Chữ hiếu đời nay
Trung tuần tháng 7-2010, khi Tòa án Nhân dân TP.HCM
tuyên án tử hình Phan Minh Mẫn (20 tuổi) về tội giết người, bà nội và mẹ
anh ta đã ngất xỉu vì họ sắp mất thêm một người thân nữa, bởi nạn nhân
vừa bị giết chính là cha của Mẫn . Tại sao một thanh niên có ăn học, tốt
nghiệp cao đẳng kinh tế, lại có thể chích điện vào người cha mình trong
một khoảnh khắc mất lý trí? Nguyên do được biết là vì những căm hận
tích lũy từ lâu khi phải chứng kiến người cha nát rượu ấy hành động thô
bạo với mẹ mình. Nhưng nói gì thì nói, người đó, theo Hội đồng xét xử,
vẫn là cha của bị cáo, nên bản án, dù rất nặng nề, vẫn được tuyên.
Rồi lại bản tin ngày 23-7, một đứa cháu trong khi
chăm sóc bà vì say rượu làm bà té, sau khi nghe bà quở trách đã nổi cơn
thịnh nộ đánh bà chết luôn tại chỗ (vụ Nguyễn Quốc Việt ở Tiền Giang),
chúng ta lại chợt nhớ câu chuyện năm ngoái, bà Đỗ Thị Nhung, 77 tuổi,
giáo viên về hưu ở Q. Tân Bình bị đàn con đánh bầm dập, thâm tím mặt
mày. Trong số những người con đại bất hiếu ấy có một người kỹ sư, giảng
viên đại học, một ông thạc sĩ luật, đã túm tóc, đánh mẹ mình tàn nhẫn vì
bà dám «hỗn» với con dâu.
Bà Nhung từng tâm sự: "Chúng nó học theo cha chúng hành hạ tôi. Tôi không thể tưởng tượng con mình lại hành xử thú tính với mẹ như vậy". Chồng bà cũng là một chuyên viên Bộ Giáo dục (!) . Ông con đang là thạc sĩ, luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM lại nói về mẹ mình: "Tôi không hiểu sao người đàn bà ấy lại là mẹ mình!… Tôi không coi bà ấy là một con người, nói gì là mẹ!".
Thế đấy, một người mẹ "không phải con người" thì chả trách chỉ sinh ra những đứa con "không thể là người" được! Buồn thay trong xã hội chúng ta hôm nay đang diễn ra những câu chuyện "khó hiểu" như trên về lòng hiếu thảo.
Chúng ta chợt nhớ đến những chàng trai lãng mạn ngày
xưa, như chàng thi sĩ Nguyễn Bính chỉ vì mải mê giang hồ nên có lúc cảm
thấy hối hận rằng:
"Mẹ cha thì nhớ thương mình
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi".
Hay như Đinh Hùng khi trốn học "ném bút, bỏ trường về":
"Ta ra đi tìm lớp học thiên đường
Và khi đó thì mẹ yêu ngồi khóc".
Để rồi có hôm nào trên bước đường phiêu lãng, chợt dừng chân trước một chuyến xe tang, bần thần thảng thốt:
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Hôm nay…
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngả nón đứng chào xe tang
qua phố ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa của mình?
(Đỗ Trung Quân)
Vậy thì vẫn còn đó những con người hiếu thảo, dù họ
biết việc thực hiện đạo Hiếu của mình còn nhiều thiếu sót. Cũng đáng
trân trọng những tấm lòng thơm thảo ấy của những cậu con trai dù mãi vui
chơi, nhưng tình yêu dành cho mẹ vẫn nồng nàn sâu thẳm trong tim.
Vì đâu nên nỗi?
Thời Pháp thuộc, nhà thơ Tú Xương đã nhận xét cay đắng:
"Nhà kia lỗi đạo con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng".
Đến khi chúng ta giành lại non sông, có lý gì lại để
cho chữ "hiếu" kia tiếp tục phôi pha? Chúng ta tự hỏi vì đâu nên nỗi?
Phải chăng đó là hậu quả của những sai lầm trong quá khứ khi chúng ta
vội vã thực hiện chuyên chính mù quáng "tâm hồn mình" hay phủ nhận quan
hệ cương thường trong gia tộc. Hãy thử đọc câu chuyện của Nguyễn Khắc
Trường:
"Cuộc đấu tố được tổ chức ngay giữa sân nhà Vũ Đình Đại… Đến lượt mình, Phúc bước ra, mở đầu bằng câu hỏi:
- Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không? Ông bố đã trả lời thế này:
- Dạ ,thưa tôi có biết ông, vì tôi đã trót đẻ ra ông!...
Đồng chí Hùng Cường, đang ngồi bàn chủ tọa phủ chiếc chăn hoa, liền đập bàn đánh rình, đứng dậy:
- Địa chủ Đại không được ăn nói xỏ xiên! Đây chính là
bản chất ngoan cố của giai cấp bóc lột. Đả đảo địa chủ Vũ Đình Đại xỏ
xiên!...
Đến bây giờ những người đứng tuổi làng Giếng Chùa vẫn nhớ như in những câu đối đáp của bố con ông Đại-Phúc trong buổi đấu tố ấy (Trang 7, Mảnh đất lắm người nhiều ma).
Phải chăng chữ hiếu đã phai mờ từ ngày xưa, khi những
quan hệ thân tình bị đặt dưới quan điểm giai cấp, dưới những mớ triết
lý "không mang khuôn mặt con người" như GS. Trần Đức Thảo đã từng nhận
xét.
Tương tự, chuyện bà Nhung ở trên, mấy ông cán bộ
phường cho rằng đây chỉ là vụ gây rối trật tự, và xử phạt hành chính.
Vậy thì còn đâu chân lý "Bách hạnh hiếu vi tiên" như quan niệm ngàn đời
nay?
Lý nhân quả trong đạo Hiếu
Đức Phật dạy mọi việc đều phát xuất từ luật nhân quả
ba đời. Chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện cái sọt hay chiếc xe. Khi người
nông dân đóng chiếc xe. Đứa con hỏi bố đóng làm gì. Người cha trả lời,
để đưa ông nội lên vùng tuyết phủ cho gấu trắng ăn thịt. Đứa con dặn bố
đưa ông nội đi rồi nhớ đem chiếc xe về để mai mốt khi cha già, con cũng
đưa lên trên ấy. Tương tự, trong chuyện cái sọt người bố dùng để quẳng
ông nội lên rừng cũng được đứa con dặn đem sọt về để mai mốt lại dùng
như thế.
Chúng ta đã có ngàn lời ca ngợi tình mẫu tử, tình phụ
tử, có cả một tháng Vu lan để bày tỏ lòng biết ơn, để cảm thấy vui khi
trên ngực còn cài đóa hoa hồng tươi thắm. Để cho:
"Đêm đêm thắp ngọn đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con".
Vì ngày nào còn cha mẹ, ngày đó ta còn hưởng thụ một
ân sủng - được sống như một người con, luôn luôn bé nhỏ trước cha mẹ
mình dù mình có là ai trong xã hội đi nữa. Tấm gương của chúng ta hôm
nay sẽ là bài học cho con cháu chúng ta về sau. Nhân thiện sẽ gặt hái
quả lành. Dù xã hội có đổi thay, tiên tiến hiện đại đến thế nào đi nữa
thì giá trị và ý nghĩa của chữ hiếu muôn đời vẫn vậy. Chúng ta nghĩ sao
khi một người nước ngoài có lần tâm sự với người viết: "Ở châu Âu, tuổi già chỉ nhận được sự cô đơn còn ở Việt Nam thì họ nhận được lòng yêu thương và kính trọng".
Điều ấy đúng sai ra sao còn phải xét nhiều khía cạnh, nhưng chỉ riêng
việc người nước ngoài trân trọng tình cảm cháu con dành cho ông bà, cha
mẹ trong các gia đình tam tứ đại đồng đường cũng đáng để chúng ta tự
hào và suy ngẫm. Khi được hỏi điều gì quan trọng nhất trong đời ông,
Bill Gates đã trả lời "gia đình", nghĩa là ông rất trân trọng tình cảm
vợ chồng, con cái, cha mẹ…
Nói như người xưa, không hiếu kính cha mẹ thì làm gì có chuyện "trung với nước, hiếu với dân". Trong tác phẩm Những tấm lòng cao cả, Edmondo de Amicis đã đề cao tình mẹ khi ông viết cho con trai lúc nhìn thấy nó hơi hỗn trong một lần trả lời với mẹ: "Trong cuộc đời con có những ngày buồn nhưng ngày buồn thảm nhất chính là ngày con mất mẹ".
Nếu không yêu cha mẹ mình thì thử hỏi còn có thể yêu ai hơn được. Vì
như các nhà giáo dục lý luận, con trẻ phải biết yêu mẹ chúng, người gần
gũi nhất, rồi mới đến thầy cô, bè bạn, chòm xóm, căn nhà mà nó sinh ra
và khu phố cư ngụ, sau cùng mới là lòng yêu nước. Nếu ai đó nói yêu nước
mà không yêu cha mẹ mình thì đó chỉ là "ngụy ngữ, ngoa ngôn" mà thôi!
Đạo lý này là chân lý vĩnh hằng, là mục tiêu và nội dung của mọi nền
giáo dục. Phong hóa xã hội sẽ suy đồi, đạo đức sẽ xuống cấp, lý tưởng
rệu rã là những hệ quả tất yếu nếu chúng ta không vun đắp nền tảng gia
đình và đạo đức cá nhân bắt đầu từ chữ hiếu. Hãy chấn hưng đạo Hiếu ngay
từ hôm nay trước khi quá muộn: "Xin đi lại từ đầu… khoan đi vội về sau …" (Phạm Duy).
Nguyên Cẩn (Nguyệt San Giác Ngộ số 173)