Phật Học Online

Lập chùa “giả”, động “giả” để... thu tiền công đức

Hiện tượng tự ý lập thêm những ban thờ, động “giả”, chùa “giả”... không chỉ xuất hiện và khiến dư luận bức xúc ở chùa Hương. Theo những nguồn thông tin chúng tôi nhận được từ dư luận thì ngay tại xã Phú Lão (huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình), chuyện hàng ngàn tín khách phải mỏi chân để đi và lễ bái cho hết quần thể chùa, hang, động... cũng khiến không gian nơi đây trong mùa lễ hội lại trở nên chật chội, xô bồ.

Xem hình
Nhiều ban thờ án ngữ trong Động Thủy Tiên.

Đáng nói là, lễ nhiều nhưng người hành hương không biết lễ ai, thậm chí không biết rằng mình đang kính cẩn trước những điểm thờ tự vốn không từng có trong... lịch sử.

Hang, động đẹp bỗng  “biến” thành các đền, phủ, chùa?

Theo nguồn tin từ người dân địa phương phản ánh, tại xã Phú Lão, Thôn Lão Ngoại có các di tích Đình Thượng- Quán Trình- Đền Mẫu, Thôn Lão Nội có Đình Trung- Động Tiên. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Phú Lão đã cho dân tự khai thác rất nhiều các hang, động thành chùa chiền, cho dân tự đem tượng pháp dâng vào hơn 20 điểm động.

Đáng chú ý là thông tin phản ánh 100% các hang, động xã cho mở để khai thác du lịch, thắng cảnh lại đều có lập những bát hương thờ tự, trong khi các động này hoàn toàn không có cơ sở nào để khẳng định là những di tích, di chỉ thờ tự cũng như có các tục quán.

Nhiều hang, động đẹp vốn là quà tặng ưu đãi của thiên nhiên dành cho Phú Lão, để du khách tham quan thưởng ngoạn thì theo cơ chế thị trường đã  bị  “biến” thành các loại đền, phủ, chùa chiền luôn nghi ngút khói hương.

Cũng theo người dân phản ánh, tất cả các điểm đền, chùa, hang động đó đều được UBND xã Phú Lão giao khoán số tiền phải nộp, gọi là lệ phí công đức hay khoán thầu công đức. Nộp không đủ thì phải thế chấp tài sản, hoặc bị trục xuất.

Theo những thông tin phản ánh này, chúng tôi tìm về xã Phú Lão từ trong những ngày cao điểm của mùa lễ hội. Quả thực, thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi đây một hệ thống hang động với những giá trị cảnh quan  tuyệt đẹp, những khối nhũ đá ngỡ phải qua hàng triệu triệu năm mới được kết tinh thành.

Bảo tàng tỉnh Hoà Bình cho biết, từ năm 1994, UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành một Quyết định về việc bảo vệ những di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, trong đó bao gồm toàn bộ hang động và cảnh quan xã Phú Lão, giao UBND các cấp có trách nhiệm quản lý, bảo vệ những di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh này.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, ngay tại một số địa điểm trong tổng số 15 điểm hang động thuộc khoanh vùng bảo vệ vẫn xuất hiện quá nhiều ban thờ, bát hương được tự phát lập nên.

Ngay cả những người chịu trách nhiệm quản lý và ghi thu nhận tiền công đức tại các điểm di tích này khi được hỏi cũng không giải thích được vì sao lại có những ban thờ này và chúng xuất hiện từ bao giờ. Rõ ràng, sự xuất hiện của hệ thống các ban thờ, bát hương trong các điểm hang động không rõ đã mang lại lợi ích cho người dân và chính quyền địa phương ra sao nhưng điều nhìn thấy rõ nhất là sự thiệt hại do chính bàn tay con người tạo nên, bằng chứng là có rất nhiều hệ giá trị kỳ thú của thiên nhiên ưu đãi đã bị lấn át, phá vỡ.

Người viết đã phải mất rất nhiều thời gian để vào trong Động Thuỷ Tiên, một hang động rất đẹp với những khối thạch nhũ, những hình thù kỳ vĩ của các khối đá thiên nhiên, đáng ra phải được bảo vệ và phát huy giá trị của một cảnh quan danh thắng nhưng thực tế, chỉ trong khoảng 100 mét chiều dài trong Động  lại xuất hiện tới năm, sáu ban thờ khá hoành tráng, án ngữ những khối hình tự nhiên khiến những “nhân vật” chính này trở nên lu mờ, bị lấn át và thậm chí biến dạng.


Tiên Hương Động được xây dựng
theo phong cách... hiện đại.

Hay như tại một điểm “di tích” mới toanh, vẻ như vừa được “khánh thành” (PV), nằm ở vị trí khá đắc địa phía trước cổng vào di tích khảo cổ học và danh thắng Động Tiên được đặt tên là “Tiên Hương Động”, chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng khi đập vào mắt là một điểm thờ tự được lợp mái đỏ Austnam, cầu thang đi lên đoạn bằng bê tông, đoạn được làm bằng... sắt, mà là loại sắt đang thịnh hành hẳn hoi (!).

Cổng lên Tiên Hương Động lọt thỏm giữa một loạt hàng quán, khiến nhiều người hành hương, hay chí ít thì cũng là những du khách bất đắc dĩ như chúng tôi chẳng hề mảy may cảm nhận được một chút cảm xúc về tính thiêng liêng ở điểm thờ tự này.

Phá huỷ ngay từ vòng... làm hồ sơ

Trưởng Phòng VHTT huyện Lạc Thuỷ, ông Hoàng Mạnh Khoẻ cho biết, hiện nay Bảo tàng tỉnh Hoà Bình đang phối hợp cùng Phòng VHTT huyện xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ  VHTTDL phê duyệt, công nhận quần thể di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn xã Phú Lão.

Tuy nhiên, theo những gì mắt thấy tai nghe, chúng tôi e rằng nếu chính quyền địa phương, trực tiếp là xã Phú Lão không có những biện pháp mạnh tay và biết bỏ đi những lợi ích trước mắt thì việc công nhận đối với quần thể di tích này sẽ không thể thuyết phục. Bởi lẽ, sẽ không có một nhà khoa học nào gật đầu trước một hệ thống quần thể di tích muốn được công nhận nhưng lại bị phá huỷ ngay từ vòng... làm hồ sơ. Chỉ bởi trong lịch sử không hề có các chi tiết về những ban thờ, những điểm thờ tự được lập nên một cách tuỳ tiện như vậy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Mạnh Khoẻ cho hay, từ cách đây trên dưới hai năm, trên địa bàn này đã xuất hiện nhiều hiện tượng tự mở các hang, động thành điểm thờ tự mà thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Phòng VHTT huyện đã chỉ đạo UBND xã Phú Lão tiến hành kiểm tra và đình chỉ một vài điểm. Tuy nhiên trước thực tế lượng khách thập phương tìm về quần thể di tích này lễ bái ngày càng đông, cơ chế thị trường cộng thêm những nhu cầu kiếm lợi đã khiến ở đây một vài mùa lễ hội trước đã xuất hiện thêm một tệ nạn mà nhiều người phải đau lòng định nghĩa đó là nạn “đấu thầu bát hương”.

Về vấn đề này, chính quyền xã Phú Lão cho biết, đã có giải pháp khắc phục theo hướng quy định BQL di tích xã tiếp nhận, quản lý toàn bộ số tiền công đức của du khách thập phương, tránh tình trạng “khoán” thu công đức như một vài mùa lễ hội trước.

Bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hoà Bình cũng nhấn mạnh, trước việc có nhiều ban thờ mới xuất hiện ngày càng phổ biến tại Phú Lão, Bảo tàng đã có ý kiến chỉ đạo địa phương có giải pháp ngăn chặn kiên quyết, mạnh tay vì nếu tiếp tục diễn ra, việc đưa quá nhiều bát hương, ban thờ sẽ khiến cảnh quan tự nhiên tại các hang, động, di tích này bị phá vỡ. “Chúng tôi nhận thức rõ vấn đề đó. Tuy nhiên vì nhiều khó khăn khách quan đã khiến mặt trái này chưa thể dẹp bỏ triệt để...”- bà Nguyễn Thị Thi thừa nhận.

(Theo ND)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage