Phật Học Online

Bất ngờ lò luyện hát chèo nơi cửa Phật

Những ngày hè oi bức, bước chân vào cổng chùa Đống Lim (Long Biên – Hà Nội), khách vãn cảnh chùa lại được nghe những làn điệu chèo do chính sư trụ trì Thích Thanh Phương giảng dạy. Hơn 20 năm nay, sư thầy âm thầm dạy chèo miễn phí cho các em học sinh trước khi các em bước vào kỳ thi khắc nghiệt ở những trường đại học ngành nghệ thuật.

Đại đức Thích Thanh Phương tên thật là Lê Văn Quảng, con nghệ sĩ Tuồng Lê Văn Chiêm (đoàn Tuồng Thăng Long những năm 1968 – 1976). Ngày xưa, khi vô tuyến truyền hình chưa có, bà con làng xã rất thèm được xem, nghe văn nghệ; bởi vậy ở thôn nghèo Lương Quy, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh xuất hiện đội văn nghệ.

Mô tả ảnh.
"Nếu không theo nghiệp tu hành, tôi sẽ là diễn viên Tuồng" - Đại đức Thích Thanh Phương cho biết.

Lên 9 tuổi, cậu bé Quảng đã theo cha đi xem Tuồng và học cách diễn Tuồng khắp làng trên xóm dưới. Đến 15 tuổi, Lê Văn Quảng theo thầy Nghĩa học những kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật Tuồng.

Sư thầy nhớ lại: “Lúc ấy, tôi đã hiểu biết và nhận ra rằng mình cần qua một trường đào tạo bài bản, không thể theo mãi các cụ học mót được. Sau đó, tôi vào Nhà hát Tuồng Việt Nam học nghề”. Những năm ấy, Lê Văn Quảng cùng những đoàn Chèo ở tỉnh Hà Bắc (cũ) đi diễn khắp miền Bắc phục vụ quần chúng rồi duyên số đưa đẩy chàng trai trẻ về ở chùa Trịnh Xá (Châu Khê - Từ Sơn – Bắc Ninh).

Năm 1978, ở tuổi 21, Lê Văn Quảng được nhà chùa cất cử đi dạy đội văn nghệ của xã Châu Khê nhưng các học viên không thích học Tuồng, chỉ thích học Chèo. “Tuồng phải cách điệu, còn Chèo thì quá dân dã. Nhà Phật rất gần với Chèo nên tự tôi thu gom sách vở, luyện giọng hát Chèo cho các học viên. Thời thế đưa tôi từ nghệ sĩ Tuồng chuyển sang dạy Chèo lúc nào không hay” – sư thầy kể lại.

Sau đó ít năm, Lê Văn Quảng theo nghiệp tu hành và về an cư lại chùa Đống Lim. Nỗi niềm đau đáu với nghệ thuật vẫn không nguôi ngoai trong tâm thức đại đức Thích Thanh Phương. 30 tuổi, sư thầy đến làm việc với các đội Chèo nghiệp dư ở Hà Nội tuyển học viên về đào tạo để lam "nguồn".  Sau vài năm tạo được tiếng tăm, sư thầy quyết định tuyển học viên mới là học sinh PTTH,  sĩ tử chuẩn bị thi vào các trường ĐH, CĐ ngành nghệ thuật.

Nói về sự việc này, sư thầy Thích Thanh Phương tâm sự: “Các sĩ tử yêu thì có yêu nghệ thuật Chèo đấy nhưng chưa am hiểu nghệ thuật dân tộc như thế nào mà đã thi tuyển. Tôi liên lạc với các trường ấy, đưa các em chưa thi đại học, hoặc đã thi nhưng trượt, tập hợp về đây, tôi bổ túc cho 1 năm, sau đó tiếp tục đi thi”.

Mô tả ảnh.
Các học viên thường gọi vui sư thầy là "Mẹ" vì "Mẹ" đóng vai trai giả gái rất đạt.

Lớp học Chèo nơi của chùa

“Câu lạc bộ văn nghệ phật tử chùa Đống Lim” – là tên gọi có từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Hơn 20 năm duy trì lớp học, sư thầy đã đứng lớp cho hơn 300 học viên, mỗi năm sư thầy nhận từ 12 – 15 học viên theo học. Hầu hết các học viên học xong lớp Chèo này đều công tác ở các đoàn Chèo các tỉnh – thành. Đặc biệt, thời điểm hiện tại, đoàn Chèo Ninh Bình có 7 diễn viên từng theo học sư thầy.

Không giáo án, không quy tắc khắc nghiệt, nhưng tất cả các học viên đến với cửa chùa đều nhận được những ưu đãi đặc biệt. Nhà chùa nuôi ăn, ở 1 năm miễn phí. Sau 1 năm, học viên nào muốn thi ĐH sẽ được nhà chùa làm thủ tục thi, học viên nào muốn về quê công tác sẽ được nhà chùa giới thiệu việc làm.

Sư thầy tâm niệm: “Có tình yêu nghệ thuật là vô cùng quý, nhưng năng khiếu cũng rất quan trọng. Có năng khiếu thì có thể làm nghệ thuật tới đỉnh. Vì vậy các em đến nơi đây, ít nhất phải yêu Chèo và có chút chất giọng ca hát, đó là nguyên tắc bất thành văn”.

Mô tả ảnh.
Mỗi khóa học kéo dài 1 năm, mỗi khóa dạy 12 - 15 học viên, một nửa sẽ thi vào các trường ĐH, CĐ; nửa còn lại xin về các đoàn Chèo địa phương.

Thầy say nghề, trò hiếu học; thế nên nhiều buổi sư thầy đi lễ, các em học viên vẫn nghiêm túc tập hát dưới hội trường nhà chùa.

Học làn điệu nào, thầy sẽ giảng lý thuyết về điệu hát đó trước khi thực hành. “Chèo có những lời hát ủy mị, nhưng cũng có cả những lời hách dịch, hoặc trang nghiêm, đứng đắn, đoàng hoàng; vì vậy học viên cần hiểu cốt lõi thì mới hát đạt” – sư thầy giải thích.

Trong số những học viên đương theo học có anh Hưng, anh Khiêm, chị Hương được nhà chùa trả công 2 – 2,5 triệu/tháng do nỗ lực tập luyện và đi biểu diễn. Sư thầy cũng cho biết thêm, việc trả công như vậy là khuyến khích các em theo học để kiếm nghề chứ không phải vào cửa chùa học Chèo cho vui.

Tuy nhiên, lớp dạy Chèo chùa Đống Lim cũng phải chịu nhiều áp lực từ dư luận. Sư thầy vẫn vui vẻ: “Đáo thời mà hành đạo” – Phật đã dạy thế nên tôi nghĩ việc làm tốt cho Phật tử dù ở hình thức nào cũng nên khuyến khích.

Theo: vietnamnet.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage