Phật Học Online

Giúp Con Trẻ Vượt Qua Thói Tham Ăn Và Ích Kỉ

(PGVN) -  Bạch Thầy, bé nhà con 8 tuổi, là cháu gái. Cháu có  một tính xấu là ăn rất tham, luôn xí phần nhiều cho  mình, thỉnh thoảng cháu lại lấy đồ của bạn mang về nhà (chỉ là những thứ nhỏ nhặt như viên gôm, cái bút  chì thôi) nhưng chúng con rất sợ sẽ thành tính cách xấu  sau này. Chúng con đã giải thích và bảo ban cháu rất nhiều nhưng không có tiến triển gì. Chúng con rất sợ  thói xấu này càng lớn sẽ càng khó sửa. Kính mong Thầy  tư vấn cho chúng con cách khuyên bảo cháu thế nào để cháu có thể bỏ được thói ăn tham và ích kỉ này. Chúng  con cảm ơn Thầy rất nhiều!

Thầy Thích Nhật Từ trả lời

Theo nội dung chị mô tả, tôi đoán biết cháu gái 8 tuổi  của chị có hạt giống tính cách tham lam mạnh hơn các  hạt giống nhân cách khác. Thay vì quá lo lắng về việc này, chị hãy nỗ lực giúp cháu thay đổi nhân cách tham lam thành các nhân cách tích cực khác.

Giúp cháu trở thành bản sao nhân cách của vợ chồng chị
Thông thường, ở tuổi thiếu nhi, trẻ thường quan sát  hành động của cha mẹ và người thân để bắt chước cách  cư xử với mọi người xung quanh. Nhận ra được tính cách tham lam của cháu, chị và chồng chị hãy dùng lối  sống biết quan tâm, chia sẻ, tặng biếu, giúp đỡ người  khác để hướng dẫn cháu. 

Mỗi khi có cơ hội tặng biếu ai cái gì, vợ chồng chị  nên cho cháu chứng kiến rồi giải thích cho cháu nghe về các giá trị nhân bản và nhân văn của hành động quan tâm và cứu giúp người.

Trong nhà, khi ăn cơm, chị hãy xới cơm và múc đồ  ăn cho chồng con và đề nghị chồng chị nói lời cảm  ơn chị. Đáp lại, chồng chị nên làm hành động tương tự đối với chị và các con; nhận được, chị nên cảm ơn  chồng trước mặt con. Đồng thời, giải thích với cháu rằng muốn sống hạnh phúc, ta phải biết quan tâm đến người khác. Chứng kiến sự quan tâm và chăm sóc  nhau, con chị sẽ học dần lối sống tử tế và vị tha một cách có ý thức. Mô hình “Cả nhà ta cùng quan tâm và chăm sóc nhau” sẽ là lối sống tích cực. Phát triển lối  sống này, con chị sẽ biết quan tâm tha nhân, nhờ đó,  tâm ích kỷ và tham lam sẽ được chuyển hóa. 

Mỗi khi có điều kiện, vợ chồng chị nên dẫn cháu đến  các trung tâm cơ nhỡ, bất hạnh. Thay vì tự mình làm,  vợ chồng chị nên hướng dẫn cháu cùng làm việc trao tặng quà cho những người kém may mắn, với thái độ trân trọng, thương yêu và hạnh phúc. Sau đó, giải thích với cháu về nghĩa cử cao thượng sẽ giúp con người sống có tình người, nhờ đó, hạnh phúc hơn.

Khi cháu tham gia làm từ thiện cùng vợ chồng chị, chị hãy dùng lời khen và khích lệ thích hợp để cháu cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc lành. Trải qua năm tháng, các hạt giống tính cách tử tế, vị tha, vô ngã cao thượng và tích cực sẽ ảnh hưởng đến cháu. Cháu sẽ trở thành bản sao của tính cách cao quý này. “Mưa dầm thấm đất” là phương châm thích hợp cho việc gieo trồng các tính cách tích cực sự phát triển nhân cách của con người.

Chọn phim cảnh tích cực cho trẻ
Vì hạt giống tham ăn và tham lam nổi trội hơn cách hạt giống nhân cách khác ở cháu, vợ chồng chị đừng nên cho cháu xem phim ảnh có nội dung hưởng thụ, ăn uống, ăn chơi, cảnh giựt đồ, cướp của, bạo lực, bạo động, đánh lộn, bắn giết,… Thay vào đó, nên cho cháu xem các chương trình mang tính giáo dục cao, các phim hoạt hình có giá trị, thể hiện sự quan tâm và giúp đỡ người khác. 

Sở dĩ phải làm như thế là vì theo Phật giáo, con người là kết quả của những gì con người đã hưởng thụ. Khi ta ăn một thực phẩm vào bụng, hoặc đang tiêu thụ một sản phẩm phim ảnh thì trên thực chất, thực phẩm và sản phẩm đó đang tiêu thụ ta như một thói quen. Thói quen có sức chi phối lối sống và nhân cách của con người. Không ý thức về việc này, nhiều bậc cha mẹ vô tình đã làm cho con trẻ tiêu thụ quá nhiều các phim ảnh không thích hợp. Hậu quả là, tính cách xấu ở con trẻ ngày càng lớn dần theo năm tháng. Đến lúc nào đó, khi sức mạnh của thói quen xấu khống chế, làm cha mẹ bất lực, nhìn thấy con cái chịu bất hạnh và khổ đau, nhưng không thể cứu giúp được gì.

Hãy khéo léo dạy cho cháu tính cách thật thà, khi nhặt được của rơi phải trả lại cho người đánh mất. Khẳng định với cháu rằng đó là lối sống của người tốt. Giúp cháu bỏ thói tham lam, bủn xỉn, keo kiệt, chỉ biết quan tâm tới bản thân. Hãy kể cho cháu nghe các câu chuyện về các tài xế taxi nhặt được hàng trăm triệu đồng của khách bỏ quên, mặc dù nghèo, họ đã thông báo và trả lại cho khách. Các sự kiện như thế được báo chí khen ngợi trong thời gian qua. Hãy đề cao tấm gương “nghèo cho sạch, rách cho thơm” để cháu làm phương châm sống sau này.

Thường xuyên đọc cho cháu nghe các câu chuyện có thật về lối sống chân thật, có tình người rồi yêu cầu cháu kể lại. Khen tặng cháu khi cháu nhớ được các câu chuyện tình người có giá trị. Đừng làm cho cháu cụt hứng khi cháu bắt đầu biết quan tâm đến người thân và mọi người xung quanh. Lời khen tặng đúng chỗ sẽ có tác dụng khích lệ và góp phần làm thay đổi nhân cách của con người.

Đừng nghĩ rằng ở tuổi trẻ thơ, cháu chưa biết gì về phân biệt tốt xấu. Mông lung giữa việc tốt và việc xấu là một trạng thái tiêu cực của tâm lý, mà các bậc làm cha mẹ nên tích cực giúp đỡ con em vượt qua. Trái tim và nhận thức của trẻ thơ dễ được thay đổi. Uốn nắn nhân cách của trẻ cũng giống như chăm sóc cây bon sai. Đừng để cây lớn rồi uốn. Đến tuổi thành niên, nhân cách đã được định hướng, rất khó thay đổi, nếu đương sự không có quyết tâm cao thì khó thành công. 

Người mẹ gần gũi con trẻ hơn cha. Chị nên tận dụng điều kiện này để dạy dỗ con các đức tính trung thực, lòng tốt, nhân ái, sự thật thà, biết quan tâm, giúp người khốn khó. Khi các hạt giống nhân cách này được gieo vào tiềm thức thì các tính tham lam, ích kỷ … sẽ dần dần được thay thế. Theo Phật giáo, tâm thức con người như một kho chứa không giới hạn. Các vật được chứa đựng là do chủ nhân đưa vào, hoặc cho phép đưa vào. Tương tự, biết uốn nắn con, cha mẹ nên gieo các hạt giống nhân cách tích cực. Lúc đầu, do quán tính của thói quen xấu còn mạnh, cháu có thể không nghe theo lời cha mẹ. Giữ vững lập trường giáo dục khéo léo, sau một thời gian, các trẻ cá biệt sẽ tuân phục và trở thành người hữu trong tương lai.

Giúp trẻ giảm thói quen sở hữu hóa
Không kém gì người lớn, một số trẻ cá tính mạnh đã có ý thức rõ ràng về cái tôi và cái tôi sở hữu. Tính sở hữu này được hình thành qua truyền thông ngôn ngữ về các câu “mẹ của con, cha của con, bạn của con…” Nếu không huấn luyện trẻ, càng ngày, thói sở hữu này được chuyển sang tính cách tiêu cựu. Kết quả là, trẻ sẽ không thích chơi các đồ chơi với bạn bè cùng lứa tuổi, trẻ sẽ muốn sở hữu một mình, chơi một mình, và cảm thấy khó chịu khi phải chơi chung và chia sẻ chung với chúng bạn. Do đó, hãy tập cho trẻ thói quen không giấu giếm. Chia sẻ và thảo thơm là đức tính mà người hạnh phúc cần có. Mỗi khi trái cây, bánh kẹo, mẹ nên nhắc con mời cha mẹ. Khi bạn bè đến nhà chơi, chị nên nhắc con mang đồ ra cùng chơi với bạn. “Ki bo và đề phòng” sẽ tạo thành thói quen xấu. Đừng xem đây là chuyện bình thường.

Khi nhận ra trẻ có khuynh hướng khư khư giữ đồ trẻ thích thì cha mẹ nên biết thói tư hữu được hình thành ở trẻ. Lòng tham lam sẽ theo đó lớn dần, dẫn đến lối sống thích vơ vét về cho mình, không thích chia sẻ với ai. Khi trẻ đang ăn một mình, khi thấy người khác đến, liền dấu ngay sau lưng, hoặc ăn ngấu nghiến thật nhanh, thì biết tính tham ăn ở trẻ quá mạnh. Khi thấy trẻ giành giật đồ chơi với bạn bè thì biết cháu có tâm độc hữu, độc quyền. 

Cha mẹ nên giúp cháu có tinh thần tương thân, tương trợ. Hãy khéo léo dạy cháu chia sẻ đồ chơi cùng nhau, đừng để cháu giữ rịt một món chơi nào độc quyền. Tham lam và ích kỷ là một thói xấu, không chỉ làm hư nhân cách của trẻ mà còn gây phương hại cho xã hội về sau. Phải tìm cách thay đổi tâm lý xấu này. Thói ích kỷ sẽ là một cản trở trong đời sống xã hội. Tham lam có thể làm con người kẹt vào vòng lao lý. Cha mẹ hãy lưu ý từng lời nói, cách cư xử của con cái đối với cha mẹ, ông bà, người thân và người xung quanh. Khi phát hiện ra lối sống ích kỷ thì phải kịp thời điều chỉnh. Để giúp trẻ, cha mẹ phải làm gương.

Cha mẹ đừng nên nói những câu: “Đây là đồ của mẹ, của bố, con không được đụng vào,” “Nếu con không cất đồ gọn gàng thì mai bạn con sang chơi sẽ lấy mang về hết…” Những câu nói tưởng chừng như không ăn nhập gì lại có sức phá hỏng nhân cách của trẻ về sau. Con trẻ hằng ngày vô tình quan sát, ghi nhận lối sống và lời nói của cha mẹ. Hãy nói những câu nói có nội dung tích cực, thể hiện lòng vị tha, tâm tử tế, để hỗ trợ nhân cách của trẻ.

Nâng tầm quan trọng của việc nghĩa đối với trẻ 
Giống như người lớn, khi trẻ làm một việc gì có giá trị và giá trị đó được đánh giá bằng lời khen tặng, tán dương, trẻ thích được tiếp tục làm công việc có ý nghĩa này. Là các bậc cha mẹ, anh chị nên tạo điều kiện để trẻ có thể đóng góp cái gì đó cho cha mẹ. Ví dụ, dâng nước cho cha mẹ, lau mặt cha mẹ, hoặc làm việc gì đó được cha mẹ nhờ. Bắt đầu từ những việc đơn như trên, trẻ tiếp xúc với cuộc sống với sự đóng góp tích cực. Điều này khiến trẻ cảm thấy hành động tích cực của mình có giá trị nhất định. Trẻ sẽ tự hào và hãnh diện về các đóng góp có giá trị đó. 

Khi trao cho trẻ cơ hội thực hành việc tốt trong gia đình, trẻ sẽ thể hiện sự gắng công để làm tốt đẹp và có hiệu quả hơn. Cách huấn luyện này sẽ giúp con em có trách nhiệm hơn và tin vào bản thân hơn. Khi trẻ bớt đi thói dựa dẫm, có tinh thần tự lập cao, trẻ sẽ bớt đi tính ích kỷ. Lòng tham tạo ra tâm ích kỷ. Lối sống ích kỷ tạo ra tâm tham lam. Tham lam và ích kỷ là bạn đồng hành của khổ đau. Khi chị giúp con vượt qua thói ích kỷ và tính tham lam, chị đã cống hiến cho đời một người có nhân cách vị tha.

Thích Nhật Từ
Nguồn: Theo Thư Viện Hoa Sen


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage