Một đêm trong lúc hành thiền bỗng ông reo lên: Hạnh
phúc quá! Hạnh phúc quá! Những vị Tỳ kheo đang tu tập gần đó hết sức
ngạc nhiên, không ai hiểu chuyện gì. Sáng hôm sau có một vị đến trình sự
việc trên với Đức Phật:
- Bạch Thế Tôn, tối hôm qua trong lúc chúng con
tọa thiền, chúng con nghe Tỳ kheo Bạt Đề reo lên: Hạnh phúc quá! Hạnh
phúc quá! Có lẽ Tỳ kheo Bạt Đề cảm thấy không thoải mái và đang nhàm
chán đời sống xuất gia, nên vị ấy nghĩ đến đời sống thế tục giàu sang
danh vọng trước kia mà thốt lên như thế.
Trưa hôm đó, Phật cho gọi Tỳ kheo Bạt Đề vào hỏi
nguyên do. Đứng trước chúng hội đông đảo, Tỳ kheo Bạt Đề chắp tay bạch
Phật:
- Bạch Thế Tôn, ngày trước làm quan, con có quyền
lực, vợ đẹp con xinh, kẻ hầu người hạ, có nhiều của cải, thế mà không
cảm thấy an ổn, thoải mái, không cảm thấy vui vẻ hạnh phúc, con luôn
sống trong lo âu phiền muộn, sợ hãi. Ngày đêm con quay cuồng với công
việc không một phút thảnh thơi, lo chuyện an nguy, thịnh suy, được mất.
Nhưng giờ đây, con không có tài sản của cải, không quyền lực danh vọng,
không nhà cao cửa rộng, kẻ hạ người hầu, mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm
thanh đạm, đêm về ngủ dưới gốc cây, thế mà lòng cảm thấy thảnh thơi an
lạc. Hạnh phúc đó trước đây con chưa từng cảm nhận được, nên con buột
miệng thốt lên lời vui mừng làm kinh động đến Thế Tôn và các bạn đồng
tu. Con xin thành tâm sám hối!
Trước chúng hội, Đức Phật khen Tỳ kheo Bạt Đề:
- Hay lắm, này Bạt Đề! Ông đang đi những bước
vững chãi, thảnh thơi trên lộ trình giải thoát. Niềm an lạc của ông, cả
chư thiên cũng ước ao huống chi là người đời! (Theo Truyện cổ
Phật giáo)
Bài Học Đạo lý:
Có một thứ hạnh phúc mà ít người biết đến, đó là hạnh
phúc của sự từ bỏ, thoát khỏi mọi ràng buộc, hệ luỵ của cuộc đời. Thế
thường người ta vui khi có bạn bè, quyến thuộc, vui khi có tiền bạc của
cải, danh vọng địa vị, vui khi có các thú ăn chơi hưởng thụ. Nhưng những
niềm vui đó thường kéo theo nhiều hệ luỵ và không tồn tại lâu dài, bởi
chúng luôn biến đổi vô thường.
Từ bỏ những niềm vui thế tục tưởng chừng như không
còn gì cả, cuộc sống trở nên vô vị, nhưng hóa ra lại tìm thấy được nguồn
chơn hạnh phúc, một thứ hạnh phúc mà không ai có thể cướp đi, không gắn
liền với lo âu, sợ hãi. Tuy nhiên, chỉ có thể cảm nhận được nguồn hạnh
phúc đó khi dám từ bỏ tất cả những gì mà người đời tìm cầu, mong muốn sở
hữu. Người tu thiền khi đạt được trạng thái Sơ thiền thì có niềm hỷ
lạc, an tịnh mà người bình thường không có. Ly sanh hỷ lạc, trạng thái
hỷ lạc do lìa bỏ những khát vọng, tham đắm. Đây là hạnh phúc của sự từ
bỏ.
Niềm vui, hạnh phúc có được từ sự lìa bỏ, xả ly không
chỉ có trong quá trình thiền định mà còn có trong quá trình thực hành
các pháp lành khác. Ví như khi bố thí, giúp đỡ những người nghèo khó,
tàn tật, cơ nhỡ… người ta cũng cảm thấy rất vui và ngập tràn hạnh phúc,
dù khi làm những việc đó phải tốn hao công sức, tiền bạc. Sự buông bỏ,
cho đi mang lại hạnh phúc còn nhiều hơn là sự nhận lấy. Người ta làm
việc thiện không chỉ vì tạo phước mà còn tìm được niềm vui và những giá
trị tinh thần.
Cho nên cổ nhân nói: "Làm lành rất vui, đạo lý rất lớn" là vì vậy.