Trong đời này, không ai yêu mình bằng mình; người biết
yêu mình thật sự, phải biết lánh xa mọi tội ác, phải biết hướng thiện, tạo mọi
phước thiện, vì chỉ có thiện pháp mới có sự an lạc và còn có thể nâng đỡ mình
trở thành người cao thượng mà thôi.
Muốn
được như vậy, hãy xem kẻ ác đáng kinh sợ hơn rắn độc, hơn hổ đói. Vì rắn độc,
hổ đói chỉ có thể hại mình được kiếp hiện tại này thôi; còn kẻ ác có thể hại
mình cả kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai khác nữa. Nên không thân cận với kẻ
ác.
Và
hãy xem bậc Thiện trí đáng kính yêu hơn cha mẹ của mình, vì cha mẹ là nơi nương
nhờ để mình sanh ra; muốn chứng đạt đến pháp vô sanh bất tử phải nương nhờ đến
bậc Thiện trí.
Bậc
thiện trí đóng vai trò quan trọng như thế nào?
Một
thuở nọ Ngài Ðại Ðức Ànanda bạch Ðức Thế Tôn rằng:
-
Kính bạch Ðức Thế Tôn, con nghĩ rằng: người có bạn lành, bạn tốt, bạn thân
thiết, bạn Thiện trí giúp đỡ hỗ trợ một nửa phạm hạnh".
Ðức
Thế Tôn dạy rằng:
- Này
Ànanda! Con chớ nên nghĩ như vậy! Này Ànanda! Con chớ nên nghĩ như vậy!
Ngài
dạy tiếp:
- Này
Ànanda, người có bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết, bạn thiện trí giúp đỡ hỗ
trợ hoàn thành trọn vẹn phạm hạnh.
"Bạn"
có ý nghĩa rất rộng, ngay Ðức Phật, Ngài tự xưng là bạn lành (kalyànamitta) của
tất cả chúng sinh.
Cuộc đời
của mỗi chúng sinh nói chung, con người phàm nhân nói riêng tốt hoặc xấu, thành
công hoặc thất bại... hoàn toàn tuỳ thuộc vào bạn. Nếu gần gũi thân cận bạn
Thiện trí, được bạn tận tình chỉ dẫn, những ác pháp nên diệt; những thiện pháp
nên làm cho phát sanh và tăng trưởng, dẫn đến sự giải thoát khổ. Ngược lại, nếu
gần gũi thân cận bạn xấu, họ dẫn dắt vào con đường tội ác, làm khổ cuộc đời
mình trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.
Tục
ngữ có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng": gần gũi bạn xấu, bạn
ác thì bị ảnh hưởng, tiêm nhiễm tật xấu, điều ác làm cho cuộc đời mình trở nên
đen tối, bị sa đoạ; gần gũi bạn tốt, bạn thiện trí thì học hỏi, tiếp thu được
tánh tốt, điều thiện để tiến hoá trong mọi thiện pháp, làm cho cuộc đời trở nên
xán lạn, thánh thiện.
Thông
thường, tật xấu nào đã bị tiêm nhiễm rồi, thì khó bỏ; tánh tốt nào đã học tập
thành thói quen rồi, nhưng dễ duôi cũng dễ mất. Nên thận trọng vẫn là hơn!
Vậy,
gần gũi thân cận với kẻ ác hoặc bậc Thiện trí đem lại cho mình sự tai hại hoặc
sự lợi ích, sự tiến hoá như thế nào?
Chúng
ta nên tìm hiểu truyện tiền thân của Ðức Phật, tích đạo sĩ Akitti được tóm lược
như sau:
Một
thuở nọ Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana thuyết về chuyện tiền thân của Ngài.
Trong
thời quá khứ, đức vua Brahmadatta ngự tại kinh thành Bàrànasì. Vào thuở ấy, Ðức
Bồ Tát, tiền thân của Ðức Phật, sanh trưởng trong một gia đình giàu sang thuộc
dòng dõi Bà la môn có tài sản nhiều đến 800 triệu, được đặt tên Ngài là Akitti,
có một người em gái tên Yasavatì. Ðến tuổi trưởng thành Ngài được cha mẹ gởi
đến xứ Takkasilà học xong các môn học theo truyền thống, Ngài trở về. Về sau
cha mẹ của Ngài qua đời, toàn bộ gia tài để lại cho Ngài và người em gái. Ngài
suy tư rằng: "tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta gom góp lại được toàn bộ tài sản
này, không có một ai đem theo được thứ gì, rồi đến phiên ta cũng như vậy".
Nghĩ xong, Ngài gọi em gái bảo rằng:
- Này
Yasavatì! Anh giao trọn bộ tài sản này cho em.
Người
em gái ngạc nhiên hỏi:
- Anh
à! Tại sao anh nói như vậy?
- Anh
muốn xuất gia trở thành đạo sĩ, em à!
-
Thưa anh thân yêu! Em không thể cúi đầu nhận lấy tài sản mà anh đã nhổ bỏ, như
nhổ bãi nước bọt đâu! Em không cần tài sản này, em cũng muốn xin xuất gia trở
thành đạo sĩ như anh.
Ðức
Bồ Tát vào chầu đức vua Brahmadatta tâu rõ ý định của mình, xin đức vua thông
báo người nào cần của cải thứ nào, đến nhà Akitti mà lấy tự nhiên.
Ðức
Bồ Tát làm phước bố thí suốt 7 ngày mà chưa hết số tài sản. Ngài suy tư rằng:
"tuổi thọ của ta sẽ giảm dần qua từng giờ, từng ngày; tại sao ta lại phải
chờ đến hết của cải". Ngài mở hết tất cả các kho của cải, mở cửa nhà, dán
giấy thông báo: "Chúng tôi bố thí toàn bộ của cải này, người nào cần thứ
gì xin chọn lấy tự nhiên".
Ngài
dẫn người em gái đi ra khỏi kinh thành Bàrànasì, mặc cho bà con thân quyến khóc
than.
Ngài
đến một nơi thanh vắng, hai anh em xuất gia trở thành đạo sĩ, mỗi người ở mỗi
cốc lá. Dân chúng trong làng theo Ngài xuất gia rất đông, Ngài cảm thấy bận
rộn, muốn sống một mình nên trốn sang nơi khác mà không cho em gái biết, sống
một mình Ngài tiến hành thiền định chứng đắc các bậc thiền cùng phép thần
thông. Ngài bay trên hư không đáp xuống một hòn đảo nhỏ tên Kàradìpa (đảo cây
kàra), còn có tên "Ðảo Rồng", làm cốc lá ở gần cây kàra không một ai
hay biết. Ngài sống tri túc, khi cây kàra có quả, thì dùng quả kàra. Khi hết kỳ
có quả, thì dùng lá kàra luộc chín để sống qua ngày.
Do
năng lực giới đức của Ðức Bồ Tát, làm cho tảng đá chỗ ngồi của đức vua trời
Sakka phát nóng. Ðể xem biết nguyên nhân nào, đức vua trời nhìn thấy vị đạo sĩ
Akitta hành giới rất nghiêm túc, không biết với mục đích gì? Có phải vì cần đến
ngôi vị vua trời Sakka hay với mục đích khác?
Một
hôm, như thường lệ vị đạo sĩ hái một nắm lá kàra luộc chín xong, đặt xuống,
ngồi chờ cho nguội sẽ dùng. Ngay khi ấy, đức vua trời hoá ra vị Bà la môn khất
thực đứng trước cửa cốc lá. Ðức Bồ Tát nhìn thấy vị Bà la môn liền phát sanh
đức tin trong sạch nghĩ rằng: "Hôm nay, thật là đại phúc cho ta, thấy được
một vị Bà la môn khất thực, ta nên hoan hỷ làm phước bố thí". Nghĩ xong,
Ðức Bồ Tát đem tất cả lá kàra đã luộc chín để vào bát của vị Bà la môn, không
còn sót lại lá nào cho mình, để bát xong phát nguyện rằng:
"Idam
me dànam sabbannutannanassa paccayo hotu".
"Cầu
xin phước bố thí này của tôi làm duyên lành để chứng đắc thành bậc Toàn Tri
Diệu Giác".
Vị Bà
la môn thọ nhận một ít lá kàra xong, đi một đoạn đường rồi biến mất, hiện về
cõi trời. Còn Ðức Bồ Tát sau khi bố thí nắm lá chín xong, tâm vô cùng hoan hỷ,
không tìm lá kàra khác, Ngài nhịn ăn hôm ấy.
Sáng
ngày hôm sau, Ðức Bồ Tát đi hái lá kàra đem luộc chín xong, đặt xuống ngồi chờ
nguội sẽ dùng, vị Bà la môn lại xuất hiện như lần trước. Ðức Bồ Tát đem bố thí
đến vị Bà la môn tất cả lá kàra đã luộc chín ấy, không dư để lại, Ngài lại nhịn
ăn thêm một ngày nữa. Ðến ngày thứ ba mọi việc lại xảy ra cũng như hai ngày
trước.
Như
vậy, nhịn ăn suốt ba ngày, Ðức Bồ Tát tâm vẫn vô cùng hoan hỷ đến phước bố thí,
dù thân thể yếu đi, vì thiếu vật thực. Nửa đêm Ðức Bồ Tát ngồi trước cửa cốc lá
niệm tưởng phước bố thí, tâm phát sanh hỷ lạc. Ðức vua trời Sakka nghĩ rằng: vị
đạo sĩ này đã nhịn ăn suốt ba ngày rồi, dầu thân thể có phần yếu, song thiện
tâm trong sạch, hoan hỷ trong phước thiện bố thí, ta chưa biết rõ Ngài có
nguyện vọng như thế nào? Mong muốn quả báu cõi người hoặc cõi trời. - Ðức vua
trời Sakka hiện xuống đứng trước mặt Ðức Bồ Tát đạo sĩ bạch rằng:
-
Kính bạch Ngài đạo sĩ, đêm khuya, giữa rừng cây kàra trên hòn đảo hoang vắng,
xung quanh nước biển bao bọc, Ngài hành đạo một mình nơi này có nguyện vọng như
thế nào? Bạch Ngài.
Ðức
Bồ tát biết vị này là đức vua trời Sakka nên tâu rằng:
- Tâu
đức vua trời Sakka kính mến!
Tử sanh luân hồi mãi mãi là khổ.
Ngũ uẩn rã, chết mê muội là khổ.
Bần đạo có nguyện vọng ngộ Niết Bàn,
Pháp giải thoát khổ tử sanh luân hồi.
Vì vậy, nên bần đạo cố gắng, nhẫn nại hành đạo nơi này.
Lắng
nghe lời giải đáp, đức vua trời Sakka vô cùng hoan hỷ được biết rằng, vị đạo sĩ
này nhàm chán cảnh sanh tử, chịu nhẫn nại ở nơi này hành đạo mong chứng ngộ
Niết Bàn.
Ðức
vua trời phát sanh đức tin trong sạch nên ban nhiều điều ân huệ cho đạo sĩ.
Ở đây
xin đề cập đến điều mà đức Bồ tát đạo sĩ tâu:
- Tâu
đức vua trời Sakka kính mến! Nếu đức vua ban ân huệ cho bần đạo. Bần đạo xin
nhận:
*
Không muốn nhìn thấy kẻ ác.
* Không muốn nghe đến kẻ ác ở bất cứ nơi nào.
* Không muốn gần gũi thân cận với kẻ ác.
* Không muốn nói chuyện với kẻ ác.
* Không hài lòng hoan hỷ với kẻ ác.
Ðức
vua trời bạch:
-
Kính bạch Ngài đạo sĩ khả kính! Kẻ ác đã làm điều tai hại gì đối với Ngài? Kính
xin Ngài nói cho rõ nguyên nhân. Tại sao Ngài không muốn nhìn thấy kẻ ác? Bạch
Ngài.
- Tâu
đức vua trời Sakka!
Kẻ ác chỉ dẫn những điều tai hại,
Khuyến khích làm những việc tội ác.
Hướng dẫn làm những điều ác là sở trường của kẻ ác.
Dầu nghe nói lẽ phải kẻ ác cũng tức giận.
Kẻ ác không hiểu biết về giới luật.
Vì vậy bần đạo không muốn thấy kẻ ác, đó là điều tốt lành.
Nghe
vậy đức vua vô cùng hoan hỷ bạch:
-
Kính bạch Ngài đạo sĩ khả kính! Ngài giải thích bằng chân lý hay quá! Ðó là lời
hợp với pháp, là thiện ngôn quý giá. Kính bạch Ngài đạo sĩ, Trẫm xin ban cho
Ngài ân huệ mà Ngài muốn, xin Ngài nhận ân huệ ấy.
- Tâu
đức vua trời Sakka kính mến! Nếu đức vua ban ân huệ cho bần đạo. Bần đạo xin
nhận:
*
Muốn nhìn thấy bậc Thiện trí.
* Muốn nghe đến bậc Thiện trí ở bất cứ nơi nào.
* Muốn gần gũi thân cận với bậc Thiện trí.
* Muốn nói chuyện, đàm đạo với bậc Thiện trí.
* Rất hài lòng, hoan hỷ với bậc thiện trí.
-
Kính bạch Ngài đạo sĩ khả kính! Bậc thiện trí đã làm điều lợi ích gì đối với
Ngài? Kính xin Ngài nói về nguyên nhân, tại sao Ngài muốn nhìn thấy bậc Thiện
trí. - Bạch Ngài?
- Tâu
đức vua trời Sakka kính mến!
Bậc thiện trí chỉ dẫn những điều lợi ích,
Không khuyến khích làm điều bất lợi.
Hướng dẫn làm những điều thiện là ưu điểm của bậc Thiện trí.
Khi nghe nói lẽ phải, bậc Thiện trí không nổi giận.
Bậc Thiện trí hiểu biết rành rẽ về giới luật.
Vì vậy, bần đạo muốn thấy bậc Thiện trí đó là điều tốt lành nhất.
Qua
câu chuyện tiền thân này, chúng ta nên nhận thức rõ ràng rằng: "gần gũi
thân cận với kẻ ác đem lại cho mình những điều bất lợi, gần gũi thân cận với
bậc thiện trí đem lại cho mình những điều lợi ích lớn".
Tỳ
Kheo Hộ Pháp