Phật Học Online

A La Hán, Phật Và Bồ Tát
Ánh Ngọc St

Lời giới thiệu của người dịch : Tỳ Kheo Bodhi sinh năm 1944 tại Brooklyn, NewYork. Ngài là một học giả Phật giáo uyên thâm nổi tiếng khắp thế giới qua các công trình dịch thuật và sáng tác của Ngài.

Vào lứa tuổi 20, Ngài đã yêu thích tìm hiểu đạo Phật. Sau khi hoàn tất học vị Tiến sĩ Triết học tại Hoa Kỳ năm 1972, Ngài du hành đến Sri Lanka và thọ giới Sa di, và năm 1973 Ngài thọ giới Tỳ Kheo với vị bổn sư là Cố Hòa Thượng Ananda Matreya, một vị cao tăng thuộc hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo đương thời. Năm 1984, Ngài được đề cử làm Chủ bút của Hội Xuất Bản Kinh Sách Phật Giáo (Buddhist Publication Society ) của Sri Lanka, và năm 1988 là Chủ tịch của Hội này.

Tỳ Kheo Bodhi vừa là Chủ bút, tác giả và dịch giả của nhiều kinh sách Phật giáo, quan trọng nhất là bộ Trung Bộ Kinh ( Middle Length Discourses ) đựơc dịch từ tiếng Pali sang Anh Ngữ (đồng dịch giả với Tỳ Kheo Nanamoli, năm 1999), và Tương Ưng Bộ Kinh (Connected Discourses of the Buddha ).

Năm 2000, Ngài đã đọc bài diễn văn quan trọng tại đại lễ Phật Đản (Vesak) chính thức đầu tiên do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Năm 2002, Ngài trở về Mỹ, và từ tháng 7 năm 2003, Ngài cư trú và giảng dạy tại Tu Viên Bodhi. Hiện nay Ngài là Chủ tịch của Hội Đồng Tăng Già Tu Viện Bodhi và là Chủ tịch của Hội Yin Shun Foundation. Mời nghe bài giảng của Ngài ở đây:

Lý tưởng A-la-hán thường được xem là lý tưởng dẫn đạo cho Phật giáo Nguyên Thủy và và lý tưởng Bồ tát là lý tưởng dẫn đạo của Phật giáo Đại Thừa. Nhận định này không hoàn toàn đúng, vì truyền thống Nguyên Thủy đã thể nhập lý tưởng Bồ tát trong giáo lý cơ bản và như vậy đã công nhận giá trị của quả vị A-la-hán và quả vị Phật đều là hạnh nguyện tu tập của người xuất gia. Vì thế, nói một cách chính xác hơn thì lý tưởng A-la-hán và lý tưởng Bồ tát là những lý tưởng dẫn đạo cho cả Phật giáo Tiền Nguyên Thủy lẫn Phật giáo Đại thừa.

Theo hình thái được truyền lại cho chúng ta ngày nay, điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra những lý tưởng này bắt nguồn từ nhiều khối lượng văn bản khác nhau xuất phát từ nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử phát triển Phật giáo. Nếu chúng ta không cứu xét điều này và chỉ so sánh hai lý tưởng ấy như đã được mô tả trong các văn bản kinh điển Phật giáo, chúng ta có thể cho rằng hai lý tưởng này khởi thủy đã được chính đức Phật lịch sử thuyết giảng, và rồi chúng ta có thể giả định rằng đức Phật – sống và giảng dạy ở thung lũng sông Hằng từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên – đã cho các đệ tử sự lựa chọn giữa hai lý tưởng này, như thể Ngài đã nói "Đây là lý tưởng A-La-Hán, có những đặc điểm như thế này, và đó là lý tưởng Bồ tát, có những đặc điểm như vậy. Hãy chọn con đường nào các người thích". Các kinh Đại thừa, như là Kinh Bát Nhã Ba La Mật hay Kinh Pháp Hoa, cho chúng ta cảm tưởng rằng Đức Phật đã giảng dạy cả hai lý tưởng ấy. Tuy nhiên những kinh này không phải là những bản kinh xưa cổ đầu tiên. Trái lại, đây là những nỗ lực tương đối về sau này để hệ thống hóa những hình thái tu tập khác nhau đã phát triển qua một thời gian khoảng 400 năm sau khi đức Phật nhập Niết bàn.

