Phật Học Online

Đời sống tâm linh trong thời hiện đại
Khúc Đoan

Đối với tôi, thuật ngữ “thời cổ đại” hay “thời hiện đại” không có ý nghĩa nhiều bởi vì thời gian chỉ đơn giản là thời gian. Tuy vậy, hầu như mọi người đều bàn rất nhiều về “thời gian” (thường chỉ là do cảm xúc) mặc dù họ thực sự không thấu hiểu điều mà họ đang luận bàn.

Dẫu sao đi nữa thì nhiều người đều nghĩ về thời hiện đại với một thái độ rất tích cực và hạnh phúc trong số đó cả chính bản thân tôi cũng vậy. Chính bản thân tôi đều luôn cho rằng năm mới và những năm tiếp theo đều sẽ tốt đẹp hơn những năm cũ. Đây là điều tôi cảm thấy và tôi mong muốn tất cả các học trò và những bằng hữu của tôi cũng đều có cảm giác này. Tôi mong muốn họ hãy có một thái độ lạc quan về tương lai, tốt hơn hết là hãy nên lạc quan mặc dù điều này thực sự cũng chưa có ý nghĩa nhiều bởi vì nếu chúng ta quá hy vọng về tương lai thì chúng ta sẽ đánh mất thực tại. Cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn không có cảm giác tích cực về nó. Chúng ta nên có cảm giác tích cực về tương lai bởi tôi luôn thấy rằng bất kỳ điều gì chúng ta trải qua trong cuộc đời này đều có nguyên nhân. Tôi sử dụng từ “chúng ta” với ý chúng ta phải là một tập thể chứ không phải là những cá thể tách biệt.

Thế giới này đã phải trải qua vô vàn thiên tai, thảm họa và hiện tất cả mọi nơi trên thế giới vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn, trở ngại. Có lẽ chúng ta khó có thể tưởng tượng ra được một hoàn cảnh nào tồi tệ hơn như vậy. Bất kể khi nào lật một trang báo hay khi bật tivi, hầu  như bạn sẽ bắt gặp những tin tức xấu thiên tai, chiến tranh, tệ nạn xã hội   và khi bạn đang trên đường phố, bạn hầu như sẽ chứng kiến những điều rất tồi tệ, bất như ý, thậm chí nếu về mặt cá nhân chúng ta có thể rất may mắn đã không phải trải qua những điều như vậy.

Chúng ta tin vào “nghiệp lực” nhưng việc nói “vận tốt ,vận xấu” chỉ là một cách biểu đạt sự tình mà thôi.

Lấy ví dụ trong trường hợp của tôi, cá nhân tôi chưa từng bao giờ phải trải qua những khó khăn, trở ngại như chiến tranh hay thiên tai hỏa hoạn. Bởi vì bản thân tôi chưa từng phải chứng kiến những khó khăn, trở ngại này nên tôi tự thấy mình là một người rất may mắn. Tuy nhiên, là hành giả Phật giáo, chúng ta không tin vào khí vận bởi vì thực sự chẳng có thứ gì là may mắn hay bất hạnh cả. Thay vào đó, chúng ta tin vào “nghiệp lực”, nhưng việc nói “vận tốt hay vận xấu” chỉ là cách biểu đạt sự tình mà thôi. Dẫu sao đi nữa, tôi cũng nói rằng “tôi là một người may mắn” hay “tôi thật có phúc báo” bởi đã không phải trải qua tất cả những thiên tai, hỏa hoạn này. Tuy nhiên, tất cả chúng ta có thể thấy rằng nếu như chúng ta là một trong những người đang phải trải qua một thiên tai, hỏa hoạn nào đó thì chúng ta sẽ có thể chịu đựng điều này được chăng? Chúng ta có thể vui vẻ với điều này hay không? Không, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ không vui gì với những sự trải nghiệm này; để vui vẻ với những hoàn cảnh đó là điều không thể.

Lấy ví dụ, với những người đang phải trải qua một cuộc chiến tranh, một trận động đất, hỏa hoạn, lũ lụt hay những “thảm họa thiên nhiên” khác. Họ đang phải chịu đựng sự mất mát, khổ sở cùng cực và tai ương tật bệnh. Sự trải nghiệm này không chỉ ảnh hưởng tới loài người mà còn ảnh hưởng tới cả loài động vật nữa. Chúng ta chỉ luôn nghĩ về chính mình và “quyền của con người” nhưng hầu như chúng ta lại không bao giờ tưởng đến “quyền của loài vật”. Điều này thực sự làm tôi cảm thấy xót xa. Tôi cảm thấy xót xa bởi vì tất cả mọi người đều chỉ tưởng về “chính bản thân mình”, “gia đình mình”, “phúc lợi của mình”, “những người hàng xóm” và “quốc gia của mình”. Thậm chí những người theo tôn giáo cũng chỉ nói về loài người mà thôi. Trong khi con người đương nhiên có quyền được sống một cuộc sống an bình, hạnh phúc vậy còn loài chó, mèo, chuột hay những loài động vật khác thì sao? Chúng bị sát hại mà chúng ta không chút động tâm, không chút mảy may thương cảm nào. Chó, mèo, chuột và các loài động vật khác có thể bị đem ra làm thí nghiệm và bị giết hại trong những phòng thí nghiệm nhưng chúng ta lại không bao giờ đàm luận hay bàn về điều này. Những động vật này bị giết mổ bởi con người. Thật vô cùng bi ai bởi vì chúng cũng có cảm giác và ngôn ngữ, mặc dù chúng có thể biểu đạt không giống loài người chúng ta. Chúng không nói hay dùng ngôn ngữ của con người nhưng chúng cũng có cảm nhận giống như con người. Chúng cũng trải qua sinh mệnh giống như con người, ấy vậy mà chúng ta luôn thiếu tôn trọng điều này, chúng ta thiếu tôn trọng quyền sống của chúng. Bởi vậy, hàng ngày hàng đêm, chúng phải trải qua tất cả những loại thiên tai, hỏa hoạn, trải qua tất cả những khó khăn trở ngại. Tuy nhiên, khi chúng ta chỉ có một rắc rối nhỏ nhưng chúng ta lại bất mãn và biến nó thành nghiêm trọng. Chúng ta rất ích kỷ, chúng ta chỉ quan tâm tới chính mình nhưng chẳng ai quan tâm đoái thương tới loài vật cả. Có bao nhiêu loài vật bị giết mổ mỗi ngày? Có bao nhiêu loài vật bị đánh đập lạm dụng mỗi ngày? Chúng ta không quan tâm tới điều đó! Cũng như vậy, có bao nhiêu cây cối đã bị đốn chặt? Có bao nhiêu thực vật cỏ cây bị cắt đốn? Chúng ta thậm chí cũng không quan tâm tới điều đó. Dù cho có bao nhiêu cái gọi là “thiên tai thảm họa” do chính chúng ta tạo ra, chúng ta vẫn làm ngơ, chúng ta không mảy may quan tâm. Chúng ta chỉ quan tâm tới chính bản thân mình và sở hữu của mình mà thôi.

Ích kỷ tự lợi là dẫn khởi mọi rắc rối trong thế giới này

Tất cả những thứ này được gọi là một “thái độ ích kỷ tự lợi”. Ích kỷ là dẫn khởi mọi vấn đề rắc rối trong thế giới này. Ích kỷ đã tồn tại qua bao nhiêu thế hệ? Qua bao nhiêu triệu năm? Tôi cho rằng nó đã tồn tại cố hữu liên tục trên thế giới này. Chính do sự ích kỷ của chúng ta, nên trước mắt chúng ta chỉ thấy đây là thời gian tồi tệ nhất.

Tuy nhiên chúng ta nên bắt đầu nghĩ về tất cả mọi điều với một thái độ lạc quan hơn. Không chỉ suy nghĩ lạc quan hơn mà thực sự thì đã tới lúc chúng ta phải có những trải nghiệm tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Một thời gian tốt đẹp hơn cần phải đến bởi vì tôi cho rằng chúng ta không thể còn điều gì tồi tệ hơn như bây giờ! Những điều mà chúng ta đang trải qua trong thế giới thực sự là những điều tồi tệ nhất rồi! Bạn có thể chứng kiến những điều đó hàng ngày, bạn có thể nhìn thấy bao nhiêu loài vật bị đánh đập, bị hành hạ và giết mổ để ăn thịt, không chỉ ở London, Tokyo, Paris hay Singapore mà ở khắp mọi nơi trên thế giới. Loài vật chưa bao giờ được bất cứ một quyền gì và chúng không có bất kỳ tự do nào cả. Do đó, khi chứng kiến cảnh loài vật như vậy, bạn có thể thấu hiểu được thế giới đang phải kinh qua một thời đại tồi tệ và khủng khiếp đến nhường nào.

Thực sự thì chúng ta thuộc về thế giới động vật và chúng cũng nằm trong thế giới của chúng ta bởi vậy chúng ta đều trong một đại gia đình. Chúng ta phải thấu hiểu điều này, không nên thấy rằng bởi vì chúng ta là con người, chúng ta có quyền hưởng thụ, có quyền sát sinh còn chúng là loài vật nên đương nhiên chúng phải bị chịu khổ. Chúng ta không nên nghĩ như thế bởi vì loài vật cũng có quyền sinh tồn, chúng cũng có cảm giác ham sống sợ chết giống như loài người; không có chúng sinh nào phải chịu khổ đau cả! Vì vậy tôi rất không hoan hỷ khi mọi người chỉ bàn về nhân quyền mà thôi. Tôi lấy làm tiếc khi phải nói điều này nhưng thực tế thì nhân quyền là gì? Nếu như nhân quyền có thể được sử dụng như là cơ sở để đạt được những quyền cho hết thảy chúng sinh thì cũng rất tốt. Tuy nhiên sẽ là không đủ nếu như bạn phủ nhận quyền của loài vật. Nếu như bạn chỉ bàn về quyền của con người thì điều này chứng tỏ rằng, bạn chẳng hiểu gì về nỗi khổ của loài vật cả và tôi thấy thật không công bằng chút nào. Những loài vật đáng thương cũng có những loại cảm xúc yêu, ghét, mừng, giận, những nỗi đau khổ như chúng ta, chúng cũng có những sự khao khát, những ham muốn được sống và được hạnh phúc như chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta lại không cho phép chúng có những quyền tự do đó. Chúng ta đánh đập, hành hạ và sát hại chúng. Chúng ta chỉ lạm dụng những năng lượng, khả năng và bất kỳ những gì chúng ta có để hành hạ, đánh đập và sát hại chúng. Nếu như bạn suy nghĩ kỹ những điều này, bạn sẽ thấy một cách đầy đủ hơn, toàn diện hơn những gì đang diễn ra trên thế giới, không chỉ với loài người mà với cả loài vật, với núi rừng và với toàn bộ môi trường tự nhiên. Bạn sẽ thấy rằng có lẽ chúng ta đang trải qua giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất.

Trong thời hiện đại chúng ta phải có thái độ và cảm nhận một cách lạc quan.

Trong thời hiện đại chúng ta phải có thái độ và cảm nhận một cách lạc quan, không chỉ trong phương diện tôn giáo mà cả trong phương diện đời sống thường nhật. Là một người tại gia bình thường, chúng ta nên nghĩ và cho rằng chúng ta đang thực sự tiến tới một thành quả vĩ đại nhất đó là một thế giới tốt đẹp hơn và những trải nghiệm tốt đẹp hơn. Tôi có một cảm giác lạc quan rất mạnh mẽ rằng đây là điều chúng ta nên cảm nhận. Lý do tại sao tôi nói điều này là bởi vì con người (đặc biệt là ở phương Tây) hiện đang chú trọng nhiều để theo con đường tâm linh hơn là theo con đường tôn giáo hay văn hóa. Gần đây tôi đã phát hiện ra rằng con người đang ngày càng trở nên quan tâm, chú trọng tới tâm linh nhiều hơn. Trong mười năm qua, tôi đã chu du khắp thế giới, truyền pháp và khai thị ở nhiều nơi. Thời gian gần đây, tôi đã viếng thăm nhiều nước ở phương Tây và được khích lệ rất nhiều. Khi hồi tưởng lại những điều tôi đã tích lũy được trong suốt khoảng thời gian này, tôi có thể nhận thấy rằng đã có rất nhiều chuyển biến nơi những học trò, bằng hữu của mình. Họ quan tâm, chú trọng đến tâm linh nhiều hơn là tín ngưỡng tôn giáo. Tôi cho rằng, đây là một sự chuyển biến rất tích cực và cũng là một bước tiến đầy triển vọng.

Tôi tin tưởng rằng đây là sự chuyển biến rất tích cực bởi vì thông qua lịch sử đạo Phật, đạo Thiên Chúa và đạo Hồi bạn có thể biết được rằng hầu hết những xung đột, thảm họa đều bắt nguồn từ sự tranh giành và chém giết giữa con người với nhau. Điều này cũng đúng trong Phật giáo Tây Tạng. Nếu nghiên cứu lịch sử, bạn sẽ thấy rất nhiều câu chuyện tồi tệ về xung đột tôn giáo, rất nhiều thứ tồi tệ đã nhân danh tôn giáo. Những người của một tôn giáo này thường tranh đấu và tàn sát những người thuộc tôn giáo khác. Tại Tây Tạng cũng từng diễn ra sự tranh đấu giữa những tông phái Phật giáo khác nhau. Họ đã làm tất cả những điều tồi tệ như phỉ báng, tranh đấu và tàn sát lẫn nhau. Tôi lấy làm tiếc khi phải nói lên những điều này nhưng đó lại là sự thật. Rất nhiều người trong số các bạn có một quan niệm rất tốt đẹp về Tây Tạng, giống như cảnh tượng về Shangrila. Nhiều người không hiểu biết nhiều về Shangrila, cho nên họ tưởng đến một cảnh giới phi thường tốt đẹp. Có thể những con người của cái gọi là Shangrila này đang có một thời gian rất tuyệt vời, nhưng những người Tây Tạng chúng ta thì thực sự lại phải trải qua rất nhiều những rắc rối phiền nhiễu. Tôi chỉ lấy Tây Tạng làm ví dụ, bởi vì không chỉ người Tây Tạng mà tất cả loài người trên thế giới này đều đang phải chịu đựng khổ đau triền miên.

Vô số những thảm họa trên thế giới này đều do cố chấp tôn giáo

Nếu như bạn ngồi lại và để ý đến lịch sử, khi đã có logic kiến thức về lịch sử. Bạn sẽ nhận ra rằng, vô số những thảm họa trên thế giới này đều do cố chấp tôn giáo.

