Trong khi sự thực không thể chối cãi được là người ta phải
trải qua tu tập để hiểu chân lý của Thiền, Lão sư Đại Vân cảm thấy rằng tâm trí
con người hiện đại quá biết là những bài giảng kiểu này chỉ có nghĩa như là
những điều sơ đẳng để thực hành cho những người mới bắt đầu. Người đã kết hợp
những cái hay nhất của mỗi phái và thiết lập một phương pháp dạy Thiền độc đáo.
Quý vị sẽ không tìm thấy được ở bất cứ nơi nào tại Nhật cách dạy Thiền
toàn bích và giản dị như vậy, rất phù hợp với khí chất của tâm trí con người
hiện đại, như tại tự viện của người. Là môn đệ của người trong khoảng hai mươi
năm, nhờ ân huệ của người, tôi đã có thể mở được con mắt TÂM của mình ở một mức
độ nào đó.
Trước khi bắt đầu các bài giảng của người, Lão sư Đại Vân đã
khuyên chúng ta hãy lắng nghe. Điểm thứ nhất là mọi người hãy lắng nghe với đôi
mắt mở rộng nhìn ông-nói cách khác, bằng toàn bộ con người mình vì ấn tượng chỉ
ghi nhận được qua cái nghe thông thường thì khá cạn cợt giống như nghe đài phát
thanh. Điểm thứ nhì, là mọi người phải lắng nghe các bài giảng thuyết này như
chỉ được nói cho mỗi một mình mình nghe vì một cách lý tưởng là như thế. Bản
tánh của con người là nếu có hai người cùng nghe, thì mỗi người chỉ cảm thấy có
một nửa trách nhiệm để hiểu và nếu có mười người cùng nghe, thì mỗi người cảm
thấy chỉ có một phần mười trách nhiệm. Song vì quý vị đông và đối với mọi
người, tôi cũng nói y như nhau, tôi yêu cầu quý vị đến thành từng nhóm. Song
quý vị phải lắng nghe như chỉ có mỗi một mình mình và chính quý vị phải tự mình
giải những gì đã nói.
Bài thuyết giảng này được chia thành mười một phần và sẽ được
trình bày trong khoảng tám buổi giảng. Bài thứ nhất lý giải về tọa thiền và các
phương pháp tu tập trực tiếp, bài kế nói về các khuyến cáo đặc biệt và những
bài sau nói về các vấn đề xuất hiện trong lúc tọa thiền cùng cách giải quyết
các vấn đề ấy.
Thực ra kiến thức về lý thuyết hay các nguyên tắc tọa thiền
không phải là một tiên đề để thực hành. Một người tu tập dưới sự hướng dẫn của
một bậc thầy có thực tài chắc chắn sẽ nắm được lý thuyết này theo mức đôï tu
tập chín muồi. Song người học ngày nay về mặt lý trí có khả năng biện biệt hơn
những người đi trước họ trong Thiền, sẽ không theo đúng các chỉ dẫn, trước tiên
họ phải biết lý do nằm phía sau các chỉ dẫn đó. Do đó tôi cảm thấy nên bàn các
vấn đề có tính cách lý thuyết. Song cái khó của lý thuyết thì vô cùng. Các kinh
điển Phật giáo, giáo lý Phật giáo và triết học Phật giáo không gì khác hơn là
những cách tri thức về tọa thiền và tọa thiền là minh chứng thực tiễn của những
cái ấy. Từ trong lãnh vực mênh mông này, bây giờ tôi rút ra những điều cốt yếu
nhất để quý vị thực hành.
Chúng ta bắt đầu với Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì chúng tôi nghĩ
rằng tất cả quý vị đều biết Ngài đã bắt đầu với con đường ép xác, chịu những
hành hạ và khổ hạnh, mà những người trước Ngài không
bao giờ dám thử, kể cả sự kiêng ăn lâu dài. Nhưng Ngài đã
không đạt được giác ngộ bằng các phương tiện này, suýt chết vì đói và kiệt sức
và đã nhận ra rằng theo đuổi một con đường chỉ có thể đưa đến cái chết là vô
ích. Vì thế, Ngài đã uống sữa cúng dường, dần dần lấy lại sức và quyết định
theo con đường trung dung giữa việc ép xác và tự do phóng túng. Từ đó, Ngài chỉ
sùng mộ tọa thiền đến sáu năm và kết quả vào một buổi sáng ngày mồng tám tháng
mười hai đúng trong khoảnh khắc chợt thấy sao mai lấp lánh trên bầu trời phương
Đông, Ngài đã đạt được giác ngộ viên mãn. Chúng ta tin tất cả điều ấy như một
sự thật lịch sử.
Trong các kinh điển Phật giáo, những lời Phật đã tự nhiên
thốt ra ngay lúc ấy, được ghi lại nhiều cách khác nhau. Theo kinh Hoa Nghiêm
(kegon), ngay lúc giác ngộ Ngài đã bất chợt kêu lên: "Kỳ diệu thay. Tất cả
chúng ta vốn là Phật, đều được phú cho trí tuệ và đức hạnh, song vì tâm con
người vướng kẹt trong vọng niệm nên không nhận ra điều ấy." Lời tuyên bố
đầu tiên của Phật về sự giác ngộ của Ngài dường như là một trong những điều
đáng sợ và đáng kinh ngạc nhất. Vâng, kỳ diệu thay tất cả loài người dù thông
minh hay ngu đôïn, nam hay nữ, đẹp hay xấu, cũng đều nguyên vẹn và đầy đủ như
họ vốn vậy. Nói như thế có nghĩa là bản tánh mọi người vốn không tỳ vết, toàn
hảo, không khác với bản tánh của Phật A Di Đà hay bất cứ một vị Phật nào khác.
Tuyên bố đầu tiên này của Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là kết luận cuối cùng của
Phật giáo. Song con người bất an và lo âu, sống cuộc sống dở điên dở dại vì tâm
mình, bị phủ cứng lớp vỏ mê hoặc nặng nề, trở nên điên đảo. Vì thế chúng ta cần
trở về với cái toàn hảo xưa nay của mình để thấy qua hình ảnh hư dối của chính
mình là bất toàn và tội lỗi và đánh thức cái tánh thanh tịnh và toàn hảo vốn có
của mình.
Phương tiện hữu hiệu nhất để thực hiện được điều ấy là tọa
thiền. Không những chỉ một mình Phật Thích Ca Mâu Ni mà nhiều môn đệ của Ngài
cũng đã đạt giác ngộ qua tọa thiền. Hơn nữa, trong suốt 2.500 năm, từ khi Phật
diệt độ, vô số tín đồ ở Ấn độ, Trung hoa và Nhật bản, bằng cách nắm lấy cái
chìa khóa này, đã giải đáp cho chính mình câu hỏi nền tảng: "Sống và chết
là gì?" Ngay cả ngày nay cũng có nhiều người đã có thể vứt cả âu lo, phiền
não và tự giải thoát mình qua tọa thiền.
Giữa Như Lai (tức một đức Phật đã viên thành tối thượng) và
chúng ta, những con người thường, trong bản chất không có gì khác nhau hết. Cái
"Bản chất" này có thể ví với nước. Một trong những đặc tính nổi bật của
nước là tính thích nghi, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Chúng ta cũng có cái
tánh thích nghi như thế, nhưng vì sống ràng buộc và xiềng xích trong sự ngu
muội không biết bản tánh chân thực của mình, nên chúng ta đã đánh mất sự tự do
này. Theo thí dụ này, có thể nói rằng tâm của một đức Phật giống như nước yên
lặng, sâu và trong sáng như pha lê, trên đó mặt trăng chân lý phản chiếu đầy đủ
và toàn hảo. Mặt khác, tâm con người giống như nước đục luôn luôn bị các cơn
lốc vọng niệm khuấy động và không còn có thể phản chiếu mặt trăng chân lý được
nữa. Mặc dù mặt trăng vẫn chiếu sáng trên sóng, nhưng nước đã bị vẩn đục nên
không thể thấy ánh sáng phản chiếu. Vì thế chúng ta đưa đời sống của mình đến
chỗ thất bại và vô nghĩa.
Làm sao chúng ta có thể đem mặt trăng chân lý soi sáng đầy đủ
cuộc sống và nhân cách của mình? Trước hết chúng ta cần phải làm cho nước ấy
trong sạch, làm lặn những con sóng đang dâng lên bằng cách làm cho những cơn
gió tư tưởng biện biệt ngừng lại. Nói cách khác, chúng ta phải làm cho tâm mình
trống không, những gì kinh Hoa Nghiêm gọi là "niệm tưởng của con
người." Đa số người ta đánh giá cao tư tưởng trừu tượng, nhưng Phật giáo
đã chứng minh rõ ràng là tư tưởng biện biệt nằm nơi gốc rễ mê hoặc. Có lần tôi
đã nghe người nào đó nói: "Tư tưởng là tâm bệnh của con người." Theo
quan điểm Phật giáo, điều này hoàn toàn đúng. Hẳn nhiên tư tưởng trừu tượng có
ích khi được vận dụng một cách khôn ngoan-nói thế có nghĩa là, khi người ta
hiểu đúng bản chất và giới hạn của nó-nhưng bao lâu con người còn nô lệ vào lý
trí, bị nó xiềng xích và kiểm soát thì chừng ấy cũng có thể gọi là bệnh được.
Tất cả mọi tư tưởng, dù cao cả hay thấp hèn đều bất định và
vô thường, chúng đều có khởi đầu và kết thúc, dù cho chúng chỉ thoáng hiện và
điều này cũng đúng với tư tưởng của một thời đại, hay của một cá nhân. Trong
Phật giáo, tư tưởng được nói đến như là "dòng sinh tử." Điều quan
trọng là tiếp tục phân biệt vai trò của tư tưởng nhất thời với các khái niệm cố
định. Những ý niệm ngẫu nhiên thì tương đối không độc hại, nhưng các ý thức hệ,
các tín ngưỡng, các quan niệm và quan điểm, không kể kiến thức thực tế, tích
lũy ngay từ lúc mới sinh (chúng bám chặt vào chúng ta) đều là những cái bóng
làm u tối ánh sáng chân lý.
Bao lâu những cơn gió tư niệm còn tiếp tục khuấy động nước Tự
Tánh, chừng ấy chúng ta vẫn chưa phân biệt được cái thật với cái không thật. Do
đó bắt buộc chúng ta phải làm cho những cơn gió ấy yên lặng. Một khi gió lặng
thì sóng im, bùn lắng và chúng ta thấy ngay rằng mặt trăng chân lý chưa từng
không chiếu sáng. Giây phút nhận ra như thế gọi là kiến tánh, tức là ngộ, là
hiểu rõ bản thể chân thật của Tự Tánh. Không giống như các khái niệm luân lý và
triết học, vì chúng có thể thay đổi, nội kiến chân thật không thể biến mất
được. Bấy giờ, lần đầu tiên, chúng ta có thể sống với sự bình an và cao quý bên
trong, thoát khỏi sự bối rối và bất an, và hòa hợp với hoàn cảnh chung quanh.
Về mấy vấn đề này tôi đã nói một cách vắn tắt, nhưng tôi hy
vọng rằng tôi thành công trong việc truyền đạt đến quý vị tầm quan trọng của
tọa thiền.
Bây giờ chúng ta hãy nói về thực hành.
Bước đầu tiên là chọn một căn phòng yên tĩnh để ngồi. Hãy
trải một tấm đệm hay một tấm nệm mềm vừa phải, vuông vức khoảng một thước, trên
nệm đặt một cái đệm nhỏ tròn, đường kính khoảng ba tấc để ngồi, hoặc dùng một
tấm nệm vuông gấp đôi lại. Tốt hơn là không nên mặc quần dài hay mang vớ, những
thứ này có thể cản trở cách xếp đặt đôi chân và đôi bàn chân. Vì một số lý do,
tốt nhất là ngồi theo tư thế kiết già, ngồi tư thế kiết già, quý vị đặt bàn chân
phải lên trên đùi trái và bàn chân trái lên trên đùi phải. Điểm chính của
phương pháp ngồi này là thiết lập một chơn đế rộng, vững chắc với đôi chân khóa
lại và hai đầu gối chạm xuống nệm, quý vị sẽ đạt được sự ổn định tuyệt đối. Với
thân bất động như thế, tư tưởng sẽ không bị các cử động của thân kích động và
tâm dễ trở nên yên tĩnh hơn.
Nếu thấy khó ngồi theo tư thế kiết già vì đau đớn, hãy ngồi
theo tư thế bán già, tư thế này chỉ cần đặt bàn chân trái lên trên đùi phải
thôi. Đối với vị nào không quen ngồi xếp chân, ngay cả tư thế này cũng không
duy trì được dễ dàng. Có lẽ quý vị thấy khó giữ yên hai đầu gối trên nệm và
thỉnh thoảng sẽ phải đẩy một trong hai đầu gối xuống cho đến khi chúng nằm yên
ở đó. Trong cả hai tư thế, tư thế kiết già và bán già, bàn chân đặt bên trên có
thể đổi ngược khi hai chân cảm thấy mỏi.
Đối với những ai thấy thực không thể thích nghi được với hai
tư thế này, có thể ngồi theo tư thế cổ truyền của Nhật bản là ngồi trên hai gót
và hai bắp chân. Tư thế này có thể duy trì trong một thời gian lâu hơn nếu có
tấm đệm mông đặt giữa hai gót và hai mông. Lợi thế của tư thế này là cái lưng
có thể giữ thẳng đứng dễ dàng. Tuy nhiên, nếu tất cả các tư thế ấy đều tỏ ra
đau nhiều, quý vị có thể dùng một cái ghế.
Bước kế tiếp là giữ yên bàn tay phải trong lòng, lòng bàn tay
để ngửa lên và đặt bàn tay trái, lòng bàn tay cũng để ngửa lên, trên lòng bàn
tay phải. Đầu hai ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau để tạo thành một vòng tròn dẹp
với hai lòng bàn tay và hai ngón tay cái. Bấy giờ, phía thân bên phải là cực
dương, phía thân bên trái là cực âm. Do đó, trong lúc thực hành chúng ta ép bên
dương bằng cách đặt bàn tay trái và bàn chân trái lên bàn tay phải và bàn chân
phải, như thế là trợ giúp đạt độ ổn định cao nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn một
tượng Phật, quý vị sẽ thấy vị trí của các bộ phận này trái ngược lại. Ý nghĩa
của sự trái ngược này là một đức Phật, khác với tất cả chúng ta, đang tích cực
dấn thân vào việc cứu độ.
Sau khi xếp chân xong, hãy nghiêng thân mình tới trước để đẩy
hai mông ra, rồi chầm chậm đưa thân mình trở về tư thế thẳng đứng. Cái đầu phải
thẳng, nếu nhìn từ bên hông, tai phải ở trên một đường thẳng với vai và chót
mũi phải thẳng đường với rốn. Thân mình từ eo trở lên dường như không có trọng
lượng, không có sức ép hay sự căng thẳng. Hãy giữ cho mắt mở và miệng ngậm,
chót lưỡi phải chạm nhẹ phía sau hàm răng trên. Nếu nhắm mắt, quý vị sẽ rơi vào
trạng thái hôn trầm và mơ mộng. Tia nhìn phải hạ thấp mà không tập trung vào
bất cứ vật gì một cách đặc biệt. Kinh nghiệm cho thấy rằng tâm yên tĩnh nhất
với mệt nhọc hay căng thẳng ít nhất, khi mắt ở tư thế hạ thấp này.
Cột xương sống lúc nào cũng phải thẳng. Đây là lời khuyên
quan trọng. Khi thân trầm trệ không những chỉ vì sức ép đặt trên các cơ quan
bên trong, can thiệp vào chức năng tự do của chúng, mà còn vì các đốt xương
sống do sự tác động lên thần kinh có thể gây ra những căng thẳng loại này hay
loại khác. Vì thân và tâm là một, nên bất cứ sự suy yếu nào các cơ năng sinh lý
đều khiến cho tâm vướng kẹt và như thế làm giảm thiểu tính sáng láng và sự quy
nhất của nó mà những cái này thiết yếu cho sự tập trung có hiệu quả. Theo quan
điểm sinh lý thuần túy, sự thẳng đứng như cột cờ hoặc một tư thế nặng nề đều
không đáng ưa thích, vì một cái phát xuất từ kiêu hãnh vô ý thức, và một cái từ
tự ty, hèn hạ và cả hai đều đặt nền móng nơi cái ta, nên chúng đều là chướng
ngại cho sự giác ngộ.
Hãy chú ý giữ đầu cho thẳng, nếu nó có khuynh hướng nghiêng
tới nghiêng lui hoặc nghiêng qua một bên, nếu cứ giữ nó như vậy trong khoảng
thời gian lâu đáng kể thì kết quả có thể bị vẹo cổ.
Khi đã lập được một tư thế đúng, hãy hít một hơi thật sâu,
giữ lại một chút, rồi thở ra chầm chậm và lặng lẽ. Hãy lặp lại như thế vài ba
lần, luôn luôn thở bằng mũi. Sau đó hãy thở tự nhiên. Khi đã quen thì một hơi
hít sâu lúc đầu cũng đủ. Bây giờ, hãy nghiêng thân mình, trước tiên sang bên
phải, nghiêng hết sức thì thôi, rồi nghiêng sang trái, khoảng bảy tám lần, bắt
đầu bằng những vòng cung lớn, rồi những vòng cung nhỏ hơn cho đến khi thân mình
trở về yên nghỉ ở chính giữa một cách tự nhiên.
Bây giờ quý vị đã sẳn sàng để nhiếp tâm. Có nhiều phương pháp
nhiếp tâm tốt do những người đi trước trong thiền truyền lại. Phương pháp dễ
nhất cho những người mới bắt đầu là đếm hơi hít vào và hơi thở ra. Giá trị của
bài thực tập đặc biệt này nằm ở chỗ tất cả mọi suy lý bị loại bỏ và tâm phân
biệt được yên nghỉ. Như thế những cơn sóng tư tưởng phân biệt lắng xuống và tâm
dần dần trở nên quy nhất. Khởi đầu đếm cả hơi hít vào và hơi thở ra. Khi hít
vào, quý vị hãy tập trung vào "MỘT" và khi thở ra hãy tập trung vào
"HAI" như thế cho đến mười, lại tiếp tục như trước, chỉ đơn giản thế
thôi.
Như tôi đã nói, các ý niệm thoáng qua thay đổi bất thường một
cách tự nhiên trong tâm thì tự chúng không phải là chướng ngại. Không may, điều
này thường không được nhận ra. Ngay cả những người Nhật đã học và thực hành
Thiền đến năm năm hoặc lâu hơn, cũng có nhiều người hiểu lầm tu Thiền là chận
đứng ý thức. Thực ra cũng có một kiểu tọa thiền nhằm mục đích chỉ làm như vậy,
nhưng đó không phải là tọa thiền truyền thống của Phật giáo Thiền. Quý vị phải
hiểu rõ rằng dầu có chăm chú đếm hơi thở đến đâu, quý vị cũng vẫn nhận thức
được những gì xảy ra ở trong tầm mắt mình, vì mắt mở, quý vị sẽ nghe những âm
thanh thường ngày, vì tai mình không bị bịt lại. Vả lại đầu óc quý vị không
buồn ngủ nên nhiều ý niệm sẽ lướt đi qua lại, lui, tới trong tâm. Bây giờ chúng
sẽ không cản trở hay giảm thiểu hiệu quả của tọa thiền, trừ phi quý vị cho
chúng là tốt rồi bám vào đó hoặc nhất định chúng là xấu rồi cố ngăn chận hay loại
bỏ, không nên xem bất cứ một nhận thức hay một cảm xúc nào là chướng ngại cho
tọa thiền, cũng không nên theo đuổi chúng. Tôi nhấn mạnh điểm này: "theo
đuổi" ở đây có nghĩa là bằng hành đôïng nhìn, tia nhìn của quý vị vẩn vơ
nơi các vật, bằng chiều hướng nghe, sự chú ý nơi âm thanh và bằng tiến trình
suy tư, tâm quý vị sẽ bám vào các ý niệm. Nếu quý vị tự do cho phép mình xao
lãng trong những cách thức như thế thì sự tập trung vào sự đếm hơi thở sẽ bị
trở ngại. Tóm lại, hãy để các ý niệm bất chợt xuất hiện và biến mất như vậy,
đừng ve vãn chúng và cũng đừng cố trục xuất chúng, mà chỉ tập trung toàn bộ
năng lực mình vào việc đếm hơi thở ra và vào thôi.
Khi kết thúc một thời ngồi, không nên đứng dậy ngay, mà phải
bắt đầu đưa mình qua lại, trước tiên bằng những cái đưa qua đưa lại nhỏ, rồi
lớn hơn, khoảng năm sáu lần. Quý vị quan sát sẽ thấy rằng những cử đôïng trong
bài tập này trái ngược với những cử đôïng quý vị đã làm lúc mới bắt đầu tọa
thiền. Hãy đứng dậy chậm chậm và im lặng bước đi vòng quanh với những người
khác, đi như thế gọi là KINH HÀNH (Kinhin), một hình thức tọa thiền đi.
Kinh hành, thực hiện bằng cách đặt nắm tay phải với ngón cái
bên trong lên ngực và lòng bàn tay trái phủ bên ngoài nắm tay phải trong khi
hai cùi chỏ giữ theo góc thẳng, giữ cho hai cánh tay trước thành đường thẳng và
thân thẳng đứng với đôi mắt giữ yên tại một điểm cách trước hai bàn chân khoảng
hai thước. Đồng thời tiếp tục đếm hơi thở ra vào khi quý vị bước đi chầm chậm
quanh phòng. Bắt đầu bước bàn chân trái trước và bước đi như thể bàn chân lún
sâu xuống sàn nhà, gót chân xuống trước rồi các ngón chân xuống sau. Bước trầm
tĩnh và đều đặng với sự ổn định và trang nghiêm, không nên bước đi một cách lơ
đãng và tâm phải khẩn trương như khi tập trung đếm hơi thở. Nên thực hiện kiểu
đi này ít nhất năm phút sau mỗi lần ngồi hai mươi hoặc ba mươi phút.
Quý vị nên biết rằng đi như thế là tọa thiền di động Lâm Tế
và Tào Động thực hiện kinh hành hơi khác nhau. Trong phương pháp Lâm Tế, bước
đi nhanh và mạnh trong khi theo truyền thống Tào Động thì bước đi chậm và nhàn
nhã, thực tế trong mỗi hơi thở quý vị chỉ bước tới khoảng một tấc rưỡi. Thầy
tôi, Lão sư Đại Vân bênh vực cách đi dung hòa giữa hai lối đi kể trên và đó là
cách đi chúng ta đang thực hành ở đây. Hơn nữa phái Lâm Tế úp bàn tay trái lên
trên nắm tay phải, trong khi theo truyền thống Tào Đôïng thì bàn tay phải úp
lên nắm tay trái. Lão sư Đại Vân cảm thấy phương pháp của Lâm Tế úp bàn tay
trái lên trên thích đáng hơn và vì thế ông đưa nó vào lối dạy của ông. Bây giờ,
dù cho việc đi này làm hai chân bớt tê cứng, luyện tập như thế chỉ được coi là
kết quảû phụ không phải là mục đích chính của kinh hành. Do đó, vị nào đang đếm
hơi thở nên tiếp tục đếm và vị nào đang tham công án nên tiếp tục tham trong
lúc kinh hành.
Bài thứ nhất đến đây là hết. Quý vị hãy tiếp tục đếm hơi thở
như tôi đã chỉ cho đến khi quý vị lại đến trước tôi.
2. NHỮNG LỜI KHUYÊN CẦN THIẾT
TRONG TỌA THIỀN
Đây là bài nói thứ nhì. Bây giờ tôi muốn quý vị thay đổi bài
tập thở một chút. Hồi sáng tôi đã bảo quý vị đếm "MỘT" khi hít vào và
"HAI" khi thở ra. Từ đây về sau tôi muốn quý vị chỉ đếm
"MỘT" lúc thở ra như thế một hơi thở đầy đủ (hít vào và thở ra) sẽ là
"MỘT." Đừng đếm hơi hít vào, chỉ đếm "MỘT," "HAI"
và "BA" và cứ như thế lúc thở ra.
Nên tọa thiền đối mặt với một bức tường, một tấm màn hoặc một
cái gì khác đại loại như thế. Đừng ngồi quá xa cũng đừng dí mũi vào tường.
Khoảng cách lý tưởng là từ bảy tấc đến chín tấc. Vả lại cũng đừng ngồi chỗ nào
mà quý vị có thể nhìn quanh quẩn vì nó dễ làm ta sao lãng, hoặc nơi nào có thể
nhìn ra một phong cảnh đẹp hấp dẫn, vì nó sẽ quyến rũ quý vị bỏ tọa thiền để
ngắm nhìn. Trong quan hệ này, điều quan trọng là phải nhớ rằng dù cho mắt mở
quý vị cũng đừng thực sự cố nhìn. Vì tất cả các lý do ấy, khôn nhất là quay mặt
vào tường. Tuy nhiên, nếu quý vị bất chợt phải tọa thiền theo nghi thức trong
một ngôi chùa Lâm Tế, quý vị sẽ không có sự chọn lựa nào cả mà chỉ ngồi quay
mặt vào nhau vì đây là thói quen đã thành nếp trong phái này.
Bắt đầu, nếu có thể, hãy chọn một căn phòng vừa yên tĩnh vừa
sạch sẽ và ngăn nắp, một căn phòng mà người ta có thể xem là tôn nghiêm. Quý vị
có thể hỏi: có thể tọa thiền trên một cái giường có chiều dài bằng căn phòng,
sạch và không ồn ào có tiện không? Đối với những người có sức khỏe bình thường thì
câu trả lời là "không," có một số lý do tại sao khó giữ tâm ở trạng
thái khẩn trương đặc biệt trên một cái giường. Một người bị bệnh nằm liệt trên
giường dĩ nhiên không có sự chọn lựa nào cả.
Có lẽ quý vị sẽ thấy rằng những âm thanh tự nhiên như tiếng
côn trùng kêu, tiếng chim hót hay tiếng nước chảy không quấy rầy mình, cũng như
tiếng gõ nhịp của cái đồng hồ hay tiếng bình bịch của chiếc xe gắn máy. Song
những tiếng động thình lình như tiếng máy hay phản lực gầm, làm chói tai. Nhưng
quý vị có thể lợi dụng các âm thanh nhịp nhàng được. Thực tế, một môn sinh của
tôi đã đạt được giác ngộ bằng cách lợi dụng tiếng đập lúa đều đặn trong lúc tọa
thiền. Những âm thanh đáng đề phòng nhất là tiếng người nói hoặc nghe trực tiếp
hoặc nghe qua đài phát thanh hay vô tuyến truyền hình. Vì thế, khi bắt đầu tọa
thiền quý vị nên tìm một căn phòng cách xa những âm thanh như thế. Tuy nhiên,
khi đã ngồi chín muồi thì không có một thứ tiếng ồn ào nào có thể quấy rầy quý
vị được.
Ngoài việc giữ phòng sạch sẽ và ngăn nắp, quý vị nên trang
trí thêm hoa và thắp nhang, vì những thứ này, bằng cách truyền một cảm giác về
sự thanh tịnh và thánh thiện, khiến cho quý vị dễ kết hợp mình với tọa thiền và
như thế tâm dễ bình tĩnh và hợp nhất tâm nhanh hơn. Hãy mặc đơn giản, sự phục
sức thích nghi cho quý vị một cảm giác trang nghiêm và thanh tịnh.
Tốt hơn, không nên mặc quần áo ngủ vào buổi chiều, trừ phi
trời nóng và một câu hỏi có thể được đặt ra: hoặc tọa thiền trong bộ quần áo
ngủ hoặc chẳng mặc gì cả có được không? Dầu sao cũng phải mặc quần áo ngủ.
Nhưng quý vị phải tự giữ mình sạch sẽ và ngăn nắp.
Phòng không nên sáng quá hoặc tối quá. Nếu phòng sáng quá,
quý vị có thể căng một tấm màn thẫm, hoặc là ban đêm, quý vị có thể dùng một
bóng đèn nhỏ. Ảnh hưởng của một căn phòng tối cũng y như quý vị nhắm mắt vậy;
nó làm mọi vật trầm trệ. Điều kiện tốt nhất là ánh sáng hoàng hôn. Hãy nhớ tọa
thiền Phật giáo không nhằm mục đích làm tâm không hoạt động mà nhằm làm tâm yên
tĩnh và hợp nhất trong hoạt động.
Một căn phòng lý tưởng là không nóng quá vào mùa hè và không
lạnh quá vào mùa đông. Hành hạ thân xác không phải là mục đích của tọa thiền,
vì thế không cần thiết phải chiến đấu với cái cực nóng hay cực lạnh. Tuy nhiên
kinh nghiệm cho thấy rằng, người ta có thể tọa thiền khá hơn khi cảm thấy hơi
mát, một căn phòng quá nóng dễ khiến người ta buồn ngủ. Song khi nhiệt tâm tọa
thiền trở nên sâu hơn, tự nhiên quý vị sẽ không quan tâm đến lạnh hay nóng nữa.
Nhưng phải biết giữ gìn sức khỏe cho mình là khôn.
Kế tiếp chúng ta hãy bàn đến thời gian tốt nhất để tọa thiền.
Đối với người hăng say và quyết chí thì bất cứ lúc nào trong ngày và mọi mùa
trong năm đều tốt như nhau. Nhưng đối với những người bận việc hay vì nghề
nghiệp, thì sáng hay chiều cũng đều là thời gian tốt nhất, hay cả hai thì còn tốt
hơn nữa. Cố gắng ngồi buổi sáng, tốt hơn là trước bữa điểm tâm, và ngay trước
khi đi ngủ vào buổi tối. Nhưng nếu chỉ có thể ngồi một lần thôi - ít nhất một
lần một ngày, quý vị nên xét xem công đức tương đối của sáng và chiều. Mỗi buổi
có cái lợi và cái bất lợi của nó. Nếu quý vị thấy buổi sáng và buổi chiều cũng
tốt như nhau và hỏi tôi nên chọn buổi nào (vì chỉ có thể ngồi mỗi ngày một
lần), tôi sẽ nói buổi sáng, vì buổi chiều quý vị có thể bị làm gián đoạn. Như
thế, buổi sáng - dù ở thành phố - vẫn yên tĩnh hơn buổi chiều rất nhiều, vì
đường phố ít xe cộ hơn. Hơn nữa, vì buổi sáng quý vị đã được nghỉ ngơi và bụng
hơi đói, đây là điều kiện tốt cho tọa thiền; trong khi buổi chiều, quý vị đã
mệt lại vừa ăn cơm chiều, quý vị có thể bị trầm trệ hơn. Vì khó mà tọa thiền
với cái bao tử đầy, tốt hơn không nên ngồi ngay sau bữa ăn khi quý vị là người
mới bắt đầu. Tuy nhiên, tọa thiền trước bữa ăn vẫn lợi hơn. Khi nhiệt tâm phát
triển thì ngồi trước, sau hay ngay trong lúc ăn cũng chẳng thành vấn đề.
Mỗi lần tọa thiền nên ngồi bao lâu? Không có luật chung nào
hết vì nó thay đổi tùy theo mức độ nhiệt tâm cũng như trưởng thành của sự tu
tập. Đối với những người mới học, thời gian càng ngắn càng tốt. Nếu quý vị ngồi
một cách sùng mộ năm phút mỗi ngày trong một hay hai tháng, rồi hãy tăng thời
gian ngồi đến mười phút hoặc lâu hơn tùy theo mức phát triển nhiệt tâm của
mình. Khi có thể ngồi với tâm khẩn trương giả sử trong ba mươi phút mà không
thấy đau đớn hay khó chịu, quý vị sẽ có cảm giác an lạc do tọa thiền đem lại và
sẽ muốn thực hành đều đặn. Vì các lý do ấy, tôi khuyên những người mới bắt đầu
ngồi hãy ngồi những thời gian ngắn hơn. Mặt khác, nếu quý vị tự cưỡng bách mình
ngồi những thời gian dài ngay từ lúc mới bắt đầu, thì sự đau đớn ở hai chân rất
có thể không chịu đựng nổi trước khi đạt được tâm yên tĩnh. Như thế quý vị sẽ
chóng chán tọa thiền, cảm thấy nó lãng phí thời giờ hoặc quý vị cứ nhìn đồng hồ
luôn. Cuối cùng, quý vị sẽ không thích tọa thiền nữa và bỏ ngồi luôn, đây là
điều thường xảy ra. Bây giờ dù cho quý vị ngồi chỉ khoảng hai mươi phút mỗi
ngày, thì cũng có thể bù lại sự ngắn ngủi ấy bằng cách tập trung kịch liệt vào
việc đếm mỗi hơi thở, như thế sẽ gia tăng được hiệu quả. Quý vị không nên đếm
một cách lơ đãng hoặc máy móc tựa hồ như làm một bổn phận.
Dù cho khả năng quý vị có thể ngồi một giờ hoặc lâu hơn thế
với một cảm giác cực kỳ yên tĩnh, hãy giới hạn thời gian mỗi lần ngồi chừng ba
mươi hay bốn mươi phút là khôn. Thông thường không nên tọa thiền lâu hơn khoảng
thời gian ấy cho mỗi lần ngồi, vì tâm không thể duy trì lâu năng lực và sự khẩn
trương và do đó giá trị của sự ngồi sút giảm. Dù có nhận ra hay không, sự giảm
sút dần dần trạng thái tập trung kịch liệt của tâm vẫn xảy ra. Vì lý do này,
tốt hơn nên thay đổi một thời gian ngồi ba mươi hay bốn mươi phút với một vòng
tọa thiền đi. Theo kiểu này, người ta có thể tọa thiền trọn ngày hay cả tuần lễ
với kết quả tốt. Tuy nhiên càng tiếp tục tọa thiền, thời gian để tọa thiền càng
tăng. Thực tế người ta có thể lợi dụng thêm vào nếp sinh hoạt này bằng những
thời kỳ lao động tay chân. Không cần nói, quý vị cũng biết phải giữ tâm mình ở
trạng thái ý thức rõ ràng trong lúc lao động tay chân như thế và không để tâm
lơi lõng hay trầm trệ.
Xin nói một chút về thức ăn. Tốt hơn, không nên ăn nhiều hơn
tám mươi phần trăm khả năng quý vị. Tục ngữ Nhật có câu: "Tám phần bao tử
no nuôi sống con người, hai phần kia no nuôi thầy thuốc." Cuốn "Tọa
thiền dụng tâm ký" (Zazen Yojinki) biên soạn khoảng 650 năm qua, cũng
khuyên chúng ta nên ăn khoảng hai phần ba khả năng mình. Tác phẩm ấy còn bảo
chúng ta nên chọn các thứ rau bổ dưỡng (dĩ nhiên ăn thịt không thuộc truyền
thống Phật giáo và vào thời viết cuốn "Dụng tâm ký," điều ấy bị cấm)
như khoai tây, mì, mận chua, nấm và ngó sen. Sách ấy cũng khuyên dùng nhiều thứ
rong biển có độ dinh dưỡng cao và lưu lại cho cơ thể chất kiềm. Bây giờ chúng
tôi không có thẩm quyền nói về các sinh tố, khoáng chất và calories, nhưng thực
tế đa số người ngày nay ăn các món ăn hàng ngày tạo ra quá nhiều chất acid
trong máu và thủ phạm chính trong vụ này là thịt. Hãy ăn nhiều rau thuộc các
loại kể trên vì chúng có chất kiềm. Ngày xưa có cách ăn kiêng âm-dương
(yin-yang). Dương là chất kiềm và âm là chất acid và các sách xưa bảo rằng các
món trong bữa ăn hàng ngày không nên dương quá hay âm qua. Thực ra đây là điều
tôi vừa mới nói.
Có ý kiến cho rằng khi ngồi nên có một cuốn tập và cây bút
chì để trước mặt để ghi chép, bởi vì các nội kiến thay đổi sẽ lóe lên trong tâm
và quý vị sẽ nghĩ: "Ta phải ghi lại cái này kẻo quên mất." Những quan
hệ trước kia không hiểu được, giờ đây bỗng nhiên được soi sáng và những vấn đề
khó khăn sẽ được giải quyết cái rụp. Nếu không ghi ngay, chúng sẽ làm phiền quý
vị và như thế nó làm trở ngại sự tập trung của quý vị.
3- NHỮNG THỊ KIẾN VÀ CẢM GIÁC HƯ VỌNG
Đây là bài nói thứ ba. Trước khi bắt đầu tôi sẽ chỉ cho quý
vị một phương pháp tập trung mới. Thay vì đếm hơi thở ra như từ trước tới giờ,
quý vị hãy đếm "MỘT" trên hơi hít vào thứ nhất và "HAI"
trên hơi thở hít vào kế tiếp và cứ như thế cho đến mười. Cách này hơi khó đếm
hơn hơi thở ra, vì tất cả hoạt động tinh thần và thể xác đều được thực hiện vào
lúc thở ra. Chẳng hạn, ngay trước khi vồ mồi các con thú đều thở ra một cái.
Nguyên tắc này cũng được biết nhiều trong kiếm đạo (Kendo) và nhu đạo (Judo), ở
đó người ta dạy rằng hãy quan sát thật kỹ hơi thở của đối thủ trước khi tấn
công. Vì bài tập này khó, quý vị phải thực tập như một phương tiện nhiếp tâm
nữa của mình. Cho đến khi quý vị đến trước tôi trở lại, hãy tập trung đếm hơi
hít vào không phải đếm lớn mà chỉ trong tâm mà thôi.
Ma Cảnh (Makyo) là những hiện
tượng ảo kiến, ảo tưởng, tưởng tượng, mật khải, cảm giác hư huyễn mà người tọa
thiền hay trải qua ở một giai đoạn đặc biệt trong khi ngồi. MA là "độc
hiểm," CẢNH là "thế giới khách quan." Do đó ma cảnh là những hiện
tượng quấy rầy "tác hại" đối với một người trong lúc tọa thiền. Chúng
chỉ trở thành chướng ngại nghiêm trọng đối với sự tu tập khi người ta không
biết rõ thực chất của chúng và bị chúng quyến rũ.
Từ ma cảnh được dùng theo cả hai nghĩa chung và riêng. Nói
rộng, toàn bộ cuộc sống của một người thường không gì khác hơn là một ma cảnh.
Ngay các Bồ Tát như Văn Thù và Quan Âm, dù đã phát triển cao độ, song vẫn còn
dấu vết của ma cảnh, nhưng nếu các vị ấy thành Phật vô thượng thì hoàn toàn
thoát khỏi ma cảnh. Vì thế, quý vị biết, ngay cả sau khi đã ngộ cũng vẫn còn ma
cảnh, nhưng chúng ta không đi vào khía cạnh đó trong các bài nói này.
Theo nghĩa riêng, số ma cảnh có thể xuất hiện thực là vô hạn,
thay đổi tùy theo nhân cách, tính khí của người ngồi. Trong kinh Lăng Nghiêm
(Ryogon) Phật cho biết năm mươi hai loại khác nhau, nhưng dĩ nhiên Ngài chỉ đề
cập đến những ma cảnh thông thường nhất. Nếu quý vị theo dự một khóa nhiếp tâm
kéo dài từ năm đến bảy ngày và thực hành cần mẫn liên tục, vào ngày thứ ba là
quý vị có thể sẽ kinh nghiệm ma cảnh ở nhiều mức độ khác nhau. Ngoài các ma
cảnh liên quan đến thị giác, có nhiều ma cảnh liên quan đến cảm giác như: sờ,
mó, ngửi, nghe hoặc đôi lúc chúng làm cho thân thể bỗng nhiên di động qua lại,
lui tới hoặc nghiêng qua một bên hoặc dường như bị chìm xuống hay nhô lên. Cũng
thường hay có trường hợp bỗng nhiên bật ra lời nói không thể kiểm soát được
hoặc hiếm khi hơn, có người tưởng tượng mình đang ngửi một mùi thơm đặt biệt.
Cũng có khi hoàn toàn vô thức, người ta viết ra những điều mà về sau đúng sự
thật như tiên tri.
Thường nhất là ảo ảnh thị giác. Trong khi quý vị đang tọa
thiền với đôi mắt mở thì bỗng nhiên các lằn gợn của chiếc đệm lót trước mặt nhô
lên thụt xuống như những gợn sóng hoặc bất ngờ mọi vật trước mắt bỗng hóa trắng
hay đen hết. Một cái mắt gỗ trên cánh cửa bỗng nhiên hóa thành con dã thú, con
quỷ hay một thiên thần. Một môn đệ của tôi thường hay thấy cảnh mặt nạ - mặt nạ
quỷ hay mặt nạ hề. Tôi hỏi anh ta đã từng có kinh nghiệm đặc biệt nào về mặt nạ
không và hóa ra lúc còn bé anh ta đã xem mặt nạ trong một buổi lễ ở Kyushu. Tôi biết có một người khác cực kỳ phiền muộn
trong lúc thực hành vì các ảo ảnh Phật và các đệ tử của Ngài vừa đi vòng quanh
Ngài vừa đọc kinh, và người ấy chỉ có thể đánh tan được ảo ảnh này bằng cách
nhảy ùm vào một thùng nước lạnh như nước đá trong vài ba phút.
Nhiều ma cảnh liên quan đến thính giác. Một người có thể nghe
tiếng đàn dương cầm hoặc tiếng ồn náo như tiếng nổ thật lớn (mà không ai khác
nghe thấy) và đã nhảy dựng lên thật sự. Một môn đệ của tôi luôn luôn nghe tiếng
sáo trúc vi vu trong lúc tọa thiền. Nhiều năm trước anh ta đã học chơi sáo,
nhưng đã bỏ lâu rồi, song khi anh ta ngồi thiền, tiếng sáo vẫn đến.
Trong "Tọa thiền dụng tâm ký," chúng ta thấy
có nói đến ma cảnh trong những lời sau: "Thân có thể cảm thấy nóng hoặc
lạnh, hoặc như gương hoặc cứng hoặc nặng hoặc nhẹ. Sở dĩ có như thế là vì hơi
thở không được điều hòa (với tâm) và cần phải được điều hòa thật kỹ." Rồi
tiếp: "Người ta có thể trải qua cảm giác chìm hay nổi hoặc có thể cảm giác
thấy mơ hồ hay linh mẫn sắc bén. Người môn đệ có thể phát triển khả năng nhìn
thấy xuyên qua các vật rắn tựa như chúng trong suốt, hoặc người ấy có thể thấy
thân thể mình như một chất trong suốt. Người ấy có thể thấy các Phật và Bồ Tát.
Các nội kiến thông suốt có thể đến với người ấy, hoặc những đoạn kinh khó hiểu
bỗng nhiên trở nên rõ ràng sáng sủa. Tất cả những thị kiến và cảm giác bất
thường này chỉ là dấu hiệu của sự bất toàn phát xuất từ sự điều chỉnh sai lệch
của tâm với hơi thở."
Các tôn giáo và môn phái khác đều để lại cả kho tàng vĩ đại
những kinh nghiệm liên quan với các thị kiến về Thượng Đế hay tiếng nói từ trên
trời, thực hiện các phép lạ và nhận các thông điệp thần linh, hoặc trở thành
thanh tịnh qua nhiều nghi thức khác. Chẳng hạn trong phái Nhật Liên (Nichiren),
người tín đồ hô to và nhiều lần tên kinh Liên Hoa kết hợp với các hành động
mạnh mẽ của thân và cảm thấy rằng mình nhờ đó tẩy sạch những ô nhiễm. Ở một
bình diện khác, những cách làm như thế đem lại cảm giác sung mãn, song theo
quan điểm của Thiền tất cả đều là trạng thái bệnh hoạn hoàn toàn không có ý
nghĩa tôn giáo đích thực và vì thế chỉ là những ma cảnh.
Thế thì thực chất của những hiện tượng quấy phá mà chúng ta
gọi là ma cảnh ấy là gì? Chúng là những trạng thái tinh thần nhất thời xuất
hiện trong lúc tọa thiền khi khả năng tập trung của chúng ta phát triển đến mức
độ nào đó và sự thực hành đang bắt đầu chín muồi. Khi các cơn sóng vọng niệm
đầy vơi trên bề mặt lớp thức thứ sáu đã phần nào lắng xuống, các yếu tố tồn lưu
của các kinh nghiệm quá khứ "chứa" trong các lớp thức thứ bảy và thứ
tám nổi lên mặt một cách rời rạc, truyền cái cảm giác về một thực thể vĩ đại
hay rộng lớn hơn. Tùy lúc, ma cảnh là một hỗn hợp của cái thực và cái không
thực, không phải không giống các giấc mộng thông thường chỉ vì các giấc mộng
không xuất hiện trong giấc ngủ say và chỉ xuất hiện trong lúc nửa thức nửa ngủ,
vì thế ma cảnh không đến với những người đang tập trung cao độ hay nhập đại
định. Đừng bao giờ để bị chúng quyến rũ mà nghĩ rằng chúng là thật hoặc có ý
nghĩa nào đó. Thấy một cảnh đẹp về một vị Bồ Tát, không có nghĩa là mình sắp
thành Bồ Tát, điều này cũng tựa như nằm mộng thấy mình trở thành triệu phú,
không có nghĩa là khi tỉnh mộng mình sẽ giàu có. Do đó, không có lý do để phấn
khởi vì các ma cảnh như thế. Cũng vậy, dù cho quỷ dữ xuất hiện cũng không có lý
do gì để sợ. Trước hết, đừng để mình bị cám dỗ bởi những cảnh thấy Phật hay
Thần ban phúc, hoặc truyền cho thông điệp mật khải linh thiêng, hoặc bởi các ma
cảnh có liên quan đến các tiên tri hóa thành sự thật. Theo đuổi một cách ngu
ngốc những cái không đem lại kết quả gì chỉ là phung phí năng lực của mình.
Nhưng những ma cảnh như thế chắc chắn là dấu hiệu báo cho
biết quý vị đang ở tại một điểm sinh tử trong việc ngồi của mình và nếu dốc hết
sức lực bình sinh thì chắc chắn sẽ chứng kiến tánh.
Truyền thống nói rằng ngay cả Phật Thích Ca Mâu Ni cũng trải
qua vô số ma cảnh mà Ngài gọi là "ma chướng." Bất cứ lúc nào ma cảnh
xuất hiện quý vị chỉ cần làm ngơ không thèm biết đến chúng và cứ tiếp tục ngồi
với tất cả năng lực của mình.
4- NĂM LOẠI THIỀN
Bây giờ tôi sẽ nêu năm loại thiền khác nhau. Trừ phi biết
phân biệt các loại ấy, quý vị có thể lầm những điểm quyết định như ngộ có cần
thiết cho Thiền hay không hoặc Thiền có nói đến sự vắng bặt tư tưởng phân biệt
và những điều đại loại như thế không. Sự thật có nhiều kiểu Thiền, có cái sâu,
có cái nông, có cái đưa đến ngộ có cái không.
Người ta nói rằng trong thời Phật có đến chín mươi hay chín
mươi lăm trường phái triết học hay tôn giáo khác nhau. Mỗi trường phái có kiểu
Thiền riêng và mỗi kiểu hơi khác với kiểu kia.
Tất cả các tôn giáo lớn đều hàm chứa Thiền ở một mức độ nào
đó vì tôn giáo cần cầu nguyện cần nhiếp tâm. Các giáo lý của Khổng Tử, Mạnh Tử,
Lão Tử và Trang Tử, tất cả đều có yếu tố Thiền riêng. Thực ra, Thiền bao hàm
nhiều hoạt động khác nhau của đời sống như trà đạo, kịch Noh, kiếm đạo, nhu
đạo... Ở Nhật bắt đầu thời Duy Tân Minh Trị, ngót một trăm năm qua và tiếp tục
cho đến nay, đã phát sinh một số giáo lý và môn phái mang các yếu tố Thiền.
Trong đó, tôi có thể kể Hệ Thống Tĩnh Tọa của Okada, một phương pháp tu dưỡng
thân tâm. Gần đây một Tempu Nakamura đã hăng hái bênh vực cho một hình thức
Thiền Yoga Ấn độ. Tất cả những phương pháp nhập định khác nhau này, hầu như vô
số đều xuất hiện dưới cái đầu đề Thiền rộng rãi. Tốt hơn hết, hãy cố gắng xếp
loại tất cả, tôi sẽ đề cập năm phân loại chính của Thiền như đã được Thiền sư
Khuê Phong (Keiho) một trong những Thiền sư xuất hiện rất sớm ở Trung hoa đưa
ra mà cách xếp loại tôi cảm thấy vẫn còn giá trị và hữu ích. Chỉ có một số dị
biệt nhỏ trong cách xếp chân, tay hoặc điều hòa hơi thở, nhưng có ba yếu tố cơ
bản chung cho tất cả: một tư thế ngồi thẳng đứng, kiểm soát thở cho đúng và
nhiếp tâm. Tuy nhiên, những người mới bắt đầu cần nhớ rằng trong bản chất và
mục đích các loại Thiền này có những điểm khác nhau rõ rệt. Những điểm khác
nhau này rất quan trọng đối với quý vị, khi từng quý vị đến nói nguyện vọng của
mình với tôi, vì chúng sẽ giúp quý vị có thể xác định rõ ràng mục đích của mình
và như vậy tiện cho tôi trong việc chỉ định riêng cho từng vị phương pháp tu
nào thích hợp hơn.
Loại thứ nhất trong các loại ấy chúng tôi gọi là Thiền
Phàm phu (Bompu) hay của người thường đối lại với bốn loại kia, có thể cho
rằng mỗi loại là một loại Thiền đặc biệt thích hợp với mục đích riêng của từng
cá nhân khác nhau. Thiền Phàm phu hoàn toàn không chứa một nội dung triết lý,
hay tôn giáo nào, dành cho tất cả mọi người. Ấy là thứ Thiền thực hành thuần
túy vì tin rằng nó có thể cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể xác. Vì hầu như
chắc chắn không có một kết quả xấu nào, nên bất cứ ai cũng có thể thực hiện
được, dù người ấy có theo hay không theo tín ngưỡng nào. Thiền Phàm phu sẽ loại
bỏ các bệnh về tâm sinh lý và cải thiện sức khỏe nói chung.
Qua thực hành Thiền Phàm phu, quý vị sẽ biết tập trung và
kiểm soát tâm. Chưa bao giờ xảy ra chuyện đa số người ta cố thử kiểm soát tâm
mình và không may phương pháp huấn luyện cơ bản này bị bỏ rơi ngoài chương
trình giáo dục hiện thời, nó không phải thành của cái gọi là thu thập kiến
thức. Song không có nó, khó mà giữ lại được những điều đã học, bởi vì chúng ta
học không đúng cách, trong quá trình chúng ta đã lãng phí nhiều năng lực. Kết
quả chúng ta sẽ què quặt thực sự trừ phi biết cách hạn chế tư tưởng và tập
trung tâm lực. Hơn nữa bằng cách thực hành phương pháp luyện tâm rất tuyệt diệu
này, quý vị sẽ thấy mình tiến bộ, có thể chống lại được những cám dỗ mà trước
kia đã đánh ngã mình và có thể cắt đứt được các sợi dây từ lâu ràng buộc mình.
Sự phong phú về nhân cách, sự mạnh thêm về cá tính đương nhiên sẽ theo sau vì
ba yếu tố cơ bản của tâm - tức lý trí, tình cảm và lý trí - phát triển một cách
hài hòa. Việc ngồi tĩnh tọa thực hành trong đạo Khổng dường như nhấn mạnh chủ
yếu các hiệu quả này của sự nhiếp tâm. Tuy nhiên, còn một điều nữa là Thiền
Phàm phu, mặc dù có ích nhiều trong việc tu tập hơn là đọc vô số sách đạo đức
và triết học, vẫn không thể giải quyết được vấn đề nền tảng của con người và
mối tương quan của con người và vũ trụ. Tại sao? Vì nó không thể phá vỡ được
cái mê hoặc cơ bản về chính mình của hạng người thường là mình rõ ràng khác với
vũ trụ.
Loại thứ hai trong năm loại Thiền gọi là Ngoại đạo
(Gedo). Ngoại đạo nghĩa đen là "Con đường bên ngoài" và như thế, theo
quan điểm Phật giáo, nó ám chỉ các giáo lý khác với Phật giáo. Ở đây chúng ta
có một loại Thiền có quan hệ với tôn giáo và triết học nhưng không phải là
Thiền Phật giáo. Yoga của Ấn độ, phép tĩnh tọa của Khổng giáo, các phép chiêm
bái thực hành trong đạo Kitô, tất cả đều thuộc phạm trù Thiền Ngoại đạo.
Một khía cạnh khác của Thiền Ngoại đạo là nó thường được thực
hành để luyện các năng lực hoặc kỹ năng siêu nhiên khác nhau nào đó ở ngoài tầm
mức người thường. Một thí dụ tốt thuộc loại này là Tempu Nakamura, người mà tôi
đã nhắc trên kia. Người ta kể rằng ông ta có khả năng bảo người khác cử động
bắp thịt hoặc nói thành lời mà không có mặt ông ta ở đó. Mục đích của phương
pháp Emma là biểu diễn những kỹ xảo ngoạn mục, như đi chân trần trên những lưỡi
kiếm bén hoặc nhìn những con chim sẻ khiến chúng trở nên tê liệt. Tất cả những
trò biểu diễn kỳ diệu này là kết quả của sự tu luyện định lực (Joriki) là sức
mạnh hay năng lực phát sinh cùng với sự thực hành nhiếp tâm kịch liệt, mà tôi
sẽ nói chi tiết hơn sau. Ở đây tôi chỉ nhắc quý vị nhớ rằng một thứ Thiền mà
mục đích chỉ nhằm tu luyện định lực với các mục tiêu như thế, không phải Thiền
của Phật giáo.
Một mục tiêu nữa mà Thiền Ngoại đạo nhằm thực hành là để được
tái sinh nơi các cõi trời khác nhau. Một vài môn phái Ấn độ giáo như chúng ta
biết thực hành Thiền để tái sinh nơi cõi trời. Đây không phải là đối tượng của
Thiền Phật giáo. Trong khi người Phật giáo Thiền không tranh luận các khái niệm
về các tầng trời khác nhau, về niềm tin rằng một người có thể được tái sinh ở
các nơi ấy, qua sự thực hiện mười loại đạo hạnh mà chính người ấy không mong
ước tái sinh nơi cõi trời. Các điều kiện ở đó rất thích thú và dễ chịu, vì thế
người ấy rất dễ bị cám dỗ từ bỏ tọa thiền. Vả lại khi công đức ở cõi trời suy
cạn, người ấy rất có thể bị rơi xuống địa ngục. Vì thế, người Phật giáo Thiền
thích được sinh nơi cõi người hơn và thích thực hành tọa thiền với mục đích tối
hậu là thành Phật.
Tôi sẽ dừng lại ở đây và bài nói kế sẽ kết thúc về năm loại
Thiền.
Đến đây tôi đã bàn với quý vị về hai loại Thiền đầu tức là
Phàm phu và Ngoại đạo. Trước khi tiếp tục ba loại kế tiếp tôi sẽ chỉ cho quý vị
một phương pháp nhiếp tâm khác: theo dõi hơi thở bằng con mắt tâm. Trong thời
gian ngừng đếm các hơi thở, thay vào đó, quý vị hãy tập trung khẩn trương vào
việc theo dõi các hơi thở ra và hít vào, cố gắng hình dung chúng một cách rõ
ràng. Quý vị hãy thực hiện bài tập này cho đến khi quý vị lại đến trước tôi.
Loại Thiền thứ ba là Tiểu thừa (Shojo), nghĩa đen là
cái xe nhỏ (Hinayana). Đây là cái xe đưa quý vị từ một tâm thái này (mê) đến
một tâm thái khác (ngộ). Được gọi là cái xe nhỏ vì nó chỉ được dự trù chở một
người thôi. Có lẽ quý vị có thể so sánh nó với chiếc xe đạp. Cái xe lớn hơn
(Mahayana), mặt khác, giống như chiếc xe ca hay cái xe buýt, nó chở luôn cả những
người khác. Vì vậy, Tiểu thừa là một loại Thiền chỉ chú trọng sự an tâm của một
mình mình thôi.
Ở đây chúng ta có một thứ Thiền Phật giáo, nhưng không phải
là loại Thiền hợp với giáo lý tối thượng của Phật. Nó là loại Thiền thích hợp
cho những ai không thể nắm được ý nghĩa sâu xa nhất, sự giác ngộ của Phật,
nghĩa là một hiện thể như là một toàn thể không thể chia cắt được, mỗi một
người trong chúng ta đều bao trùm cả vũ trụ trong toàn thể tính của nó. Điều
này đúng, nếu thấy rằng mình không thể đạt an tâm đích thực bằng cách chỉ tìm
sự cứu độ riêng mình trong khi vẫn lạnh lùng với hạnh phúc của người khác.
Tuy nhiên có những người (một vài người trong số quý vị đang
lắng nghe tôi đây có thể ở trong số đó) không thể tự khiến cho mình có thể tìm
một cách đơn giản vào sự có thực của một thế giới như thế. Dẫu sao, họ cũng đã
thường được dạy rằng thế giới tương đối của phân biệt và đối lập mà họ đang cố
bám vào là hư vọng, là sản phẩm của những cái nhìn sai lầm nên họ không thể nào
tin khác được. Đối với những người như thế, thế giới dường như chỉ có xấu và
tội lỗi, xung đột và đau khổ, đầy giết chóc và bị giết chết và trong thất vọng
họ muốn chạy trốn. Quả thật, chết còn đáng thích hơn sống. Cái tội không thể
chịu đựng hơn hết trong tất cả mọi tội là gánh lấy sự sống trong bất cứ hình
thức nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì điều ấy buộc họ vào đau khổ bất tận,
hóa thân như là dã thú hay quỷ dữ trong vô số kiếp tương lai vì luật nghiệp báo
không thể dung thứ được. Như thế chết không phải là hết. Do đó những gì họ cần
tìm chỉ là con đường tránh tái sinh, một phương pháp chết không bị tái sinh.
Thiền Tiểu thừa cung cấp câu trả lời cho nhu cầu này. Nói như
thế vì mục đích của nó là chận đứng mọi tư tưởng để tâm trở nên trống rỗng hoàn
toàn và đi vào trạng thái gọi là vô tâm (Mushinjo), một trạng thái trong đó mọi
cơ năng cảm biết bị loại bỏ và khả năng ý thức bị đặt trong tình trạng do dự
phân vân. Với thực hành, ai cũng có thể tu dưỡng được năng lực này. Trong
trường hợp không có ý muốn chết, người ta có thể đi vào trạng thái giống như
xuất thần trong một thời gian có hạn định - một vài giờ hoặc một vài ngày - hay
có thể ở lại trong trạng thái ấy vô hạn định, trong ấy cái chết đương nhiên sẽ
xảy ra một cách tự nhiên, không đau đớn và - đây là điều quan trọng nhất -
không tái sinh. Toàn bộ quá trình chết không tái sinh này được nói một cách rất
chi tiết trong một tác phẩm triết học Phật giáo gọi là Câu Xá Luận (Kusharon).
Loại thứ tư gọi là Thiền Đại thừa (Daijo), là cái xe
lớn (Mahayana) và đây là một loại Thiền Phật giáo đích thực vì mục đích chính
của nó là kiến tánh ngộ đạo (kensho Godo) tức là nhìn thấy bản tánh của
mình và nhận ra rằng Đạo ở trong cuộc sống hàng ngày của mình. Đối với những ai
có thể hiểu được ý nghĩa sự chứng ngộ của Phật và khao khát xuyên phá cái nhìn
hư vọng của mình về vũ trụ và kinh nghiệm Thực Tại Tuyệt Đối không sai khác,
Phật giáo đích thực là tôn giáo của giác ngộ. Đức Phật sau khi chứng ngộ, đã
dùng khoảng năm mươi năm để dạy cho mọi người biết cách làm thế nào tự họ có
thể chứng ngộ Tự Tánh của mình. Các phương pháp của Ngài đã được truyền lại từ
thầy sang trò, thẳng xuống đến chúng ta ngày nay. Vì thế có thể nói rằng một
thứ Thiền mà nó không biết đến hoặc chối bỏ hoặc coi nhẹ ngộ thì không phải là
Thiền Đại thừa Phật giáo đích thực.
Trong thực hành Thiền Đại thừa, mục đích của quý vị khởi đầu
là ý thức về Chơn tánh mình, nhưng khi ngộ quý vị sẽ nhận ra rằng tọa thiền còn
hơn là một phương tiện để ngộ - nó là sự hiện thực của Chơn tánh mình. Trong
loại Thiền này, đối tượng là giác ngộ, người ta dễ nhận lầm tọa thiền chỉ là
một phương tiện mà thôi. Tuy nhiên, một bậc thầy trí tuệ ngay từ lúc khởi đầu
sẽ chỉ rõ rằng tọa thiền đích thực là sự hiện thực của Phật tánh vốn có và
không phải chỉ là một kỹ thuật để đạt ngộ. Nếu tọa thiền không gì khác hơn là
một kỹ thuật như thế, người ta sẽ thấy rằng sau khi ngộ, tọa thiền sẽ không còn
cần thiết nữa. Nhưng như chính Đạo Nguyên đã chỉ rõ rằng ngược lại mới đúng,
càng chứng ngộ sâu càng thấy cần thực hành.
Thiền Tối thượng thừa (Saijojo), loại
cuối cùng của năm loại, là chiếc xe cao nhất, là đỉnh cao cùng tột của Thiền
Phật giáo. Thiền này đã được tất cả các Phật quá khứ - như Thích Ca Mâu Ni và A
Di Đà - thực hành và là sự biểu lộ của sự sống tuyệt đối, sự sống trong hình
thức tinh khiết nhất. Nó là cách tọa thiền mà Thiền sư Đạo Nguyên chủ yếu bênh
vực và nó không dính dáng gì đến việc đấu tranh để ngộ hay bất cứ đối tượng nào
khác. Chúng tôi gọi nó là Chỉ quán đả tọa (Shikan taza) và tôi sẽ nói chi tiết
hơn về phương pháp này trong một bài sau.
Trong phương pháp thực hành cao nhất này, phương tiện và cứu
cánh hợp thành một. Thiền Đại thừa và Thiền Tối thượng thừa thực tế bổ sung cho
nhau. Phái Lâm Tế đặt Đại thừa lên cao nhất và Tối thượng thừa ở dưới, trong
khi phái Tào Động làm ngược lại. Trong Tối thượng thừa, khi được thực hành đúng
quý vị ngồi trong niềm tin kiên định rằng tọa thiền chính là thể hiện Chân tánh
không ô nhiễm của mình, và đồng thời quý vị ngồi trong niềm tin trọn vẹn rằng
cái ngày ấy sẽ đến, khi kêu lên: "Ô, nó đây rồi!" Quý vị sẽ nhận ra
Chân tánh này không nhầm lẫn. Vì thế, về mặt tự thức, quý vị không cần cố gắng
để ngộ.
Ngày nay nhiều người trong phái Tào Động chủ trương rằng tất
cả chúng ta vốn là Phật, thì ngộ đâu có cần thiết. Một sai lầm quá đáng như thế
khiến cho Chỉ quán đả tọa, đúng ra nó là hình thức ngồi cao nhất, trở thành
không gì khác hơn một thứ Thiền Phàm phu, loại đầu trong năm loại.
Đến đây tôi đã tường thuật đầy đủ về năm loại Thiền khác
nhau, nhưng trừ phi khi nào tôi nói với quý vị về ba mục tiêu của tọa thiền thì
việc giới thiệu của tôi về năm loại Thiền nhất là hai loại cuối vẫn chưa hoàn
toàn đầy đủ.
BA MỤC TIÊU CỦA TỌA THIỀN
Mục tiêu của tọa thiền có ba:
a. Phát
triển định lực (Joriki).
b) Giác ngộ (Kensho Godo: Kiến
tánh ngộ đạo).
c) Thể hiện Đạo vô thượng trong cuộc sống hàng ngày (Mujodo
No Taigen: Vô thượng đạo chi thể hiện).
Ba mục tiêu này tạo thành một thể không thể phân chia được,
nhưng vì mục đích biện luận tôi buộc phải nói đến chúng một cách riêng rẽ.
Định lực, mục tiêu đầu trong ba mục tiêu, là năng lực hay sức
mạnh phát sinh khi tâm được hợp nhất qua sự tập trung. Định lực này còn hơn cả
cái khả năng tập trung theo nghĩa thông thường của từ. Nó là một động lực, một
khi được vận động, có thể khiến chúng ta, ngay cả trong những tình huống đột
ngột và bất ngờ nhất, hoạt động tức khắc, không ngần ngại tập hợp trí tuệ lại
và trong một cách thức hoàn toàn thích ứng với mọi hoàn cảnh. Một người đã phát
triển định lực không còn nô lệ vào các đam mê của mình, người ấy cũng không còn
lệ thuộc vào lòng thương xót sự vật chung quanh mình. Luôn luôn làm chủ cả
chính mình lẫn các hoàn cảnh đời mình, người ấy hành động với sự tự do và bình
tĩnh hoàn toàn. Nhờ định lực, người ta cũng có thể luyện được những năng lực
siêu nhiên, như trạng thái trong đó tâm trở nên giống như nước hoàn toàn yên
tĩnh.
Hai loại đầu trong năm loại Thiền tôi đã nói tùy thuộc hoàn
toàn vào định lực, cũng như trạng thái vô tâm thể hiện trong Thiền Tiểu Thừa -
trạng thái trống rỗng trong đó sự vận hành có ý thức của tâm bị chận đứng. Bây
giờ, mặc dù sức mạnh của định lực có thể phát triển vô tận qua thực hành đều
đặn, nó sẽ thụt lùi và bất thần biến mất nếu chúng ta chểnh mảng tọa thiền. Và
trong khi có nhiều năng lực phi thường phát sinh từ định lực, song chỉ một mình
định lực thì chúng ta không thể cắt đứt được gốc rễ cái nhìn hư vọng của mình
về thế giới. Một sức mạnh của sự tập trung thì không đủ cho loại Thiền cao
nhất, phải có giác ngộ hỗ trợ nữa mới được. Trong một tài liệu ít được biết đến
do Tổ Thanh Đầu Hy Thiên (Sekito Kisen), người sáng lập một trong các phái
Thiền vào giai đoạn sớm nhất, truyền xuống chúng ta ngày nay, có đoạn nói:
"Trong phái chúng ta, sự nhận ra Phật tánh chứ không phải chỉ lòng sùng mộ
hay định lực là tối cao."
Mục tiêu thứ hai là kiến tánh ngộ đạo, nhìn thấy tự tánh chân
thật của mình và đồng thời nhìn thấy bản tánh tối thượng của vũ trụ và
"tất cả vạn vật trong ấy." Ấy là sự hốt nhiên nhận ra rằng: "Xưa
nay ta vốn đầy đủ và toàn hảo. Kỳ diệu thay, huyền diệu thay!" Nếu là thấy
tánh thật, thì thực chất sẽ luôn luôn y nhau đối với bất cứ ai kinh nghiệm nó,
dẫu người ấy là Phật Thích Ca Mâu Ni hay Phật A Di Đà hay bất cứ người nào
trong quý vị tụ hội nơi đây. Nhưng nói thế không có nghĩa là tất cả chúng ta
đều có kinh nghiệm kiến tánh ở cùng một mức độ, vì trong cái rõ, cái sâu, cái
đầy đủ của kinh nghiệm có những khác biệt lớn. Để minh họa quý vị có thể tưởng
tượng một người mù ngay từ lúc mới sinh vừa bắt đầu thấy lại dần dần. Thoạt
đầu, người ấy chỉ có thể thấy rất lờ mờ, u tối và chỉ thấy những vật gần mình.
Rồi khi cái thấy khá hơn người ấy có thể phân biệt được các vật cách khoảng một
thước, rồi đến những vật khoảng mười thước, cuối cùng người ấy có thể nhận ra
bất cứ vật gì ở xa đến một ngàn thước. Ở mỗi giai đoạn này, thế giới hiện tượng
người ấy nhìn thấy không khác nhau, nhưng những khác biệt trong độ rõ ràng và
chính xác của cái thấy về thế giới đó rất to lớn như giữa tuyết và than. Các
kinh nghiệm kiến tánh của chúng ta cũng khác biệt như thế về độ rõ và độ sâu.
Mục tiêu cuối cùng trong ba mục tiêu này là sự thể hiện Đạo
Vô thượng trong toàn thể con người và trong những hoạt động hàng ngày của chúng
ta. Ở điểm này, chúng ta không phân biệt cứu cánh và phương tiện. Tối thượng
thừa mà tôi đã nói là loại thứ năm, là loại cao nhất trong năm loại Thiền,
tương ứng với giai đoạn này. Khi quý vị ngồi một cách hăng say và không vị kỷ
hợp với sự chỉ đạo của một bậc chân sư, nghĩa là hợp với tâm mình mặc dù có ý
thức đầy đủ, hoàn toàn vô niệm như tờ giấy trắng tinh không một vết bẩn, bây
giờ dù quý vị đã ngộ hay chưa, tánh Phật thanh tịnh vốn có của mình vẫn khai
mở. Nhưng ở đây phải nhấn mạnh rằng chỉ với chân ngộ quý vị mới có thể trực
nhận được chân thể tánh Phật của mình và Tối thượng thừa loại Thiền thuần khiết
nhất, không gì khác hơn là loại Thiền đã được chư Phật thực hành.
Thực hành Thiền Phật giáo phải bao gồm cả ba mục tiêu này, vì
chúng tương quan với nhau. Chẳng hạn, giữa định lực và kiến tánh có một mối
liên kết chặt chẽ. Kiến tánh là "huệ kết hợp tự nhiên với định," nó
là năng lực phát sinh từ sự tập trung. Định lực còn kết hợp với kiến tánh theo
một cách khác nữa. Nhiều người sẽ không bao giờ kiến tánh được trừ phi trước
hết phải luyện được định lực đến một mức nào đó, và nếu không họ có thể tự thấy
quá bất an, quá nóng nảy và không dễ kiên nhẫn tọa thiền. Hơn nữa, trừ phi được
định lực tăng sức cho, một kinh nghiệm kiến tánh đơn độc sẽ không có hiệu quả
đáng kể đối với cuộc sống quý vị và nó sẽ tàn lụi chỉ còn là một kỷ niệm. Vì dù
qua kinh nghiệm kiến tánh, quý vị đã hiểu được cái nhất thể sâu kín của vũ trụ
bằng con mắt tâm, không có định lực, quý vị cũng không thể tác động với toàn bộ
sức mạnh con người mình trên những gì nội kiến vén mở.
Ngoài ra còn có mối tương quan giữa kiến tánh và mục tiêu thứ
ba, sự thể hiện Đạo Vô thượng. Kiến tánh khi đã hiện thân trong toàn bộ hành
động của quý vị là thể hiện Đạo Vô thượng. Với giác ngộ viên mãn (Anuttara
Samyak Sambodhi), chúng ta hiểu rằng ý niệm của chúng ta về thế giới như là nhị
nguyên và đối lập là sai lầm, và với nhận thức này, thế giới của cái một của
hài hòa và bình an chân thực đã vén mở.
Phái Lâm Tế có khuynh hướng cho rằng ngộ là mục tiêu tối hậu
và xem nhẹ định lực và sự thể hiện Đạo Vô thượng. Như thế nhu cầu tiếp tục thực
hành sau khi ngộ bị giảm thiểu và việc tham công án, vì nó không được tọa thiền
hỗ trợ và hầu như không quan hệ gì với cuộc sống hàng ngày, chủ yếu trở thành
một trò chơi của lý trí thay vì là một phương tiện để phát triển và tăng sức
cho ngộ.
Mặt khác, trong khi thực hành được các chi nhánh chính của
phái Tào Động ngày nay bênh vực nó lại nhấn mạnh sự thể hiện Đạo Vô thượng,
thực tế nó không có gì khác hơn là sự tích lũy định lực, mà như tôi đã nói, nó
sẽ "rỉ lậu" hoặc thoái hóa và cuối cùng biến mất trừ phi người ta tọa
thiền đều đặn. Phái Tào Động ngày nay chủ trương rằng kiến tánh là không cần
thiết và người ta không cần gì hơn là thực hiện các hoạt động hàng ngày với tâm
Phật. Như thế chỉ là bề ngoài không có thực chất vì không kiến tánh, quý vị
không bao giờ thực sự biết được tâm Phật này là cái gì.
Những sự mất quân bình như thế trong cả hai phái (5) Đoạn
sau đây trích từ một bản thảo chưa xuất bản của Nyogen Senzaki đã quá cố miêu
tả những dị biệt giữa Lâm Tế và Tào Động một cách thơ mộng và hấp dẫn:
"Trong giới học Thiền, có người nói rằng Giáo lý Lâm Tế như sương cuối
thu, làm người ta rùng mình, trong khi giáo lý Tào Động như gió xuân êm nhẹ ve
vuốt bông hoa giúp nó chóng nở. Rồi có người khác nói: Giáo lý Lâm Tế giống như
một dũng tướng điều động ba quân không trễ nãi, trong khi giáo lý Tào Động giống
như một nông gia chăm sóc ruộng lúa, hết cây này đến cây khác, một cách kiên
nhẫn." trong những lúc gần đây không may đã làm tổn hại phẩm chất của
giáo lý Thiền. Đến đây là kết thúc nói về ba mục tiêu của tọa thiền.
ĐỘC THAM
Quý vị cứ tiếp tục thực hành bài tập cho lần cuối, nghĩa là
tập trung vào hơi hít vào và hơi thở ra và cố gắng thấy rõ từng hơi một.
Bài nói này bàn về độc tham (Dokusan: tham vấn từng cá nhân),
nó là thời gian dành cho việc mang tất cả các vấn đề thuộc về thực hành ra
trước vị Lão sư một cách riêng tư. Truyền thống chỉ dạy riêng tư từng cá nhân
này bắt đầu với chính đức Thích Ca Mâu Ni và đã được tiếp tục không gián đoạn
đến ngày nay. Chúng ta biết thế vì một trong các đại sư của phái Thiên Thai,
Trí Giả đại sư, trong sự hệ thống hóa của ông về toàn bộ các kinh điển vào tám
giáo và năm thời có ghi giáo lý bí mật mà nó tương ứng với độc tham.
Không có sự hướng dẫn cá nhân này, chúng ta không thể nói
rằng việc thực hành tọa thiền của mình là chân truyền. Không may từ thời Minh
Trị, gần một trăm năm qua, độc tham đã chết thực sự trong phái Tào Động và chỉ
còn trong truyền thống Lâm Tế. Nếu chúng ta ví tọa thiền với cuộc du hành thì
một vài người khởi hành nhanh rồi sau đó chậm lại, một vài người khi bắt đầu
chậm rồi sau đó gia tăng tốc độ, một vài người thấy giai đoạn này gian nan hơn
giai đoạn kia, và tất cả mang những gánh nặng hành lý khác nhau (tức các dự
tưởng), chúng ta bắt đầu có thể hiểu được tại sao không thể bỏ được sự hướng
dẫn cá nhân trong độc tham.
Người ta có thể hỏi tại sao phải giữ bí mật cuộc độc tham. Vì
không có gì là phi luân, tại sao không thể công khai giữa công chúng? Trước
hết, vì chúng ta là những người tầm thường với cái ta, trước mặt kẻ khác chúng
ta có khuynh hướng tỏ ra mình tốt hơn mình thực sự. Chúng ta không thể trơ trụi
linh hồn và trần truồng thể xác thực sự. Vả lại chúng ta ngại nói toàn bộ sự
thật, vì sợ bị cười. Hoặc giả, bị Lão sư quở trách, dùng ngôn ngữ thô bạo,
chúng ta sẽ quan tâm đến ảnh hưởng của điều này vì sự có mặt của những người
khác hơn là chỉ lắng nghe Lão sư với lòng rộng mở.
Còn một lý do nữa để giữ bí mật cuộc độc tham. Sau kinh
nghiệm kiến tánh đầu tiên, quý vị đi từ công án này đến công án khác và nếu có
mặt người khác ở đó khi quý vị cần chứng minh công án, nghe các câu trả lời của
Lão sư, họ có thể nghĩ rằng: "A, câu trả lời là như thế" mà hoàn toàn
không hiểu ý nghĩa công án. Hiển nhiên điều này làm tổn thương việc tu tập của
họ, thay vì họ phải đi đến sự chứng ngộ và trình bày nó với Lão sư họ lại nhớ
đến những câu trả lời của Lão sư, câu này có thể chấp nhận được còn câu kia thì
không, song không phải thế và như thế là tự làm hại mình, việc tham công án của
họ sẽ thoái hóa và chỉ còn là một tác dụng của lý trí. Vì những lý do đó, quý
vị phải giữ im lặng khi có ai hỏi gì về một công án mà người hỏi chưa vượt qua
được. Cuộc nói chuyện vô trách nhiệm có thể đưa đến những hậu quả nguy hiểm
khác. Tin đồn có thể lan truyền rằng có người bị đánh dã man trong khi độc
tham, chẳng hạn, đem lại cho Thiền tiếng xấu không xứng đáng. Vì thế, đừng bàn
luận với bất cứ người nào về công án của mình, dù cho với những người bạn tốt
nhất, hay với người thân trong gia đình.
Rõ ràng sự vi phạm bí mật bao quanh hệ thống công án xưa kia
đã đưa đến sự suy đồi đều đặn trong giáo lý Lâm Tế. Những gì tôi sắp nói đến
không áp dụng cho hàng cư sĩ, những người thường rất nghiêm túc trong tu tập.
Nhưng ở các tự viện nơi có những tăng nhân phẫn uất với toàn bộ sự huấn luyện ở
tại những nơi đó, ở địa vị đầu tiên chỉ phục vụ thời kỳ đòi hỏi để hưởng quyền
tăng nhân nội trú của một ngôi chùa, vấn đề này trở nên rất nghiêm trọng. Ở các
tự viện mà giới luật còn khiếm khuyết, một tăng nhân lớn tuổi hơn thường hỏi
một tăng nhân nhỏ tuổi: "Chú đang tham công án gì thế?" Khi được nói
cho biết, người lớn tuổi sẽ hỏi: "Chú có hiểu nó không?"
"Không." - "Được rồi, tôi sẽ bảo chú câu trả lời", người
tăng nhân lớn tuổi hơn nói - "Và đáp lại chú phải mua cho tôi ít bánh ngọt
nhé." Vị lão sư có thể nói câu trả lời ấy có chân xác hay không, nhưng vì
một lý do nào đó ông vô tình có thể chấp nhận câu trả lời không phải của tăng
nhân ấy. Sự tu tập nay có thể không có gì nguy hiểm đặc biệt nếu một tăng nhân
như thế chỉ ở vài ba năm trong tự viện trước khi trở thành tăng nhân nội trú
trong chùa, khi không đòi hỏi tăng nhân ấy nhiệm vụ đánh giá sự giác ngộ của
người khác. Nhưng điều có thể xảy ra là không có sự khai mở nào cả khi tăng
nhân ấy hoàn tất sự tu tập tối thiểu để mình có thể ở lại tự viện có thể đến
tám hoặc mười năm, thông qua toàn bộ hệ thống công án với những câu trả lời không
phải của mình.
Cuối cùng, theo thông lệ trong phái Lâm Tế, khi một người
hoàn tất toàn bộ các công án, sẽ được nhận danh hiệu là Sư. Như thế là một
người không có sự hiểu biết chơn thực trở thành xứng đáng hướng dẫn người khác.
Sự tu hành gian trá này đã ngấm ngầm phá hoại giáo lý Thiền. Các học giả Tào
Động nghiên cứu Thiền một cách hàn lâm công kích hệ thống công án chỉ vì lý do
này là đúng.
Điểm kế tiếp nói về hỏi những gì là thích đáng trong lúc độc
tham. Tất cả các câu hỏi phải liên quan với các vấn đề phát sinh trực tiếp từ
sự thực hành của quý vị. Điều này đương nhiên loại bỏ các vấn đề cá nhân riêng
tư. Quý vị có thể thấy rằng sự riêng tư trong độc tham đem lại cơ hội tuyệt hảo
để bàn đến các vấn đề cá nhân nhưng phải nhớ rằng những người khác đang chờ và
nếu quý vị đưa ra những vấn đề khác ngoài các vấn đề tu tập của mình là quý vị
đang làm trở ngại đấy. Đúng ra, quý vị có thể hỏi về cái bao tử của mình, chẳng
hạn, nếu nó cồn cào hoặc cái răng đau đến nỗi không thể ăn được, hoặc về các ma
cảnh quý vị có thể đang trải qua. Tuy nhiên, quý vị không nên hỏi về giáo lý
Phật giáo hay Triết học tỷ giảo hoặc sự khác biệt giữa kinh này và kinh khác.
Quý vị có thể hỏi bất cứ điều gì chừng nào nó còn phát xuất trực tiếp từ sự
thực hành của quý vị.
Thủ tục đối với một học viên mới là biếu tiền mua nhang cho
vị Lão sư trước khi bước vào độc tham. Người ta có thể hỏi tại sao lại có nghi
thức như thế? Độc tham, không thể nhấn mạnh quá đáng, không phải là chuyện tầm
phào vô ích. Trong khi mọi người tự do thực hành tọa thiền và lắng nghe Lão sư
thuyết pháp về nhiếp tâm, đặc trưng chủ yếu của độc tham là tạo nên một mối dây
nghiệp duyên giữa thầy và trò, ý nghĩa của nó rất sâu xa trong Phật giáo. Vì
thế, không thể coi nhẹ độc tham. Hơn nữa vì những gì diễn ra giữa Lão sư và môn
đệ trong độc tham có quan hệ với các vấn đề về bản tánh sâu xa và tối thượng, ở
đó người ta phải nói sự thật. Trong những cuộc hội họp công cộng thường người
ta rất ngại nói những điều làm phật ý người khác, nhưng trong độc tham không
thể như thế được, vì chân lý tuyệt đối luôn luôn phải chiếm ưu thế. Vì những lý
do này, những nghi thức đã được thiết lập không thể xem nhẹ được.
Mặc lễ phục để vào độc tham là đúng, nhưng ngày nay người ta
không cố chấp việc ấy, quý vị có thể mặc bất cứ thứ gì thấy thích hợp là được.
Khi được báo cho biết sắp độc tham, quý vị hãy sắp hàng phía sau cái chuông bên
ngoài phòng tọa thiền. Khi đến lượt mình nghe cái chuông tay của tôi, hãy gõ
vào cái chuông trước mặt quý vị hai lần và đến phòng này. Quý vị không nên chạy
thốc vào vì như thế sẽ gây bối rối và quý vị sẽ không ở trong một tâm thái có
lợi cho độc tham. Quý vị cũng không nên thơ thẩn đi vào vì có những người khác
đang chờ. Theo tục lệ, đầu tiên quý vị sẽ lạy ba lạy ở ngưỡng cửa, rồi lạy ba
lạy ở trước Lão sư, và rồi ba lạy nữa ở lối ra khi quý vị bước ra, nhưng bây
giờ người ta giản lược chỉ còn ba lạy tất cả, mỗi lạy mỗi nơi kể trên.
Khi lạy trán quý vị phải chạm nhẹ xuống thảm, hai bàn tay giơ
ra phía trước đầu, lòng bàn tay ngửa lên. Rồi co đôi cánh tay ở hai cùi chỏ,
đưa hai bàn tay lên, lòng bàn tay ngửa quá đầu một tấc.
Dáng điệu thọ nhận đôi bàn chân, những phần thấp nhất của
thân Phật này, tượng trưng cho sự khiêm tốn và sự tiếp nhận đầy lòng biết ơn
Đạo của Phật vào cuộc sống của mình. Trừ phi đã nhận chìm cái ta của mình, thì
quý vị không thể làm được việc ấy. Hãy nhớ rằng, vị Lão sư không những chỉ là
người thay mặt Phật mà thật sự ông đang đứng chỗ của Phật. Lạy như thế, thực ra
là quý vị đang bày tỏ lòng kính trọng Pháp.
Kế tiếp hãy đến trước tôi khoảng cách ba bốn tấc và nói cho
tôi biết môn tu tập của mình. Chỉ nói một cách đơn giản: "Tôi đang đếm hơi
thở," "Tôi đang tham công án KHÔNG" hoặc "Tôi đang thực
hành Chỉ quán đả tọa." Hãy hỏi những câu ngắn gọn và đúng trọng tâm. Nếu
có gì cần nói, tôi sẽ nói sau khi quý vị nói xong. Nhưng đừng vào làm phí thì
giờ hỏi những việc vớ vẩn, hãy nhớ có những người khác đang chờ gặp tôi. Khi
tôi rung cái chuông này là để quý vị tỏ dấu cúi đầu chào và từ giã. Sau đó nếu
quý vị nhớ đến điều gì, hãy để đến lần độc tham khác, vì người kế tiếp đã sẳn
sàng bước vào.
Đến đây kết thúc bài nói thứ năm.