A. Dẫn nhập
Luân hồi là một thể tài rất sinh động và rất
quan tâm đối với con người. Chết rồi sẽ đi đâu về đâu? Tại sao sinh, rồi tái
sinh? Có cõi âm hay không? v.v... Ðó là những dấu hỏi lơ lửng trong tâm của phần
lớn nhân loại. Các nền tín ngưỡng và tôn giáo trên thế giới đều có những quan
niệm khác nhau về luân hồi. Riêng đối với Phật giáo, luân hồi không phải là một
giáo lý đặc thù, cũng không phải là một vấn đề triết học cơ bản, nhưng nó là một
sự thật hiển nhiên đối với những con người còn bị trầm luân trong sanh tử khổ
đau. Do đó, trong các kinh điển của cả Nam tạng và Bắc tạng đề thảng hoặc đề cập
đến các vấn đề luân hồi, như là một hiện tượng trôi chảy của những đời sống nối
tiếp nhau. Ðặc biệt là trong Bổn Sinh (Tiểu Bộ kinh) đã ghi lại các mẩu chuyện
tiền thân của Ðức Phật, như là một xác chứng hùng hồn về cuộc sống luân hồi của
vị đại Bồ tát.
B. Nội dung
I. Ðịnh nghĩa:
Luân hồi, tiếng Phạn là samsàra, có nghĩa là sự
chuyển sinh, sự chuyển tiếp, sự diễn tiến liên tục của những kiếp sống; và sự
chuyển sinh liên tục đó, thường được biểu thị bằng bánh xe (cakka) và được gọi
là bánh xe luân hồi (samsaracakka):
Chúng ta có thể hình dung bánh xe luân hồi như
là một "vòng tròn sinh sinh - hóa hóa" của đời sống của muôn loài
chúng sanh. Trên vòng tròn ấy, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết
thúc, và bánh xe ấy cứ quay mãi trong vòng trầm luân của sanh tử khổ đau cho đến
khi nào con người tu tập và đạt đến sự giải thoát tối thượng. Ðức Phật dạy:
"Ðêm dài đối với kẻ thức
Ðường dài
đối với kẻ mệt
Luân hồi
dài đối vớ kẻ ngu
Không biết
rõ chân diệu pháp"
II. Nội dung luân hồi:
Sau khi thành thạo đạo cội bồ đề, một trong những
tuyên ngôn (khải hoàn ca) đầu tiên của Ðức Phật đã được cất lên giữa dòng đời với
nội dung giải thoát vòng luân hồi - trầm luân, đã được ghi lại trong kinh tạng
như sau:
Trong lòng sống chết vô tận
Ta đi mãi
không dừng
Từ bào
thai này sang bào thai khác
Ðuổi theo
người chủ ngôi nhà
(trong
vòng luân hồi)
Chủ nhà !
Ta đã nắm được ngươi rồi
Ngươi
không cất nhà lại được
Cột kèo
đã gãy hết
Mái, rường
đã sụp đổ
Tâm lìa hết
tạo tác
Tất cả đã
diệt trừ xong
(giải
thoát khỏi vòng luân hồi). (Pháp cú - 153-154)
1. Luân hồi - tái sinh:
Qua bài kinh trên, chúng ta thấy rõ Ðức Phật
đã xác định sự thật về luân hồi một cách cụ thể qua hình ảnh tái sinh (từ bào
thai này sang bào thai khác). Tái sinh (reincarnation) là sự trở lại một đời sống
mới hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn hoặc như cũ trong lục đạo (trời, người, a tu
la, địa ngục, ngạ quy3, súc sinh) sau khi đã kết thúc một chu kỳ sống (life
cycles), hay cò gọi là thọ mạng đã hết - chết.
Thông thường, khi nói đến luân hồi - tái sinh,
trong phật giáo thường đề cập đến hai khái niệm cơ bản về sự sinh tử, đó là:
a. Chu kỳ sinh tử của từng sát na
b. Chu kỳ sinh tử của một đời sống
- Về chu kỳ sinh tử của từng sát na, vì nó diễn
ra quá nhanh chóng như sự sinh ra rồi mất đi của một làn chớp (điện chớp) mà
thuật ngữ Phật học gọi là "niệm niệm - sinh diệt" (sư5 sinh tử diễn
ra trong từng ý niệm), do đó vấn đề chỉ được bàn đến trên một bình diện cao
hơn, như trong thiền định, hoặc các cảnh giới của tâm thức v.v...
- Về chu kỳ sinh tử của một đời sống, do tính
cách giới hạn của một chu kỳ sống, nghĩa là có thể ghi nhận qua bốn giai đoạn:
sanh, lão, bệnh, tử và / hoặc sinh thành (sinh), tồn tại (trụ), biến chuyển (dị)
và hoại diệt (diệt) của một chúng sinh, nên chu kỳ này trở thành chủ đề trung
tâm khi nghiên cứu về luân hồi-tái sinh.
Theo quan điểm của Phật giáo, tất cả muôn loài
chúng sinh phải chịu sự chi phối của định luật vô thường. Ðối với con người, vô
thường chính là sự biểu hiện của sinh, lão, bệnh, tử của mỗi kiếp sống, và cứ mỗi
kiếp sống như thế đều được giới hạn bởi hai d9ầu sinh và tử. Tuy nhiên, sinh và
tử chỉ là sự bắt đầu và hoàn tất của một chu kỳ, Như thế, khi thân xác này hủy
hoại, cái gì sẽ tiếp tục tái sinh - mở đầu một kiếp sống mới? Ðây là then chốt
để tìm hiểu về luân hồi.
Kinh trung bộ (Majjhima Nikaya - 135), Ðức Phật
dạy rằng: "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, là quyến
thuộc của nghiệp; nghiệp là thai tạng mà đó con người được sinh ra".
Từ lời dạy trên, chúng ta thấy rằng nghiệp
(karma) luôn luôn có mặt cùng với sự có mặt của con người. Và khi chết, thì
thân thể vật lý này tan hoại, còn nghiệp vẫn còn tiếp tục trôi lăn theo dòng trầm
luân của nó (hoặc thiện nghiệp, hoặc ác nghiệp). Nhưng nghiệp không phải là
linh hồn bất tử để nối kết các kiếp sống, vì bản thân nó là vô ngã. Tuy nhiên,
chính nghiệp là cơ sở, là điểm trung tâm, để qua đó, vòng luân hồi xoay chuyển.
Vậy, nghiệp là gì?
Nghiệp là hành động có tác ý, hay hành động được
phát sinh từ tâm; và thông qua hành động của thân, miệng và ý mà nghiệp được
hình thành. Nói đến nghiệp là nói đến thiện ác trong tương quan nhân quả; và
trong mối tương quan đó, động cơ chính để kiến tạo nghiệp là tham , sân, si (ác
nghiệp) và ngược lại là không tham, không sân, không si (thiện nghiệp).
Từ đây, chúng ta thấy rõ rằng, chính tâm lý của
mình là cơ sở để tạo nên nghiệp của mỗi người. Con người là kẻ quyết định cái
nghiệp của mình - cái định nghiệp do mình tạo tác. Và cũng chính con người là kẻ
duy nhất có thể giải thoát mọi nghiệp lực của mình, đi ra khỏi vòng luân hồi
tái sinh.
2. Nghiệp và tái sinh:
Trong đạo Phật, nghiệp được trình bày gồm nhiều
loại, nhưng nghiệp cơ bản là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Về mặt tính
chất, nghiệp được phân thành bốn loại như sau:
a. Cực trọng nghiệp (weighty karma): nghiệp loại nặng như
giết cha mẹ, giết người v.v...
b. Tập quán nghiệp (habitual karma): nghiệp do thói quen
hình thành.
c. Tích lũy nghiệp (strored up karma): nghiệp do tích tụ từ
cuộc sông thường ngày.
d. Cận tử nghiệp (death-proximate karma): nghiệp lúc sắp chết.
Như đã trình bày, trong suốt vòng luân lưu của
sinh tử, tử sinh, từ đời sống này sang đời sống khác, nghiệp bao giờ cũng đóng
vai trò trung tâm của sự luân chuyển. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tái sinh
(reincarnation), thì cận tử nghiệp là điều kiệnn quan trọng nhất ảnh hưởng trực
tiếp đến sự tái sinh.Cận tử nghiệp, trên một góc độ nào đó, có thể nói là hệ quả
được cô kết trong suốt đời sống của một kiếp người; đồng thời, nó cũng là dòng
nghiệp thức mạnh nhất,thức đẩy thần thức của con người trước, trong hoặc sau khi
chết tìm kiếm một sự tái sinh.
Thông thường khi sinh tiền, con người làm lành
hay làm ác, các hành động (của thân, miệng ý) đó đều được lưu vào trong Tàng thức
(Alaya) như những hạt giống được gieo vào và nằm im trong lòng đất, cho đến khi
sắp chết hoăc chết, thân thể và các quan năng không còn hoạt động, lúc bấy giờ
chỉ có tâm thức hoạt động. tuy nhiên, tâm thức lúc đó không phải là tâm thức ở
trạng thái định tĩnh, tự chủ, linh hoạt v.v.., mà trái lại nó rơi vào trạng
thái bất tỉnh, hôn mê, hoảng hốt, phách lạc hồn xiêu ...Và ngay lúc bấy giờ, mọi
tạo tác của con người, hoặc thiện hoặc ác (còn gọi là thiện nghiệp hoặc ác nghiệp),
từ trong qua1 khứ (khi còn sống) sẽ tạo thành dòng nghiệp thức gồm những ý lực
cực mạnh để thôi thúc thần thức của con người đi tìm cảnh giiới tái sinh. Cần
lưu ý rằng, các tập quán, thói quen, nhất là sự luyê1n ái, chấp thủ khi còn sống
sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cận tử nghiệp. Do đó, nếu sống an lạc thì cũng chết an
lạc. Sống còn khổ đau vì tham, sân, si thì đương nhiên chết cũng khổ đau như thế.
Vì sống và chết chỉ xuất hiện trên một tiến trình, như thức và ngủ. Vì vậy, để
có sự giải thoát, ngay tại đây và bây ggiờ, cần phải luôn luôn hướng tâm đến với
sự xả ly thanh tịnh, xoá bỏ mọi sự tham ưa và bám víu. Thánh nhân có dạy rằng:
"Thế gian như một con thuyền, hãy đi trên nó chứ đừng mang vác...".
Từ một vài chi tiết trên, chúng ta thấy rằng sự
sống và sự che61t của con người có được an lạc hay không là tùy thuộc vào dòng
tâm thức của mỗi cá thể. Sau khi thọ mạng đã hết - chết, thì thân xác sẽ tan hoại,
nhưng dòng nghiệp thức (thần thức) sẽ tiếp tục đi vào các đời sống mới trong
sáu cõi: trời, người, a tu la , địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, tùy theo nghiệp
lực thiện hay bất thiện.
3. Nghiệp thức - sinh và tái sinh:
Theo kinh Trung Bộ (tập I), sự xuất hiện của
con người bao giờ cũng hội đủ 3 điều kiện: a. Cha mẹ có gaio hợp; b. Người mẹ
có thể thụ thai; và c. Phải có mặt nghiệp thức. Nếu không có mặt nghiệp thức
thì thai nhi không thể sống.
Về nghiệp thức (karmic consciousness), còn được
gọi là hương ấm, hay là Kiết sinh thức (Gandhabha). Khi điều kiện hội đủ và do
nghiệp chiêu cảm mà kiết sinh thức đi vào thai mẹ; lúc bấy giờ, Kiết sinh thư1c
cảm như là "ý niệm tối sơ; của một đời sống mới. Cho đến khi chết, cũng
dòng nghiệp thức ấy thúc đẩy tìm kiếm tái sinh, nên được gọi là "nghiệp dẫn
tái sinh". Thực ra, cả sự sinh và tái sinh đều được căn cứ trên dòng vận
hành của nghiệp thức. Và từ sinh cho đến tái sinh (sau khi chết), trong suốt
quá trình đó, đời sống của một sinh thể được hình thành qua cơ cấu của 12 Nhân
duyên: vô minh - duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc
duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ,
thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu não... (về
ý ngghĩa của 12 Nhân duyên, sẽ được giới thiện sau. Như vậy, 12 nhân duyên
chính là sự hiện hữu của con người. Và trong 12 Nhân duyên, các chi phần vô
minh, hành, thức và danh (sắc) là các yếu tố của nghiệp dẫn tái sinh.
4. Các quan niệm về chết và thân trung ấm:
Trong Nikàya đề cập đến sự chết cụ thể như
sau: thứ nhất là chết sắc thân đoạn diệt, hai là chết do thọ mạng đã hết, và do
nghiệp ở đời đã hết. Bên cạnh đó, còn có trường hợp chết đột ngột (bất đắc kỳ tử,
chưa đến lúc mà chết). Nhìn chung, sự chết được xem như là sắc thân (cơ thể) đã
đoạn diệt.
Một vấn đề khác nữa là trung ấm. Theo một số
chủ thuyết của Ðông sơn bộ, Chính lượng bộ thuộc Hữu bộ cho rằng, sau khi chết
và trước khi tái sinh, oở giữa đó là thân trung ấm (trung gian). Thời gian của
thân này là thời gia chuẩn bị tái sinh, nó kéo dài không quá 49 ngày (theo Thiết
Ma Ðạt Ða). Có thể do ảnh hưởng của không quá niệm này mà có tục lệ cúng thất -
thất trai tuần (7 x 7 = 49 ngày).
Tuy nhiên, theo Nikàya và A Hàm thì từ "tử
tâm" cho đến "kiết sinh tâm" chỉ diễn ra trong vòng một đến hai
sát na (tích tắc), do đó không cần có thân trung ấm (trung hữu).
Thật ra, theo người viết nhận định, thân trung
ấm cũng là một thân vi tế (tịnh sắc thân), một cảnh giới trong hằng hà sa thế
giới; và đương nhiên nó cũng vô thường, biến dị, cũng luân hồi sinh diệt. Vì thế,
không có gì mâu thuẫn giữa "tử tâm" và "kiết sinh tâm"
trong Nikàya với quan điểm có hay không có quan điểm sắc thân trung ấm. Vì lẽ,
thời gian 49 ngày cho một thân - thức đương nhiên không có gì vô lý khi tại trần
gian có những đời sống dài nhất chỉ một vài ngày, như loài muỗi mòng v.v...
5. Ðể có một sự chết trong thanh bình - an lạc:
Ðây là vấn đề trọng yếu của con người, Như đã
đề cập, sống và chết cũng như thức và ngủ, vậy thôi. Chúng ta không nên quan
tâm quá đáng về cái chết, vì ai cũng chết. Nhưng điều đáng quan tâm hơn là sống
và sống như thế nào để lúc chết được bình an. Vì lẽ đó, đối với Phật tử cần phải
sống giữ tâm linh trong sạch, đừng làm điều gì gây khổ đau cho chính mình và
cho kẻ khác, nhất là phải luôn luôn ý thức rằng cuộc đời là vô thường, "trần
gian này là chiếc cầu, hãy đi qua nó chứ đừng xây nhà trên nó". Cho đến
khi nào tâm được trong sạch, thanh bình, không còn luyến tiếc, không còn bám
víu vào bất cứ điều gì, dầu gia tài sự nghiệp, dầu vợ đẹp con ngoan v.v..., thì
khi đó sự chết của bạn như lên thuyền sang sông, giải thoát mọi khổ đau, chết
trong sự bình an phúc lạc. Ðức Phật dạy:
"Bỏ quá khứ, hiện tại và vị lai
Ðến bên
kia cuộc đời
Ý giải
thoát tất cả
Chớ vướng
bận sinh, gia, bệnh, chết"
C. Kết luận:
Tìm hiểu về luân hồi là để sống được an nhiên,
tự tại. Chúng ta không cố tìm gặp luân hồi, vì luân hồi đang trôi chảy ngay
trên thân của mỗi con người, như dòng máu luân lưu. Cái khổ đau nhất của người
đời là tham muốn và nắm giữ các đối tượng "của tôi" và của "cái
tôi thích, tôi yêu". Bạn có thể tập buông bỏ từ từ cái tâm lý tham muốn và
nắm giữ đó, nhưng nếu một mai...khi vô thường đến, thần chết đến hỏi bạn thì bạn
hãy ngay lập tức hướng tâm đến sự từ bỏ tất cả, sự không tham luyến tất cả, sự
thanh tịnh bình an, sự chánh niệm tỉnh giác; vì đó là điều kiện tối cần thiết
cho sự tái sinh vào một đời sống tốt đẹp hơn và cao cả hơn. Và để làm được điều
đó ngay bây giờ và ở đây, bạn hãy thực tập tư duy về vô thường - vô ngã.
"Ta còn để lại gì không
Kìa non
đá lở, nọ sông cát bồi
Lang
thang từ dộ luân hồi
Vô minh nẻo
trước xa xôi dặm về..."
(Vũ Hoàng
Chương)
Câu hỏi hướng dẫn ôn tập
1. Luân hồi là gì?
2. Cái gì thúc đẩy chúng sinh đi vào luân hồi?
3. Bạn hiểu như thế nào về thân trung ấm?
4. làm thế nào để thoát ly luân hồi sinh tử?
Nguồn TVHS