Ðáp: Câu hỏi của Phật tử mới nghe
qua tuy đơn giản, nhưng đây lại là một vấn đề mang tính chuyên sâu rộng
lớn. Ngôi chùa tuy hiện diện trước mắt chúng ta, nhưng muốn hiểu rõ về
nội dung cũng như hình thức tác dụng của nó, thiết nghĩ cũng không phải
là chuyện dễ dàng. Vấn đề nầy, đâu phải chỉ riêng có Phật tử không hiểu,
mà hầu như đại đa số Phật tử chúng ta, ít có ai chịu khó nghiên cứu tìm
hiểu tường tận về vấn đề nầy. Với một đề tài sâu rộng như thế, mà chúng
tôi chỉ trình bày giới hạn trong phạm vi trả lời câu hỏi, thì chắc chắn
là chúng tôi không thể nào nói hết tầm mức quan trọng về ý nghĩa sâu xa
và tác dụng của ngôi chùa được.
Tuy nhiên, để khỏi phụ lòng Phật
tử đã hỏi, ở đây, chúng tôi cũng chỉ xin trình bày một cách dón gọn đơn
sơ qua một vài nét khái quát, theo sự hiểu biết nông cạn của chúng tôi
mà thôi. Nếu có dịp, tôi thành thật khuyên Phật tử nên nghiên cứu tìm
hiểu sâu rộng cặn kẽ hơn.
Trước hết, xin nói sơ qua về những tên
gọi của nó. Chùa, tiếng Hán Việt gọi là tự. Nó còn có những tên khác
như: Tăng già lam, Già lam, Phạm sát, Lan nhã, Tùng lâm, Tinh xá, Ðạo
tràng v.v… Có chỗ gọi là tự viện. Tiếng Phạn tương đương với tự viện là
Vihara.
Truy nguyên về nguồn gốc của ngôi chùa, ta thấy, ở vào
thời kỳ đức Phật Thích Ca, thì có hai ngôi tinh xá xuất hiện nổi tiếng
sớm nhứt ở Ấn Ðộ. Một là tinh xá Trúc Lâm ở thành Vương xá do vua Tần Bà
Sa La (Bimbisara) kiến lập. Hai là tinh xá Kỳ Hoàn hay còn gọi là Kỳ
Viên (Jetavena) ở thành Xá vệ, do trưởng giả Tu Ðạt Ða (Anathapindika)
tạo dựng để cúng dường cho Phật và chúng tăng cư trú.
Còn ở Trung
Quốc, theo sử liệu cho biết, ngôi chùa đầu tiên có tên là Hồng Lô Tự, do
triều đình xây dựng để tiếp đãi tăng khách bốn phương. Thường các vị
tăng Tây Vực (Ấn Ðộ) khi đến Trung Quốc thì trước tiên thường hay đến
nơi nầy để nghỉ và rồi sau đó mới đi nơi khác. Do đó về sau, gọi nơi
tăng ni ở là “Tự” tiếng Việt gọi là chùa. Ðó là những ngôi chùa đầu tiên
đã được kiến lập ở Ấn Ðộ và Trung Quốc.
Riêng ở Việt Nam, chúng
tôi thấy trong quyển Ðạo Phật Việt Nam, xuất bản năm 1995 tại TP Hồ Chí
Minh, Hòa Thượng Thích Ðức Nghiệp có nói đến ngôi chùa Yên Phú, thuộc xã
Liên Ninh, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Ngôi chùa nầy có mặt
dài lâu nhứt trên đất nước Việt Nam tức vào khoảng thế kỷ thứ III trước
Tây lịch. Ngoài ra, trong quyển Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 1, khi
nói về nhà Sư Phật Quang và di tích đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam,
giáo sư Lê Mạnh Thát cũng có đề cập đến một ngôi chùa cổ ở trên núi
Quỳnh Viên. Nhưng rất tiếc ông không có nêu rõ tên chùa.
Nếu nói
một cách chung chung, thì từ khi đạo Phật du nhập vào đất nước ta, khi
đã có hình bóng của các vị tăng sĩ tu hành truyền đạo, tất nhiên là phải
có những cơ sở cho những vị đó trú ngụ hoằng pháp. Cơ sở đó chính là
ngôi chùa. Dĩ nhiên, trong thời kỳ phôi thai nầy, chắc chắn là những
ngôi chùa đã được dựng lên, tất phải còn đơn sơ nghèo nàn lắm. Làm gì có
được những ngôi chùa đầy đủ tầm vóc nguy nga tráng lệ, nghệ thuật kiến
trúc thẩm mỹ độc đáo như sau nầy.
Về tác dụng của ngôi chùa, trước
hết phải nói ngôi chùa mang chức năng là một cơ sở giáo dục. Nói chung,
dù chùa nhỏ hay lớn, đơn sơ hay hoành tráng, đều có chung một mục đích
là mang tính tác dụng giáo dục. Thử nhìn lại, những giai đoạn hưng vong,
thạnh suy của dân tộc và Phật giáo, lịch sử đã chứng minh, bất luận
thời nào, ngôi chùa cũng đóng một vai trò then chốt quan trọng trong
việc điều hướng giáo dục quần chúng nhân dân. Có thể nói chùa là cái nôi
là cái lò rèn luyện chuyên đào tạo cho mọi người hướng thiện tu hành.
Có
những ngôi chùa biến thành như một ngôi trường làng, đề ra chương trình
giáo dục thực tiễn nhằm xây dựng đạo đức nhân bản cho con người. Mục
đích là nhằm đào tạo con người có được đời sống tâm linh phong phú và
trên hết là chất liệu văn hóa tình người. Ðó là con đường hướng đến
Chân, Thiện, Mỹ, mà những vị tăng ni đóng vai trò chủ chốt trong việc
đào tạo nầy. Một học giả đã viết: “Thời Giao Châu đô hộ phủ, các lò huấn
dục nhân tài ắt phải ở tại các ngôi chùa Phật giáo cổ xưa, vốn thân cận
với nhân dân bị trị, nơi quy tụ tín ngưỡng của nhân dân” ( PGVN, Nguyễn
Ðăng Thục, T, 284 )
Ngoài ra, ngôi chùa còn là một hình ảnh thân
thương rất quen thuộc gần gũi với nếp sống hiền hòa của những người dân
quê mộc mạc. Câu nói: “Ðất vua, Chùa làng” đã cho ta thấy cái giá trị
tín ngưỡng thiêng liêng trong tình tự hài hòa gắn bó thể hiện trong nếp
sống tình cảm chơn chất đơn thuần của người dân quê. Vì chùa là mái ấm
che chở ấp ủ nuôi dưỡng đời sống tâm linh của họ. Họ xem ngôi chùa như
là một mái ấm gia đình chung. Do đó, nên họ cùng nhau quyết tâm đóng
góp xây dựng bảo vệ và phát huy mạnh mẽ. Mái chùa là niềm an ủi xoa dịu
những nỗi buồn u uất đè nặng trong tâm hồn của họ. Và vì thế nên họ
không thể nào quên được.
Mai nầy tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa.
Bỏ
quê bỏ cả gió trăng nhưng niềm đau nhứt là phải bỏ chùa! Làm sao có thể
quên được? Vì chùa là nơi mà họ đã từng tới lui ấp yêu tràn đầy những
kỷ niệm yêu thương gắn bó nhớ nhung. Ðã thế, bảo sao họ có thể quên lãng
cho được! Ðó là một tình cảm thật thân thiết đậm đà nồng nàn, chứng tỏ
hình ảnh của ngôi chùa nó đã ăn sâu trong lòng người Việt Nam như là một
dấu ấn sâu đậm không thể nào phai nhòa trong tâm trí của họ. Chính vì
lẽ đó, nên chúng ta cũng không lạ gì, khi thấy bất cứ nơi đâu có đông
đảo đồng hương Phật tử sinh sống, thì chắc chắn nơi đó sẽ mọc lên ngôi
chùa.
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Chùa
là một biểu tượng thiêng liêng thấm sâu vào lòng dân tộc Việt từ ngàn
xưa. Như nước thắm sâu vào lòng đất. Do đó, dù đã trải qua mấy ngàn năm
thăng trầm, thạnh suy, vinh nhục, vật đổi sao dời, qua phân ly tán,
nhưng hình ảnh của ngôi chùa vẫn mãi mãi hiên ngang hiện hữu tồn tại
trong lòng người dân Việt.
Quả đúng như lời thơ của Vũ Hoàng Chương đã viết:
Dân tộc ta không thể nào thua
Ðạo Phật ta đời đời sáng lạn
Dầu trải mấy qua phân ly tán
Nhưng vẫn còn núi còn sông
Còn chót vót mãi ngôi chùa.
Ðây
cũng còn là nơi để chúng ta tôn thờ hướng lòng tri ân và báo ân đối với
các bậc tiền nhân, những vị đã có công lao dựng nước và giữ nước, gần
nhứt là các đấng sanh thành đã dày công khó nhọc giáo dưỡng chúng ta nên
người.
Về thực chất đạo đức, ngôi chùa còn có tác dụng trực tiếp
hướng dẫn con người hướng thiện. Nền luân lý đạo đức của Phật giáo dạy
người Phật tử phải ăn ở hiền lành. Năm giới cấm của người Phật tử tại
gia, đó là 5 nguyên lý đạo đức căn bản mà người Phật tử phải giữ gìn cẩn
thận. Ðồng thời phải ý thức và áp dụng lý nhân quả vào đời sống. Có thế
thì người Phật tử mới tránh được những điều tội lỗi. Ðó là hướng tiến
thăng hoa đạo đức của người Phật tử trong việc tu thân tề gia và đem lại
nhiều lợi ích cho nhân quần xã hội. Thử hỏi được thế do đâu? Nếu không
có ngôi chùa, thì làm sao người Phật tử có thể quy tụ công phu thực tập
tu học thành công như thế?
Nói tóm lại, ngôi chùa ngoài hình thức
ngoại diện như lối kiến trúc thẩm mỹ mang tính chất nghệ thuật tuyệt
hảo biểu trưng đầy đường nét hoa văn dân tộc tính ra, nó còn có nhiều
chức năng nhằm nuôi dưỡng đời sống tâm linh và đóng góp xây dựng nếp
sống đạo đức hiền hòa cao đẹp cho con người theo chiều hướng thánh
thiện. Ðồng thời, nó cũng còn đáp ứng được những nhu cầu tín ngưỡng, thờ
phụng, lễ bái, tu học, sinh hoạt xã hội của mọi tầng lớp dân chúng. Do
đó, ngôi chùa thật là quan trọng mà chúng ta cần phải có bổn phận bảo
tồn duy trì và phát huy mạnh mẽ trong tinh thần phụng sự nhơn sinh vậy.