Phật Học Online

Chùa Láng - đệ nhất tùng lâm của Thăng Long xưa

Không chỉ được biết đến là một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội, vẻ bề thế của kiến trúc, hài hòa của không gian khiến cho chùa Láng (quận Đống Đa) từng được coi là đệ nhất tùng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.

Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Chùa còn được gọi là Chiêu Thiền tự với ý nghĩa rằng: “Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu, là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền”. Tương truyền, chùa được xây dựng dưới thời Lý Anh Tông. Cùng với chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Láng cũng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Dân gian có câu: Nhớ ngày mồng bảy tháng ba, Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy.

Nhà bát giác hai mái tạo nên sự thanh thoát.
 
Trải qua những biến  động của thời gian và lịch sử, chùa Láng đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu lớn dưới thời Lê Trung Hưng 1656. Văn bia còn lưu lại đoạn ca ngợi cảnh chùa: Thật là danh lam bậc nhất, thế gian không có chùa nào sánh kịp. Khí tốt Phượng thành bên hữu toả khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp.

Đây là một quần thể kiến trúc rộng lớn, được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, tính ra vừa đủ 100 gian. Cổng chùa bao gồm bốn cột vuông với ba mái cong không chùm lên cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên. Đôi câu đối viết theo lối Khải thư rất đẹp ghép bằng những mảnh sứ màu xanh làm tăng thêm vẻ trang nghiêm cổ kính của ngôi chùa. 
 

Cổng chùa Láng. Ảnh tư liệu

Qua cửa tam quan là con đường lát gạch Bát Tràng nằm giữa một vườn muỗm có tuổi trên 300 năm. Đây là một trong những di tích hiếm hoi của Hà Nội còn giữ được đủ 9 cây muỗm. Ở cuối con đường có ngôi nhà bát giác nơi đặt tượng Từ Đạo Hạnh. Mái nhà lợp theo kiểu mái chồng, hai tầng trông rất thanh thoát và hài hòa. Sau nhà bát giác này là các công trình chính trong chùa như: bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ và tăng phòng...

Hiện nay trong chùa còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị, trong đó có pho tượng Từ Đạo Hạnh bằng mây đan phủ sơn mặc áo cà sa. Bức tượng này đã có từ rất lâu, tương truyền có từ thời Lý, đến thời Lê (khoảng năm 1644 - 1646) được tu bổ cơ bản và đến tháng 1 năm 2005, sau hơn 300 năm, bức tượng một lần nữa được tu bổ toàn diện. Việc phát hiện về lớp cốt trong cùng của bức tượng đã làm sáng rõ truyền thuyết là người xưa đã dùng mây đan, rút thành cốt tượng sau đó đem xá lị ngài trộn với sơn ta bồi đắp nên thành tượng.

Trong quá trình tu bổ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện lớp cốt tượng trong cùng được đan bằng một loại đồng đã  được rút thành sợi, một kỹ thuật đã có từ thời cổ đại, sau đó dùng sợi mây đã chẻ, phết sơn ta quấn kín sợi đồng mà thành hình cốt tượng. Bên trong tâm tượng còn phát hiện được 7 đồng tiền cổ có các dòng chữ “Đại Thuận Thông Bảo| và một gương đồng cổ.

Ngoài ra trong chùa còn có tượng Lý Thần Tông bằng gỗ ngồi trên ngai vàng. Dưới mái hành lang là hai dãy thập điện và 18 vị La Hán cùng nhiều tượng thờ có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX trải dài từ đời Lê đến triều Nguyễn được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tạo tác rất sinh động mang tính nghệ thuật cao.

Con đường lát gạch Bát Tràng nằm giữa vườn muỗm cổ thụ.

Tấm bia cổ nhất còn lại ở đây được dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) cao 1,4m, rộng 0,8m, hoa văn tinh xảo. Văn bia do tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc viết. Bia Phúc điền cùng 13 tấm bia khác từ thời Tự Đức đến thời Bảo Đại. Tại đây hiện còn lưu giữ các đạo sắc phong của các triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn, 30 bức hoành phi, 31 đôi câu đối, một “đại hồng chung” và một khánh lớn bằng đồng đúc năm Thiên vận Mậu Ngọ (1738).

Hội chùa Láng cử hành vào ngày mồng bảy tháng ba âm lịch, là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong ngày hội có nhiều trò diễn, trò vui thu hút được rất đông phật tử, nhân dân khắp nơi đến dự. Đây là một diễn xướng tổng hợp văn nghệ - thể thao của cả một vùng quê nằm hai bên bờ sông Tô, mang đậm nét văn hoá của kinh thành Thăng Long xưa.

Theo: Dân Trí


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage