Tin đồn này đang làm xôn xao trong dư luận tại tỉnh
Tiền Giang. Sự việc làm cho an ninh trật tự nơi đây bị quấy rối.
Vài ngày qua, tin đồn tượng phật từ Tây Tạng
(Trung Quốc) trôi đến cầu Bà Rãnh, ấp Tân Hưng Phú (xã Tân Hòa Tây,
huyện Tân Phước, Tiền Giang) khiến tình hình an ninh trật tự tại khu vực
này trở nên hết sức phức tạp.
Mới xuất hiện vài ngày nay, song tin đồn
“Phật nổi” đã lan truyền với tốc độ chóng mặt. Chỉ trong vòng gần 1
tuần, mỗi ngày có cả trăm người (lúc cao điểm có đến cả nghìn người,
trong đó có cả… người tu hành) từ các tỉnh Bình Dương, Vũng Tàu, TP HCM,
Cà Mau.. lũ lượt kéo đến thắp nhang, cúng bái.
Đổi đời
nhờ tin đồn
Theo tìm hiểu, người “may mắn” được “Phật”
gởi thân là ông Nguyễn Văn Tư, 54 tuổi, không vợ, không con, sống bằng
nghề bơm vá xe đạp. Nhà nát đến nỗi vách lá, cột bạch đàn hễ gió thổi
mạnh là lung lay, trong nhà gần như chẳng có gì có giá trị.
Theo lời ông Tư, 16h30 tháng Giêng (âm lịch),
tức ngày 15/3, trong lúc cho ngỗng ăn ở bờ kênh gần nhà, nước lớn từ
kênh Nguyễn Văn Tiếp đã “đẩy” Phật vào kênh và dừng lại tại cầu bà Rãnh.
“Tôi thấy “ổng” đứng và trôi từ từ vô, mới
đầu thấy bề lưng thì đen, bề mặt thì xanh và ló lên khỏi mặt nước khoảng
một tấc (10 cm). Tôi thấy là lạ lại cầu khều vô mé kênh và rinh về đây
tắm rửa, và đem vô nhà”.
|
Chỉ trong vòng gần một tuần,
mỗi ngày có cả trăm người kéo đến vái lạy. |
Từ đây, tin Phật nổi
chẳng mấy chốc đã khiến cho người hiếu kỳ địa phương kéo đến xem và
nhanh chóng lan truyền sang các tỉnh lân cận. Nhiều người đã thêu dệt:
khi vớt Phật lên thì “ổng”… cười mừng với ông Tư (!), ai có bệnh gì thì
đến cúng Phật là sẽ hết bệnh, sau khi cúng Phật về thì sẽ làm ăn khá
(?).
Điều đáng nói là có nhiều nhà sư đại diện các
chùa trong và ngoài tỉnh cũng đến cúng bái. Theo quan sát, tượng Phật
là khung hình làm bằng nhôm có diện tích 60 x120cm, mặt kính dày 5mm,
mặt lưng là tấm cạt tông như các khung hình truyền thống, nặng khoảng
7kg.
Chưa đầy một tháng kể từ khi “Phật” xuất
hiện, bá tánh đã tự nguyện trang bị cho nhà ông Tư chiếc ghế thờ trị giá
hai triệu đồng, nền đất trong nhà cũng nhanh chóng được thay bằng gạch
tàu sạch sẽ. Còn ông Tư thì bắt đầu có tiền rủng rỉnh, chiều nào cũng có
“chiếu hữu” đến nhà làm vài xị “ăn mừng”.
Chính
quyền “bó tay”?
Đến UBND huyện để tìm hiểu sự việc, chúng tôi
được ông Trần Đức Trung, Phó phòng Nội vụ phụ trách tôn giáo, cho biết:
UBND huyện đã 2 lần tổ chức họp liên ngành và khẳng định, phía sau vụ
việc này là một vấn đề “nhạy cảm” được “đạo diễn” từ ai đó để gây xáo
động, làm mất an ninh trật tự. Hiện cơ quan chức năng đang khẩn trương
vào cuộc.
Khi chúng tôi đặt vấn đề liệu một khung hình
nặng đến 7 kg thì có thể nổi được hay không, ông Trung khẳng định: “Làm
gì có chuyện nổi được. Tuy nhiên, đối với ông Tư, ông ấy không phải là
người thuộc tôn giáo nào, đây chỉ là tín ngưỡng dân gian nên không thể
cấm đoán mà chỉ vận động thôi”.
Trong khi đó, một thành viên Ban tự quản của
ấp Tân Hưng Phú cho biết: Ngoài việc người dân đến cúng trái cây, nhang
đèn, một số người đã cúng tiền bằng cách bỏ vào chiếc chuông. Số tiền
này được ông Tư đem cất cẩn thận. Đó là lý do vì sao UBND xã , huyện và
các tổ chức đoàn thể đã nhiều lần vận động ông Tư đưa “tượng Phật” gởi
lên chùa Phật Đá (gần thị trấn Tân Phước) nhưng bị từ chối.
Bản thân ông Tư đã 2 lần cam kết với chính
quyền địa phương không để đông người tụ tập tại nhà, nhưng “lời hứa gió
bay”, mọi việc rồi diễn ra như cũ. UBND huyện đã có công văn gởi UBMTTQ
tỉnh ra văn bản cấm các chùa trong tỉnh đến viếng, song tình hình hiện
vẫn đang rất phức tạp.
“Thật ra, Phật nổi chỉ là
bức tranh phật bà Quan âm đã được ai đó cố tình tạo dựng ra với mục đích
gì đó mà mà đến nay, cơ quan chức năng chưa kết luận được”, một cán bộ
xã Tân Hòa Tây yêu cầu không nêu tên cho biết.
Theo Đất
Việt