Tại sao tất cả những cuộc tranh đấu này lại do tôn giáo? Đó chính là vì những người có tín ngưỡng thường không có sự hiểu biết về tâm linh hoặc không khao khát được thực hành tâm linh. Tôi không biết tại sao nhưng họ thực sự không tỉnh thức về con đường tâm linh. Thời gian gần đây, tôi đã đi đến nhận thức rằng không chỉ người Tây Tạng mà còn cả người Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và rất nhiều người trên toàn thế giới đang ngày càng bị kích động, cuồng tín tôn giáo. Ý tôi là họ ngày càng hoàn toàn bị kích động bởi những giáo điều, quy tắc tôn giáo và bởi vậy họ trở nên cuồng tín. Họ tự chụp mình vào chiếc lồng tôn giáo và tự nhiên trở nên bị kích động cuồng tín. Khi tâm của họ hạn hẹp như vậy, họ họ không thấy được cách thức nào khác  họ trở nên sân giận và rất ích kỷ bởi.

Lấy ví dụ, nếu chúng ta ngồi đây suốt ngày đêm không được phép nhìn bất cứ điều gì khác ngoài khung cảnh hạn chế trước mặt, khi ấy thần kinh chúng ta sẽ bị ức chế, bức xúc. Chúng ta sẽ trở thành những con người kiến thủ bởi vì quan kiến của chúng ta quá hạn hẹp. Nhận thức của chúng ta quá hời hợt nên chúng ta rất tuyệt vọng và sân giận. Mặc dù bản chất chúng ta là những người tốt nhưng những hạn chế này đã làm cho chúng ta tồi tệ. Tôn giáo cũng tương tự như vậy, nó thường đẩy bạn vào đường hầm độc đạo làm cho bạn chỉ cố chấp phiến diện một chiều. Nhìn từ góc độ tôn giáo chỉ có một con đường duy nhất để tiếp cận nhìn nhận sự vật mà không được có bất kỳ cách nào khác, chính vì thế bạn trở nên bị cuồng tín kích động. Tôi không biết tại sao người ta lại bị trói buộc và bị lôi kéo theo cách này, nhưng khi họ cuồng tín tôn giáo thì họ không thể cảm thông chia sẻ với bất kỳ một ai khác.

Nhưng dù thế nào đi nữa, thật là may mắn một cuộc cải cách hiện đang diễn ra! Đó là lí do tại sao tôi cảm thấy lạc quan về thời hiện đại. Điều mà tôi đang nói ở đây là có những mối quan tâm tích cực đang dần hiện trong tâm trí chúng ta và điều đó làm tôi cảm thấy rất vui.

Sự tu tập tâm linh và hiểu biết tâm linh cần phải hiện hữu song hành

Nhiều năm nay, tôi đã rất cố gắng nỗ lực để truyền tải tầm quan trọng của tâm linh và những điểm yếu của việc cuồng tín tôn giáo. Tất nhiên, tôi không nói rằng một người có niềm tin tôn giáo nhất thiết phải là một người xấu hay tiêu cực bởi vì cũng có rất nhiều những điều tốt đẹp về lòng tin tôn giáo. Mặc dù vậy, bạn cần phải luôn cân nhắc điều tốt hay xấu, điều nào mạnh hơn. Nhưng ít nhất thì bạn cần phải ý thức được sự cân bằng giữa hai phẩm chất này. Để tìm ra sự quân bình này thì sự tu tâp tâm linh và hiểu biết tâm linh phải hiện hữu song hành. Ngay khi bạn mất đi sự quân bình này, thì bạn sẽ chẳng đạt được gì cả! Khi đó bạn sẽ không có bất kì sự hiểu biết chân thật nào về thế giới ngoại trừ những giới cấm thủ và quy tắc cứng nhắc.

Việc ăn chay là một ví dụ cho quan điểm này. Bản thân tôi đã trường chay khoảng 20 năm, nhưng tôi chưa từng cấm bất kỳ đệ tử nào không được ăn thịt. Tôi không ép buộc họ phải làm điều này hay điều kia, nếu tôi ép buộc họ như vậy thì sẽ trở thành một hình thức tôn giáo. Tôi cũng chắc chắn rằng, nếu tôi yêu cầu họ trở thành một người trường chay thì họ cũng sẽ theo lời chỉ dạy của tôi. Tuy nhiên, nếu vậy thì có nghĩa là họ đang theo tôn giáo của tôi. Nếu tôi nói với họ rằng họ không được ăn thịt thì hành động đó là hình thức của tôn giáo, bởi vậy tốt hơn là hãy để họ tự lựa chọn điều gì họ mong muốn. Nếu họ thực sự biết những bất thiện tiêu cực của việc ăn thịt bằng nhận thức của họ thì họ sẽ tự nhiên và vui vẻ trở thành người trường chay. Theo quan điểm của tôi thì điều này rất đáng khích lệ cổ vũ! Tuy nhiên, nếu họ không có tri thức riêng của mình thì họ sẽ không vui vẻ khi trở thành người trường chay. Nếu vậy tốt hơn là tôi sẽ đợi cho đến khi họ có thêm sự hiểu biết về tầm quan trọng của việc không ăn thịt. Bổn phận của bậc thầy, tôi nên nhẫn nhục, khoan dung và trí tuệ. Tôi không nên nói rằng: “Này con, con phải ngay lập tức trở thành một người trường chay!” Tôi không có quyền ép buộc họ, nếu tôi ép buộc thì sẽ trở thành một hình thức tôn giáo, điều mà tôi không bao giờ muốn.

Trở thành người trường chay có nghĩa là phải hiểu được những ác nghiệp bất thiện khi cướp đi mạng sống của chúng sinh khác. Thật đáng tiếc, mọi lúc chúng ta sát sinh những con vật tội nghiệp đang vui vẻ với cuộc sống của chúng trên những bãi cỏ và cánh đồng xanh. Chúng ta vô cớ bắt và sát hại chúng! Và rốt cuộc là không ăn thịt thì chúng ta cũng không chết. Chúng ta có dư thừa những thực phẩm khác để tồn tại nhưng chúng ta vẫn giết chúng chỉ vì sự hưởng thụ và khoái khẩu của bản thân. Tôi thấy rằng đó chẳng phải là một điều tốt đẹp và công bằng. Cho nên, tôi quyết định không ăn thịt.

Sự hiểu biết này là một phần trong sự thực hành tâm linh của tôi, từ góc nhìn tâm linh của mình, tôi thấu hiểu điều đó. Tận đáy lòng mình tôi hiểu một cách sâu sắc rằng thật là bất thiện khi sát sinh. Tôi không bị ai bắt buộc ăn chay, nhưng sự hiểu biết đã giúp tôi trường chay. Vì thế, tôi tin đệ tử của mình cũng sẽ không bị bắt buộc. Tự họ sẽ phải thấy những điều gì cần làm. Tôi chỉ sử dụng ví dụ về việc ăn chay để minh họa cho luận điểm này.

Mỗi người phải tự khám phá con đường tâm linh cho chính mình.

Mỗi người phải tự phám phá con đường tâm linh cho chính mình. Chúng tôi với bổn phận là những đạo sư, những bậc thầy hiển diện nơi đây đơn giản chỉ là người nâng đỡ, khai thị giáo pháp cho bạn. Ví dụ như, tôi có thể chia sẻ với bạn những kinh nghiệm của tôi về cách sống, và làm thế nào cải thiện để hoàn thiện chính mình, nhưng sau đó bạn phải tự suy nghĩ và quyết định về những điều này. Đây chỉ là sự bàn luận, còn bạn phải tự quyết định xem nó có thực sự lợi ích hay không. Tôi hay bất kì một đạo sư nào khác đều không muốn trở thành những người chỉ ra lệnh. Tôi cũng không muốn mình là người độc tài cố ép họ phải thay đổi theo phương thức của tôi. Chúng ta không nên xử sự như vậy.

Là bậc thầy, chúng tôi cảm thấy rằng cần phải thảo luận về những vấn đề trong cuộc sống, phải cùng chia sẻ bất kỳ điều gì mà chúng ta đã trải nghiệm và trao đổi tri thức để giúp đỡ, cải thiện từng người theo các cách khác nhau. Chủ đề và động cơ chính nên thảo luận là bằng cách nào chúng ta có thể cải thiện được chính mình. Nếu không, điều đó sẽ giống như giờ đây tôi đang bình tọa trên chiếc ngai trang hoàng lộng lẫy này, tôi được coi là người có vị trí cao nhất ở đây, có tầm hiểu biết sâu rộng tôi có thể thấy mình có quyền ra lệnh cho bạn được phép làm hay không được phép làm điều gì đó. Tôi có thể yêu cầu bạn phải quy y Phật, Pháp, Tăng hay hàng ngày, trì tụng thần chú này, thần chú kia. Tôi có thể cho phép bạn được làm điều này hay không được làm điều kia. Bạn không được phép ăn thịt hay không được phép uống đồ uống kia. Tuy nhiên, đây là cách thức điển hình của cách thức tôn giáo. Tôi có thể yêu cầu bạn phải tụng thần chú: “Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng”, nhưng theo hiểu biết của tôi thì việc ép buộc như vậy không hẳn là tốt, mặc dù là một Phật tử thì việc trì tụng thần chú là điều rất tốt. Theo tôi, thật sự sẽ chẳng có nghĩa gì nhiều nếu việc trì tụng không xuất phát từ sự hiểu biết chân thật của bạn.

Bạn nên biết rằng rất lợi ích khi trì tụng “Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng” cho chính bạn và cho hết thảy chúng sinh. Tuy nhiên sẽ tốt hơn khi niềm tin xuất phát từ sự hiểu biết chân chính của bạn, khi đó bạn sẽ có động cơ thanh tịnh để thực hành trì tụng thần chú này. Tôi sẽ không phản đối nếu bạn thực hành tất cả các pháp của tôn giáo. Nhưng sẽ là không đúng nếu tôi ép buộc bạn. Điều này là không tốt, đó là nhược điểm của tất cả tôn giáo, không chỉ riêng truyền thống Phật giáo. Cuồng tín tôn giáo sẽ trở thành vấn đề rắc rối và sẽ đẩy bạn vào những phiền toái triền miên.

Như tôi đã nói, ngay bây giờ đây là thời cơ tích cực để chúng ta thực sự suy ngẫm về việc phát triển tâm linh. Điều làm tôi cảm thấy rất hạnh phúc là mình hiện được chứng kiến một cuộc cải cách tiệm tiến. Đó là điều tốt cho tất cả chúng ta, tôi cho rằng đó là phần lớn nhờ vào người Châu Âu, những người đã trở nên quá mỏi mệt với tôn giáo. Đây là lí do tại sao bạn đang tìm kiếm một thứ gì khác như đạo Phật, đạo Hindu, yoga hay “thứ này thứ kia”. Tôi không biết nhiều về những điều đang diễn ra xung quanh có lẽ các bạn biết nhiều hơn tôi, nhưng tôi nghĩ sẵn có hàng loạt phương pháp thực hành. Ở phương Đông, chúng tôi không biết nhiều các loại thực hành ở các truyền thống tôn giáo khác nhau nhưng bạn đọc rất nhiều sách nên đã biết nhiều điều mà chúng tôi không biết. Người phương Đông không biết cái gì đang có trong siêu thị, nhưng các bạn lại biết bởi vì rất nhiều pháp thực hành đã âm thầm được truyền sang phương Tây. Dẫu sao đi nữa các bạn đang tìm cầu một điều gì đó khác cũng là điều rất tốt.

Tôi nghĩ rằng, trong rất nhiều thế hệ các bạn đã tìm cầu một điều gì ngoài tôn giáo nhưng bất hạnh thay đã không có nhiều các chân đạo sư có thể hướng đạo thực hành tâm linh cho chúng ta. Mặc dù có rất nhiều đạo sư đã giảng dạy giáo pháp và thực hành tâm linh chân chính các nhưng họ không có mặt ở phương Tây.

Sau khi tôn giáo từ phương Đông du nhập phương Tây, có rất nhiều người phương Tây đã trở nên cuồng tín vì thiên chấp tôn giáo.

Thật không may, sau khi tôn giáo từ phương Đông du nhập phương Tây, có rất nhiều người phương Tây đã trở nên cuồng tín vì thiên chấp tôn giáo. Tôi đã chứng kiến có rất nhiều người phương Tây tự coi mình là những vị tăng hay ni, Phật tử rất quan trọng. Họ dường như quá quan tâm đến những điều như là trường phái Phật giáo Gelugpa (mũ vàng), Sakyapa (mũ trắng), Nyingmapa (mũ đỏ), Kagyapa (mũ đen). Khi gặp một vài người trong số họ, tôi chỉ đơn giản nói: “Ồ, xin chào, xin mời ngồi. Bạn có muốn dùng trà không?” Họ đã không trả lời: “Vâng, xin cảm ơn Ngài, tôi muốn dùng trà”, mà lại trả lời: “Tôi muốn biết Ngài thuộc dòng phái nào. Ngài thuộc truyền thừa Kagyudpa có phải không?” Họ đã không muốn thưởng thức trà và các đồ ăn tôi đã mời mà ngay lập tức đặt câu hỏi: “Tôi muốn biết Ngài thuộc dòng phái nào? Ngài thuộc dòng Kagyudpa hay Ningmapa?” Những việc này phản ánh điều gì? Nó thật đáng buồn. Tôi không mong đợi họ đưa ra những câu hỏi như vậy, tôi chỉ muốn mời họ uống trà … mà chỉ đơn giản như vậy thôi! Tôi muốn họ thưởng thức một tách trà, nói chuyện về thời tiết, chia sẻ những quan điểm của mình, chỉ như vậy thôi… hãy thật bình thường.

Tôi đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm như vậy với người Mỹ, với rất nhiều người Châu Âu và điều này sẽ đáng buồn hơn nếu như tôi gặp một người Tây Tạng mà lại hỏi những điều tương tự. Với một người Tây Tạng, tôi không thể bỏ qua được điều này bởi vì thái độ, cách ứng xử này đã tồn tại qua nhiều thế hệ nhưng đối với người phương Tây thì lại hoàn toàn rất mới khi hiểu biết về đạo Phật. Tôi cho rằng có lẽ khoảng 75% đến 85% lỗi lầm là do các bậc thầy Tây Tạng, những người đã đưa lại cho họ những tư tưởng phân biệt tông phái này. Nếu như những bậc thầy dạy theo cách như vậy thì những đệ tử của họ cũng sẽ giống họ. “Đây thực sự là một điều sai lầm trên con đường tu tập tâm linh. Tất cả mọi người không nên lôi kéo người khác sang đạo của mình, việc làm đó là hoàn toàn trái với đạo lý.

Sẽ chỉ là một trò tiêu khiển nếu một bậc thầy cố gắng lôi kéo ai đó thay đổi tôn giáo của họ để trở thành Phật tử: “Hãy thay đổi y phục và mặc giống thế này, thế kia. Dù có muốn hay không, con cũng phải cắt tóc!” Thậm chí, bậc thầy không cũng không ép buộc mọi người, mà chỉ là hết sức cố gắng nhằm lôi kéo người đó trở thành một người giống một vị Tăng bằng việc đưa ra rất nhiều những điều hấp dẫn khác. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chỉ là một phương tiện khôn khéo sử dụng công cụ, cách thức của tôn giáo mà thôi. Tôi nghĩ rằng nó thật không đúng đắn chút nào. Nếu bạn sinh ra trong gia đình Thiên Chúa Giáo và tôi là Phật tử thì công việc của tôi không phải là cố gắng lôi kéo bạn thành người đạo Phật. Tại sao tôi lại phải làm điều này? Tại sao tôi lại cố gắng lôi kéo người khác để trở thành Phật tử? Tôi thực sự cảm thấy rằng có gì không ổn ở đây. Nếu họ muốn trở thành Phật tử với lòng tự nguyện thì điều đó cũng rất tốt, tại sao lại không tốt chứ? Điều này có nghĩa rằng họ thấy rằng việc thực hành đạo Phật là dễ dàng hơn và sâu sắc hơn.

Tất cả tôn giáo đều có rất nhiều điều tốt mà chúng ta có thể thực hành nhưng điều kiện tiên quyết là phải có trí tuệ và sự hiểu biết tâm linh.

Nếu mọi người đều thấy được đạo Phật rất hữu ích trong đời sống thì khi đó họ được nồng nhiệt đón chào, bởi vì đạo Phật là một trong những phương tiện mà chúng ta có thể áp dụng để chuyển hóa cuộc sống của mình. Tất nhiên, Thiên Chúa giáo cũng mang lại những hữu ích tương tự nếu bạn thực sự sử dụng Thiên Chúa giáo một cách đúng đắn. Có vô số những điều vô cùng hữu ích trong Thiên Chúa giáo, trong truyền thống đạo Hồi và tất cả những tôn giáo khác. Tuy nhiên, trong khi tất cả những tôn giáo có rất nhiều những điều hữu ích mà chúng ta có thể thực hành điều kiện tiên quyết là phải có trí tuệ và sự hiểu biết tâm linh. Bằng không, nó sẽ chỉ là một thứ gì đó giống như việc dùng thức ăn mà không có gia vị. Nếu bạn chỉ cho rau vào nước và đun sôi lên mà không cho muối, ớt và các gia vị khác thì bạn sẽ thấy đó không phải là một món ăn ngon. Bạn phải cho thêm nhiều những gia vị khác để món ăn thêm ngon hơn. Tương tự như vậy, tôn giáo cũng cần “gia vị tâm linh”. Nếu đã có “gia vị” này bạn có thể theo bất kỳ tôn giáo nào mà không gặp phải những chướng ngại rắc rối. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết bắt buộc phải là một Phật tử, bắt buộc phải là một người Thiên Chúa giáo hay phải là tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào khác. Bạn không nhất thiết phải tin vào bất kỳ tôn giáo nào để tu tập trên con đường tâm linh. Thực hành tâm linh có nghĩa là tham dự vào quá trình cải thiện đời sống của bạn. Đây là điều quan trọng nhất. Nếu bạn hiểu làm thế nào để cải thiện đời sống của mình thì tự nhiên bạn có thể biết làm thế nào để có thể giúp đỡ quan tâm chia sẻ với người khác. Một khi bạn hiểu được tầm quan trọng của việc quan tâm, chăm sóc đời sống của mình, bạn sẽ nhậm vận biết rằng những người khác cũng đều giống như bạn, họ rất cần sự tương trợ, nâng đỡ. Bạn sẽ cảm thấy rằng mình có thể chăm sóc họ, bởi vì họ không có thể tự chăm sóc được chính mình. Bạn sẽ không chỉ cảm thông chia sẻ ban trải tình yêu thương hướng về loài người mà còn trải rộng tới những loài vật!

Đây là điều rất tích cực mà bạn nên thực hiện, bởi vì khi lòng bi mẫn đến, tình yêu thương đến và sự tiến hóa cũng hiển diện. Bạn có thể gọi đây là tín tâm, nhưng tôi không thực sự muốn diễn tả đó là tín tâm mà tôi muốn gọi đó là tâm chí thành. Bạn có thể trở thành người rất tốt và có chí tâm sùng kính! Tuy nhiên, điều duy nhất chúng ta lại đang bỏ lỡ là tiến trình tâm linh của việc trau dồi, cải thiện đời sống. Chúng ta không biết làm thế nào để cải thiện đời sống và chúng ta không biết làm thế nào để yêu thương chính mình. Nếu chúng ta không biết cách nào để yêu thương chính bản thân mình thì chúng ta sẽ không biết cách nào để thương yêu tới người khác. Mặc dù chúng ta có thể vờ là rất thương yêu người khác khi nói những điều như: “Tôi rất thương yêu bạn”, “Tôi rất thương yêu tất cả mọi người”, “Tôi yêu người này, người kia”, “Tôi yêu thứ này thứ kia”, nhưng những lời nói đó thực sự không chân thực. Nếu tìm hiểu sâu vào những điều mà mình đang cảm nhận, bạn sẽ thấy rằng bạn không thực sự thương yêu bất kỳ một ai cả bởi vì chính bạn cũng không biết cách yêu thương chính mình. Nếu như vậy thì làm sao bạn có thể biết yêu thương người khác? Điều này là không thể. Vì vậy trước hết, bạn phải hiểu việc yêu thương chính bản thân mình là quan trọng tới nhường nào và khi đó tự nhiên bạn cũng có thể thương yêu gia đình mình, làng xóm quê hương mình cho đến yêu thương vạn loài hữu tình chúng sinh.

Mặc dù còn đang trên tiến trình đạt đến toàn giác để chia sẻ sự giác ngộ của mình nhưng ngay lúc này bạn hãy chia sẻ tình yêu thương và sự nhiệt thành đến người khác

Nếu muốn, bạn có thể đem lại sự hòa hợp, hạnh phúc, sự hiểu biết và giác ngộ đến toàn bộ thế giới này. Mặc dù còn đang trên tiến trình đạt đến toàn giác để chia sẻ sự giác ngộ của mình nhưng ngay lúc này bạn hãy chia sẻ tình yêu thương và sự nhiệt thành đến người khác.

Rất nhiều người có vô số phẩm hạnh cao quý nên khi lân mẫn gần gũi họ, chúng ta có thể được truyền cảm ân hưởng những năng lượng an bình, hạnh phúc tuôn tràn từ nơi họ. Tuy nhiên, có những người lại lạnh lùng hay thậm chí rất lãnh đạm bởi vậy khi tiếp xúc với họ bạn sẽ cảm thấy như tiếp xúc với đá, hay một thứ gì tương tự như vậy. Có thể bạn thấy phải miễn cưỡng khi có mặt ở đó bởi vì bạn đã hứa hoặc bởi một vài lý do tương tự như vậy. Lân mẫn tiếp xúc với họ không làm bạn cảm thấy ấm áp nhiệt thành chút nào bởi họ thiếu dũng khí, thậm chí không biết làm thế nào để yêu thương chính mình, bởi vì tâm họ đầy những tư tưởng tiêu cực nên chẳng có gì truyền cảm để chia sẻ cả. Đó là lý do tại sao bạn cảm thấy nặng nề, tiêu cực khi gần gũi họ.

Bạn thực sự cần biết làm thế nào để yêu thương chính bản thân mình, nhưng để làm được điều này, bạn phải biết làm cách nào có thể trải qua tiến trình cải thiện đời sống của mình. Muốn vậy, trước hết bạn phải biết giá trị và tầm quan trọng của đời sống này là như thế nào. Nếu bạn không biết được đời sống này là gì thì khi đó chắc chắn bạn sẽ không biết việc trải nghiệm tiến trình cải thiện đời sống của mình là quan trọng đến nhường nào. Tuy nhiên, với nhiều người trong chúng ta, điều này lại không quan trọng chút nào, chúng ta không quan tâm tới việc tìm hiểu đời sống này là gì. Một vài người khá thông minh đã hỏi tôi: “Đời sống thực sự là gì?” Bởi vì họ thực sự không tìm được câu trả lời nên họ không biết mình là ai, họ không biết họ đang đi đâu và đang làm điều gì. Mặc dù chúng ta vẫn đi dạo, chúng ta vẫn nói chuyện, chúng ta vẫn làm rất nhiều điều nhưng chúng ta chỉ giống như một con Robot mà không có hiểu biết và đời sống tâm linh bên trong.

Chúng ta sao chép bắt trước tất cả mọi thứ!

Chúng ta chỉ sao chép lẫn nhau, chúng ta chỉ bắt trước những gì mà bạn bè của chúng ta đang làm và chỉ răm rắp làm theo tất cả những gì đạo sư của chúng ta giáo huấn mà không tự suy ngẫm chiêm nghiệm. Đây là điều tôi luôn đề cập! Thực sự chúng ta chỉ bắt chước lối sống của người khác, sao chép cách ăn uống của người khác và cách ăn mặc của người khác. Chúng ta bắt chước tất cả mọi thứ! Nếu có một người đang mặc một kiểu quần áo nào đó, bạn sẽ thấy rằng mình phải mặc bộ đồ như vậy. Ngày mai bạn có thể ra ngoài và mua bộ quần áo đó. Bạn có thể cảm thấy rằng bởi vì có một vài người phụ nữ đang mặc bộ áo váy này, cho nên nó chắc chắn rất là hấp dẫn và bởi vậy bạn cũng sẽ mua nó. Bạn chỉ sao chép, bắt chước những kiểu quần áo, kiểu tóc, cách trang điểm khuôn mặt…Bạn thực sự giống như một loài vẹt luôn bắt chước người khác! Nếu nhìn lại chính bản thân mình, bạn sẽ thấy rằng bạn chỉ luôn bắt chước sao chép! Lấy ví dụ, bạn bắt chước những ngôi sao điện ảnh bởi vì họ rất nổi tiếng. Bởi vậy trong thế giới bé nhỏ này, bạn sẽ cảm thấy rằng mình có vẻ cũng “nổi tiếng”. Khi bạn bắt gặp một ngôi sao điện ảnh, bạn sẽ nói: “Ồ, bây giờ tôi cũng muốn khoác lên mình trang phục như vậy”. Tất nhiên, những thương gia khôn ngoan họ rất nhanh chóng nắm được tâm lý nên họ thiết kế ra những bộ trang phục tương tự như vậy và đã kiếm được rất nhiều tiền của bạn. Mọi người đã phải trả một số lượng tiền lớn để khoác lên mình những thứ này chỉ để sao chép, bắt trước Hollywood mà thôi! Chúng ta lầm tưởng là mình rất tinh khôn nhưng thực ra là chỉ bắt chước, sao chép người khác mà thôi. Đó là kiểu chúng ta sống trên thế giới này. Chúng ta không hiểu điều mình đang làm, chúng ta chỉ luôn sao chép bắt chước. Chúng ta cảm thấy không thể kéo dài sự sống nếu chúng ta không sao chép bắt chước! Chúng ta hoàn toàn bị chi phối, chúng ta chẳng có bất kỳ sự tự do nào cho chính mình. Chúng ta không làm bất kỳ điều gì một cách chân thành từ tận đáy lòng mình, tôi cho rằng hầu như không có bất cứ điều gì! Có lẽ tôi không nói 100% nhưng hầu như không có bất kỳ điều gì cả! Khi so sánh mình với người khác đôi lúc chúng ta thấy mình tốt đẹp hơn nhưng đôi lúc lại có thể thấy kém cỏi hơn, tồi tệ hơn, điều này phụ thuộc vào đối tượng mà chúng ta đang cố gắng bắt chước, sao chép.

Bởi vậy, mặc dù cuộc đời mà chúng ta đang sống có thể cũng rất thú vị nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta chẳng có chút tự do nào theo nghĩa tất cả mọi người đều bắt chước lẫn nhau. Tất cả mọi người đều đang lôi kéo những người khác sao chép bắt chước một lối sống của mình. Phương Đông bắt chước phương Tây, người Anh bắt chước người Pháp, người Pháp bắt chước người Anh. Tuy nhiên nếu suy nghĩ kỹ về điều này bạn sẽ thấy phương thức đó chẳng mang lại ý nghĩa gì cả. Bạn có thể cho rằng, chẳng có gì sai trái bất thường khi cuộc sống thường nhật cứ diễn ra như vậy, bởi lối sống đó vẫn tồn tại, kéo dài từ vô thủy cho đến tận ngày nay. Bởi vậy, bạn chẳng phải bận tâm suy xét lối sống đó là như thế nào, bạn chỉ tiếp tục bắt chước mà thôi.

Nếu thực sự suy ngẫm tường tận về điều này, chúng ta sẽ thấy rằng, mình không chỉ ngu ngốc mà còn vô cùng si mê, mặc dù chúng ta cứ tuyên bố rằng mình là con người khôn ngoan. Dĩ nhiên nhiều người trong chúng ta dường như có thể khôn ngoan hơn so với người khác và cũng có thể kém cỏi hơn họ, nhưng tất cả chúng ta thực sự đều ở cùng một mức độ bởi vì chúng ta ít hay nhiều đều đang sống một lối sống bắt chước như nhau. Bởi vậy chúng ta đừng nên nghĩ: “Tôi là một người rất kém cỏi và anh ta là người rất khôn ngoan”. Thật không may, mặc dù tất cả chúng ta đều đang ở cùng mức độ nhưng chúng ta lại không coi mọi người là bình đẳng như nhau. Mặc dù tồn tại những sự đa dạng, ví dụ như một số người trong chúng ta có thể rất giàu còn số khác thì lại vô cùng khó khăn, chúng ta có thể rất cao trong khi những người khác lại rất thấp. Chúng ta đang hạnh phúc trong khi rất nhiều người khác đang chịu khổ đau, nhưng nói chung tất cả chúng ta đều bình đẳng như nhau. Chúng ta bình đẳng như nhau theo nghĩa tất cả đều rất khờ khạo. Tất nhiên điều này không nhất thiết có nghĩa chúng ta là những người xấu.

Chúng ta hãy thực sự trải nghiệm cuộc sống mà không nên suy đoán phân biệt mọi điều là tốt hay xấu.

Tất thảy chúng ta không nên xét đoán đánh giá đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Tuy nhiên chính chúng ta lại cứ phân biệt ta người tốt xấu: “Đây là một người tốt, nhưng kia lại là một người xấu. Đây là cặp vợ chồng rất đẹp đôi nhưng kia thì lại không phải v.v…” Chúng ta sống trong thế giới này mà cứ “sáng tạo” ra mọi thứ như vậy. Điều này cũng có thể tốt, nó có thể tạo ra một buổi nói chuyện rất thú vị và cũng có thể là một phần của đời sống, bởi vậy chúng ta cứ tiếp tục theo cách sống đó, nhưng thực sự nó chẳng mang lại một ý nghĩa gì cả. Như tôi đã luôn nhắc tới, chính thái độ phân biệt của chúng ta đã tạo ra một thứ gì là “tốt” hay “xấu”. Tôi có thể nói: “Điều này là tốt”, nhưng người khác lại có thể không đồng ý. Khi đó, có thể biến thành một cuộc tranh cãi mà chẳng đi đến đâu cả. Đây chính là phương thức mà chúng ta đang sống trên thế giới này. Tuy nhiên, chúng ta không thể sống trong thế giới với một phương thức như vậy được nữa, chúng ta cần làm một cuộc cách mạng. Tôi cảm thấy rằng lối sống bắt chước đã quá đủ nhàm chán rồi! Đó là lý do tại sao chúng ta hãy thực sự trải nghiệm cuộc sống mà không nên suy đoán phân biệt mọi điều là tốt hay xấu. Đời sống của chúng ta có thể là tốt cũng có thể là xấu, nhưng sẽ không thành vấn đề nếu chúng ta không suy đoán đâu là điều tốt đâu là điều xấu. Đó là lý do tại sao tôi không muốn dán nhãn mác cho mọi điều là “tốt” hay “xấu”. Nếu trong suốt buổi nói chuyện này, một vài bằng hữu của tôi có nói rằng một người nào đó là “rất tồi” khi ấy tôi sẽ luôn cảm thấy rằng chính những người bạn của mình mới là những người bất hạnh. Có thể một người nào đó đang làm những việc dường như rất xấu, thế nhưng ai có thể biết được việc anh ta đang thực sự làm gì, ai có thể thực sự biết được rằng những hành động của anh ta là tốt hay xấu? Ai thực sự có thể biết được điều này? Suy đoán là một việc làm rất tồi. Nhưng dù sao đi nữa, việc suy đoán phân biệt một điều gì là tốt hay xấu còn tốt hơn việc thực hành giáo điều tôn giáo.

Tôn giáo luôn cho rằng điều này là tốt hay điều kia là xấu. Cách nhìn này có thể hỗ trợ giúp đỡ bạn trong giai đoạn ban đầu nhưng nếu cố chấp thủ vào nó thì sẽ mang lại chi bạn vô số khó khăn, trở ngại. Bởi vậy cuộc sống giống như một chiếc hộp vuông: Không là không, có là có, tốt đẹp là tốt đẹp, xấu xa là xấu xa…đời sống có thể trở nên giáo điều cứng nhắc như vậy, có rất nhiều thứ mà bạn buộc phải tin. Nếu bạn coi Phật giáo là tôn giáo và bạn thấy rằng đức Phật đã dạy một điều gì đó là tốt thì bạn sẽ phải tin tưởng rằng điều đó là tốt đẹp 100%. Nếu đức Phật dạy điều đó là xấu thì điều đó sẽ trở nên là xấu 100%. Cách thức của bạn là như vậy! Bạn sẽ không suy xét quán chiếu tường tận về mọi điều, bạn không được phép làm điều đó! Tương tự như vậy, nếu là người Thiên Chúa Giáo, bạn phải tin tưởng rằng Thiên Chúa Giáo là tôn giáo duy nhất, khi đó bất cứ điều gì chúa Jesu dạy đều trở thành chân lý tối thượng…mà bạn chẳng suy xét, quán chiếu tường tận và trải nghiệm về những điều đó. Đây chính là phương thức điển hình của tôn giáo khi đề cập tới vấn đề niềm tin tâm linh của mỗi người.

Đức Phật chân chính là thực tướng đời sống của chính bạn

Tuy nhiên chính đức Phật đã dạy trong giáo lý kinh điển: “Nếu con coi ta là Phật, con sẽ không bao giờ thấy được Phật. Nếu con lắng nghe giáo Pháp của ta mà coi là Pháp, con sẽ không bao giờ thấu đạt được chân Pháp”. Đây thực sự là một thông điệp vĩ đại, nhưng thật bất hạnh nhiều người lại ngộ nhận sai lầm chân lý này. Họ đang bỏ lỡ mất lời dạy của đức Phật. Thậm chí họ có thể là những học giả lớn, hiểu biết rất nhiều giáo lý Phật Pháp nhưng họ vẫn không thấu hiểu được lời khai thị này. Họ cứ coi Phật chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Không! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy chúng ta không được coi Ngài là “Phật”. “Phật” ở trong chính bạn. Bạn phải thấu hiểu rằng đức Phật chân chính là thực tướng đời sống của chính bạn. Đây là điều mà đức Phật thích Ca Mâu Ni đã khai thị và cũng chính là “Pháp” mà tôi đang đàm luận tới. Pháp chân thực chính là thực tại trong chính bạn. Pháp tự nhiên, chân thật và nền tảng đang diễn ra trong chính bạn và thế giới một cách tự nhiên. Thứ được gọi là “giáo Pháp” ví như điều mà tôi đang đàm luận chỉ là sự hướng đạo mà thôi. Đây cũng chính là điều đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy: “Nếu con cho rằng giáo pháp của ta là Pháp, con sẽ không bao giờ thấu đạt chân Pháp”. Lý do là giáo pháp của Ngài chỉ là sự hướng đạo, tuy nhiên nếu bạn cho rằng giáo pháp đó là tối thượng thì sự chấp pháp này sẽ trở thành một chướng ngại, một rào cản lớn. Sự ngộ nhận sai lầm này sẽ ngăn cản bạn nhận ra được bản chất, chân lý của Pháp.

Theo tiếng Sanskrit, “Dharma” có nghĩa là “vạn Pháp”. Bởi vậy bạn sẽ không bao giờ có được nhận thức chân thực về vạn Pháp nếu bạn chỉ cố chấp vào những điều đức Phật dạy. Nếu bạn cố gắng tạo ra một thứ gì đó ngoài giáo pháp của Ngài và sau đó trở nên bám chấp vào nó, bạn chỉ lãng phí thời gian, bạn sẽ không bao giờ giác ngộ được chân lý. Đây cũng là một trở ngại mà đức Phật đã từng chỉ dạy.

Giáo pháp đức Phật là triết học chứ không phải là một tôn giáo

Đó là lý do tại sao tôi luôn nói giáo lý đức Phật là triết học chứ không phải là tôn giáo. Tất nhiên, đạo Phật cũng có thể được thực hành như là một tôn giáo, và hàng triệu người đã thực hành như vậy trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, rất nhiều những chướng ngại, rắc rối đã phát sinh đơn giản chỉ vì sự ngộ nhận sai lầm đạo Phật là một tôn giáo. Quan niệm “tốt đẹp” và “xấu xa” là hệ quả của việc coi đạo Phật là một tôn giáo, quan niệm đó không phải là tinh túy tâm linh đạo Phật (hay tinh túy tâm linh của đạo Thiên Chúa, của bất kỳ một đạo nào khác). Chính cuộc sống mới là thứ chúng ta cần phải thấu hiểu.

Tôi luôn cảm thấy còn đôi chút băn khoăn khi đàm luận về chân lý cuộc sống. Rất khó cho tôi để biểu đạt bởi vì dường như cuộc đời này vượt trên ngôn ngữ miêu tả thông thường. Tôi có thể luôn cố gắng đưa đời sống vào trong ngôn từ, diễn đạt theo từng câu và sau đó cố gắng truyền tải tới những học trò của mình, nhưng đời sống dường như không thực sự vận hành theo phương thức này. Lý do là đời sống thực sự là một thứ hoàn toàn khác với những điều chúng ta thường nghĩ. Đời sống chỉ là một chuỗi thời gian hết ngày này qua ngày khác và hàng ngày những ý niệm cảm xúc cứ đến đi sinh diệt trong tâm chúng ta. Lấy ví dụ, chúng ta cứ coi đời sống mang lại cho chúng ta nhiều tham ái hơn, nhiều ganh tỵ hơn, nhiều tranh luận hơn, si mê hơn, thất vọng và sầu khổ hơn và tất cả những cảm xúc tiêu cực như vậy diễn ra sinh diệt trong tâm chúng ta.

Để minh chứng cho điều này, tôi xin đưa ra cho bạn một ví dụ. Những người trong số đó đã tiêu phí rất nhiều tiền để mua sắm mỹ phẩm. Một cô gái thậm chí ngày nay một người đàn ông cũng có thể mua một loại mỹ phẩm rất đắt tiền (tôi thực sự không tin điều này nhưng hiện có nhiều mỹ phẩm giành cho nam giới!). Sau đó, bạn trang điểm và tạo ra bộ mặt mới cho mình, và khi nhìn vào gương bạn nghĩ rằng mình là người hấp dẫn và xinh đẹp nhất! Bạn đi ra phố để gặp bạn bè, bạn cảm thấy rất vui sướng phấn khích bởi vì đã có được khuôn mặt mới. Nó làm cho bạn cảm thấy rất hãnh diện. Mặc dù chẳng có gì sai trái khi bạn có những cảm xúc như vậy nhưng chúng rất ngắn ngủi vô thường. Khi bạn xuống phố, bạn cũng có thể gặp một thiếu nữ khác xinh đẹp hơn, và khi đó bất chợt bạn cảm thấy mọi thứ đã kết thúc! Bạn đã phải rất mất công trang điểm cho khuôn mặt của mình nhưng thời gian ấy giờ đây hoàn toàn uổng công. Bây giờ bạn lại phải trang điểm bằng không bạn sẽ cảm thấy thất vọng thậm chí là tuyệt vọng, bạn có thể nghĩ: “Mình không xinh đẹp bằng cô gái kia”. Bạn cảm thấy ghen tỵ với cô gái đang mặc bộ áo váy trông xinh đẹp hơn mình, sự ghen tỵ đó càng làm bạn thêm bứt dứt không an.

Đây là một loại ấn tượng chi phối bạn và như thế nó trở thành lối sống của bạn. Tôi không biết điều này có tốt hay không, nhưng nó là thực tại mà bạn đang trải qua và kết thúc chỉ làm cho bạn tăng thêm ham muốn và những mong cầu. Bạn cảm thấy: “Ồ, cô gái mà mình gặp trông xinh đẹp hơn mình, mình phải mua những đồ trang điểm và ăn mặc thời trang đẹp như cô ta”. Tự nhiên bạn bắt đầu cảm thấy khát khao và đầy ham muốn. Bởi vậy, bạn lại phải mua sắm những đồ mỹ phẩm, quần áo đắt tiền và tiêu phí thêm hàng trăm USD vì những đồ cũ trước đây của bạn không thực sự thời trang bằng (mặc dù chúng cũng rất đắt tiền). Bạn đang bị khát khao, ham muốn của mình chi phối phung phí rất nhiều tiền để mua những sản phẩm hạng nhất. Thực sự thì cũng không có vấn đề gì dù cho bạn có tiêu nhiều tiền hay là không, có điều chắc chắn là bạn đang bị khát khao, ham muốn dày vò thúc đẩy để sánh kịp cô gái đó. Mặc dù cô ta đã đi mất từ lâu nhưng hình ảnh của cô ta vẫn còn in đậm trong tâm trí bạn. Hình ảnh cô gái đó chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn những hình ảnh khác trong tâm bạn mà bạn bám chấp. Đây là điều rất xót xa và thật đau lòng!

Nếu bạn thực sự mong muốn trưởng dưỡng, cải thiện đời sống thì trước hết bạn phải cải thiện tâm mình

Một cô gái trên đường có thể rất hấp dẫn, nhưng đối tượng xinh đẹp chưa chắc sẽ đem lại cho bạn sự hài lòng, sự thỏa mãn, niềm hạnh phúc hay bất kỳ niềm hỷ lạc vững bền nào. Thậm chí chúng còn có thể mang lại cho bạn rất nhiều những phiền nhiễu. Đó là lý do tại sao nếu bạn thực sự mong muốn trưởng dưỡng, cải thiện đời sống thì trước hết bạn phải cải thiện tâm mình. Việc cải thiện, chuyển hóa tâm mình tức là thực sự bước vào dòng chảy của đời sống và bản chất của đời sống. Nếu bạn nhận thức được bản chất của đời sống (đó chính là tâm), bạn sẽ có thể cải thiện, trưởng dưỡng được chính mình. Khi đó, tâm bạn tự nhiên có thể chuyển hóa mà không cần phải dùng ngôn ngữ hay bất kỳ phương pháp gì.

Đối với môi trường bên ngoài, bạn có thể “tùy duyên bất biến”. Bạn có thể trang điểm, có thể mặc lịch sự, trang trọng một chút, bởi bạn phải tới tham dự buổi họp thương mại hay phải tới dự bữa tiệc. Bạn có thể phải mặc những trang phục lịch sự, đeo nhiều đồ trang sức, trang điểm và có một kiểu tóc đẹp. Điều này cũng được miễn là tâm bạn an bình và không cảm thấy phải so sánh, ghen tỵ với bất kỳ ai. Để hòa nhập với xã hội, bạn có thể quan tâm đôi chút tới hình thức bề ngoài của mình và khi đó bạn hãy vui vẻ, sẽ không thành vấn đề gì dù cho bất kỳ một ai khác có cao hơn, trông xinh đẹp hơn hay xấu hơn bạn. Đó thật không thành vấn đề với bạn. Bạn tới cuộc họp, hòa đồng với mọi người và hãy vui vẻ, hạnh phúc bởi vì đời sống đang ở trong chính bạn. Theo cách này, bạn sẽ biết làm sao để giải quyết những khúc mắc bế tắc trong đời sống, làm sao để cải thiện được đời sống, thế nên hạnh phúc có thể được tìm thấy trong chính bạn. Không có sự tham muốn, ghen tỵ bởi vì tất cả mọi người đều là bạn bè bằng hữu hay đối tác, bạn luôn có tình cảm tốt với họ. Khi đó mọi người cũng dễ dàng đồng cảm chia sẻ với bạn. Bạn có thể chia sẻ tình yêu thương chân thật và những suy nghĩ tích cực với mọi người bởi vì bạn có được đời sống tâm linh trong chính bạn. Đây là những gì chúng ta nên suy ngẫm và thực hành trong thời hiện đại này.

                                                Nguồn: Spiritual Practice in The Modern Age.

Theo: DPNN 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage