Trong giáo lý nhà Phật gồm có thiên kinh vạn quyển. Trong
tam tạng kinh điển gồm có: Kinh - Luật -
Luận tạng. Trong
tam tạng ấy đều liên hệ với nhau. Mục đích Phật pháp hướng con người ta tu tập
thấu rõ nguồn tâm trong sáng của mình, an tâm mình, và biết làm lành, lánh dữ, góp phần an sinh xã hội. Trong kinh tạng Pali, Tiểu Bộ Kinh gồm
có 15 quyển, Kinh Pháp Cú
(Dhammapada) là quyển thứ 15, gồm 26 phẩm, tương đương 423 câu kệ, là những lời Phật dạy, ngắn gọn, dễ hiểu, có giá trị, thiết thực cho cuộc sống. Người xuất gia, cũng như Phật tử tại gia có thể
ứng dụng sống, tu có an lạc, như bóng không dời hình. Để hiểu đôi điều về lời Phật dạy,
tôi xin tìm hiểu vài nét về “Không phóng
dật”, ấy là lợi ích quan trọng.
Hình 1: Lúc Phật sinh, Phật nói ta là vô ngã, tức tâm tịnh, không phóng dật
Không
Phóng Dật là phẩm thứ 2 trong Kinh Pháp
Cú. Theo chữ Hán thì “phóng”[1] có
nghĩa là phóng túng, không cẩn thận, xao lãng. Xao lãng có nghĩa là sao nhãng,
tức là: “không để tâm, tập trung vào công
việc chính”[2].
Dật[3] có
nghĩa là “lầm lỗi”. Vậy thì “ phóng dật”
nghĩa là phóng túng tâm ý, buông thả, hành động của mình theo sự lầm lỗi. Vậy
Không Phóng Dật nguyên gốc Pali nghĩa là sao? Appamada[4]
nghĩa là không xao lãng, không phóng dật và cũng có thể dễ hiểu là “cẩn thận”.
Đại ý của Phẩm Không Phóng Dật gồm những câu khuyến thiện, nhắc nhở làm việc
lành, tạo nghiệp lành, luôn giữ tâm ghi nhớ mình, cẩn thận, thường (chính niệm)
biết rõ mình đang làm việc gì.
Vậy,
câu kệ 21 trong Phẩm Không Phóng Dật viết rằng:
“Không
phóng dật, đường sống
Phóng
dật là đường chết
Không
phóng dật,
không chết
Phóng
dật như chết rồi[5]
Trước hết, Phật xác quyết chỉ ra hai con đường,
một con đường không phóng dật thì được tồn tại, sống không chết. Con đường thứ hai, là con đường phóng dật dẫn
tới khổ đau, phiền não, tới chết. Ví như người say rượu, đêm ngày không biết được
mình tỉnh hay mê, chửi cha mắng mẹ, đánh vợ, hành con tới khổ. Người không phóng dật, trú tâm của mình vào
việc “biết rõ” mình đang làm, đang suy
nghĩ, đang nói, ta làm chủ được bản
thân, bản
tâm, giữ gìn được giới luật, tu tập
được tinh tiến, cuộc sống yên ổn an lạc.
Hình 2: Phật thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề không bị ma phương phóng dật phá đạo quả
Tư tưởng chủ đạo của đạo Phật là hướng con người ta quyết
tu tập, đạt cho được tâm không phóng dật (an định), có cuộc sống an lành, hạnh phúc, xã hội ổn định phồn
vinh. Còn người sống phóng dật, buông lung, tâm điên đảo dẫn đến làm những việc
hại mình, hại người. Trượt dài trên u minh tăm tối, vào chốn lầm mê từ lúc nào
không hay biết. Đây chính là những mặt trái của xã hội, mà nhìn vào đấy ta thấy
bất cứ là ai, ở đâu, trình độ học vấn cao đến đâu đi chăng nữa, mà để tâm mình
phóng dật thì không thể tìm thấy ánh sáng Phật pháp mà tu tập, sống không lập
trường, nghiêng ngả, kém phúc tuệ nên tâm phóng dật là ta tự hại
chính ta và chết dần từ lúc nào mà ta không hay biết.
Sống thực dụng xa rời truyền thống văn hóa xã hội, suy thoái đạo đức, lệch lạc
tư tưởng chính trị, bàng quang trước xã hội. Bởi thế cho nên những người cẩn thận, giác ngộ trí tuệ
thấy được lợi ích của lời Phật dạy, họ sẽ định hướng được tâm cùa mình.
Nên Kệ 22 phẩm Không Phóng Dật viết:
“Biết
rõ sai biệt ấy
Người
trí không phóng dật
Hoan
hỷ không phóng dật
An
vui hạnh bậc thánh”[6]
Khi
con người tâm không phóng dật trí tuệ minh mẫn, giúp cho mỗi người chúng ta
luôn phải trăn trở sống làm sao cho ích đạo , lợi đời, sống nhân ái, sẻ chia, sống
có trách nhiệm. Tự tâm chúng ta quyết tu tập đạo pháp tìm về chính giác, giúp
cho con người có cuộc sống an lành, gia đình hạnh phúc, xã hội ổn định phát triển
phồn vinh. Nên người có tâm không phóng dật thường là người đã giác ngộ được tư
tưởng giáo lý Phật pháp. Họ kiểm soát được hành động, suy nghĩ của bản thân, điều
chỉnh được tâm trí, làm việc lành, lánh việc dữ nên cuộc sống luôn hoan hỷ, an
vui.
Hình 3: Phật đang thuyết Pháp để đệ tử giác ngộ thoát khỏi thân tâm phóng dật, khổ đau
Kệ 23 viết: “Người hằng tu thiền định
Thường kiên trì tinh tiến
Bậc trí hưởng Niết Bàn
Đạt an tịnh vô thượng”[7]
Kệ
trên Phật nhắc cho chúng ta biết, vấn đề Thiền Định là để khai tâm, trí sáng,
giác ngộ, thoát khỏi khổ đau. Người tu thiền định thường xuyên, tức để tâm ý
vào một việc chung nhất, hay một đối tượng, theo dõi theo nó theo lý Duyên
sinh, cái này có là do đủ duyên, khi kém duyên thì nó thành cái khác, thực thể
bản chất của việc, đối tượng ấy là thanh tịnh, vô ngã. Quán chiếu trong Thiền định
như thế dẫn tới tâm trí sáng, làm chủ được thân tâm không chạy theo vô thức,
phóng túng theo trần cảnh mê lầm. Người thường tu Thiền Định, bền chí, tinh tiến
thì sẽ đạt được cảnh giới Niết Bàn, an tịnh vô thượng ( trạng thái yên tĩnh tột
cùng).
Người
có tâm không phóng dật, thì bất cứ ở đâu, lúc nào tâm cũng tĩnh, ung dung tự tại,
luôn luôn giữ gìn giới luật, quyết tâm tu tập tự giác, sống nhân ái sẻ chia,
không bao giờ sống buông lung, mà khi chúng ta giác ngộ được ánh sáng đạo pháp
mới thấy sự màu nhiệm của Phật pháp là vô biên, giúp chúng sinh thoát chốn mê lầm,
đón nhận niềm an vui, cực lạc.
Hình 4: Phật nhập diệt (mất) quay mặt về phía bên phải, phía cát tường. Phật dạy ta chỉ là người chỉ đường, mọi người phải tự đi mới tới đích.
“Chúng ngu si thiếu trí
Chuyên sống đời phóng dật
Người trí không phóng dật
Như giữ tài sản quý”[8]
Trong
một thế giới phẳng đầy những cạm bẫy, cạnh tranh, mọi người bị cuốn vào nhịp sống
hối hả, thì hơn lúc nào hết những lời Phật dạy cảnh tỉnh, giúp ích rất nhiều
cho mỗi người chúng ta. Lời Phật dạy chỉ ra cho chúng sinh những lợi ích lớn
lao của việc tu tập theo Phật pháp. Vì chỉ tu tập tinh tiến ta mới giữ được tâm
mình trong sáng sống đẹp, sống có ích cho xã hội, biết sẻ chia quan tâm đến cộng
đồng. nên người có tâm không phóng dật là đã giác ngộ đi theo con đường Phật
pháp, còn người có suy nghĩ mông lung có tâm phóng dật thì sớm muộn bị ba nghiệp
tham, sân, si ngự trị trong hành động và suy nghĩ nó làm cho con người suy
thoái đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật, vướng vào lao lý. Nên chỉ có kẻ ngu
mới sống phóng dật, người giác ngộ giữ được tâm không phóng dật, luôn tự giác học
tập tu dưỡng, rèn cho bản thân có tâm trí sáng, hoài bão lớn sẵn sàng cống hiến
cho đạo pháp, và dân tộc. Ở đây ta thấy ý nghĩa: “Tùy duyên bất biến, bất biến
tùy duyên” trong Kinh điển của Phật giáo Đại thừa, tất cả đều do chúng sinh khởi
từ tâm, tâm không phóng dật thì nhân lành nảy nở nghiệp dữ tiêu trừ, còn tâm
phóng dật thì nghiệp dữ tăng trưởng, khổ não triền miên.
Hình 5: Phật tử Diệu Trinh đang nghiên cứu về Không Phóng Dật
Tóm
lại, Không Phóng Dật là lời Diệu Pháp, là nấc thang cơ bản, ban đầu để hướng con
người định được tâm, nhờ định tâm mà biết được, cuộc đời, vạn vật, hiện tượng,
con người đều do nhân duyên hòa hợp và thành, mà tán, hiểu được các nhân duyên
gá hợp vào nhau mà có mặt, mà chuyển hóa. Người có tu tâm, quán tính thì thấy
được Không Phóng Dật là quan trọng, cần nhận biết nó, cần theo dõi hướng nó nên
làm thế này mà không nên làm thế kia theo tâm chỉ đạo đúng hướng có lý, lợi cho
bản thân và xã hội. Với ai không phóng dật sẽ cứu ta thoát khỏi khổ đau, có được
an lạc hạnh phúc dù bất cứ nơi nào. Để tạm kết cho phần nghiên cứu này ta có thể
mượn mấy câu thơ của Hồ Chí Minh viết nhắc nhở Thanh Niên cần để tâm nhận thức
rõ ràng, cẩn thận, biết thì nói rằng biết, không biết nói là không biết, việc
gì khó cũng có thể làm được chỉ cần giữ gìn bền tâm, “ quyết chí”. Quyết chí là
quyết tâm cẩn thận, không phóng túng, bền chí trong công việc sẽ thành công,
không có gì khó khăn. Vậy nên, Bác Hồ đã làm bài thơ:
“ Không có việc
gì khó
Chỉ sợ lòng
không bền
Đào núi và lấp
biển
Quyết chí ắt làm
lên”[9]
Có thể nói, nếu như toàn
bộ Kinh Pháp Cú, hòa thượng Thích Minh Châu dịch theo lối câu kệ 5 chữ, thì những
câu thơ của Bác Hồ cũng theo lối thơ câu kệ 5 chữ, ta thấy câu thơ hay, vần điệu,
ngắn gọn chứa đựng truyền tải được nội dung dù gian nan khó khăn thế nào, nhưng
có tâm bền vững, không phóng dật, quyết chí làm việc gì cũng ắt thành công./.
Đồng tác giả: Thích Quảng Hợp
Ngô Thị Tuyết - Diệu Trinh
Chú ý: Hình 1,2,3,4 gộp lại thành tứ động tâm, tức bốn nơi thánh địa Phật giáo tại Ấn Độ.
[1]
Thiều Chửu,Hán ViệtTừ Điển, Nxb Văn
hóa thông tin, tr.229
[2]Trung tâm ngôn ngữ và Văn hóa Việt
Nam, Nguyễn Như Ý chủ biên, Đại từ điển
tiếng Việt, Nxb Văn hóa – thông tin, tr. 1430
[3]
Thiều Chửu, Hán ViệtTừ Điển, Nxb Văn
hóa thông tin, tr.612
[4] Tỷ
khiêu Đức Hiền biên soạn, (2009), Kinh
Pháp Cú (phân tích từ ngữ Pali), Nxb Tôn giáo, tr.38 - 39
[5] Thích Minh Châu dịch (2014), Tiểu Bộ Kinh tập 1 và 2, Kinh Pháp Cú,
Nxb Hồng Đức, tr.33
[6]
Thích Minh Châu dịch (2014), Tiểu Bộ Kinh tập 1 và 2, Kinh Pháp Cú, Nxb Hồng Đức,
tr.33
[7] Thích
Minh Châu dịch (2014), Tiểu Bộ Kinh tập 1 và 2, Kinh Pháp Cú, Nxb Hồng Đức,
tr.33
[8]Thích Minh Châu dịch (2014), Tiểu Bộ Kinh tập 1 và 2, Kinh Pháp Cú,
Nxb Hồng Đức, tr.33