Văn bản kinh điển Phật giáo cổ xưa nhất là bộ kinh Nikayas bằng tiếng Pali ( Nam Phạn) và những văn bản tương đương từ những trường phái đầu tiên (được lưu lại trong bộ kinh A-Hàm bằng chữ Hán )- đã mô tả lý tưởng của đệ tử Phật là quả vị A-la-hán. Kinh Đại thừa được hình thành một vài thế kỷ sau bằng tiếng Sankrit ( Bắc Phạn), đã mô tả lý tưởng Bồ tát là hạnh nguyện của đệ tử theo tông phái Đại thừa. Giờ đây, một số người tranh luận rằng bởi vì A-la-hán là lý tưởng của Phật giáo Nguyên thủy, trong lúc Bồ tát là lý tưởng của tông phái Đại thừa sau này, như vậy thì Đại thừa phải là tông phái Phật giáo tiến bộ hơn hoặc phát triển cao hơn, một giáo lý thượng thừa so với giáo lý đơn giản và có tính chất căn bản của bộ kinh Nikayas. Đây quả thật là một thái độ rất phổ biến trong những tín đồ theo Đại thừa, mà tôi sẽ gọi là ' Phái thượng căn Đại thừa". Có một thái độ đối lập rất phổ biến trong những người bảo thủ cổ xúy cho giáo lý kinh Nguyên thủy Nikayas, một thái độ mà tôi sẽ gọi là "Phái Nguyên thuỷ thuần túy", những người này bác bỏ hoàn toàn những phát triển sau này của lịch sử tư tưởng Phật giáo như là một sự lệch lạc biến dạng, xa hẳn "tinh thần trong sáng ban đầu" của giáo lý xưa cổ. Các vị theo Nguyên thủy thuần túy chỉ chấp nhận lý tưởng A-la-hán là có giá trị và đôi lúc đã bác bỏ lý tưởng Bồ tát một cách mạnh mẽ.

Tôi cố gắng tìm một quan điểm công bằng cho vấn đề kinh tạng Nguyên thủy và Đại thừa nhìn từ hai góc độ khác nhau, một quan điểm có thể dung nạp sức mạnh của cả hai mà không rơi vào một sự hòa hợp dễ dãi, xuề xòa, không xóa bỏ những bất đồng về mặt khái niệm giữa hai phái, không từ bỏ tính trung thực đối với những văn kiện có tính cách lịch sử (tuy nhiên vẫn công nhận rằng những văn kiện ấy không phải là hoàn toàn trong sáng và không có thiên vị ). Điều này không dễ chút nào. Sẽ đơn giản hơn nhiều khi chấp nhận lập trường của phái ' Nguyên thủy thuần túy' hay 'Thượng căn Đại thừa' và giữ chặt quan điểm ấy không thay đổi. Tuy nhiên, cả hai lập trường này đều có vấn đề ở chỗ cả hai đều bắt buộc phải bỏ qua những sự kiện không thuận lợi cho họ. Mặc dù tôi đã xuất gia theo tông phái Nguyên thủy, trong bài tham luận này, tôi sẽ không bảo vệ cho ý kiến của một tông phái nào, hoặc cố gắng ủng hộ một quan điểm có tính cách bộ phái. Mục đích của tôi là rút ra từ kinh điển những gì kinh đã nói rõ ràng, và những gì kinh ngụ ý muốn nói, về hai lý tưởng mang tính cạnh tranh nhau trong đời sống của người Phật tử. Cuối cùng, khi tôi rút ra kết luận, tôi sẽ nói rõ kết luận là như vậy, và kết luận này hoàn toàn của riêng tôi. Đôi lúc tôi sẽ không rút ra kết luận, thay vào đó, tôi sẽ đặt câu hỏi, vạch ra những vấn đề trong lịch sử Phật giáo mà tôi biết rõ, mà tôi không có may mắn để giải quyết được. Rất có thể những gì tôi cho là quan điểm quân bình và tế nhị này sẽ bị những người cổ vũ cho cả hai tông phái đả kích.

Nguồn: Nguyên tác : Venerable Bhikkhu Bodhi; Việt dịch : Nguyên Nhật, Trần Như Mai


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage