Phật Học Online

Nghìn Năm Một Thuở
Hạnh Chơn

Đối với Phật giáo, quy y tam bảo là bước đầu tiên vào đạo, là nền tảng của quá trình tu học Phật pháp. Tam quy và ngũ giới[3] là pháp hành trì căn bản nhất đưa đến an lạc giải thoát. Nếu không hành trì pháp căn bản này thì cơ sở nào để chứng minh rằng ‘ta hiểu và tu tập tốt’ như nhiều người biện minh.

Có lẽ không ai thắc mắc khi nói rằng để trở thành một học sinh của một trường học chính quy thì phải đăng ký ghi danh, trở thành nhân viên của một công ty chính thức thì phải đăng ký hồ sơ, trở thành đảng viên của một đảng phái chính trị thì phải kết nạp và tuyên thệ trung thành, trở thành tín đồ của tôn giáo nhất thần hay đa thần thì phải trải qua các nghi thức thâu nhận tín đồ do tôn giáo đó quy định. Cũng vậy, không ai thắc mắc khi nói rằng để trở thành một Phật tử đầy đủ, tín đồ Phật giáo cũng phải trải qua nghi thức Phật giáo được gọi là lễ quy y hay lễ truyền tam quy và ngũ giới. Vấn đề tưởng chừng như không cần thắc mắc ấy lại là một nghịch lý tồn tại trong Phật giáo. Một nghịch lý là có rất nhiều tín đồ Phật giáo muốn trở thành Phật tử nhưng lại ngại thọ tam quy và ngũ giới. Phải chăng Phật tử chưa hiểu lợi ích của việc quy y hay là lo sợ không giữ trọn giới khi đã thọ trì? Đâu là nguyên nhân cản trở Phật tử hướng đến con đường thánh thiện và làm cách nào để có thể tháo gỡ nghịch lý trên. Bằng cách nào để chứng minh rằng thọ tam quy và ngũ giới là cơ hội ‘nghìn năm một thuở’ mà Phật tử đang có và không thể bỏ qua. Đó là những câu hỏi đặt ra cho hàng Phật tử chúng ta để cùng suy ngẫm lời giải đáp.

Quy y là gì?

Câu hỏi này đã được giảng giải và phổ biến rất nhiều với sự nhất trí về nghĩa của từ quy y là quay về nương tựa. Quy y Phật tức là nương tựa Phật – bậc thầy chỉ đường dẫn lối đã giác ngộ và có đủ mười đức hiệu[1], là nương vào hình tượng Phật như là biểu tượng linh thiêng để khơi gợi nhớ đến công đức của Ngài mà hướng về tu tập cũng như để tỏ lòng tri ân sâu sắc. Nương tựa Phật cũng tức là nương tựa vào Phật tánh vốn có của mỗi người để từ đó nỗ lực hành trì mong đạt được tuệ giác như Phật. Quy y Pháp là nương tựa vào giáo pháp của đức Phật lưu lại trong ba tạng kinh, luật, luận để làm kim chỉ nam hướng đến con đường giác ngộ giải thoát vì pháp là bậc thầy – hiện thân của Phật như Kinh Đại Bát Niết Bàn chép. Biểu hiện của pháp là những đức tính từ, bi, hỷ, xả, vị tha, vô ngã, v.v….Quy y Tăng là nương tựa vào tập thể tăng thanh tịnh để được hướng dẫn đi trên con đường chân chánh hướng tới hạnh phúc an lạc. Quy y Tăng cũng có nghĩa là phát nguyện sống hòa hợp với mọi người xung quanh. Như vậy, quy y Phật, Pháp, Tăng tức là quay về nương tựa và đặt niềm tin chân chánh vào ‘ba ngôi báu’[2] để vững bước trên con đường hướng đến giác ngộ.

Tại sao phải quy y?

Một vấn đề được nhiều người đặt ra và tự hỏi là tại sao ta phải quy y cho bị ràng buộc, và tự phản biện rằng miễn ta hiểu và thực hành tốt là được rồi, không nhất thiết phải quy y mà không thực tập. Nghe qua câu nói ấy tưởng cũng logic và cũng có lý nhưng chính cái tưởng có lý ấy lại là tri thức sai lầm đã cản trở con đường trở thành Phật tử đầy đủ của tín đồ Phật giáo. Tại sao?

Như phần giới thiệu đã đề cập, chắc chắn rằng không ai thừa nhận ta trở thành một học sinh, một công nhân, một đảng viên v.v… nếu như ta không tuân thủ quy định bắt buộc. Cho dù ta có giỏi xuất chúng mà không nương vào khuôn phép thì cũng chỉ là người ngoài cuộc. Lý do tại sao chắc ai cũng rõ. Lại nữa, trong các tôn giáo đa thần như truyền thống của đạo Hindu (Ấn giáo), người con trai muốn trở thành người con thật sự trong dòng họ Vệ đà để có đầy đủ tư cách học kinh Vệ đà (kinh thánh của đạo Hindu) thì bắt buộc phải trải qua lễ upanayana (lễ công nhận người con trai sanh lần thứ hai tức sanh trong dòng Vệ đà, khác với lần thứ nhất do cha mẹ sanh), còn người con gái thông qua lễ cưới để được công nhận trở thành gia chủ, và có thể bước vào đời sống tâm linh. Trong truyền thống Cơ đốc giáo, các tín đồ đều phải trải qua lễ báp tít (baptism) để trở thành con chiên chính thức của giáo hội. Những dẫn dụ trên để chứng minh rằng các tổ chức xã hội hay truyền thống tôn giáo đều có những quy định về quyền lợi và bổn phận rõ ràng đối với người tham gia và đó cũng là cơ sở để xây dựng nên một tập thể kỷ cương và vững mạnh.

Đối với Phật giáo, quy y tam bảo là bước đầu tiên vào đạo, là nền tảng của quá trình tu học Phật pháp. Tam quy và ngũ giới[3] là pháp hành trì căn bản nhất đưa đến an lạc giải thoát. Nếu không hành trì pháp căn bản này thì cơ sở nào để chứng minh rằng ‘ta hiểu và tu tập tốt’ như nhiều người biện minh. Và tội gì khi ta có đủ tư cách để hành trì tam quy và ngũ giới một cách chính thức mà lại tu tập ‘không chính quy’ theo lời biện bạch. Cái chính quy chắc rằng tích cực hơn và hỗ trợ ta nhiều hơn so với cái không chính quy dù trong bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội huống gì đời sống tâm linh vốn rất cần gần gũi những bậc thầy lành, bạn tốt. Thế thì, có lý nào ta muốn trở thành Phật tử chân chánh mà không quy y; có lý nào ta muốn xây nhà ba tầng mà không muốn xây nền móng, chỉ muốn xây tầng thứ ba như ông trưởng giả trong Kinh Bách Dụ; có lý nào ta mong muốn hạnh phúc an lạc mà pháp hành trì cơ bản nhất cũng khước từ; và có lý nào ta đủ tự tin hướng đến giải thoát sanh tử mà không cần nương tựa tam bảo?

Rất nhiều bài kinh trong kinh bộ Nikaya[4] chép rằng, sau khi tiếp kiến, đàm luận hay cật vấn đức Phật, tất cả các vị vua chúa, đại thần, thương gia, thường dân, cho đến các vị lãnh đạo của các giáo phái khác đều thừa nhận giáo pháp của đức Phật hoàn thiện cả ba thời[5] và họ đều mong cầu được quy y. Đức Phật, trước khi chấp nhận, luôn khuyến khích họ nên giữ truyền thống gốc khi đã quy y và thực hành giáo pháp của Ngài. Tại sao các vị ấy lại khát khao quay về đạo Phật, và tại sao đức Thế Tôn dạy pháp quy y thay vì cứ để họ tự hiểu và hành theo ý họ?! Câu trả lời là vì giáo pháp của đức Phật thật sự đem lại an lạc cho họ, và đức Phật hiểu rõ rằng chỉ có thể thành tựu sự nghiệp giác ngộ giải thoát khi nương tựa vào tam bảo.

Quy y được lợi ích gì?

Thông thường, khi làm việc gì chúng ta đều có mục đích. Mục đích có thể là kết quả hướng đến, là lợi ích mà ta mong muốn đạt được. Lợi ích có thể là vật chất, địa vị danh vọng, là an lạc hạnh phúc, v.v... Lợi ích của sự quy y tam bảo theo Kinh Nhật Tụng hằng ngày ghi là khỏi đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh. Theo lời dạy của Hòa thượng Thích Thiện Hoa trong sách Phật Học Phổ Thông thì quy y tam bảo có 2 lợi ích là ‘khỏi đi lạc đường đời vào nơi tăm tối và Phật tử hành trì Phật pháp hiệu quả hơn vì sợ thất hứa với lời phát nguyện quy y dưới sự chứng minh của chư Phật và chúng Tăng.’ Còn theo theo bài viết của Đại đức Thích Giải Hiền thì quy y có 8 lợi ích là ‘1. Trở thành đệ tử của Phật, 2. Là nền tảng của việc thọ giới, 3. Có thể tiêu trừ nghiệp chướng, 4. Có thể tích tập phước đức to lớn, 5. Không đọa ác đạo, 6. Người và phi nhơn không thể làm hại, 7. Có thể thành công trong mọi việc lớn, 8. Có thể thành Phật.’ (www.buddhismtoday.com). Nói một cách tổng quát thì lợi ích của sự quy y là duyên lành để nương tựa chánh pháp, nương tựa thầy lành bạn tốt, để phát triển đời sống tâm linh, để cùng đi trên con đường thánh thiện, và tất yếu là để thoát khỏi ba ác đạo, sanh vào các thiện đạo.

Như một quy luật tự nhiên, lợi ích là động lực thúc đẩy người ta đi đến một quyết định có ý thức nhất thời hay lâu dài. Lợi ích vừa nêu trên có vẻ trừu tượng và không mấy hấp dẫn đối với những người thiên về thực dụng và nhất là giới trẻ ngày nay sống trong xã hội chạy đua hưởng thụ vật chất như ở Việt nam. Cái mà nhiều người mong muốn hiện nay là có nhiều tài sản, có địa cao, có quyền lực lớn, hưởng thụ thoải mái, và sự hứa hẹn hấp dẫn ‘làm ít hưởng nhiều, không tu cũng chứng’.

Nắm được tâm lý này, các tôn giáo đã phát động chiến dịch ‘nhập tịch thiên đường’ bằng cách vận động tài chánh qua những lời hứa hẹn sẽ ‘cấp visa’ sớm nếu như số tài khoản đóng góp càng cao. Những tài khoản này sẽ được dùng vào một chiến dịch khác là ‘mở rộng thiên đường và phát triển tín đồ’ cũng với những lời hứa hẹn hấp dẫn cộng thêm những món quà tương đối giá trị đối với những vùng xa xôi nghèo khó. Nếu như chiến dịch chỉ dừng lại ở đó thì không có gì phải bàn và nếu cần bàn thì phải khâm khen và khuyến khích những hoạt động như thế. Điều không may mắn là đằng sau hoạt động tốt đẹp ấy là một ‘đại dự án’ ít ai có thể ngờ, nhất là bà con ở những nơi xa xôi thiếu thông tin.

Đây thật sự là bài học quý giá để Phật giáo suy ngẫm về sự chăm sóc tín đồ và phương cách truyền bá chánh pháp của mình. Phật giáo hầu như thờ ơ trong việc quan tâm đến Phật tử. Sau khi các chùa truyền tam quy cho tín đồ rồi thì xem như là xong nhiệm vụ. Các chùa không biết mình đã truyền tam quy cho bao nhiêu Phật tử và bây giờ họ làm gì ở đâu, sống hay chết, còn là Phật tử hay cải đạo rồi. Hơn nữa, nhiều vị xem việc truyền tam quy cho tín đồ như là ban phát một ân huệ và tự nghĩ rằng Phật tử phải biết ơn này và phải có bổn phận trách nhiệm với chùa. Lẽ dĩ nhiên, người Việt nam vốn có đức tính tôn sư trọng đạo và luôn đề cao đạo lý ấy. Tuy nhiên, sau khi quy y có nhiều Phật tử không tìm học được nhiều ở chùa đã quy y nhưng lại tìm thấy có nhiều điều cần phải học từ các chùa khác. Do đó, họ tìm đến các đạo tràng tu tập để phát triển đời sống tâm linh. Khi biết tin những người Phật tử mình truyền tam quy đi các chùa khác tu tập, nhiều vị thầy đã không hài lòng và đôi khi có những cách hành xử làm Phật tử nản lòng. Thử hỏi nếu những vị ấy bỏ đạo đi theo các tôn giáo khác hay theo tà pháp thì sao? Tại sao ta không tạo điều kiện cho Phật tử tu học, không khuyến khích họ tìm học mà còn cản trở họ đi tham học? Vậy thì, Phật tử quy y hơn gì so với những Phật tử không quy y[6] nếu không muốn nói là có những trường hợp còn rắc rối thêm. Phải chăng đây là yếu tố góp phần cản trở tín đồ quy y?!

Nếu như mỗi ngôi chùa đều có chương trình chăm sóc tín đồ cơ hữu của mình, thì sự hấp dẫn của sự quy y đâu phải là nhỏ. Một cộng đồng Phật tử ở đó có thể hỗ trợ lẫn nhau từ vật chất đến tinh thần thì chẳng phải là mong ước của những người quy y ư?! Một cộng đồng Phật tử có thể giúp đỡ cho con em mình có công ăn việc làm, có cơ hội học tập đời sống đạo đức thì chẳng phải là hữu ích và hấp dẫn sao?! Những cộng đồng Phật tử ở những nơi thành phố khá giả có điều kiện mở rộng hỗ trợ đến các cộng đồng Phật tử ở các ngôi chùa thôn quê nghèo khó thông qua hình thức thiện nguyện, từ thiện, giao lưu chẳng phải là cách phổ biến Phật pháp hữu hiệu sao?! Đáng tiếc là những công tác này thực hiện theo hiện tượng mạnh ai nấy làm như thể là Bồ tát phá chấp, làm việc vô ngã vị tha. Kết quả là báo cáo hàng năm với những con số thật ấn tượng mà nhìn lại thành quả thì tỷ lệ nghịch với con số tín đồ Phật tử.

Giới và giới luật

Giới và giới luật có những trường hợp dùng chung với nhau nhưng cũng có trường hợp thì chỉ có giới mà không đề cập đến luật. Giới (sila) có nghĩa là đạo đức, đạo hạnh, là những điều học nhằm răn dạy con người nên và không nên làm gì để tránh tai họa và để đạt đến đời sống đạo đức thanh cao, giải thoát. Giới là những điều học nên có tính giáo dục, khuyến khích và không hề quy định bất cứ hình phạt cụ thể nào. Giới của hàng Phật tử tại gia không có tính bắt buộc phải tuân hành, không có hứa hẹn ban thưởng hay trách phạt khi thọ giới hay vi phạm giới. Phần thưởng hay hình phạt nếu có thì phải hiểu đó là quy luật nhân quả tự thân nó chiêu cảm chứ không phải một đấng tối cao nào quyết định.

Ngược lại, luật là những nội quy, những phép tắc, những điều lệ đưa ra để xử lý khi cá nhân hay tập thể nào vi phạm các giới. Luật trong Phật giáo chỉ áp dụng cho hành xuất gia chứ không hề áp dụng cho hàng cư cĩ tại gia. Lý do đơn giản là hàng xuất gia phát nguyện đời sống tập thể (Tăng) nên cần phải quy định phép tắc để xử lý nhằm ổn định tổ chức tập thể cho hòa hợp thanh tịnh. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta sử dụng từ giới luật cho hàng tỳ kheo, tỳ kheo ni, thức xoa ma na, sa di, sa ni ni trong khi chỉ sử dụng từ giới cho hàng cư sĩ tại gia. Trong hai từ giới luật bao gồm phần giới là những điều răn (cấm), những điều nên và không nên làm và phần luật quy định các hình thức xử lý, kỷ luật phù hợp tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Trong khi đó, chúng ta không tìm đâu ra những hình thức xử phạt do đức Phật quy định đối với hàng cư sĩ khi họ phạm giới. Chẳng hạn, một vị cư sĩ thọ tam quy và ngũ giới nhưng trong trường hợp nào đó, vị ấy phạm giới thì cũng không có ai nói rằng vị này không còn là Phật tử, và cũng không ai đưa ra bất cứ hình phạt cụ thể nào đối với vị ấy. Nếu có thì đó là những lời khiển trách nhắc nhở, khuyến tấn, động viên mang tính chất giáo dục hơn là kỷ luật. Đó là sự khác biệt giữa giới của hàng cư sĩ tại gia và giới luật của hàng xuất gia. Nhân đây, cũng cần nói thêm là trong xã hội người ta không dùng từ giới luật mà chỉ dùng từ luật (tất nhiên bao hàm nghĩa giới) hay luật pháp. Trong lúc giới luật Phật giáo có tính giáo dục cao thì luật pháp lại có tính răn đe bắt buộc và mang tính trừng trị cao. Phạm giới nặng nhất trong Phật pháp như giết người thì cũng chỉ là đuổi ra khỏi tăng đoàn, còn ngoài xã hội tội như thế sẽ bị xử chung thân hay tử hình.

Như vậy, Phật dạy truyền tam quy cho hàng cư sĩ là tạo duyên lành cho họ nương tựa ba ngôi báu để có cơ hội học hỏi và phát triển đời sống đạo đức, tâm linh và làm nền tảng cho sự giác ngộ giải thoát. Phật cũng dạy năm ngũ giới hay năm điều học là giúp định hướng cho hàng Phật tử con đường thánh thiện, con đường xa lìa ác pháp để có thể sống đời sống an lạc hạnh phúc đời này và đời sau. Phật dạy ngũ giới, giải thích sự lợi ích của việc tuân thủ chúng và sau đó khuyến khích hàng cư sĩ nên thọ trì chúng. Sau khi hiểu giá trị lợi lạc của tam quy và ngũ giới, hàng cư sĩ tự nguyện phát tâm thọ trì. Tuy nhiên, vì e có nhiều người không thể thọ trì trọn vẹn năm giới, Phật còn phương tiện cho phép họ có thể thọ từ một đến năm giới tùy theo sự phát nguyện. Việc thọ giới như thế được giải thích: nếu thọ 5 giới thì gọi là mãn phần, thọ 4 giới gọi là đa phần, thọ 3 giới gọi là bán phần, thọ 2 giới gọi là thiểu phần và thọ 1 giới gọi là nhất phần. (Thích Thiện Bảo, www.cusi.free.fr). Có thể nói đây là một sự khuyến khích tu học thật là từ bi, phương tiện của đức Phật.

Vấn đề phạm giới và tội

Trong năm giới, có những giới làm cho nhiều Phật tử cư sĩ phải đắn đo suy nghĩ khi phát tâm lãnh thọ vì sự e sợ không biết cách nào giữ cho trọn vẹn. Nếu Phật tử là nông dân, những người làm nghề chăn nuôi, chài lưới v.v…, thì xem ra giới thứ nhất khó lòng mà giữ cho trọn vẹn. Hoặc với những người kinh doanh buôn bán thì giới thứ hai, thứ tư dường như cũng là một trở ngại trong công việc của họ. Trong thâm tâm, nhiều người suy nghĩ rằng nếu thọ giới rồi mà không giữ được thì mang tội, sẽ bị đọa và do đó, họ cho rằng khi nào có thể giữ được sẽ thọ. Vậy là cái từ ‘khi nào’ ấy có thể đeo đuổi theo họ suốt cuộc đời mà không có cơ hội để thọ giới tu tập. Bởi lẽ, trên cuộc đời tương đối này làm gì có sự tuyệt đối để mà chờ đợi. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải hoàn toàn do Phật tử mà một phần do sự hướng dẫn quá lý tưởng của chư vị tăng ni.

Như trên đã nói, Phật tử sau khi thọ tam quy thì được khuyến khích thọ năm giới nhưng không phải bắt buộc thọ đầy đủ và nhất là phải giữ nghiêm mật. Nhiều Phật tử sau khi quy y xong lại ít đi chùa vì lý do như họ bộc bạch: ‘chúng con đến chùa nghe quý thầy cô dạy Phật pháp rất hay, dạy chúng con ăn chay niệm Phật giữ giới, không được sát sanh để phát triển lòng từ bi. Chúng con biết đó là điều tốt nhưng khổ nỗi chúng con làm nghề chăn nuôi, chài lưới. Nếu chúng con không sát sanh thì biết làm gì ăn, gia đình sẽ đói khổ. Mà tiếp tục nghề nghiệp thì cứ mỗi lần đến chùa là chúng con thấy áy náy, bất an. Do vậy, lâu lâu chúng con tới chùa lễ Phật cầu gia đình bình yên thì tốt hơn.’ Những lời tâm sự tương tự như thế không phải là hiếm trong cộng đồng Phật tử ngày nay. Việc ăn chay là cần thiết và rất được khuyến khích nhưng cũng không phải vì thế mà lý tưởng hóa nó nhất là đối với Phật tử còn phải kiếm kế sinh nhai. Trong hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, mọi thứ đều phụ thuộc vào nghề ít nhiều sát sanh mà bảo họ giữ giới không sát thì ngặt quá. Không lẽ bao nhiêu triệu Phật tử đang làm nghề trên biển, đang cày cấy trên đồng không còn cơ hội để quy y tu học bởi không thể giữ giới sát sanh chăng?

Đức Phật chế giới mục đích chính là hướng đến con người và vì con người. Trong các bài kinh, đức Phật từng phản đối việc các giáo phái giết hại sinh vật tế lễ, từng khuyên dạy các em nhỏ không nên giết hại sanh vật vì chỉ để vui đùa, nhưng chúng ta không thấy kinh ghi chép Phật đến các làng chài, thôn xóm khuyến khích dân chúng đừng đánh bắt hay giết hại để lấy thịt làm thức ăn. Rõ ràng, đức Phật hiểu rõ tính tương đối của cuộc sống nên không chấp nhận những lời đề nghị cứng nhắc của Đề-bà-đạt-đa trong đó có vấn đề ăn chay.[7] Đức Phật cũng thấy rõ căn cơ của chúng sanh nên mới có sự phân chia xuất gia và tại gia trong đó giới tại gia chiếm đa số. Điều đó cũng phù hợp với bản nguyện của đức Phật ‘thị hiện trên cõi đời này vì sự an vui và hạnh phúc của số đông’ và tất nhiên Ngài hiểu rõ đối tượng nhắm đến để giáo hóa là thành phần nào rồi.

Khái niệm tội thường gắn liền với cảm thọ đau khổ, bất hạnh trái với khái niệm phước tức được hưởng an vui, hạnh phúc. Tội được hiểu là kết quả những hành vi xấu ác, hay là nghiệp ác theo danh từ nhà Phật. Tội theo quan điểm Phật giáo và theo luật pháp có những điểm khác nhau. Theo luật pháp, bất cứ điều gì được thực hiện trái với quy định của luật hay bị cho là trái luật thì được xem như là phạm tội dù đó là hành động thiện. Cho nên mới có việc án sai, chạy tội, trốn tội, xử tội. Theo Phật giáo, tội tức là kết quả của nghiệp ác diễn tiến trong ba thời quá khứ, hiện tại và có thể tiếp tục trong tương lai chứ không chỉ xảy ra trong hiện tại. Nghiệp quả, do đó, diễn ra một cách công bằng với tất cả mọi người mà không phải do luật hay ai đó quyết định. Vì vậy, dù có phạm giới hay không phạm giới (do không thọ) khi gây nghiệp ác đều phải chịu quả báo như nhau. Ví như một người được cha dạy bảo nhưng không nghe và người không được ai dạy bảo cùng chơi với ma túy thì kết quả bị nghiện như nhau, không khác.

Phạm giới và tội có những trường hợp không là nhân quả với nhau. Ví dụ phạm những giới nhỏ mang tính tùy duyên như giới ăn phi thời, nắm giữ tiền bạc thì đâu có tội gì xét về bản chất nhân quả. Do đó, không phải lúc nào cũng đồng hóa cứ phạm giới là mang tội (tội ở đây phải hiểu theo nhân quả chứ không phải theo luật). Tuy nhiên, bốn giới đầu trong năm giới tại gia là tánh giới nên hễ ai có hành vi vi phạm thì đều nhận quả xấu bất luận là người theo hay không theo tôn giáo nào. Trường hợp này phạm giới và tội tác động lẫn nhau.

Nắm được tâm lý và xác nhận rằng con người là chưa hoàn hảo nên các tôn giáo đều có những hình thức giáo dục chuyển hóa tâm thức con người. Với những tôn giáo nhất thần cho thượng đế là tối thượng quyết định tất cả, thì hình thức giáo dục là ‘xưng tội, rửa tội’ tức là tín đồ khi phạm lỗi lầm thì đến gặp các đức cha – người được cho là thừa tác viên của tông đồ thánh trình bày tội lỗi để được thượng đế thương tình tha cho. Cách làm này ngày nay về mặt hình thức vẫn thế nhưng nội dung đã được điều chỉnh không khác gì cách thức sám hối của đạo Phật. Kết quả của sự kết hợp ấy đối phó được với những người ngoan đạo và cả trí thức, giúp trấn an được tâm lý lo lắng của tín đồ. Xét ở mức độ nào đó, họ đã thành công.

Nói về con người, đạo Phật dạy có hai hạng người mạnh nhất trên thế gian này: một là người không phạm lỗi gì, hai là người phạm lỗi mà biết sám hối. Xem ra hạng thứ nhất không hề có và chỉ có hạng thứ hai là hiện hữu. Sám hối trong đạo Phật là hình thức phát nguyện thay đổi thái độ và cách sống, không làm các điều ác đã làm và nguyện làm các điều lành để chuyển hóa tội lỗi. Lạy Phật sám hối không phải là đến xin Phật hay Bồ tát tha tội cho mà là cầu Phật chứng minh lòng thành sám hối của mình. Nghiệp ác – tội là bất định nên có thể thay đổi được và chính sự sám hối cùng với sự phục thiện của bản thân sẽ là nhân duyên để chuyển nghiệp. Đó là quá trình tu tập lâu dài và cần phải liên tục. Người Phật tử càng sám hối thì nghiệp chướng càng tiêu trừ và do đó pháp sám hối phải được xem như là phương pháp tu tập hơn là sự mặc cảm tội lỗi. Như vậy, nếu những Phật tử trong hoàn cảnh vẫn phải tạo nghiệp thì càng phải nên quy y và sám hối. Quy y vì vậy không những không cản trở, gây lo lắng mà còn là động lực thúc đẩy Phật tử hành thiện, đạt được an lạc hiện tại và tương lai.

Giải pháp và khuyến khích

Như đã trình bày, sau khi quy y xong Phật tử sẽ được truyền ngũ giới. Nếu ý chí Phật tử chưa vững mạnh thì khi truyền giới, giới nào trong năm giới mình cảm thấy không giữ được thì có quyền không thọ và như thế là giải quyết được tâm lý sợ phạm giới. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tức thời dành cho người sơ cơ mới vào đạo.

Đối với những Phật tử đã thọ đủ năm giới mà phạm giới vì nghề nghiệp thì phải thực hành pháp sám hối như đã trình bày ở trên. Nhờ tâm hướng thiện và phước báo do tu tập sẽ trợ duyên đưa đến quả an lành.

Để khuyến khích tín đồ quy y, nhà chùa nên có kế hoạch và chương trình chăn sóc tín đồ. Sau khi quy y, phải cấp thêm thẻ tín đồ (như là thẻ ngân hàng), cấp một quyển kinh với nội dụng căn bản dành cho Phật tử, một quyển sách giáo lý căn bản nhất. Dựa vào thể tín đồ, các chùa nên tổ chức các cộng đồng Phật tử để có thể khuyến khích con em Phật tử có cơ hội học hành, cơ hội việc làm, và tu tập. Khi đã hình thành các cộng đồng Phật tử có thể trợ giúp con em mình về công việc và giải trí thì lo gì mà không có giới trẻ tìm đến sinh hoạt.

Hiện nay, Việt nam có hình thức gia đình Phật tử rất đặc trưng và rất sáng tạo nhưng cũng chỉ hoạt động ở phạm vi nhỏ và thiếu những chương trình xã hội thực tế. Gần đây có thêm câu lạc bộ thanh niên Phật tử nhưng cũng chỉ sinh hoạt định kỳ, tự phát. Nên chăng chúng ta mạnh dạn thành lập các công ty sản xuất, kinh doanh của Phật tử, nhà hàng Phật tử, hội luật sư Phật tử, hội kiến trúc Phật tử, hội sinh viên, học sinh Phật tử, v.v…tạo thành cộng đồng Phật tử tham gia đủ mọi ngành nghề trong xã hội, vừa làm vừa tu dưới sự cố vấn của chư tôn đức và sự điều hành trực tiếp của những Phật tử cư sĩ. Những hội đoàn Phật tử như thế càng phát triển thì xã hội càng an tâm, và mong muốn.

Phật dạy: ‘nhơn thân nan đắc, Phật pháp nan văn’ tức thân người khó được Phật pháp khó nghe, và Kinh Pháp Hoa ví được làm thân người khó giống như ‘con rùa mù ở đại dương, một trăm năm nổi lên mặt nước một lần để tìm gặp khúc gỗ trôi’. Chúng ta may mắn đủ duyên làm người là điều khó thứ nhất đã được, nay gặp Phật pháp là điều khó thứ hai đã được, có nhân duyên nghe chánh pháp là điều khó thứ ba đã được. Vậy thì việc quy y tam bảo – nhân duyên ‘nghìn năm một thuở’ đã sẵn thì lẽ nào lại bỏ mất cơ hội. Thiết nghĩ, nước cờ đã đến không có lý do gì lại không tận dụng. Mong thay!

 


[1] Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

[2] Còn được gọi là ba viên ngọc báu

[3] Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không dùng chất kích thích độc hại.

[4] Tập hợp các kinh của truyền thống Phật giáo nam tông bằng tiếng Pali.

[5] Giáo pháp của đức Phật toàn bích hay hoàn thiện vì tốt đẹp ở chặng đầu, ở chặng giữa và ở chặng cuối.

[6] Nhiều người vẫn xưng là Phật tử nhưng không quy y

[7] Áp dụng cho hàng xuất gia trong bối cảnh Ấn độ lúc bấy giờ.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage