Phật Học Online

Đức Đạt Lai Lạt Ma Đàm Luận Với Thurman
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma và Robert Thurman, Tuệ Uyển chuyển ngữ

THURMANCó phải có điều gì đấy về Hoa Kỳ đã làm cho rất nhiều người tìm cầu  và thực hành Đạo Phật?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Tôi không biết.  Tại sao ông quá quan tâm? [cười]  Không, một cách nghiêm chỉnh, tôi cảm thấy rằng người Hoa Kỳ quan tâm  bởi vì họ cởi mở.  Họ có một nền giáo dục đã dạy họ tìm kiếm cho chính họ tại sao mọi thứ là như thế, trong một cung cách như thế.  Những người cởi mở có khuynh hướng quan tâm đến Đạo Phật bởi vì Đức Phật khuyến khích họ khảo sát mọi vật - Ngài không chỉ ra lệnh họ tin tưởng.

 

Cũng thế, nền giáo dục của ông có khuynh hướng phát triển não bộ trong khi quên lãng trái tim, vì thế ông có lòng khao khát cho những sự dạy dỗ để phát triển và làm mạnh trái tim thánh thiện.  Ki Tô Giáo cũng có những sự giáo dục kỳ diệu cho điều này, nhưng ông không biết những điều ấy đầy đủ, vì thế ông cảm thấy quan tâm đến Đạo Phật! [Cười]  Có lẽ sự giáo huấn của chúng ta dường như ít tôn giáo hơn và kỷ thuật hơn, như tâm lý học, vì thế chúng dễ cho những người thế tục sử dụng.

 

THURMAN: Một số người nói rằng người ta phải đi theo những tôn giáo của nền văn hóa chính mình.  Có phải là một ý tưởng tốt để tiếp nhận một tôn giáo hay một sự thực tập tâm linh khác lạ với nền văn hóa của chính mình?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Tôi luôn luôn nói rằng mọi người không nên vội vả thay đổi tôn giáo.  Có những giá trị thực sự trong việc tìm kiếm những nguồn gốc tâm linh mà quý vị cần trong tôn giáo vốn có thuộc nền văn hóa của chính quý vị.  Thậm chí chủ nghĩa nhân bản thế tục cũng có những cội nguồn tâm linh to lớn; hầu như nó giống như là một tôn giáo đối với tôi.  Tất cả mọi tôn giáo đều cố gắng để làm lợi ích cho con ngươi, với cùng một thông điệp căn bản trong nhu cầu của từ ái và bi mẫn, cho công lý và trung thực, cho toại nguyện.  Do vậy chỉ đơn thuần thay đổi sự gia nhập tôn giáo hình thức thường sẽ không ích lợi gì nhiều.  Trái lại, trong xã hội đa nguyên dân chủ, có sự tự do để tiếp nhận tôn giáo mình lựa chọn.  Điều này thật là tốt đẹp.  Điều này làm cho những người tò mò như ông chạy quanh quẩn mung lung! [Cười]

 

THURMANĐức Thánh Thiện đã nói rằng trong tương lai, khi Tây Tạng tự do, ngài sẽ thôi không là nguyên thủ của chính quyền Tây Tạng.  Có phải điều này là bởi vì ngài muốn giới thiệu nguyên tắc dân chủ về sự tách rời thế quyền và giáo quyền trong quốc gia của ngài không?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Tôi tin tưởng chắc chắn rằng thế chế dân chủ là cần thiết và rất quan trọng, và nếu tôi tiếp tục là nguyên thủ của chính quyền, có thể đấy là một trở ngại cho sự thực hành dân chủ.  Cũng thế, nếu tôi tiếp tục, sau đó tôi sẽ phải gia nhập vào một đảng phái.  Nếu Đạt Lai Lạt Ma tham gia một đảng phái, điều ấy sẽ làm cho sự hoạt động của chính quyền trở nên khó khăn.

 

Cho đến bây giờ, sự liên hệ của tôi trong công cuộc đấu tranh vì tự do của Tây Tạng đã là một phần trong sự thực hành tâm linh của tôi, bởi vì những vấn đề về sự sống còn của giáo  lý nhà Phật và tự do của Tây Tạng là liên quan vô cùng.  Trong cuộc đấu tranh đặc thù này, không có vấn đề với nhiều sư thầy và sư cô, kể cả chính tôi, tham gia.  Nhưng khi đi đến những đảng phái chính trị dân chủ, tôi mong muốn các tu sĩ nam nữ không tham gia chúng - nhằm bảo đảm cho sự thực hành dân chủ thích đáng.  Đạt Lai Lạt Ma không nên theo pheo nào, nên duy trì  bên trên tất cả.

 

Sau hết, một cách cá nhân, tôi thật sự không muốn mang lấy một loại chức năng đảng  phái nào đấy.  Tôi không muốn đảm đương bất cứ vị thế công cộng nào.

 

THURMANNhưng về việc phụng sự như Quốc vương Thụy Điển hay Nữ hoàng Anh Quốc - như một thể chế Đạt Lai Lạt Ma?  Như một nguyên thủ nghi lễ, phục vụ một vai trò thống nhất?  Ngài có quan tâm đến điều này không, nếu người ta thình cầu như thế?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  [Cười  nồng nhiệt] Tôi không nghĩ như thế.  Tôi không muốn là một tù nhân trong cung điện, sống trong một cung cách gò bó như vậy -- rất gò bó!  Dĩ nhiên, nếu có những hậu quả nghiêm trọng thật sự nếu tôi không chấp nhận, rồi thì dĩ nhiên tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết. Nhưng một cách tổng quát, tôi thật sự mong ước đến một sự tự do nào đấy.  Có lẽ, chỉ có lẽ, là tôi  thích trở thành một vị thầy tâm linh thật sự, một lạt ma hoạt động!

 

THURMAN:  Ngài từng nói rằng ngài có một "trái tim tương đối khá  hơn bây giờ" qua việc lưu vong.  Lưu vong đã làm gì cho ngài?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Khi chúng ta gặp một thảm họa thật sự trong đời, chúng ta có thể phản ứng trong hai cách - hoặc là dánh mất hy vọng và rơi vào những thói quen tự phá hoại mình, hay bằng việc sử dụng thử thách để tìm sức mạnh nội tại.  Cảm ơn những lời dạy của Đức Phật, tôi đã có thể thực hiện trong phương cách thứ hai này.  Tôi đã tìm thấy một sự cảm kích to lớn hơn nhiều đối với Đạo Phật vởi vì tôi không thể cho là đương nhiên ở đây, trong sự lưu vong.  Chúng tôi đã thực hiện một nổ lực lớn duy trì mọi trình độ của nền giáo dục Phật Giáo; nó đã hổ trợ chúng tôi có một loại phục hưng thực sự.

 

THURMAN: Trong cuộc xung đột ở Tích Lan giữa đa số Phật Giáo và những kẻ ly khai Hổ Tamil - một cuộc xung đột đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng từ khi nó bắt đầu 14 năm trước - nhiều người đã tìm những phương pháp để biện hộ cho việc tiếp tục liên hệ của những Phật tử, kể cả tu sĩ Phật Giáo, trong cuộc bạo động.  Một cách căn bản, sự tranh  cải là loại chủ nghĩa hòa bình  nào mà ngài hổ trợ không hoạt động trong hiện thực của thế giới, và điều đó cho phép kẻ thù tàn phá những đền đài và chùa viện Phật Giáo và giết hại Phật tử mà không đánh trả lại đơn giản là không thể chịu đựng được.

 

Sự đánh mất non sông của ngài với Trung Hoa đã được sử dụng như một thí dụ về việc không hiệu quả của bất bạo động và bao dung.  Khi nào là vấn đề gì đấy đáng giá để chiến đấu?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Điều này khó để giải thích.  Trong trường hợp riêng của chúng tôi, chúng tôi không xem sự mất mát một tu viện hay một đền đài là chấm dứt toàn bộ đời sống.  Nếu một tu viện bị phá hủy, đôi khi nó xảy ra. Do thế, chúng tôi không cần đáp ứng với sự bạo động kinh khiếp.  Mặc dù dưới những hoàn cảnh nào đấy, phương pháp bạo động - bất cứ phương pháp nào - có thể biện hộ được, tuy thế, một khi chúng ta thực hiện bạo động, rồi thì phản ứng bạo động sẽ đáp trả lại.  Cũng thế, nếu chúng ta dùng đến những phương pháp bạo động bởi vì đối phương đã tàn phá tu viện của chúng ta, thí dụ thế, rồi thì chúng ta sẽ mất không chỉ tu viện của chúng ta, mà cũng đánh mất cả sự thực hành Phật Pháp đặc biệt của chúng ta về buông xả, từ ái, và bi mẫn.

 

Tuy thế, nếu tình cảnh là tệ hại như thế là chỉ có một đạo sư hay hành giả chân thành sống sót, một người mà cái chết của họ sẽ làm cho toàn bộ Tây Tạng mất đi niềm hy vọng trong việc giữ gìn lối sống của Phật Pháp, thế thì có thể hiểu được rằng nhằm để bảo vệ người ấy, nó có thể biện hộ được cho một hay 10 kẻ thù bị loại trừ -- nếu không có cách nào khác.  Tôi có thể biện hộ cho bạo động chỉ trong trường hợp cực độ này, để bảo vệ kiến thức sống cuối cùng của chính Phật Giáo.

 

Đối với người Tây Tạng, sức mạnh thật sự của cuộc đấu tranh của chúng tôi là chân thật - không phải kích cở, tiền bạc, hay chuyên môn.  Trung Hoa là lớn hơn, giàu hơn nhiều, sức mạnh quân sự quá hùng hậu, và có nhiều thiện nghệ hơn trong ngoại giao.  Họ hơn chúng tôi về mọi lĩnh vực.  Nhưng họ không có công lý. Chúng tôi đã đặt toàn bộ niềm tin của chúng tôi trong sự thật và trong công lý.  Chúng tôi không có gì khác, trong nguyên tắc và trong thực hành.

 

Chúng tôi luôn luôn là một quốc gia khác biệt với người Hoa.  Từ xa xưa chúng tôi đã chiến đầu những cuộc chiến tranh với họ.  Từ khi chúng tôi trở thành những người Phật tử, chúng tôi đã sống trong hòa bình với họ.  Chúng tôi không xâm lược họ.  Chúng tôi không muốn họ xâm lăng chúng tôi.  Chúng tôi chưa bao giờ tuyền bố chiến tranh với Trung Hoa.  Chúng tôi chỉ yêu cầu họ để cho chúng tôi sống trong hòa bình, để cho chúng tôi có sự tự do tự nhiên.  Chúng tôi luôn luôn duy trì chính sách của chúng tôi là bất bạo động, bất kể họ làm gì.  Tôi chỉ đào thoát khỏi Tây Tạng bởi vì tôi sợ đồng bào tôi sẽ sử dụng sự bạo động tuyệt vọng nếu người Trung Cộng bắt tôi như một tù nhân của họ.

 

THURMAN: Làm thế nào để đối kháng với bạo lực mà không giận dữ hay thù hận?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Thuốc giải thù hận ở trong trái tim, cội nguồn của bạo động, là bao dung.  Bao dung là một đạo đức quan trọng của bồ tát [những anh hùng và anh thư giác ngộ] -- nó cho phép chúng ta kềm chế khỏi phản ứng một cách giận dữ đến sự tổn hại giáng xuống chính mình bởi người khác.  Chúng ta có thể gọi sự thực tập "giải giới nội tại", trong đó một sự bao dung phát triển lành mạnh làm cho chúng ta tự do khỏi sự thúc đẩy để phản công.  Cùng lý do như vậy, chúng ta cũng gọi bao dung là "áo giáp tốt nhất", vì nó bảo vệ chúng ta khỏi phải bị khuất phục bởi chính thù hận.

 

Dường như không thực tế để nghĩ rằng chúng ta không bao giờ có thể tự do khỏi thù hận, nhưng Đạo Phật có những phương pháp hệ thống cho việc phát triển dần dần một sự bao dung đầy năng lực đủ để sinh ra một loại tự do như vậy.  Không có sự bao dung hổ tương nổi bật lên như nền tảng, những tình trạng kinh khiếp như ở Tây Tạng và Tích Lan, Bosnia và Rwanda, có thể không bao giờ được cải thiện một cách có hiệu quả.

 

THURMANNgài dùng thuật ngữ "diệt chủng văn hóa" để diễn tả những gì Trung Cộng đang làm ở Tây Tạng nhưng gợi ý rằng Tây Tạng có thể sống với sự tự trị trong Trung Hoa.  Ngài định nghĩa tự trị là thế nào, và những sự thuận tiện của nó là gì so với việc độc lập?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Ngày nay, qua việc di chuyển một số lớn  người Hoa, xứ sở Tây Tạng đối diện với đe dọa diệt chủng, cùng với di sản văn hóa đặc thù của tâm linh Phật Giáo.  Thời gian rất hạn hẹp.  Trách nhiệm của tôi để bảo tồn Tây Tạng, để bảo vệ di sản văn hóa cổ xưa của nó.  Để làm điều ấy, tôi phải đối thoại với nhà đương cục Bắc Kinh, và đối thoại đòi hỏi sự thỏa hiệp.  Do thế, tôi đang nói cho một sự tự trị chân thành, không phải cho độc lập.

 

Tự trị có nghĩa là Trung Cộng phải chấm dứt nổ lực thực dân hóa thô bạo với việc những người Hoa định cư và phải cho phép người Tây Tạng nắm lấy những vị trí hữu trách thực quyền trong bộ máy cẩm quyền của Tây Tạng.  Trung Cộng có thể trú quân ở biên giới ngoại vi của Tây Tạng, và người Tây Tạng sẽ tự nguyện chấp nhận hình thức hợp nhât thích đáng với Trung Hoa.

 

Vì việc quan tâm chính của tôi là nền văn hóa Phật Giáo Tây Tạng, không chỉ độc lập về chính trị, tôi không thể tìm kiếm sự tự trị cho trung bộ Tây Tạng và quên đi bốn triệu người Tây Tạng trong hai tỉnh đông bộ là Amdo và Kham.  [Đã từng là những bộ phận của một Tây Tạng độc lập, Amdo bây giờ được biết như tỉnh Thanh Hải; và Kham bị phân chia thành những tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên, và Vân Nam.  -- Chú thích của Thurman]

 

Tôi đã làm rõ vị trí của tôi, mặc dù thế, Bắc Kinh đã không từng rả lời.  Do vậy, chúng tôi bây giờ ở trong tiến trình của một cuộc trưng cầu dân ý về chính sách của chúng tôi trong tất cả những cộng đồng Tây Tạng lưu vong và ngay cả bên trong Tây Tạng, để xem nguyện vọng của đa số có nghĩ là chúng tôi có đang đi đúng hướng hay không?  Tôi là một người tin tưởng vững chắc trong tầm quan trọng của dân chủ, không chỉ là một mục tiêu cơ bản, mà cũng là một bộ phận thiết yếu của tiến trình.

 

THURMAN:  Đối với tư tưởng của ngài, một khi đạt được sự tự trị, ai sẽ chịu trách nhiệm đối với phát triển kinh tế của Tây Tạng -- người Trung Hoa hay Tây Tạng?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Người Tây Tạng phải có toàn quyền và trách nhiệm cho việc phát triển công kỷ nghệ, nhìn từ mọi nhận thức khác biệt, chăm sóc môi trường, bảo tồn tài nguyên cho sức khỏe lâu dài của kinh tế, và bảo đảm những sự quan tâm của công nhân , nông dân và dân du mục Tây Tạng.  Người Hoa đã cho thấy chỉ quan tâm trong những lợi ích trước mắt, bất chấp tác động đến môi trường, và không quan tâm đến một loại công nghiệp đặc thù có lợi ích cho người dân địa phương Tây Tạng hay không.

 

THURMANĐiều kiện môi trường của Tây Tạng ngày nay ra sao, 47 năm sau sự xâm lược của Trung Cộng?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Trung Cộng đã cắt trụi 75 phần trăm những khu rừng của chúng tôi, do thế làm nguy hại những vùng đầu nguồn của những dòng sông quan trọng của chúng.  Họ đã tận thu quá mức những nguồn tài nguyên giảu có về cỏ thuốc và làm sa mạc hóa những đồng cỏ của chúng tôi qua chăn thả quá mức.  Họ đã bòn rúc những khoáng sản đủ loại trong những phương pháp hủy hoại môi trường.  Cuối cùng, trong nổ lực điên cuồng để đem hàng trăm nghìn người định cư mới trong vùng trung nam Tây Tạng, họ đang đe dọa tàn phá hệ thống môi trường của vùng gieo trồng lúa  mạch phong phú bằng việc làm khô cạn hồ nước quan trọng của nó để sản xuất năng lực thủy điện.

 

THURMANNgài nghĩ điều gì sẽ làm cho những người Trung Cộng thay đổi chính sách của họ đối với Tây Tạng?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Sẽ cần hai việc:  thứ nhất, một giới lĩnh đạo Trung Hoa chỉ nhìn về phía trước thay vì nhìn quay lại, nhìn với một sự phối hợp với thế giới và quan tâm về cả công luận quốc tế và ý chí động lực của phong trào dân chủ của chính người Trung Hoa; thứ hai, một nhóm những lĩnh tụ thế giới lắng nghe những quan tâm của người dân của họ với sự quan tâm đến Tây Tạng, và nói một cách vững vàng đến người Trung Cộng về nhu cầu cấp bách của một hành động cho một giải pháp căn cứ trên sự thật và công lý.  Chúng tôi không có hai vấn đề ấy hiện nay, và vì thế tiến trình của việc mang hòa bình đến cho Tây Tạng bị  trì trệ.

 

Nhưng chúng tôi phải không được đánh mất niềm tin trong sức mạnh của sự thật.   Mọi thứ luôn luôn thay đổi trên thế giới.  Hãy nhìn vào Nam Phi, Liên Bang Sô Viết cũ, và Trung Đông.  Họ vẫn còn nhiều vấn nạn, củng cố lại cũng như những mũi nhọn chọc thủng vấn đề, nhưng một cách căn bản những thay đổi đã xảy ra đã được xem như không thể nghĩ đến trong một thập niên qua.

 

THURMANNgài nói về việc Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh sự theo đuổi có lý trí của sự thật.  "Ngài hướng dẫn đệ tử phán xét cặn kẻ những lời dạy của Ngài trước khi chấp nhận chúng.  Ngài luôn luôn chủ trương lý trí chứ không là tin tưởng mù quáng."  Đến từ một niềm tin cuối thế kỷ 20 rằng không có Chân Lý, chỉ có những sự thật tùy thuộc điều kiện, làm sao chúng ta tưởng tượng được những gì Đức Phật muốn nói về "chân lý" trong những thuật ngữ hiện đại?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Đức Phật đã nói về thực tại.  Thực tại có thể là một vấn đề, trong bản thể sâu xa nhất của nó, nhưng Đức Phật cũng nói về tất cả những vấn đề về thực tại chỉ là nhân duyên.  Thực tại là trống rỗng bất cứ sự xác định cố hữu có thể nắm bắt bởi bất cứ vấn đề đơn lẻ nào - đấy là những gì Đức Phật muốn nói bằng "tính không".  Do vậy, Đạo Phật mạnh mẽ phản bác niềm tin mù quáng và cuồng tín.

 

Dĩ nhiên, có nhiều sự thật khác nhau trên những mức độ khác nhau.  Những thứ là đúng tương đối đến những thứ khác; "dài" và "ngắn" liên hệ với mỗi thứ, "cao" và "thấp", v.v...  Nhưng có một chân lý tuyệt đối không?  Điều gì đấy tự đầy đủ, tự nó đúng đắn một cách độc lập?  Tôi không nghĩ như thế.

 

Trong Đạo Phật, chúng ta có khái niệm "những sự thật có thể giải thích được[1]" mà chúng hợp lý và thực tế đối với những người nào đấy trong những hoàn cảnh nào đấy.  Chính Đức Phật đã dạy những giáo huấn khác nhau đến những người khác nhau dưới những hoàn cảnh khác nhau.  Đối với những người nào đấy, có những niềm tin căn cứ trên một Đấng Tạo Hóa.  Đối với những người khác, không có tạo hóa.    "Chân Lý Tuyệt đối" đối với Đạo Phật là tuyệt dối phủ nhận bất cứ chân lý nào như một Chân lý Tuyệt Đối.

 

THURMANCó phải là bởi vì sẽ nguy hiểm nếu một tôn giáo xem như nó là chân lý duy nhất?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Vâng.  Tôi luôn nói nên có đa nguyên - khái niệm nhiều tôn giáo, nhiều chân lý.  Nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận để không trở thành hư vô chủ nghĩa.

 

THURMAN:  Ngài cảm thấy thế nào về tình trạng của thế giới khi chúng ta tiếp cận với thế kỷ 21?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Tôi lạc quan một cách căn bản.  Và tôi thấy bốn lý do cho sự lạc quan này.

 

Thứ nhất, vào  lúc bắt đầu của thế kỷ 20, người ta con người không bao giờ hỏi về tác động của chiến tranh, chẳng bao giờ nghĩ có thể có  hòa bình thật sự.  Bây giờ, người ta đã mệt mõi vì chiến tranh và thấy nó vô hiệu trong việc giải quyết bất cứ vấn đề gì.

 

Thứ hai, trước đây không lâu, người ta vẫn tin tưởng trong những lý thuyết, hệ thống, và những tổ chức để bảo vệ tất cả những xã hội.  Ngày nay, người ta đã từ bỏ những hy vọng như vậy và đã trở lại nương tựa trên cá nhân, trên tự do cá nhân, chủ động cá nhân, và sự sáng tạo cá nhân.

 

Thứ ba, con người đã một lần cho rằng các tôn giáo là lỗi thời và khoa học vật chất sẽ giải quyết tất cả những rắc rối của con người.  Bây giờ, họ đã ở mộng với chủ nghĩa vật chất và máy móc và đã nhận ra rằng khoa học tâm linh cũng cần thiết cho lợi ích của nhân loại.

 

Cuối cùng, trong buổi đầu của thế kỷ 20, người ta lãng phí tài nguyên và đổ tháo chất thải giống như không có giới hạn cho bất cứ điều gì, trái lại ngày nay ngay cả một đứa bé nhỏ nhất cũng quan tâm chân thành đến phẩm chất của không khí và nước cũng như những khu rừng và muôn thú.

 

Trong bốn điều quan tâm này có một ý thức mới trên thế giới, một sự nhạy cảm mới về thực tại.  Căn cứ trên đấy, tôi tin chắc rằng thế kỷ 21 sẽ tốt hơn thế kỷ 20.

 

THURMANNgài có thấy Tây Tạng là một bộ phận của thế kỷ mới ấy không?

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:  Dĩ nhiên, dĩ nhiên.  Chúng ta đang hoạt động một cách cần mẫn nhất như chúng ta có thể; chúng ta đang chuẩn bị cho chính mình một cách cẩn thận nhất như chúng ta có thể; chúng ta hoàn toàn quyết tâm để thực hiện sự cống hiến của  chúng ta đến thế kỷ tới.

 

Ẩn Tâm Lộ ngày 13/09/2011

http://www.mcllo.com/Interviews%20Dalai%20Lama%20Dharamsala%20%5BMcllo%5D.html

 


[1] Kinh Bất Liễu Nghĩa.

Theo: DPNN


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage