hiển tướng của một sự việc . Người có trí tuệ và có tuệ giác nhà Phật thì biết ngay mầm đối đãi của nó cũng đang lớn dần từng giây, từng phút bên trong và đó là sự tự nhiên…..Thấy được hai mặt của một vấn đề để cuối cùng vượt lên trên , nghĩa là thích ứng với nó . Không tự đặt ra các mục tiêu theo tham dục của mình, bắt buộc sự vật phải biến hóa theo sự hiểu của mình. Đó là thấy như thật .   

          Vậy Bất nhị nghĩa là cái nhìn tuệ giác của Con nhà Phật biết sự vật là tương thôi đối đãi, do đó không làm gì có sự vui, không làm gì có sự buồn, không làm gì có sự sung sướng hoặc đau khổ….. Các tình cảm này đều thể hiện tâm thức Nhị nguyên của chúng sanh . Khi Bạn tiến đến trạng thái chánh định do hiểu nguyên lý bất nhị và năng động của sự vật thì tâm Bạn luôn luôn bình và an, tịnh và định…….Bởi độ tịnh, Bạn có niềm vui không nguyên nhân, đó là  niềm vui thường trú không bao giờ mất đi . Nó khác với cái vui giả tạo của thế gian sẽ tiếp nối theo là sự đau khổ do mầm đau khổ  xuất hiện cùng một lượt theo nguyên tắc bất nhị (Atvatya). Trái lại tâm Bạn tịnh thì sự vật nhìn qua cỏi giới tịnh này trở nên yên lặng, sáng suốt và như thật . Bởi vậy trạng thái tâm thức đi liền là sự an lạc không suy nghĩ, sự an lạc không có nguyên nhân. Đó là sự an lạc tự nhiên do tịnh mà có, không phải so sánh với đau khổ. Chúng sanh an lạc hoặc vui là đối đãi của một nguyên nhân, mất nguyên nhân này họ sẽ thấy khổ ngay. Người nghèo thì tham vọng thành giàu, khi sở đắc tiền bạc vật chất thì thấy sung sướng, mất nguyên nhân tiền bạc vật chất thì tự nhiên thấy đau khổ, cái vui của họ cột liền với nguyên nhân có vật chất. Không như vậy, trạng thái an lạc tự nhiên gọi là niềm vui không nguyên nhân của thiền nhân, không khởi sự từ một nguyên nhân nào cả. Bạn tịnh thì tự khắc sự an lạc đi liền . Tịnh nghĩa là an lạc mặc dù sự việc đến với Bạn theo mặt hiển tướng có thuận lợi hoặc trở ngại hay không, bởi vì sự việc đến một lần bằng hai mặt, sự cảm nhận của Bạn bị chệch đi Bạn mới có nguyên nhân…..Như vậy tịnh thì tự khắc có an lạc tự nhiên, như vậy định và tĩnh tâm thì khắc có niết bàn tại thế…..Cỏi Ta bà này đều đau khổ (Dukkha). Bởi vì chúng sanh là nhị nguyên .

          Vậy nhị nguyên có nghĩa là Dukkha .  Cỏi tịnh độ của đức A Di Đà có nghĩa là niết bàn an lạc, bởi vì tịnh có nghĩa là Nirvana . Tịnh có nghĩa là Atvatya . Vì rời xa cái đối đải, rời xa nhị nguyên mà trở thành bất nhị nghĩa là không hai . Đó là bước thứ nhất của người tu thiền luôn luôn tịnh, quan sát sự vật cảm nhận như thatä,  bởi vậy tuệ giác này làm cho họ thích ứng tự nhiên với mọi biến cố của cuộc sống, thích ứng tự nhiên với mọi sự vật mà không chấp chặt vào mặt hiển tướng của sự vật ấy. Đó gọi là an lạc thiền. Sau khi Bạn an lạc thiền vì tâm thức bất nhị như vậy, Bạn sẽ kiến tánh, nghĩa là thành Phật. Bạn kiến tánh là thế nào ? Kiến tánh là thấy bản chất sâu lắng của sự vật, nhìn một sự vật, nghe một âm thanh , biết một sự việc thông qua cái vỏ bên ngoài là mặt hiển giáo của nó, phải xuyên thấu vào trung tâm của sự vật, thấy xuyên thấu vào biển âm thanh của sự việc, hiểu xuyên thấu vào biển nguyên nhân của sự việc. Bạn nhìn ở cái cốt lõi, Bạn thấy cái chính giữa, Bạn cảm nhận ở trung tâm. Đó là điểm yên lặng tột cùng của sự vật, đó là mầm phát triển của Phật tánh ở nơi nơi .  

          Gọi là Như Lai có mặt khắp muôn nơi, gọi là Phật và chúng sanh đồng tại thế, bởi vì bản chất sự vật và Phật tánh ẩn tàng bên trong . Gọi là thành Phật nghĩa là sao ? Gọi là thành Phật nghĩa là tâm thức của các Bạn giao hòa rung động, cảm nhận trực tiếp với cốt lõi của sự vật. Không nơi nào không có Phật, không chỗ nào không có Như Lai. Tánh bao trùm khắp mọi nơi thấm đậm sự vật . Bạn định thì có an lạc. Bạn hành thâm bát nhã bà la mật đa đẩy sự tịnh này vào trung tâm sự vật thì Bạn gặp thấy Phật, tức là Bạn rung động và giao hòa với sự tự nhiên……Bạn ngồi thiền trong yên lặng như vậy, Bạn tiến sâu vào sự yên lặng này, cuối cùng Bạn sẽ thể  nhập bản chất cội nguồn của nó. Đó là hào quang của Như Lai rực rỡ tam phương đại phương thế giới . Bạn nghe tiếng chim hót, Bạn cảm nhận khoảng trống yên lặng đầy âm thanh huyền diệu ở giữa tràng âm thanh này, đó là Bạn thấy tánh của Như Lai . Bạn thấy sự vật đang diễn ra, tâm Bạn không lay động mà giữ được an lạc vì tâm Bạn cảm nhận, giao hòa và rung động với cái yên lặng tột cùng ở giữa biển hổn độn của sự vật. Vậy Bạn thấy một cái gì thì Bạn tịnh tâm thì cái thấy này sẽ bắt đầu xuyên thấu sự vật ấy . Cái thấy này đừng phát xuất ở tâm trí Bạn, cái thấy này phát xuất ở sự rung động của con tim Bạn thì sư xuyên thấu này sẽ tạo thành sự hội nhập, khế hợp cùng rung động với bản tánh của Như Lai.          

          Cái thấy xuyên thấu này, cái thấy rung động này, cái thấy làm Bạn khế hợp với sự vật gọi là thấy như thật. Đó là con mắt trên bàn tay của Tổ sư Thiên Thủ Thiên Nhãn (Avalo kytetsvara bodhisattva).  Nếu Bạn có tay mà không có mắt thì không phải là môn sinh của Ngài. Mỗi tay tượng trưng cho một sự việc của thế gian, một pháp của chúng sanh, vô lượng tay tượng trưng cho vô lượng vô biên pháp của chúng sanh. Các pháp này đều có tuệ giác là cái thấy trung tâm, cái thấy bằng con tim, cái thấy rung động cái thấy  bất nhị (Atvatya) . Nếu Bạn có cái thấy bất nhị, nếu Bạn có cái biết bất nhị tức là Bạn có con mắt của Như Lai trong từng cánh tay. Như vậy đó là pháp bất nhị của Như Lai . Bất nhị chứ không phải một vì chẳng có một nửa. Nó là thể rỗng không, nên gọi là bất nhị, nó là sự phản ảnh trực tiếp không thông qua so sánh nên gọi là bất nhị, nó là sự rung động của con tim Bạn, không phải là tiếng nói của lý trí. Nó chính là kiến tánh. 

Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật là như vậy.

 Hy vọng con tim các Bạn rung động, mầm Bồ đề tâm khởi lên, Phật tánh sáng suốt chiếu rọi trong tâm Bạn.

Source: daophatngaynay.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage