Phật Học Online

Hoằng pháp ở miền núi - vận dụng thiện xảo phương tiện
Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang Đại đức Thích Quảng Truyền

Nếu ai đã từng một lần đến với miền núi phía Bắc, hẳn sẽ khó quên vẻ đẹp của phong cảnh nơi đây. Núi non chập chùng, suối khe uốn lượn... Những nếp áo chàm xanh ngắt hay sắc phục rực rỡ của bà con các dân tộc vùng cao, hẳn sẽ làm ta khó quên trước phong cảnh hay con người sơn cước.

Nhưng mọi cảnh đẹp hay mỗi nét văn hóa của mỗi bà con các dân tộc vùng cao chỉ đẹp khi bạn là du khách. Còn với những ai mang trên vai trọng trách là Sứ giả của Như Lai thì: "Hoa lá cỏ cây cũng là phương tiện, chống gậy men rừng vác một gánh Từ Bi".

Là một người trẻ tuổi, được Trung ương Giáo hội cử lên Lạng Sơn Hoằng pháp từ cuối năm 2003. Con cảm nhận, đánh giá về sự nghiệp Hoằng pháp được kế thừa bởi Chư Tổ tiền bối viết ra, đây chút kinh nghiệm thực tế bản thân trong những năm qua với việc Hoằng pháp ở Lạng Sơn, ngõ hầu chia sẻ và học tập trong một nhân duyên hy hữu khi Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc ở Kiên Giang được tổ chức.

Với đặc thù của miền núi phía Bắc, đa số đồng bào sắc tộc, tín ngưỡng văn hóa đa dạng, trình độ dân trí chưa cao, kinh tế còn nhiều khó khăn, địa bàn giao thông cách trở. Đặc biệt, nếp sống cũ còn nhiều hủ tục vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con từ rất lâu năm. Với bản chất thuần hậu, thật thà rất dễ bị tà đạo lợi dụng. Việc đưa giáo lý thánh thiện của đạo Phật đến với bà con là cả một vấn đề lớn và phương tiện thù thắng nhất mà vị sứ giả của đức Như Lai phải làm là: hãy biết vận dụng thiện xảo phương tiện, đừng ngại gian khổ, tài pháp nhị thí song hành, hãy sống gần gũi với bà con, phải là tấm gương mẫu mực.

Cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm viết trong Niệm Phật Thập Yếu rằng: Thuốc không quý tiện, lành bệnh là thuốc hay. Pháp chẳng thấp cao, hợp cơ là pháp diệu.

Nhớ chư Tổ khi xưa bỏ tiền xu khuyến khích cho trẻ con niệm Phật vì nơi đó chưa một lần có Phật. Phương tiện là quyền biến, Pháp Phật là chân như. Đối với bà con vùng cao, sự chân thật, tính thực tế là cửa ngõ cho ánh Đạo vàng tràn vào mái tranh đơn sơ trong từng nếp nghĩ.

Tính Phật không phân chia miền xuôi hay miền ngược. Nhưng vận dụng phương tiện cho tính Phật phô bày thì cần có phương tiện thiện xảo cho miền ngược và miền xuôi. Cái khó của người đi hoằng pháp ở núi dốc rừng cao, chính là phải hiểu phong tục tập quán của mỗi vùng miền và khéo vận dụng để làm cho Phật tâm bừng sáng.

Lạng Sơn là một tỉnh địa đầu tổ quốc với Tăng số vỏn vẹn chỉ có hai người. Từ cuối năm 2007 Ban Đại Diện Phật giáo tỉnh được thành lập và từ đó cho đến nay, việc hoằng pháp được xây dựng thành một chiến lược cho từng giai đoạn.

Phương tiện thiện xảo được vận dụng nhuần nhuyễn, không giáo điều; không nói để mà chơi. Thuốc Pháp được kê đơn tùy bệnh của từng người, khế lý khế cơ tùy thời mà sử dụng.

Trước tiên, phải làm sao thay đổi quan điểm sai khác khi có một bộ phận những người có chức trách nhìn nhận Phật giáo là mê tín dị đoan. Bằng những việc làm cụ thể tốt đạo đẹp đời trải qua cả một quãng thời gian, tinh thần "Hộ Quốc - An Dân - Đạo Pháp - Dân Tộc - Chủ Nghĩa Xã Hội" đã được dần dần sáng tỏ.

Khi chính kiến ít nhiều đã có, vận dụng phương tiện hoằng pháp phải được phát huy. Dù nắng hay mưa dù còn đầy dẫy những hoài nghi, Phật giáo Lạng Sơn vẫn kiên định bước đi và khéo léo, rắc gieo từng hạt Pháp.

Theo phong tục tín ngưỡng của bà con miền núi, bán con lên chùa để gửi Đức Chúa Ông, với mong muốn con cháu họ được che chở nơi cửa Phật.

Chùa Thành Lạng Sơn đã vận dụng tư tưởng này một cách tốt nhất khi các cháu đồng tử bán khoán lên chùa, ngoài quan điểm nêu trên để thỏa mãn tâm nguyện của bà con thì tất cả các cháu còn được quy y và được sinh hoạt giống như gia đình Phật tử.

Danh sách, địa chỉ, ngày tháng năm sinh của các cháu được lưu trong máy vi tính. Tình hình học tập, hoàn cảnh gia đình... của các cháu được chùa cập nhật thường xuyên. Chuyện vui buồn của các cháu được hết sức quan tâm. Đặc biệt sự chia sẻ, tìm gặp các thầy mỗi khi có chuyện vui buồn luôn được các cháu tin yêu, tâm sự.

Chùa cử một nhóm Phật tử chuyên chăm lo đời sống tinh thần cho các cháu. Ngày sinh nhật, các cháu có quà là những đĩa CD Phật Pháp, có thiệp mừng gửi đến từng nhà. Ngày các cháu đi xây dựng gia đình, chùa có quà mừng trao tặng và các thầy đến chúc phúc với những lời dặn dò đầy Đạo vị. Đã có rất nhiều cháu tổ chức lễ Hằng Thuận tại chùa, từ một địa phương chỉ có chưa đến 300 Phật tử tuổi già ,sáu, bảy mươi. Nay sau hơn hai năm, Lạng Sơn đã có hàng chục ngàn người, đa số là lớp trẻ có tín tâm mộ Phật.

Hàng năm, vào ngày lễ Vu Lan. Các cháu đạt thành tích trong học tập, các cháu học sinh nghèo vượt khó đều được tặng quà khuyến học. Dù xa xôi trong làng hay trong bản thật xa, những tập vở những cây bút những lời động viên quả là liều thuốc quý cho tâm hồn con trẻ.

Khóa tu ngày Hè An Lạc cho các bạn trẻ đã được mở, danh sách đăng ký phải chốt lại vì không đủ sức đáp ứng số lượng quá đông. Thời gian qua ban tổ chức chúng con cũng được sự quan tâm của Thượng tọa thượng Bảo hạ Nghiêm, Thượng tọa thượng Quảng hạ Tùng, sự hỗ trợ của Ban Hoằng pháp Trung ương tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để khĩa tu thnh tựu tốt đẹp.

Đối với các Phật tử cao tuổi trong tỉnh. Còn gì vui bằng khi đi Quy y Tam Bảo được sinh hoạt có tổ chức và được quan tâm, được hướng dẫn niệm Phật tụng kinh, được thăm hỏi khi ốm đau được động viên khi cô quạnh.

Mỗi năm vào dịp Tết đến Xuân về vào ngày 13 tháng Giêng, Phật giáo tỉnh và chùa Thành tổ chức Đại lễ chúc thọ cho các Phật tử với hàng chục ngàn người tham dự. Ngày lễ chúc thọ đã được khéo léo lồng ghép trong tư tưởng triết lý của Đức Thế Tôn khi con cháu thảo hiền biết báo hiếu mẹ cha, ngày lễ Chúc thọ năm năm qua không biết tự bao giờ, đã biến thành một ngày hội và đã được sách Kỷ lục Việt Nam công nhận.

Ban Từ thiện Phật giáo tỉnh mua một xe ô tô để làm xe tang từ thiện. Xe được trang trí theo hình thức nghi tiết của Phật giáo. Mỗi khi có các Phật tử qua đời, làm phương tiện chuyên chở linh cữu miễn phí và đặc biệt qua hình thức này, là một cách để làm cho mọi người có cái nhìn đẹp về hình ảnh tôn nghiêm của Nghi lễ Phật giáo.

Ban Hướng dẫn Phật tử và Ban Hoằng Pháp, Ban Từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh đồng thời phát huy sức mạnh, tài thí pháp thí được vận dụng hài hòa, hàng trăm ngôi nhà đại đoàn kết, hàng tỷ đồng và bao tâm huyết được trao gửi đến cho sứ mạng hoằng truyền chính giáo.

Mỗi chiều chủ nhật hàng tuần đều đặn có các buổi giảng giáo lý, các khóa giảng dành riêng cho giới trẻ vào mỗi tối mùng một hôm rằm, sức thu hút hàng vạn người trong mỗi đêm hội hoa đăng, những đêm ca nhạc Phật giáo thường xuyên, nhằm thu hút quần chúng bởi ánh đèn tiếng nhạc.

“Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Thời đại của văn minh của khoa học điện tử cũng là trọng tâm của Phật giáo, tỉnh vận dụng làm phương tiện cho sự nghiệp lưu truyền chính giáo.

Trang Web chuathanhlangson.com được xây dựng, các tin tức Phật giáo được đăng tải cập nhật thường xuyên, những bài giảng những triết lý thánh thiện của đức Phật được intenet tải truyền, rồi việc quảng bá trang web đến đông đảo mọi người cũng là cả một vấn đề nghệ thuật.

Sau hai năm thành lập. Trang Web chuathanhlangson.com đã có trên 330.000 lượt người truy cập, Ban Hoằng pháp mua sách, mua băng đĩa tặng cho bà con ở các huyện xã vùng xa, mỗi mùa Phật Đản mùa Vu Lan hàng năm, bằng nhiều hình thức hoằng pháp nhằm để phổ cập tinh thần từ bi trí tuệ của đức Phật đến số đông quần chúng.

Nói tóm lại, dù bằng hình thức này hay phương tiện nọ để nhiếp hóa cũng vì mục đích cao cả của người con Phật, đó là đem ánh sáng chân lý Phật Đà phổ cập đến số đông đại chúng.

Khó là khó ở chỗ biết vận dụng thiện xảo phương tiện, biết tùy căn cơ tùy quốc độ và chấp nhận gian khó, đem màu áo nâu và ánh sáng từ bi, hòa nhập với trùng điệp sơn khê cứu bao mảnh đời còn bất hạnh./.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage