Mỗi cuộc đời, mỗi số phận
Nằm khuất nẻo giữa một vùng quê yên bình thuộc thôn Lệ Uyên, xã Xuân
Phương (TX Sông Cầu), chùa Hải Sơn cũng bình thường như bao ngôi chùa
khác nhưng lại chứa đựng tấm lòng của những sư cô với những mảnh đời bất
hạnh. Hiện ngôi chùa này là mái ấm của năm đứa trẻ mồ côi và sáu em nhỏ
bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng. Dưới mái ấm này, mười ba sư cô -
những người chưa một lần làm mẹ - đã ngày đêm dành tình cảm, công sức để
nuôi dạy những đứa bé thiếu may mắn.
Sư cô Thích Nữ Minh Kỉnh
hướng dẫn em Phan Nguyễn Ngọc Hòa học bài - Ảnh: LÊ HẢO
Nhìn
bé Phan Nguyễn Bảo Châu đang cười đùa vui vẻ cùng các đứa trẻ khác, ít
ai biết rằng mới mấy tháng trước, việc bé sống được là cả một kỳ tích.
Bảo Châu bị bỏ rơi lúc em còn đỏ hỏn. Bé mới chào đời, được bọc trong
một tấm khăn, đặt vào chậu sứ để trước điện Quan Âm. Lúc đó, bé thở rất
yếu, không đủ sức khóc to như nhiều đứa trẻ khác. Sinh thiếu cân, lại bị
bỏ ngoài trời lạnh, sức Bảo Châu dường như đã kiệt, nhưng nhờ sự chăm
sóc tận tình của các sư cô, bé dần hồi phục.
Câu chuyện về cậu bé kháu khỉnh Phan Nguyễn Bảo Trung cũng thật
đáng thương. Trung bị bỏ rơi trước cổng chùa khi em còn chưa rụng rốn.
Cậu bé khó nuôi, các sư cô phải liên tục thay nhau bế bồng, vì cứ hễ đặt
xuống giường là bé khóc. Khi ấy là vào tháng Chạp, đúng mùa làm nhang
bán tết. Các sư cô đã phải vất vả ngày đêm chăm bé. Sau đó, các sư gửi
bé cho một người trông trẻ với tiền công 600.000 đồng/tháng. Được một
tháng rưỡi, nhà chùa hết tiền nên bế Trung về lại chùa. Bây giờ, Trung
được 17 tháng tuổi, ngoan hơn nên các cô cũng đỡ cực.
Đến nay, trong số mười một em được cưu mang tại chùa, có bốn em học trên
phổ thông và hai em vừa tốt nghiệp THPT. Các em còn lại cũng đều đến
trường như bao đứa trẻ khác. Tương lai của các em đã không còn mịt mù
như quá khứ.
Sư cô như từ mẫu
Dù không có quan hệ máu mủ, nhưng các sư cô ở chùa Hải Sơn đều yêu
thương các em hết mực. Nhìn cách họ chăm sóc các em, những ai đã một lần
đến chùa đều thầm cảm phục sự chịu thương chịu khó của những con người
có tấm lòng từ bi và yêu trẻ này. Mỗi lần cho các em ăn uống là cả một
vấn đề. Đối với những bé còn nhỏ, cứ 3 tiếng đồng hồ, các sư cô cho uống
sữa một lần, bất kể ngày hay đêm. Nhiều em tuy mắt còn nhắm nhưng miệng
vẫn uống sữa một cách ngon lành. Khi cho các bé ăn, các cô phải hát,
làm mặt cười, có khi làm bộ bỏ đi sau mỗi lần đút một muỗng cơm để các
em ăn được hết chén cơm. Những lúc các em đổ bệnh, khó ngủ, biếng ăn,
các sư cô càng nhọc sức hơn. Trước kia, khi chưa nhận nuôi những đứa trẻ
này, ngoài thời gian tụng niệm kinh kệ, các sư cô còn có thời gian rảnh
lo việc nhà chùa. Còn bây giờ, họ tất bật lo lắng, chăm sóc trẻ từng li
từng tí, có miếng bánh, bịch sữa cũng nhường cả cho các em.
Sáu em nhỏ bị bỏ rơi đều lấy họ Phan Nguyễn, họ ghép của hai sư cô Thích
Nữ Minh Chơn và Thích Nữ Minh Kỉnh, những con người đã cưu mang các em
từ thuở mới lọt lòng. Trụ trì chùa Hải Sơn Thích Nữ Minh Chơn tâm sự:
“Những ngày đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi nhận nuôi các em. Tôi
nghĩ, khi các em đã vào cửa chùa, âu cũng là cái duyên. Vì thế, chúng
tôi chăm sóc, nuôi nấng, cho các em ăn học đàng hoàng”.
Nhận nuôi các em nhỏ mồ côi và bị bỏ rơi từ nhiều năm qua nhưng nhà chùa
không nhận được bất kỳ khoản kinh phí nào từ các tổ chức, cá nhân ủng
hộ. Chùa tọa lạc ở thôn quê nên ít người biết đến. Phật tử ít, đa phần
đều nghèo khó nên không có điều kiện hỗ trợ nhiều. Mỗi tháng, nhà chùa
có được vài ba trăm ngàn từ tiền cúng dường của Phật tử và tiền bán
nhang, bán bánh chưng ngày rằm, cộng với số tiền hỗ trợ của chính quyền
địa phương 240.000 đồng/em. Tất cả số tiền này đều được dành để mua sữa,
thức ăn và lo cho các em học tập.
Nhà chùa vừa mua hai bộ bàn ghế cho các em ngồi học bài. Sư cô Thích Nữ
Minh Chơn cho biết: “Trước đây, khi chưa có bàn, các em phải ngồi học
dưới sàn đất lạnh. Trẻ em ngồi không đúng tư thế dễ bị vẹo cột sống.
Thương các em, nhà chùa dành dụm tiền mua bàn ghế để các em ngồi học
được thẳng lưng”. Tấm lòng yêu trẻ, hết mình vì trẻ thơ của các sư cô
thật đáng quý, đáng khâm phục biết bao!
Theo
LÊ HẢO - PYO
Dậy từ mờ sáng tập thể dục, ăn chay, niệm Phật, học đạo đức làm người...
là sinh hoạt hằng ngày của 3.000 nam thanh nữ tú đang quy tụ tại chùa
Hoằng Pháp, Hóc Môn (TP HCM). Khóa học tu mùa hè kéo dài một tuần.
Hàng nghìn phật tử nhí ngồi
đọc sách Vu Lan.
Khóa học mở ra cho các bạn trẻ từ 13 đến 25 tuổi, khai giảng vào ngày
21/6.
Thầy Tâm Lượng, phụ trách Ban tri khách nhà chùa cho biết, trước đây
khóa tu dành cho tất cả các đối tượng từ già đến trẻ có nhu cầu lên chùa
tu luyện đạo đức. Nhưng 2 năm nay, nhà chùa dành toàn bộ khóa học này
cho các bạn trẻ.
"Đây là ý niệm của thầy trụ trì. Theo thầy, thế hệ trẻ là quan trọng
nhất đối với quốc gia. Các em cần được giáo dục và tu luyện để trở thành
người tốt, làm chủ đất nước. Ban đầu, nhà chùa chỉ tổ chức một khóa,
học trong vòng một tuần vào mùa hè, nhưng càng ngày lượng người đến đăng
ký càng đông nên phải chia thành hai đợt. Tháng 7 tới sẽ khai giảng
khóa học thứ 2", thầy Tâm Lượng nói.
Vì các em còn nhỏ, không dậy sớm được như sư thầy nên buổi học được khởi
đầu vào 4h30 phút sáng. Các học viên tập thể dục, ăn sáng và thỉnh
giảng. Vào buổi chiều, các bạn tham dự pháp đàn (buổi giao lưu) với bạn
bè, sư thầy về các chủ đề liên quan đến đạo đức, lối sống. Thậm chí, một
số đề tài nóng bỏng như bạo lực học đường cũng được đưa vào giảng dạy.
Những học sinh đến đây thuộc mọi thành phần, đối tượng. Sau khi làm thủ
tục nhập học, các em sẽ được kiểm tra đầu tóc và mua đồng phục để mặc
khi ở chùa. Ai không có tiền sẽ được nhà chùa hỗ trợ.
Hàng nghìn bạn trẻ vui chơi
vào buổi chiều ở sân chùa trong bộ áo lam. Ảnh: Hải Duyên.
Nhiều em ngày đầu còn bỡ ngỡ nhớ nhà nhưng chỉ thời gian ngắn đã gắn bó
nơi đây. Cha mẹ lên đón lại không muốn về. Có những em được coi là thành
phần bất hảo trong xã hội, ở nhà quậy phá cha mẹ, không nghe lời người
lớn thì chỉ một thời gian ngắn học tập, đã biết hối lỗi.
Từng là một cô gái quậy phá, bỏ học nhiều lần làm bố mẹ đau lòng, Phương
được gia đình đưa lên chùa học tu. Sau khóa học tu mùa hè năm ngoái,
Phương xin ở lại chùa làm công quả, đến nay đã được một năm. Cô bé bày
tỏ sự hối hận vì đã có những ngày tháng sống vô ích.
"Em biết ơn các thầy ở đây rất nhiều vì đã giúp em nhận ra sai lầm của
mình. Mỗi lần về với gia đình em lại thấy nhớ mọi người trên đây. Em sẽ ở
lại đây trong một thời gian ngắn nữa rồi về đi học. Giờ nghĩ lại quãng
thời gian trước đây em thấy thương ba mẹ nhiều lắm", Phương ngậm ngùi
chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ khác cho biết, được cha mẹ gửi lên chùa là để cho tâm
thanh tịnh và học đạo làm người, biết chữ hiếu và sống tốt hơn.
Không chỉ là nơi dành cho những người xuất gia đến tụng kinh, niệm phật,
chùa Hoằng Pháp nhiều năm nay đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của
các phật tử trẻ đến đây tu luyện tâm đức. Vào mỗi buổi chiều, khuôn viên
của nhà lại tấp nập với hàng nghìn bạn trẻ trong bộ áo lam chơi đùa vui
vẻ sau một ngày tu luyện. Các bạn trẻ ở đây đến từ khắp nơi, có bạn tận
Hà Nội, hay tỉnh miền Trung, thậm chí có trẻ ở tận nước ngoài cũng được
gia đình gởi đến học.
Theo
Hải Duyên - VNE
Năm nay 63 tuổi, là trụ trì chùa Vạn Thiện (phường 4, quận 5), nhiều năm
qua ni sư Thích Nữ Như Lợi đã dành rất nhiều tâm huyết cho sự nghiệp
khuyến học tại TP HCM.
Nhắc đến ni sư là nhiều thế hệ học sinh - sinh viên, phật tử, người dân
thành phố liên tưởng ngay hình ảnh người nữ tu có gương mặt phúc hậu,
giọng nói ấm áp rất tích cực trong việc giúp các xóm nghèo mở lớp học
tình thương, tặng sách vở, học bổng cho học sinh nghèo ở các vùng sâu,
xa…, đặc biệt là đồng hành với sỹ tử trong các kỳ thi đại học.
Ni sư Thích Nữ Như Lợi tặng
xe lăn cho người khuyết tật nghèo khó.
Chùa Vạn Thiện nằm sâu trong con hẻm nhỏ nhưng lúc nào cũng tấp nập
người. Phần lớn khách vãn chùa là những người nghèo khó đến nhờ sư trụ
trì giúp đỡ được chữa bệnh, giúp xe lăn làm kế sinh nhai và được mổ mắt
để tìm thấy ánh sáng cuộc đời…
Khi chúng tôi đến là lúc ni sư Thích Nữ Như Lợi đang tất bật với việc
chuẩn bị nơi ăn chốn nghỉ cho các sỹ tử giữa lúc mùa thi đại học đang
đến gần. "Nếu chỉ vài mươi em thì công việc khá đơn giản. Nhưng khi con
số sỹ tử lên đến hàng trăm thì phải tổ chức tốt các khâu, từ khâu tiếp
nhận, bố trí nơi ăn nghỉ, lo bữa ăn cho các em…, nói chung phải làm sao
để trong quá trình lưu trú các em có cảm giác thoải mái, sức khỏe tốt
thì mới mong đạt được kết quả thi tốt nhất" - ni sư tâm sự.
Lần giở những kỷ niệm tiếp sức mùa thi, ni sư Thích Nữ Như Lợi nhớ lại:
"Nhiều năm trước, qua đọc báo, nghe đài, xem tivi thấy nhiều thí sinh từ
các tỉnh, thành xa xôi vào thành phố thi đại học bị người xấu lừa gạt,
khốn khổ bởi không tìm được nơi lưu trú, bị các chủ nhà trọ, khách sạn
bắt chẹt tăng tiền phòng… thầy rất xót. Không ít trường hợp thí sinh
cùng phụ huynh các em vì quá bí lối đã vào chùa nhờ hướng dẫn chỗ thuê
phòng trọ, có em xin được tá túc tại chùa trong quá trình thi". Giữa lúc
mang nặng nỗi ưu tư "phải làm gì đó giúp các sỹ tử và người thân của
các em bớt nhọc nhằn trong các kỳ thi đại học", ni sư Như Lợi được Ban
từ thiện Báo Giác Ngộ mời tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi.
Ni sư nhớ lại: "Năm đầu tiên chùa tiếp nhận khoảng 250 thí sinh đến từ
nhiều tỉnh, thành của cả nước, lo việc ăn nghỉ cho các em trong suốt mùa
thi. Do khuôn viên chùa chật hẹp nên thầy phải liên lạc với Ban giám
hiệu Trường Tiểu học Lê Văn Tám và lãnh đạo Hãng phim trẻ ở gần chùa,
mượn cơ sở làm nơi sinh hoạt cho các em. Phần thầy và các sư ở chùa, các
anh chị phật tử trong Ban từ thiện thì lao vào bếp lo bữa cơm cho các
em cho đến khi kỳ thi đại học kết thúc".
Cô Diệu Hải - phật tử và là Trưởng ban Từ thiện chùa Vạn Thiện cho biết:
"Đại đa số thí sinh ở các tỉnh vào thành phố thi đại học đi cùng với bố
(mẹ) nên chùa còn lo việc ăn nghỉ cho phụ huynh của các em. Có những
thí sinh thi xong do hoàn cảnh khó khăn hoặc bị mất cắp không thể về quê
nên ni sư giúp đỡ mua vé xe tạo điều kiện cho các em trở về quê nhà".
Em Nguyễn Mỹ Hồng, quê ở Cà Mau, sinh viên năm 3 Khoa Du lịch Trường Đại
học Hồng Bàng, bày tỏ sự tri ân: "Biết ni sư Như Lợi hết lòng với các
thí sinh nên đến kỳ thi đại học là em giới thiệu cho các thí sinh nơi
quê nhà ghé chùa tá túc. Nhờ sự giúp đỡ ấy của ni sư mà gia đình chúng
em đỡ gánh nặng tiền bạc và lo toan". Hồng bật mí: "Em có nhỏ bạn tên
Thủy sau khi thi đậu Đại học Y dược do gia cảnh khó ngặt đã được ni sư
tạo điều kiện cho lưu trú tại chùa gần cả năm. Ni sư còn giúp học bổng
không chỉ Thủy, mà còn nhiều học sinh - sinh viên nghèo khác để các bạn
được tiếp tục việc học".
Cứ sau mỗi kỳ thi đại học, gương mặt ni sư Thích Nữ Như Lợi lại hằn thêm
nếp nhăn vì những lo toan tất bật để hàng trăm sỹ tử có mùa thi an
lành. Ni sư tâm sự tuy có cực nhưng thầy và các phật tử rất hạnh phúc vì
đã được góp sức trong việc chia sẻ các khó khăn cho gia đình các thí
sinh.
"Nhiều em sau khi đậu đại học và không đậu đại học từng lưu trú tại chùa
hễ đến mùa thi là về chùa cùng các sư lo cho các thế hệ sỹ tử đàn em.
Có em còn là cầu nối giữa thầy với các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó
khăn để các bạn được giúp đỡ kịp thời, không phải dở dang ước mơ ngồi
ghế giảng đường". Sau những sẻ chia, ni sư Thích Nữ Như Lợi tâm tình
chính tình cảm ấy của các sỹ tử đã là nguồn khích lệ, động viên lớn để
thầy cùng những người đồng chí hướng bền bỉ trong việc tiếp sức sỹ tử
trong các kỳ thi đại học
Kỳ thi đại học năm nay, chùa Vạn Thiện dự tính sẽ tiếp nhận khoảng 300
thí sinh. Để được lưu trú tại chùa, thí sinh và phụ huynh phải có giấy
báo thi đại học, các giấy tờ tùy thân, giấy tạm vắng… Mọi thông tin có
thể liên lạc với ni sư Thích Nữ Như Lợi theo số điện thoại 08.8309566
hoặc địa chỉ chùa Vạn Thiện, số 144/63 đường Trần Phú, phường 4, quận 5,
TP HCM.
Theo
Thành Dũng - CAND