1- Một bậc trưởng lão, thọ giới
Tỳ-kheo và tu hạnh đầu đà (khổ hạnh) đã hơn 50 năm. Ngài là niền tin và
là tấm gương sáng cho nhiều Phật tử. tuy đã lớn tuổi, nhưng Ngài vẫn
thường xuyên giữ chánh mạng, chưa hề bỏ quên khất thực hóa duyên, dù chỉ
một ngày. Hôm nọ tin dữ loan truyền khắp thành phố khiến mọi người sửng
sốt: Khi đi hóa duyên trở về, ngài đã gặp tai nạn bất ngờ, một chiếc xe
gắn máy đụng phải. Ngài đã thâu tràn nhập diệt ngay tại hiện trường.
Chúng tôi nghe rất nhiều Phật tử xì xào to nhỏ: “Ngài tu hành tinh tấn
và nghiêm túc, tại sao lại chết thảm như vậy? Chắc là nghiệp của Ngài
quá nặng? Nghiệp nặng?
Một vị Ni sư gần 60, xuất gia từ nhỏ,
giới hạnh nghiêm túc, luôn phát tâm hoằng pháp, bố thí, cúng dường. Hôm
nọ ngồi sau xe gắn máy, té xuống bị xe hơi cán dập nửa thân mình. Tuy
vậy Ni sư vẫn còn tỉnh táo, chắp tay niệm Phật và căn dặn đệ tử nên tha
thứ cho ngời tài xế vừa gây án, xong mới nhẹ nhàng tắt thở. Người bạn
tôi vô cùng bức xúc, vội vã về tường thuật mọi sự và gào to: “Không thể
chịu nổi, một người tu hành như vậy sao lại nhận lấy nghiệp nặng như
thế?” Tôi chờ anh ta hết xúc động mới nói: “anh còn nhớ không, trong
kinh sách Phật dạy rõ: ‘Chết như thế nào và chết trong hoàn cảnh nào đều
là do quả báo quá khứ từ vô lượng kiếp, chúng ta phàm phu không thể can
dự được. Không phải chết trên giường là tốt hơn trên hiện trường tai
nạn, tất cả chỉ là lý do để ta xa rời thân xác này để đi tới kiếp sống
khác’. Anh là người Phật tử có hành trì, tất nhiên không nên đặt tâm vào
chuyện được chết trong tình trạng ưng ý, mà tốt nhất là được chết khi
“nhất tâm bấn loạn”, khi tâm định tĩnh, khi làm chủ tâm thức lúc lâm
chung – phải thế chứ?
Còn nữa, một nữ Phật tử gần như trọn đời
tu tại gia, thọ giới Bồ tát, ăn chay trường, ngoài ra luôn luôn tham
gia từ thiện không bao giờ tiếc lẫn tài sản và công sức. Thế nhưng, khi
về già, thân thì mang trọng bệnh, gia cảnh nghèo túng, mà đạo hữu càng
lúc càng thưa dần. Đã thế con cái đứa thì bị tai nạn, đứa thì làm ăn
thất bại, phải bỏ xứ mà đi, khiến bà ta chỉ còn chiếc bóng thui thủi,
sớm chiều chỉ biết vui với xâu chuổi hột. Nhiều nguồi chép miệng dè bỉu:
“nghiệp nặng!”.
Trong cuộc sống và cả trong những buổi
đàm luận chuyện đạo, chúng ta thường nghe những người xung quanh hay
thốt lên hai chữ “nghiệp nặng”. Từ ngữ này được sử dụng để kết thúc một
câu chuyện đời, một mẫu tin thời sự, hoặc để phê phán hành vi kém cỏi
của một cá nhân nào đó.
Ở đây, chúng tôi không đánh giá việc làm
ấy là đúng hay sai. Mà chỉ đơn giản thảo luận đến ý nghĩa của từ ngữ
Nghiệp nặng theo quan điểm Phật giáo mà chúng tôi được học mà thôi. Còn
những ai muốn tìm hiểu sâu xa về Nghiệp thì xin kiếm tìm trong kho tàng
kinh sách Phật giáo, hoặc có thể tham vấn các bậc tôn túc.
2- Phải chăng một thực thể gọi là “Nghiệp nặng” hay là không?
“Nghiệp” là một danh từ triết học Ấn Độ
có trước khi Đức Thích Ca xuất hiện. Ý nghĩa cơ bản của nó là “hành
động” hoặc “thói quen”.
Nhưng khi được Đức Thích Ca sử dụng để
trình bày giáo lý do Ngài giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, thì từ ngữ này đã
mang nhiều ý nghĩa khác biệt, phong phú hơn và thâm áo hơn. Hôm nay,
chúng tôi chỉ hạn chế bài viết này trong hai từ ngữ “nghiệp nặng” mà
chúng ta hay sử dụng một cách tùy tiện, dễ dãi!
“Nghiệp nặng” cũng là một từ ngữ hết sức
hàm hồ đa nghĩa, vì luôn lệ thuộc vào văn cảnh , hoặc tùy thuộc vào hệ
thống triết học, tư tưởng mà nó phải diễn giải. Thói thường, người ta
chỉ hiểu “nghiệp nặng” nghĩa là nghiệp chướng nặng nề, hoặc là: gặp phải quả báo tệ hại, xấu xa khốn khổ.
Theo quan điểm thế gian (của những người
chưa tin Phật và học Phật) thì: kẻ nào nghèo nàn túng thiếu, bệnh hoạn
tật ách, tai nạn cấp kỳ, gia đạo bất an, nghịch cảnh đau đớn, đời sống
khó khăn, tình cảm bấn loạn, sinh hoạt đời thường không được ổn định
v.v.. thì bị thiên hạ gọi là “ kẻ có nghiệp chướng nặng nề” hoặc là “kẻ
bị nghiệp nặng”
Phật giáo không hề nhìn nhận một cách thiển cận và thiếu sót như vậy.
3- Nhưng Phật giáo có rất nhiều loại
nhận thức tùy thuộc vào nhiều nền giáo lý; tư tưởng khác biệt. Xin được
trình bày lần lượt như sau:
Theo quan điểm nguyên thủy, một chúng sanh được gọi là nghiệp nặng
khi kẻ ấy không có điều kiện để thực hiện một nếp sống giải thoát. Mà mục tiêu của giải thoát là chứng dắc thánh quả A-la-hán (đạt tâm vô ngã), chấm dứt sự thọ nghiệp.
Vậy ta có thể kết luận rằng: ngài
A-la-hán ra, tất cả chúng sanh chưa giải thoát đều là nghiệp nặng cả, vì
còn sinh tồn bởi nghiệp lực chứ không bằng tâm thái vô ngã (Ngay cả
những bậc đắc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm cũng còn sống bằng nghiệp
lực nói chung và chưa đạt Vô ngã).
Trên đây là giáo lý dành cho bậc xuất
gia, còn người tại gia (những người đã được thọ Tam quy và trì Ngũ giới)
thì ngoài việc bố thí cúng dường và đặt bát cho chư Tăng, Ni , thì phải
nỗ lực thọ trì Bát quan trai để được sanh Thiên ( sanh lên cõi Trời).
Vậy ai không thường xuyên thọ trì Bát quan trai, sẽ không được “sanh
Thiên”, như vậy có thể bị gọi là nghiệp nặng.
4- Còn quan điểm Đại thừa thì sao?
Đại thừa Phật giáo luôn luôn đặt trọng
tâm nơi việc phát khởi Vô thượng Bồ-đề-tâm để giải thoát luân hồi sanh
tử cho bản thân và để cứu độ tất cả chúng sanh khác, giúp mọi chúng sanh
thành Phật như mình.
Vậy kẻ nào không thể liên tục phát khởi Vô-thượng Bồ-đề tâm hoặc
không tạo điều kiện để mình cùng mọi chúng sanh thành tựu trí giác
Phật-đà, thì kẻ ấy vẫn là n gười đa mang nhiều nghiệp chướng nặng nề.
Đó là ý nghãi tạm thời của hai chữ “nghiệp nặng” được trình bày tổng quát qua giáo lý Đại thừa.
Ngoài ra, tùy theo pháp môn tu hành mà
người ta có thể diễn giải từ ngữ Nghiệp nặng theo nhiều ý nghĩa khác
nhau, có thể sử dụng trong những văn cảnh khác nhau.
5- Ví dụ, Thiền tông chủ trương: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” là
tiêu chí cho tất cả môn đồ, đệ tử, không loại trừ bất cứ ai. Vậy kẻ nào
chưa “thấy tánh”, nghĩa là chưa bắt gặp “cái mặt mày của mình trước khi
cha mẹ sinh ra” (ngôn ngữ nhà Thiền gọi là: chưa nhận chân được cái bản
lai diện mục của mình), và chưa thành tựu khả năng tành Phật- thì là
một kẻ nghiệp nặng. Dẫu là hòa thượng, đại đức, thiền sư, tổ sư, nếu
người nào còn lẩn quẩn bên ngoài cửa Đốn Ngộ thì còn trầm luân sanh tử,
nên gọi người ấy là kẻ có nghiệp chướng nặng nề, đáng thương đáng trách!
Hoa nghiêm tông lấy “Ly thế gian, nhập
pháp giới”làm yếu chỉ tu hành. Người nào còn bị vương mắc bởi dây trói
ngũ dục, bị ràng buộc bởi phiền não chướng và sở tri chướng. còn dính
líu đến những lợi ích thế gian và ngay cả những hiệu quả xuất thế gian,
mà chưa nhập thế tánh siêu việt bình đẳng bất khả tư nghị của pháp giới
thì…Hoa nghiêm tông gọi kẻ ấy còn nghiệp chướng nặng nề .
Thiên thai giáo tức Pháp Hoa tông thì
lấy “Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến” làm mục tiêu và cơ sở tu hành cho
tất cả tín đồ. Vậy, kẻ nào chưa ngộ nhập Phật tri kiến mà còn đang sống
với quan điểm thế gian, nhìn mọi sự vật bằng con mắt phàm tục, đầy ý
thức phân biệt, tách bạch thiện ác tốt xấu chỉ vì thiếu thốn chất liệu
từ bi, chưa phát huy năng lực trí tuệ của Phật, thì vẫn là kẻ nghiệp
chướng nặng nề, chưa liễu ngộ được tông chỉ của Thiên Thai giáo nói
riêng và chưa cảm nhận diệu nghĩa của nhà Phật nói chung.
Pháp Tướng môn tức là Duy Thức tông thì
lấy “Nhiếp vạn pháp quy về Chân Duy Thức Tánh” ( tất cả không ngoài
thức) làm cốt lõi cho sự hành trì, đồng thời làm cứu cánh tối hậu cho
cuộc sống. Người nào chưa có khả năng thực hiện Chân Duy Thức Tánh, thì
gọi kẻ ấy còn nghiệp chướng nặng nề.
Luật Tông lấy “Nhiếp thân ngữ ý vào
Thi-la-tánh” làm tông chỉ. Nghĩa là đi đứng nằm ngồi, tất cả mọi sinh
hoạt, cử động , lời nói, tư tưởng, đều an trú trong Giới Tánh. Nếu chưa
biểu hiện được như thế, thì Luật Tông gọi kẻ ấy còn nghiệp chướng nặng
nề.
Tam Luận tông lấy “Lìa Có và Không,
thẳng vào Trung đạo” làm tông chỉ, rồi tiến tới “siêu Tử Củ, tuyệt Bách
Phi” làm cứu cánh tối hậu. Ai biểu hiện trái ngược lại, nghĩa là còn
vướng víu cái Có của phàm phu, hoặc cái Không của Thánh nhân, thì ta gọi
kẻ ấy còn nghiệp chướng nặng nề.
6- Pháp môn Tịnh độ thì sao?
Người theo Pháp môn Tịnh độ, niệm Phật
cầu sanh Tây Phương Cực lạc thì phải lấy “Tín Nguyện Hạnh” làm điều kiện
chính yếu cho việc tu hành, và chấp nhận “ Một đời vãng sanh, được bất
thối chuyển” làm mục tiêu cuối cùng cho việc niệm Phật. Dù là tăng, tục,
nam, nữ đều không biệt lệ. (Tín là lòng tin chuyên nhất về sự cứu độ
của chư Phật. Nguyện là ý nguyện mong muốn được trở về sinh sống tại cõi
tịnh độ. Hạnh là, thường xuyên xưng niệm nam mô A-di-đà Phật liên tục,
không gián đoạn). Ai không có khả năng thực hiện được Tín Nguyện Hạnh và
khi lâm chung không đuợc vãng sanh Cực Lạc, thì tông phái này sẽ gọi kẻ
ấy là nghiệp chướng nặng nề vì “còn vướng lụy”, phải ở lại thế gian,
lăn lộn trong ba cõi sáu đường.
7- Đặc biệt ở Tịnh độ Nhật Bản, chư vị Tổ sư như Ngài Nhất Biến, Pháp Nhiên và Thân loan, đều cực lực tuyên dương 2 phần:
I- Danh hiệu Nam mô A-di-đà là phương
tiện thù thắng, vừa là cứu cánh tối thượng, vừa là chỗ quy túc cho mọi
hành vi, tư tưởng và lời nói của hành giả.
II- Bản nguyện A-di-đà có khả năng vĩ
đại là cứu vớt tất cả kẻ “nghiệp nặng, phước khinh, chướng sâu, huệ
cạn”, Hết thảy chúng sanh không phẩm tâm linh cần thiết cho mọi chúng
sanh không phân biệt. Do đó chúng ta chớ quên rằng, trong Pháp môn Tịnh
độ các Tổ sư vô cùng hân hoan, thích thú khi che chở cho những kẻ
thường bị thế gian miệt thị là nghiệp chướng nặng nề, là đôn căn hạ trí,
là ươn hèn yếu đuối. Vì Đức Phật A-di-đà luôn ưu ái những người tội
lỗi, nghiệp nặng, va luôn luôn đối xử với họ bằng lòng bi mẫn đặc biệt:
Nhưng thật ra, ngoại trừ những bậc thánh vào ra sanh tử cốt thị hiện
để cứu độ chúng sanh thì…tất cả chúng sanh đều là kẻ nghiệp nặng hết
thảy.
8- Tóm lại, từ ngữ “nghiệp nặng”không có
chỗ đứng trong lòng người Phật tử ( vì ai cũng là kẻ nghiệp nặng, dưới
những hình thức khác nhau, trong những lốt vỏ khác nhau, trong những vị
thế khác nhau-thì cần chi phải luận bàn vô ích đến một sự kiện rất ư là
hiền thiện như vậy?) hoặc nói cách khác:
Đạo Phật không có sự phân biệt “nghiệp
nặng” hay là “nghiệp nhẹ”. Vì trái lại, kẻ nào nghiệp càng nặng, càng
được Phật cứu độ một cách khẩn trương, càng được ưu ái bởi Bản Nguyện
A-di-đà một cách triệt để, hoàn mãn.
Hòa thượng Quảng Khâm, một cao tăng trong thiền môn thời nay, đã dạy rằng: “Danh
hiệu Nam-mô A-di-đà Phật chứa dựng vô biên năng lực bất khả tư nghì, há
không thể tẩy rửa mọi nghiệp chướng của chúng sanh dẫu sâu nặng tới đâu
chăng nữa hay sao? Vậy mà chúng ta chớ e sọ mình nghiệp chướng nặng nề,
mà hãy tự hỏi: chúng ta hành trì sáu chữ hồng danh đã thực thà, chân
thật hay chưa?
Lại nữa, Đức Phật A-di-đà tựa như Bà Mẹ
tràn đầy yêu thương, thế nên đứa con nào gặp phải nguy nan, khốn cùng,
tai họa thê thảm mà lớn tiếng kêu cứu thì Bà mẹ ấy đương nhiên phải quan
tâm ngay lập tức, phải bày tỏ lòng xót xa và cứu trợ cấp kỳ. Và điều
này cũng không phải khó hiểu! Cho nên chúng ta đừng ngại rằng mình
nghiệp nặng, mà cũng đứng miệt thị kẻ khác là “nghiệp nặng”, vì nếu chủ
trương như vậy, e rằng chúng ta dường như chưa hiểu và chưa tin vào Bản
Nguyện A-di-đà! Ngài Thân Loan lại bảo:
May mắn thay cho những kẻ chất chứa nhiều ác nghiệp, bởi vì họ sẽ được Đức Phật cứu độ khẩn cấp!
Bởi vì tôi là một chúng sanh không chồng nghiệp nặng, tôi còn biết
ơn sâu xa hơn đối với Bản Nguyện, nó đích thực được thiết lập ra để cứu
độ tôi.
(Trích Sông Lửa Sông Nước của Taitetsu Unno, bản dịch An Cư)
Vâng, phài một danh hiệu thù thắng nhiệm
màu như vậy, mới thừa khả năng cải biến tâm linh chún ta, chuyển hóa
cái tâm dơ bẩn xấu ác này trở thành Niết-bàn vi diệu, bằng cách vận
chuyển những kẻ u mê ám chướng tội lỗi nghiệp nặng sang định cư tại cõi
Cực lạc chứ?
9- Chúng ta cần khẳng định rằng đạo Phật
không những chỉ dành cho những người thông minh, đạo đức (hạng này rất
ít, không mấy người), mà là đặc biệt dành cho những con người yếu đuối
trước cám dỗ của tội lỗi, cưu mang lắm nghiệp nặng, hành vi xấu ác, tâm
lý mê đắm. Nhờ vậy, mới làm sáng tỏ đức từ bi vô hạn của chư Phật, chư
Bồ-tát.
Như Angulimala từng giết 999 người, còn
âm mưu sát hại Đức Phật Thích Ca, thế mà còn được Phật khai ngộ và dạy
dỗ cho đến khi chứng đạo. Như Yasa, một công tử giàu có đam mê dục lạc,
vẫn được Ngài thâu nhận làm đệ tử, rồi chẳng bao lâu đã chứng quả. Như
Châu-lợi Bàn-đà-già là người u mê, si độn , vẫn được Phật đưa vào giáo
đoàn. Sau này trở thành người có tài biện luận sắc sảo, nổi tiếng là bậc
Nhớ Nghĩa Hay đệ nhất.
Cho nên chúng ta nên lạc quan, không cần
biết nghiệp mình nhẹ hay nặng, hãy hành trì chắc thật và luôn tin tưởng
tuyệt đối vào sự cứu độ không giới hạn của chư Phật.
TẠP CHÍ VĂN HOÁ PHẬT GIÁO SỐ 111 – VU LAN
| NGUYỄN XUÂN CHIẾN