Phật Học Online

Tụng kinh tại nhà

HỎI: Tôi là một Phật tử tại gia có nhân duyên với pháp môn Tịnh độ. Tuy công việc bận rộn nhưng tôi đã ăn chay trường, thường xuyên đi chùa và tụng kinh niệm Phật hàng đêm tại nhà. Tôi thường tụng kinh A Di Đà, Phổ Môn, Dược Sư, trì chú Đại Bi và thực hành niệm Phật cùng các nghi thức sám hối.

HỎI: Tôi là một Phật tử tại gia có nhân duyên với pháp môn Tịnh độ. Tuy công việc bận rộn nhưng tôi đã ăn chay trường, thường xuyên đi chùa và tụng kinh niệm Phật hàng đêm tại nhà. Tôi thường tụng kinh A Di Đà, Phổ Môn, Dược Sư, trì chú Đại Bi và thực hành niệm Phật cùng các nghi thức sám hối. Như vậy có cần phải tụng thêm kinh nào nữa không? Nếu tụng thì cách thức thế nào? Tôi có thói quen mở máy MP3 nghe kinh, niệm Phật và tụng niệm chung với máy có được không? Tôi muốn tìm hiểu và thọ giới Bồ tát thì phải như thế nào? Thọ giới Bồ tát có lợi ích gì? Nếu học thêm để hiểu về Thiền có trở ngại gì cho việc tu tập hiện tại không?(LƯƠNG THANH DUY DŨNG; jackluong@hotmail.com)

ĐÁP:  Bạn Lương Thanh Duy Dũng thân mến!

Một Phật tử tại gia, tuy công việc bận rộn mà đã thực hành ăn chay trường, thường đi chùa và tụng kinh, niệm Phật là điều vô cùng quý hóa, thật đáng trân trọng vì không phải người Phật tử nào cũng làm được.

Đối với một hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ, cốt yếu nhất là tin tưởng sâu sắc vào Đức Phật A Di Đà, những đại nguyện của Ngài cùng cảnh giới Cực lạc (Tín) đồng thời nguyện sanh về Cực lạc (Nguyện) và phát tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà liên tục (Hạnh). Ngoài ba yếu tố căn bản này, hành giả còn tụng kinh, lễ Phật, sám hối và thực hành các hạnh lành khác, tất cả đều hồi hướng trang nghiêm Tịnh độ.

Bạn đã trì tụng kinh A Di Đà, Phổ Môn, Dược Sư là rất tốt, có thể tụng thêm kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ (kinh văn căn bản của tông Tịnh độ), kinh Pháp Hoa, kinh Địa Tạng, kinh Hoa Nghiêm v.v… Phần lớn những kinh điển này đều xưng tán Phật A Di Đà, ca ngợi pháp môn niệm Phật, khuyến phát nguyện sanh Tây phương, có tác dụng trợ duyên tích cực cho các hành giả Tịnh độ.

Việc tụng niệm hàng ngày, căn bản nhất là tụng kinh A Di Đà và niệm danh hiệu Ngài. Ngoài ra, có thể tùy duyên phát nguyện trì tụng những bộ kinh khác như Pháp Hoa hay Hoa Nghiêm chẳng hạn. Đối với những bộ kinh dài thì tụng mỗi ngày một phẩm, với thời lượng nhất định (trên dưới 1 giờ) cho đến khi nào hết toàn bộ kinh. Sau khi tụng xong mỗi phẩm, trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà (108 biến hoặc nhiều hơn), lễ Phật, tụng sám và phát nguyện hồi hướng, vãng sanh giống như nghi thức tụng kinh A Di Đà trong các thời khóa Tịnh độ vậy. Hoặc có thể thay đổi thời tụng kinh bằng cách thực hành lễ Phật theo các bộ kinh sám như Vạn Phật Danh, Hồng Danh, Lương Hoàng Sám, Thủy Sám. Đến lúc tụng hết bộ kinh hoặc lạy xong kinh sám, bạn có thể phát nguyện tụng bộ kinh khác hoặc trở lại tụng kinh A Di Đà như mọi ngày.

Việc mở kinh hay niệm Phật bằng máy MP3, để có thể nghe được pháp âm trong lúc làm việc là điều rất tốt, nên duy trì. Phương tiện nghe MP3 hiện nay khá rẻ, rất gọn nhẹ, tiện lợi, dung lượng lớn, có thể mang theo dễ dàng, người sử dụng có thể nghe kinh hoặc niệm Phật mọi lúc mọi nơi. Trong khi làm việc, nên nghe niệm danh hiệu Phật và niệm theo thì dễ dàng nhiếp tâm hơn. Khi rảnh rỗi thư nhàn, nghe kinh sẽ hiểu được ý kinh nhiều và sâu hơn.

Bạn quan tâm tìm hiểu và mong muốn thọ trì giới Bồ tát, điều này thật chính đáng. Bởi đỉnh cao của sự tu tập đối với hàng Phật tử tại gia là phát Bồ đề tâm, thọ trì Bồ tát giới, hành Bồ tát đạo. Người thọ giới Bồ tát hướng đến giác ngộ và cứu độ chúng sanh. Dựa trên nền tảng Đại bi, người Phật tử phát khởi Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo, viên mãn tự lợi và lợi tha là lý tưởng hành đạo của Bồ tát.

Người thọ trì giới Bồ tát phải thực hành ăn chay trọn đời (điều này rất khó đối với hàng Phật tử tại gia nhưng bạn đã làm được) và giữ giới (10 giới lớn và 48 giới nhỏ). Bạn nên tham khảo thêm Phạm Võng Bồ tát giới bổn, Bồ tát thiện giới kinhã được dịch ra tiếng Việt) để biết và lượng sức có thể kham nhẫn và thọ trì được hay không.

Muốn thọ giới, bạn phải đến các Đại giới đàn (do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành tổ chức) để đăng ký và được chư Tăng truyền trao giới pháp. Sau khi thọ giới xong, bạn cần cầu học thêm nơi chư Tăng để biết các phương thức tu tập cũng như sự phát tâm, lập nguyện của một hành giả Bồ tát.

Có năm điều lợi ích cho hành giả thọ trì giới Bồ tát: Được chư Phật trong mười phương hộ niệm; Lâm chung tâm thần không loạn động, chánh niệm hiện tiền; Sanh nơi nào cũng được gần chư Bồ tát; Thành tựu nhiều công đức lớn; Nhờ trì giới nên đạt được định, huệ viên mãn, chứng đắc quả vị Phật.

Dù bạn tu tập theo pháp môn Tịnh độ nhưng nếu có điều kiện nghiên cứu thêm về Thiền học lại càng hay và không trở ngại gì đối với sự tu tập hiện tại của bạn. Bởi trong Thiền có Tịnh và trong Tịnh luôn có Thiền.

Soure: giac ngo online


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage