Phật Học Online

Thường tâm không Phật, chúng ta niệm gì?

Phật là bậc Giác ngộ toàn triệt, nhìn thấu chúng sanh cơ bản do vọng tưởng che lấp tự tánh, nên giới thiệu pháp môn Niệm Phật cho thời mạt. Đó là di ngôn tối thượng, căn bản nhất dành cho hậu thế. 

Chúng sanh vốn sống trong vọng tưởng, Phật khuyên niệm Phật để từ tướng mà lìa tướng, dần dà Phật hiệu “đồng hóa” vọng tưởng một cách lặng lẽ diệu kỳ. Theo cách nói của Tổ Thiện Đạo: “Rời tướng mà cầu hoàn thành sự việc thì cũng chả khác gì người không có chú thuật, thần thông lại đi làm nhà, xây lầu giữa hư không”.

phat hocqt.jpg
Pháp môn Niệm Phật không lấy chữ Hạnh làm đầu 
(hạnh niệm Phật) lại xem Tín bậc nhất trong ba món tư lương

Xưa nay để chọn ra bộ kinh quan trọng nhất trong sự nghiệp giảng pháp của Phật Thích Ca, giới tu hành phần lớn xem Hoa nghiêm là trọng yếu. Nhiều vị cao tăng đúc kết: tinh hoa kinh Hoa nghiêm là kinh Vô lượng thọ; tinh hoa kinh Vô lượng thọ là kinh A Di Đà; tinh hoa kinh A Di Đà là 48 lời đại nguyện; tinh hoa 48 đại nguyện là Lục tự hồng danh. Phật dự liệu sau thời mạt pháp hết thảy kinh đều diệt, vẫn còn danh hiệu A Di Đà Phật truyền khẩu trong dân gian, ai tin sâu, nương vào trì niệm sẽ giải thoát. Cổ đức mới dạy: “Vạn pháp tinh hoa lục tự bao”. Nam-mô A Di Đà Phật chính là vua của mọi kinh chú, thần lực vô biên và sẽ khởi tác dụng viên mãn. Tam tạng kinh điển được gói gọn trong đó; một khi người tu chí thành, khẩn thiết niệm ngày đêm, Nam-mô A Di Đà Phật sẽ in sâu vào tâm, tự tâm phát khởi như tiếng chuông ngân vang, thăm dò, đánh thức tự tánh đang lặn sâu dưới lớp vô minh phiền não.

Nếu là Tịnh độ nói về Tịnh độ có thể chưa tin, nhưng thiền sư lỗi lạc giảng về Tịnh độ, lẽ nào phớt lờ? Rất nhiều bậc đạo sư thông Thiền, Mật, họ vẫn khuyến tấn mọi người hướng về Cực lạc. Từ các bậc Bồ-tát Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền cho đến Tổ sư Long Thọ; Đại sư Pháp Chiếu vốn chuyên tu Thiền, sau nhờ Đức Phổ Hiền khai thị mới quay về Tịnh nghiệp, rồi trở thành Tổ sư; Hòa thượng Hư Vân tu Thiền đắc định, vẫn khuyên học trò niệm Phật và đã thành tựu viên mãn; Hòa thượng Tịnh Không, bậc Thượng nhân hiện thời chuyên hoằng dương Tịnh độ vốn là học trò ruột của Đại sư Chương Gia bên Mật tông. Đã gần 90, Hòa thượng vẫn ngày ngày giảng bản chú giải kinh Vô lượng thọcủa lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ - vốn là Kim Cang A-xà-lê của Mật tông, lại từng tham học Thiền tông với đương đại Thái sơn Bắc đẩu Hư Vân Hòa thượng - mà sáu tháng cuối đời một ngày niệm 14 vạn danh hiệu Phật cầu sanh Tịnh độ; Hòa thượng Quảng Khâm tu thiền nhập định hàng tháng trời, kim chỉ nam truyền pháp của Ngài vẫn chỉ vỏn vẹn “sáu chữ”; Hòa thượng Tuyên Hóa lúc còn trụ thế ở Mỹ quốc dành hết tâm sức giảng Thiền nhưng ai đọc cuốn sách nhỏ Quê hương Cực lạc mới hiểu thấu pháp môn Ngài đã nương vào làm nền tảng. Và hơn thế, lúc Bồ-tát Di-lặc ứng Phật tại dương gian cũng dựa trên kinh Vô lượng thọ mà gây dựng thời Chánh pháp.

Câu Phật hiệu đầy đủ năng lực gom tâm chuyên trụ vào một chỗ như mũi khoan xuyên vào bức màn vô minh dày đặc. Thường niệm Nam-mô A Di Đà Phật cũng chính là hành thiền. Lúc nào đi đứng nằm ngồi ta đều niệm Phật (niệm câu nào nghe rõ câu đó), ấy là tỉnh giác. Nếu ai chuyên tĩnh tọa, lúc xả thiền hòa vào dòng đời làm Phật sự phải rất cố gắng mới giữ vững chánh niệm. Người tịnh niệm tiếp nối tức tâm lúc nào cũng tỉnh giác. Như vậy, Niệm Phật thật sự là phép thiền vi diệu. Không cứ dựa vào pháp môn nào, điều trọng yếu đều phải đạt được tâm thanh tịnh. Không thể lấy cái gọi là công năng đặc dị lại đòi bay lên nước Phật. Tu là giữ tâm trong lặng, hòa ái, trải lòng với muôn loài; ý nghĩ hành động đều nghĩ về người trước. Trong suốt thời gian đó câu Phật hiệu luôn in sâu trong tâm như được khắc chạm, vậy cũng xem là “tu chuyên nghiệp”. Dẫu sự tu này nhiều lúc không ai biết (do niệm thầm danh hiệu Phật); sự tu đó làm lợi cho mọi người và hoàn cảnh xung quanh chứ nào ảnh hưởng đến ai. Từ đây xả bỏ dần tri kiến thế gian, xả bỏ sự bon chen, ganh ghét, đố kỵ, tham lam, sân hận, ích kỷ hẹp hòi, nhìn nhận về tất cả mọi người đều là quyến thuộc của mình, chuyên trì niệm và sống theo hạnh Bồ-đề, trí huệ sẽ mở dần và phát lộ viên-ngọc-Phật chói sáng. Chợt nhớ lời khai thị của Đại sư Triệt Ngộ: “Phàm đã có tâm thì không thể vô niệm. Nếu chẳng thuận cảnh Phật mà niệm cảnh Phật thì liền niệm chín cõi; chẳng niệm Tam thừa thì liền niệm Lục phàm; chẳng niệm cõi trời người thì liền niệm Tam đồ; chẳng niệm ngạ quỷ, súc sanh thì liền niệm địa ngục”. Điều này được gói trong một câu của kinh Địa Tạng:“Chúng sanh Nam-diêm-phù-đề khởi tâm động niệm không gì không tội, không gì không nghiệp”. Từng xem qua Duy thức và tham cứu về tâm sở đa phần bất thiện, đọc đến đây lẽ nào không run sợ. Và một khi ai đó được tự tánh hé lộ điều này, việc truy gốc kinh Đại thừa có phải Phật thuyết hay không trở thành vô nghĩa!

Tịnh độ Chân tông Nhật Bản thường trên tinh thần phá chấp, dựa vào nguyện thứ 18 mười niệm vãng sanh của Phật A Di Đà, đã ảnh hưởng nhiều đến giới tu hành Tịnh tông ở Việt Nam. Khá nhiều người dễ dãi đã quá nương cậy vào Phật lực. Trước hết phải cắt nghĩa sự tiếp dẫn. Lúc ta trì mười lượt hồng danh, khoảng thời gian đó phải tương ưng với tâm thanh tịnh. Ta niệm Phật tức ta chính là Phật, chứ không phải niệm với tâm tạp loạn lại chờ Phật phóng hào quang; sự chờ đó chính là cầu Phật bên ngoài. Thử liên tưởng, chiếc radio hay tivi, ta muốn nghe muốn xem phải rà đúng sóng kênh ấy mới nghe thấy rõ ràng, còn không sẽ chẳng rõ tiếng mà hình cũng nhảy giật, là lúc nhiễu sóng cảnh giới khác ma quỷ, khó thể vãng sanh. Mặt khác, mười niệm là đang nói đến thời điểm cận tử nghiệp, khoảng thời gian vừa đủ để Phật phóng hào quang tiếp dẫn. Ví như muốn biết đối tượng tình nghi đang gọi điện công cộng ở đâu, đòi hỏi phải có sáu giây; nếu đối tượng cứ năm giây là cúp máy thì bên mật vụ bó tay. 

Câu hỏi đặt ra: mười niệm nối nhau thanh tịnh dễ không? Câu trả lời là khó. Nhiều người niệm Phật mấy chục năm trời song bảo thử nhắm mắt khởi mười niệm không vọng tưởng xen ngang, cũng chịu. Quen với miệng niệm tâm nghĩ gì tùy thích càng trượt đà, lúc lâm chung sẽ khó ứng với tâm Phật. Hiện giờ thân thể khỏe mạnh, tâm thế phấn chấn, ngồi niệm một cây hương, hỏi có mấy lần được mười niệm thanh tịnh? Huống hồ lúc thân đau đớn quằn quại, nếu không cũng tâm thần bấn loạn ngổn ngang, oan gia trái chủ tìm đến thanh toán nợ nần, nghiệp lực thừa cơ trỗi dậy. Hành giả nào để ý việc này, cứ thực hành từ ba câu thanh tịnh nối tiếp, cho đến năm câu, rồi nâng lên mười hay chú tâm trong một hơi, xếp lại, rồi tiếp tục hơi khác, dần dà mười niệm thuần thục sự nhất tâm, là việc không quá khó. Dẫu biết công hạnh niệm Phật để đến với cõi nước An lạc có nhiều cách hành trì, song thiết nghĩ nếu niệm Phật mà mặc tâm làm màn hình chiếu phim cho a-lại-da, sẽ chẳng khó hiểu khi nhiều sinh mạng vẫn trách Phật A Di Đà lỡ hẹn.

Dĩ nhiên, phàm bàn đến Pháp nhất nhất phải soi vào kinh điển. Phật Thích Ca từng khẳng định trong kinh A Di Đà, rằng chúng sanh lâm chung nếu thiết nguyện sẽ được chư thánh hiện tiền, khiến tâm bất điên đảo. Ở đây có một điểm trọng yếu là niềm tin. Vào thời khắc đó, hành giả phải tin sâu, tin chắc Phật A Di Đà sẽ đến. Chưa chế ngự được tà niệm, song niềm tin vững, một lòng chí thiết đợi Phật, phiền não ắt lắng xuống; cộng với năng lực gia trì giữa một không gian đầy ắp từ trường siêu thiện và hào quang tỏa rạng, hành giả sẽ hóa sanh về Cực lạc.

Đến đây mới hiểu tại sao pháp môn Niệm Phật không lấy chữ Hạnh làm đầu (hạnh niệm Phật) lại xem Tín bậc nhất trong ba món tư lương. Bằng niềm tin sâu chắc, hành giả dẫu không đạt nhất tâm trong mười niệm vẫn nhiều cơ hội lách qua khe cửa hẹp tử sanh. Cũng xin mở ngoặc: Nhất tâm trong niệm Phật bước đầu nên hiểu là tức thì khởi niệm giác. Hễ vọng tưởng nổi lên ngay lập tức A Di Đà Phật khởi động. Suối đời hành niệm Phật cốt yếu xoáy vào đây. Hồng danh Đức Phật là hạt giống, hành giả chăm sóc nẩy mầm, lớn lên vươn cành tỏa bóng, cây bồ-đề thành cổ thụ. Từ miệng niệm đến tâm niệm rồi thần niệm, câu Phật hiệu từ ngoài nghe vào nay từ tâm phát ra, là lúc hành giả xoay được sự nghe vào trong, xoay cái nhìn vào bổn tánh. Có người một mình niệm Phật mà ngỡ trăm người cùng niệm, rầm rập như sóng vỗ bờ; như hàng trăm bước chân nhịp nhàng hùng dũng tiến đến, vọng tưởng không kinh hồn bạt vía biến mất còn dám trụ lại đối đầu? Có người ngồi niệm mà như đang trụ giữa hư không, dàn đồng ca “A Di Đà Phật” vang vang dội xuống. Những người khác lại vô niệm mà niệm, niệm mà tâm tuyệt tĩnh yên vắng. Lại có người khởi được Phật hiệu cả trong giấc mơ…

Bản thân tôi chưa thực hành được chút xíu so với những loại công phu đó. Vốn học mót từ ân đức chư Tổ, các bậc chân tu lặng lẽ giấu mình chờ thời hóa độ, những lời viết ra chỉ là cảnh tỉnh bản thân đang ở trong vòng nguy hiểm luôn có nguy cơ bị đọa vào ác đạo mà thôi.

Hồ Dụy


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage