Thiền viện tôi có treo một bức
chân dung Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Đó là một bức họa bằng nước lã và mực tàu với bút
khí thật hùng mạnh. Cặp lông mày, đôi mắt và chiếc cằm bạnh râu của Ngài biểu
lộ một phong cách thật ngang tàng, khí phách, tương phản với cành sen dịu dàng
trước hồ nửa búp nửa nở, cũng thật tự nhiên, thật tươi tắn.
Cứ mỗi lần ngắm sen nở là tôi
lại thấy Tổ sư nhìn mình, nhìn sen, dôi mắt sáng. Đôi mắt ấy, cành hoa ấy, có
gì giống, có gì khác đôi mắt xưa, cành hoa xưa của câu chuyện "Niêm hoa vi
tiếu"?
Một hôm đức Phật ở trước chúng
hội Linh Sơn. Quý Thầy im lặng chờ đợi bài thuyết pháp thường nhật. Nhưng đức
Phật vẫn không nói năng gì. Lâu lắm, Phật mới cầm một cành hoa sen đưa lên, đôi
mắt nhìn thẳng về đại chúng. Hội Linh Sơn im phăng phắc. Thời gian như ngừng
trôi, không gian như bất động. Giữ lúc ấy có một Thầy nhìn Phật mỉm cười, đôi
mắt sáng. Đức Phật vui quá, liền nói ngay lập tức:
- Ta có chánh pháp nhãn tạng.
Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu. Nay phó chúc lại cho
ông. Ông nên khéo giữ gìn và làm cho hưng thịnh.
Thầy ấy chính là Tôn giả Ma Ha
Ca Diếp.
Tôn giả đã đạt được sự giác ngộ
triệt để khi nhìn thấy một cành hoa sen nên nhận được phần thưởng thật xứng
đáng. Đó là tâm ấn của Như Lai. Bấy giờ, Tôn giả trở thành con người hạnh phúc
nhất trần gian, không còn bị lệ thuộc và khống chế của sinh, lão, bệnh, tử. Tôn
giả là đệ tử của Phật và cũng là tri âm tri kỷ của Phật. Bởi vì Tôn giả và Phật
hiểu nhau.
Trong bài "Nhân duyên ngộ
đạo" có một đoạn Thiền sư Chân Nguyên viết như vầy:
Nhất điểm tâm đăng Phật nhãn sinh
Tương truyền tứ mục cố phân minh
Liên phương tục diệm quang vô tận
Phổ phó thiền lâm thọ hữu tình.
Một ngọn đèn tâm mắt Phật sinh
Truyền nhau bốn mắt thấy phân minh
Đèn đèn nối mãi vô tận sáng
Trao gởi thiền lâm dạy hữu tình.
Bài kệ đủ tình đủ lý đã nói
được thật sâu và thật tròn đầy cái giây phút thiêng liêng giữa hai thầy trò.
Ngài Đại Ca Diếp đã nhận được trọn vẹn những gì Phật muốn trao. Mà hai thầy trò
có nói gì với nhau đâu! Và, đó là bản chất của Thiền.
Với con mắt của một kẻ phàm phu
tục tử, tôi không dám lạm bàn về sự chứng ngộ của Tổ sư. Nơi đây, tôi chỉ xin
được đón nhận và chiêm ngưỡng đôi mắt Tổ sư trước một cành hoa. Nếu là Ngài Vân
Môn, Ngài sẽ bảo: "Ca Diếp thấy cành hoa là cành hoa". Thế thôi.
Nhưng đôi mắt ấy, cành hoa ấy đối với những ai còn đứng ngoài ngõ, muốn gõ cửa
nhà thiền vẫn là một giai thoại như "tiêu nguyệt chỉ" (ngón tay chỉ
mặt trăng) thật tuyệt vời. Bởi vì thông qua ánh mắt đó, nụ cười đó, Tổ sư thầm
gởi đến những người bạn đồng hành một bức thông điệp với nhiều mật ý.
Thấy cành hoa là cành hoa tức
là thấy được sự hiện hữu của chính mình và sự hiện hữu của muôn sự muôn vật mà
không cần trí quán. Là thấy được thực tại. Là thấy tánh. Vì vậy mà Tổ sư đã mỉm
cười. Và, Ngài cũng đã cố gắng hết sức để cho chúng ta cũng mỉm cười khi đối
diện với một niềm vui chớm nở hay một nỗi buồn sắp tàn. Là vì Ngài không muốn
chúng ta chìm trong đau khổ mà là ung dung trên đau khổ, thoát khổ. Đôi mắt ấy,
nụ cười ấy vì thế được tiếp nối mãi.
Theo đó, mà đôi mắt của Bồ Đề
Đạt Ma dù ở trong tranh nhưng khi nhìn ngắm một cành hoa vẫn sinh động như đôi
mắt của Tổ Ca Diếp vào thời Phật còn tại thế. Bởi vì, đối với Thiền sư, khuôn
sáo thời gian và không gian có ý nghĩa gì đâu! Đôi mắt nào cũng biết nhìn, cành
hoa nào cũng thật xinh. Cho nên, các Ngài thấy hoa là thấy Phật. Đôi mắt của Tổ
Bồ Đề Đạt Ma vì thế mang biểu tượng của lòng tự tin, của trí dũng, của tuệ nhân
trực giác. Phong cách và tinh thần của Tổ sư, vì thế trở nên thần tượng của
những ai muốn có được một sự trầm tĩnh lớn, một an định lớn, một đức vô uý lớn,
một sức mạnh tâm linh lớn. Có lẽ đó là duyên do mà các thiền viện đều tôn thờ
chân dung Tổ sư.
Tôi không phải là một Thiền sư,
nhưng tôi cũng hữu duyên để làm một Thiền sinh. Vì vậy, mỗi khi nhìn hoa sen,
tuy không đủ diễm phúc thấy hết sự huyền nhiệm của hoa sen hay của chính mình,
để cười nụ cười của Ngài Ca Diếp, để nhìn bằng ánh nhìn của Ngài Đạt Ma, nhưng
tôi tin tưởng luôn có sự hiện diện của các Ngài bên cạnh tôi, trợ lực tôi. Sự
hiện diện đó không chỉ trên những biểu tượng hay những câu chuyện đi vào lịch
sử quá vãng mà sự hiện diện đó chính là sự có mặt thường xuyên của mỗi cánh
sen, cành sen, cọng sen, rễ sen đang cắm sâu trong bùn sình và sẵn sàng vươn
lên một đóa sen hồng tinh khiết để cúng dường cho sự có mặt của mỗi vị Phật
đương lai. Trong đó, có tôi và huynh đệ tôi.
Sáng nay, tôi nhìn thấy Tổ sư
đang ngắm một hoa sen. Đóa sen hé nhụy ngắm cả một bầu trời xanh. Bầu trời xanh
trở lại thênh thang trong đôi mắt Tổ sư.