Phật Học Online

Những ngôi chùa linh thiêng ở Tứ Xuyên

Các chùa Tây Tạng, Trung Quốc, thường giống nhau ở điểm quanh chùa luôn có rất nhiều pháp luân (Mani luân) bằng gỗ hoặc kim loại, và bao quanh pháp luân không thể thiếu câu chú thần thánh Om Mani Padme Hum.

Thị trấn Ganzi thuộc khu tự trị Ganzi, Tứ Xuyên, vùng đất đậm đặc văn hóa Tây Tạng của vùng Kham, nơi đã đi vào giấc mơ của biết bao kẻ du hành lãng mạn khắp thế giới, vì ngưỡng mộ văn hóa và cả sự kiêu hùng của các chiến binh Khampa của một thời.

Đương lúc đỉnh đông nên tất cả những mái nhà cổ xưa và cả hè phố của Ganzi đều phủ một màu tuyết trắng tinh khiết lãng mạn và đường phố trở nên vắng lặng đến mức bạn có thể nghe rõ cả những cơn gió đông đang thổi qua thị trấn. Tôi đứng trong một con hẻm nhỏ không một bóng người ở thị trấn Ganzi, có cảm giác như mình đang sống trong một cổ trấn thường được mô tả ly kỳ trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.

Ở đây, điều tôi mê nhất là lang thang tìm đến các ngôi chùa nhỏ ẩn trong các ngõ sâu ven đường, vì tôi biết chỉ có những ngôi chùa chẳ̃ng mấy ai biết đến mới có thể cho tôi cảm nhận và trải nghiệm đầy đủ về đời sống tinh thần và tôn giáo của con người Tây Tạng. Đây là điều mà những ngôi chùa danh tiếng trong các tour du lịch hoặc Lonely Planet không thể có được.

Một ngôi chùa cổ ở Ganzi. Ảnh: Kim Sơn.

Tuy có thể khác nhau về kiến trúc và vật liệu xây dựng, nhưng các chùa Tây Tạng thường giống nhau ở điểm quanh chùa luôn có rất nhiều pháp luân (Mani luân) bằng gỗ̉ hoặc kim loại, lớn nhỏ tùy theo quy mô của chùa. Bọc quanh pháp luân không thể thiếu câu chú thần thánh Om Mani Padme Hum đã ăn sâu vào tâm khảm những người yêu mến Phật giáo toàn thế giới. Đây là pháp khí phổ biến nhất trong đời sống tôn giáo của người Tây Tạng dù ở bất cứ nơi đâu.

Mỗi ngày, hàng trăm tín đồ phật giáo Tây Tạng, thị dân và du mục, lại đến rồi rảo bước quanh chùa, vừa niệm kinh tay vừa xoay tròn những bánh xe thiêng để cầu xin sự cứu rỗi cho mình và thế nhân.

 

Cùng hòa mình vào dòng người đang đắm hồn trong cảm xúc thiêng liêng đó, tôi bỗng nhận ra rằng mình cũng chẳng khác gì họ, tôi cũng đang để tâm hồn mình được giải thoát khỏi những bức xúc và thất vọng mà cuộc sống hiện đại đã ám vào tâm trí suốt nhiều năm qua.

Lúc đó tôi cũng ngộ ra rằng, không ít điều mà tôi đã và đang theo đuổi ở chốn đời thường chỉ là thứ phù du. Và cũng trong những lúc đó tôi mới thực sự cảm nhận hết được sự chân thành, bình dị bên trong những con người Tây Tạng.

Đường phố Ganzi mùa đông. Ảnh: Kim Sơn.
Đường phố Ganzi mùa đông. Ảnh: Kim Sơn.

Tương phản với những ngôi chùa bé nhỏ cũ kỹ nằm khuất trong các hẻm nhỏ của thị trấn hay những ngôi đền bình dị ở các làng mạc xa xôi là những ngôi chùa to đẹp, thường rất nổi tiếng với cả một chiều dài lịch sử. Những nơi này thường cũng là chốn hành hương của rất nhiều dân Tây Tạng, trong số đó phần lớn là dân du mục đã phải đi bộ suốt nhiều ngày đường dưới băng tuyết để đến được nơi mà họ tin là thần thánh đang ngự trị.

Thị trấn Ganzi tuy rất nổi tiếng đối với giới thích tìm hiểu về đời sống và văn hóa của dân Khampa, nhưng thị trấn này lại khá bé và nghèo, đã vậy từ lâu đời, dân Khampa lại có tính tự tôn về truyền thống văn hóa và lịch sử của mình, dẫn đến sự xa cách với các nền văn hóa khác. Do vậy, bạn hiếm khi nhìn thấy bóng dáng người Hán ở vùng này, ngoài trừ vài ba người hết đất sống dưới xuôi đến đây mở quán ăn.

Ảnh vùng Ganzi, Tứ Xuyên

Khu tự trị Ganzi ở Tứ Xuyên, còn gọi là vùng Kham, rộng hơn 150 km vuông với dân số chỉ 880.000 người, chủ yếu là người Tạng.

Mùa đông ở vùng núi cao này, tuyết phủ trắng khắp nơi.
Trong tiết trời giá lạnh, ánh nắng vẫn chiếu rực rỡ trên những mái nhà và đền chùa.
Những con ngõ nhỏ sâu và quanh co ở Ganzi.
Phật tử khắp nơi hành hương tới nhưng ngôi chùa ở vùng Kham.
Những ngôi chùa nằm trên đồi cao. Đây là một lối đi dốc trong chùa.
Các pháp luân bằng gỗ quanh chùa.
Phật tử cầu nguyện trong các ngôi chùa cổ.
Các bậc thang đá, mái ngói cong là nét kiến trúc đặc trưng ở nơi đây.
Một trong nhiều khách lữ hành, dáng vẻ trầm mặc, tiến đến một ngôi chùa. Phía xa là những nhà sư mặc áo màu đỏ thẫm.

Một buổi sáng, khi đang đứng ngắm nghía những món đồ xưa cũ của một lão du mục đang bày bán trên phố, bỗng một gã Khampa tóc tai bù xù xõa đến tận vai, đang khoác chiếc áo dài truyền thống cũ mèm bước về phía tôi. Miệng gã tuy cười nhưng đôi mắt nhuốm đôi chút màu sắc hoang dã của gã như dán chặt vào mắt tôi, khiến tôi cũng hơi chột dạ .

Khi thấy tôi nhìn với ý dò hỏi, gã liền vung tay múa chân, kèm theo là vài tiếng Hán bập bẹ rời rạc, nhưng cũng đủ để tôi đoán ra là gã muốn tôi theo gã về nhà để xem thứ gì đó mà gã nuốn bán. Vừa tò mò lại vừa cảm thấy chạnh lòng khi nhìn gương mặt hốc hác của gã, tôi lặng lẽ cùng bước theo gã về nhà.

Theo gã bước lên căn gác gỗ tối tăm tôi mới biết gã còn có vợ và một đứa con trai có dáng vẻ chẳng khác gã là mấy. Chẳng cần chào mời khách sáo gì cả, gã Khampa lôi ra chiếc tráp đồng cổ xưa khá to, rón rén đặt trước mặt tôi rồi từ từ mang ra tất cả những thứ đã gắn chặt bao đời với cuộc sống của một du mục Tây Tạng thời xa xưa: dao, bùa chú, dụng cụ đánh lửa, túi da đựng rượu và cả một chiếc trống to đùng thường được các lạt ma gõ mỗi khi tụng kinh đang treo trên vách gỗ ẩm mốc.

Rời khỏi nhà người Khampa, tôi trở về nơi trọ trong tâm trạng vui buồn lẫn lộn vì vừa có được những món quà đích thực của vùng Kham, nhưng lại trong một hoàn cảnh mà tôi chẳng hề mong đợi chút nào. Nhưng dù sao thì đây vẫn là một trong những kỷ niệm khó quên mà tôi có được trong suốt những quãng đường dài thăm thẳm trên cao nguyên Tây Tạng, vùng đất tôi sẽ còn trở lại trong quãng đời còn lại.

Kim Sơn (VnExpress)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage