Có khi nào con nghe nói đến luật nhân quả trong Phật giáo
không? Có một ví dụ Ba kể sơ con nghe trước khi Ba đề cập đến luật ấy.
Như Ba trồng cà trong nhà ny-lông ở những năm trước, có những trái cà
chín hư rớt dưới đất Ba không nhặt lên, sau đó cày nhiều lần, qua nhiều
vụ Ba trồng dưa; đến bây giờ vẫn hãy còn có những hột cà mọc lên.
Con yêu dấu,
Nếu Ba nói: "Ta là sản phẩm của xã hội"
thì có vẻ hơi quá đáng! Vì thân xác nầy là sản phẩm của cha và mẹ tạo
nên. Nhưng nghĩ cho cùng, thì con người không thể tách rời xã hội được.
Tất cả những gì ta thụ hưởng, tiếp nhận đều do xã hội cống hiến và ta
làm để cống hiến trở lại cho xã hội. Đó là một sự công bằng, hay là một
sự liên đới hài hòa giữa mọi người trong xã hội.
Con ạ,
Nếu con nhìn kỹ lại trong cuộc đời nầy,
rất ít sinh vật nào sống lẻ loi một mình. Thường thì chúng sống từng
đàn, từng đám. Không hiểu đó có phải là bản năng của chúng hay không?
Hay là chúng cũng "ham vui", cũng "kéo bè, kéo lủ" như chúng ta. Quả
thật, con người đã phải kết đoàn và phải biết tổ chức: Đấy là xã hội! Ta
là một thành viên của xã hội ấy.
Từ lúc xa xưa, khi loài người xuất hiện ở
thế gian nầy, vì do điều kiện thiên nhiên, nhu cầu chống chọi lại thú
dữ, và cần thiết cho cuộc sống, nên đã phải biết kết hợp lại với nhau
tạo thành một xã hội nhỏ. Rồi từ cá thể nam, nữ đã kết hợp thành gia
đình. Do đó, cá nhân hay đơn vị gia đình đều là thành viên của xã hội.
Hoặc nói khác đi, xã hội được thành hình là do kết hợp của các gia đình
và của nhiều cá nhân.
Này con! Khi con bắt đầu ra đời, thoát
sinh từ lòng mẹ, con phải nhờ đến bàn tay của các Bác sĩ sản khoa, cô
đỡ, cùng các y tá trong nhà thương chăm sóc. Họ đã cho con uống nước,
uống sữa, lo sức khoẻ cho con. Đôi lúc họ còn mở nhạc thật êm dịu, thật
nhẹ nhàng ru con ngủ. Không những chăm sóc cho con mà họ lại còn chăm
sóc cả cho mẹ con nữa. Đó là món nợ đầu tiên với xã hội khi con bước vào
cuộc sống. Rồi từ đó lớn lên, mỗi bước trưởng thành, mỗi nhu cầu con
đều phải vay mượn hay mua từ xã hội. Ngay khi bước vào nhà trường, con
được tiếp nhận tri thức của bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu nhân tài đi
trước qua các thầy cô giáo, cũng đều là công sức xã hội đóng góp giúp
con. Hay nói nôm na, là tất cả những sản phẩm mà người khác làm nên để
con có thể mua, sử dụng như vải, sữa, gạo, đồng hồ, truyền hình, xe hơi,
máy bay, vân vân.., để phục vụ cho đời sống của con về phương diện tinh
thần cũng như vật chất gọi là sản phẩm xã hội. Và bù lại con cũng sản
xuất ra hàng hóa hay đem sức học của mình đóng góp để phục vụ cho người
khác, thì con phục vụ lại cho xã hội vậy!
Con yêu dấu,
Xã hội vốn vô tội vạ với tốt hay xấu,
chỉ có con người làm tốt hay xấu mà thôi. Xã hội, ngay bản thân của nó
chỉ là một tổ chức để giúp con người nương tựa, giúp đỡ, trau đổi lẫn
nhau về nhu cầu, phương tiện để làm cho cuộc sống của mình được đầy đủ,
thoải mái, ấm no. Nhưng tâm tính con người có khác nhau: Có người thích
làm điều thiện, có người thích làm điều ác; có người muốn giúp người, có
người lại muốn giết, cướp của người. Có người bỏ tiền ra thật nhiều để
giúp kẻ nghèo khó, thì trái lại cũng có nhiều người muốn có nhiều tiền
bày ra buôn bán những thứ độc hại góp phần làm hư hoại xã hội. Không
phải đến bây giờ những việc ấy mới xảy ra, mà mãi từ những thời xa xưa.
Con hãy lật cuốn Kinh Thánh ra, phần Sáng Thế Ký, đoạn 6 câu 5,6,7 như
sau: "Đức Giê-Hô-Va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất
nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn; thì tự trách đã dựng
nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng. Đức Giê-Hô-Va phán
rằng: Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà ta đã dựng nên, từ loài
người cho đến loài súc vật, loài côn trùng, loài chim trời; vì ta tự
trách đã dựng nên các loài đó". Và trong các Kinh điển của Phật
Giáo cũng kể lại những mẫu chuyện mà Phật Thích Ca đã kể ra: "Từ vô
lượng kiếp về trước..." đã có những tệ nạn xảy ra đối với kiếp
người rồi, và Phật Thích Ca cũng có đề cập: Cõi Ta Bà nầy ít vui, nhiều
khổ; có sinh, bệnh, lão, tử; có luân hồi. Muốn thoát khỏi sướng khổ,
buồn vui, sinh tử thì phải diệt khổ, tiến tu mà giải thoát.
Nhưng con ạ! Có một điều con phải biết
để làm kim chỉ nam hướng dẫn cho các hành động, việc làm của mình trong
xã hội, hay soi rọi vào trí não, lương tâm hầu con làm một việc cho đúng
hơn. Bởi vì sao? Vì con là con người: Con có đầu óc, có trí tuệ, biết
suy nghĩ thì con hãy vận dụng nó. Con đã thọ ơn tốt đẹp của xã hội, con
hãy làm những công việc nào có ích cho xã hội. Hãy đem lại điều tốt
lành, và hãy cố gắng tránh đi những điều xấu xa gây hại cho mọi người.
Ba nói với con "hãy cố gắng tránh đi" là vì, đôi lúc, do điều kiện nào
đó con lở làm nên điều xấu, thì lúc đó con nên tự xét lại, ăn năn và hứa
hẹn không làm nên điều như vậy nữa. Đó là lòng con hướng thiện. Một đặc
điểm quý báu trong kiếp người đáng quý của con. Có lần Ba đã nhắc nhở
cùng con, con là con người con lại không có ích bằng cây cỏ hay sao? Ba
viết điều nầy con có thấy đúng không?
Con yêu quý,
Có khi nào con nghe nói đến luật nhân
quả trong Phật giáo không? Có một ví dụ Ba kể sơ con nghe trước khi Ba
đề cập đến luật ấy. Như Ba trồng cà trong nhà ny-lông ở những năm trước,
có những trái cà chín hư rớt dưới đất Ba không nhặt lên, sau đó cày
nhiều lần, qua nhiều vụ Ba trồng dưa; đến bây giờ vẫn hãy còn có những
hột cà mọc lên. Giống như vậy, những điều ta làm trong những kiếp xa xưa
(nhân) bây giờ gặp điều kiện thích hợp (duyên) nên nó phát khởi (quả).
Kiếp nầy của ta là quả của những kiếp xa xưa; và những điều ta làm trong
kiếp nầy (nghiệp) trở thành nhân cho những kiếp sau. Con nghe nói đến
kiếp con khá ngạc nhiên chứ gì? Kiếp giống như vai trò của người kịch
sĩ. Trong tuồng hát nầy, kịch sĩ (Phật tánh) đóng vai (kiếp) kép độc,
hết tuồng ông ta chết (hết kiếp); sang tuồng khác ông ta đóng vai khác
(kiếp khác). Cứ tuần tự như vậy, hết tuồng nầy ông ta sẽ đóng vai trong
tuồng khác: Đó là luân hồi và sự tái sanh.
Tại sao Ba lại viết cho con điều ấy? Ba
chỉ nhân một điều thực tế để giải thích một vài vấn đề phổ thông trong
tôn giáo mà con sẽ thường nghe nói đến, con hiểu thêm chẳng là tốt hơn
sao? Có thể mai kia nó lại giúp ích cho con phần nào cũng nên! Bây giờ
Ba trở lại vấn đề. Nếu con góp phần tạo hại cho xã hội: Giả sử ngày nay
con ham tiền con đi buôn bạch phiến, cần sa, thuốc lắc hay súng đạn. Đầu
tiên hết con tiếp xúc với nó mãi, đến lúc nào đó con cũng phải vướng
vào. Ấy là Ba chưa nói đến trường hợp bị bắt, tù tội, hay bị thanh toán.
Mà dù cho mọi công việc con làm ăn suông sẻ thì con đã góp phần tạo cho
xã hội càng ngày có tệ nạn nhiều hơn. Mai kia con lấy vợ, lấy chồng sẽ
sanh con, những đứa con của con lớn lên, rồi nó sẽ bị "rồ quến" hay "bị
dụ dỗ" vào con đường tệ hại ấy. Lúc đó, con mới thấm thía sự đau đớn của
lòng mình do chính điều mà mình đã gây ra: "Gậy ông đập lưng ông" hay
là "gieo nhân gặt quả" (you reap as you sow) là thế đó! Sao? Con suy
nghĩ thế nào? Cuộc đời không đơn giản phải không con?