Những nguyên nhân dẫn đến sự nghiện ngập và thiền quán có thể đối trị thói nghiện ngập như thế nào ?
Một trong những bước đầu tiên trong việc đối phó với thói
nghiện ngập là tìm ra nguyên nhân mang tính cảm xúc của nó, cho dù đó là
sự sợ hãi, trầm cảm, lo lắng, hay bi quan. Rất nhiều lần, những suy
nghĩ và niềm tin ô nhiễm này đến từ những điều mà tôi gọi là "tâm thiếu
thốn." Trong tâm thức thiếu thốn của mình, chúng ta cảm thấy rằng trạng
thái bất hạnh hiện tại của mình chỉ có thể được khắc phục nếu chúng ta
có tiền bạc, có công việc, có mối quan hệ, có sự công nhận, hay có quyền
lực… mà chúng ta đã có rồi lại bị mất, hoặc chưa bao giờ có và rất ao
ước có. Thường thì chúng ta tự gây đau khổ cho mình khi chúng ta khát
khao điều gì đó nằm ngoài tầm với hoặc bám chấp một cách vô vọng vào
điều gì đó đã mất đi. Đôi khi, tâm yếu đuối liên quan đến việc bám chấp
vào một điều gì đó tiêu cực: một niềm tin không lành mạnh rằng mọi
chuyện nên là thế nào hoặc đáng ra phải thế nào; một cảm xúc không lành
mạnh như giận dữ, buồn bã, hay ghen tị. Sự thực tập thiền quán giúp
chúng ta phát triển khả năng nhìn thấy một cách rõ ràng chính xác ta
đang bám chấp vào cái gì để ta có thể buông bỏ sự bám chấp đó và chấm
dứt khổ đau. Các lãnh vực tiềm ẩn của sự đối kháng xuất hiện trong nhận
thức của chúng ta có thể được ghi nhận và được xem xét về sau, sao cho
chúng ta có thể thực hiện những lựa chọn có ý thức để buông bỏ chúng.
Không bao giờ con người có thể hoàn toàn tránh né được tâm thiếu thốn
hay bất kỳ trở ngại nào khác. Ham muốn là một phần của công cuộc làm
người. Nó khiến chúng ta phải cố gắng hướng đến việc cải thiện cuộc sống
và thế giới của mình, đã dẫn đến rất nhiều những khám phá và phát minh
cung cấp cho chúng ta một cuộc sống có phẩm chất cao hơn. Tuy nhiên, bất
chấp tất cả những gì chúng ta có thể đạt được và sở hữu, chúng ta vẫn
bị thuyết phục rằng mình sẽ không hạnh phúc hay mãn nguyện trừ khi có
được nhiều thứ hơn nữa. Niềm tin không lành mạnh này có thể dẫn đến sự
ganh đua và cảm thấy giận dữ hay ghen tị với những người dường như có
một cuộc sống dễ dàng hơn.
Nếu tôi có một bệnh nhân đang dùng ma tuý, hay kể cả một loại thực
phẩm nào đó, để điều khiển tâm trạng của mình, đầu tiên, để bẻ gãy thói
quen đó, tôi sẽ giới thiệu người ấy đến gặp một chuyên gia về dinh
dưỡng, một nhà tâm thần học, một nhà dược lý học thần kinh, hoặc một bác
sĩ điều trị theo liệu pháp chỉnh thể, chẳng hạn như các bác sĩ thực
hành khuynh hướng điều trị cùng lúc về tinh thần và thể chất của bệnh
nhân. Thêm nữa, tôi sẽ giới thiệu với bệnh nhân đó các phương pháp như
thiền quán, thực tập yoga, và những bài thể dục thông thường…, vì chúng
đều rất hữu ích trong việc điều chỉnh tâm trạng. Những loại hoạt động
này làm hạ nồng độ cortisol (loại kích thích tố gây căng thẳng) và làm
tăng nồng độ interleukin (chất sát khuẩn trong bạch cầu có tác dụng tăng
cường hệ thống miễn dịch và cung cấp một năng lượng lớn hơn cho cơ thể)
trong máu, đồng thời tổ chức cho có hiệu quả mọi năng lực của cơ thể để
tự thanh lọc những chất độc hoá học, chẳng hạn như a-xít lactic trong
cơ bắp và mạch máu, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến những cơ quan tiếp
nhận chất dẫn truyền thần kinh và làm thay đổi tâm trạng của con người.
Sự thách thức đối với việc thay đổi những thói quen nghiện ngập là
nỗi sợ hãi rằng con người không thể thay đổi những gì có thể đẩy y đến
sự chối bỏ thực tại và khiến y giảm hết mức những hậu quả của những hành
vi vô ích. Dù con người có khám phá bất kỳ điều gì về mình và dù khám
phá đó có đau đớn tới đâu, thì những sự đột phá vẫn luôn khả thi. Sự
nghiên cứu về thiền quán chỉ ra rằng những đặc điểm hình thành khí chất
và tính cách con người từng được chúng ta nghĩ là không thể biến đổi
thực ra có thể được biến đổi một cách đáng kể. Bằng cách rèn luyện lại
tâm trí thông qua thực tập thiền quán, con người sẽ tạo ra những hệ mạch
thần kinh mới. Nếu là một kẻ hung hăng, kẻ đó có thể tìm thấy những
phương cách xoa dịu khía cạnh này của chính mình, trở nên quyết đoán và
dứt khoát với những ranh giới của mình mà không rơi vào một định kiến
mang tính cạnh tranh và có thể đến mức thù địch vốn sẽ làm hại kẻ đó.
Nhiều năm qua, các nhà khoa học từng tin rằng sự mềm dẻo của não bộ,
nghĩa là cái khả năng tạo ra những cấu trúc mới và khả năng học hỏi của
não bộ, bị hạn chế sau thời thơ ấu. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu gần
đây chỉ ra rằng chúng ta có thể thay đổi cấu trúc não bộ và gặt hái
những lợi ích tốt đẹp trong giai đoạn trưởng thành. Sara Lazar, nhà
nghiên cứu tại bệnh viện Đa khoa Massachusetts, khám phá rằng người ta
càng thực tập thiền quán, phần giữa của vỏ não trước trán và phần giữa
vùng thuỳ đảo sẽ càng dày lên. Việc thay đổi tâm trí (hay quá trình tư
duy) của con người thực sự dẫn đến sự thay đổi trong não bộ. Lazar thấy
rằng, trong khi những người đã thực tập thiền từ mười đến hai mươi năm
rất thành thạo trong việc nhanh chóng đạt tới trạng thái tập trung và
nhận thức tỉnh giác, những người mới thực tập thiền ít hơn bốn giờ một
tuần cũng có thể đạt được và duy trì trạng thái tỉnh giác, đem đến khả
năng sáng tạo, hay cái được gọi là “ý thức rộng mở”. Nhà nghiên cứu này
cũng khám phá ra rằng kể cả những người bắt đầu hành thiền vào những năm
đầu của tuổi 20 có thể đạt được trạng thái tập trung và tuệ giác nội
quán (điều có thể được gọi là “sức mạnh nội tâm”) ngang với những người
đã hành thiền lâu năm. Việc người ta đã bỏ ra bao nhiêu thời gian trên
toạ cụ không thành vấn đề, mà lòng quyết tâm và sự tập trung chú ý là
hai chìa khoá để đạt được những trạng thái này. Từ kinh nghiệm và công
việc của bản thân, tôi biết rằng thường xuyên thực tập thiền quán cho
phép chúng ta gạt sang một bên những điều phiền nhiễu và vào được trạng
thái chuyển hóa của tâm thức rộng mở.
Thực tập chánh niệm có thể ảnh hưởng tích cực đến nhiều hoạt động của
hạch hạnh nhân, khu vực có kích thước bằng hạt đậu nằm ở trung tâm não
bộ, chịu trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc. Khi hạch hạnh nhân được thư
giãn, hệ thần kinh đối giao cảm sẽ vô hiệu hoá các phản ứng lo lắng.
Nhịp tim hạ xuống, hơi thở trở nên sâu lắng và chậm rãi hơn, cơ thể
ngừng giải phóng cortisol và adrenaline vào mạch máu; các kích thích tố
gây căng thẳng này cung cấp cho chúng ta sinh lực nhạy bén trong những
thời điểm nguy hiểm nhưng lại gây những ảnh hưởng tai hại lên cơ thể
trong thời gian dài nếu chúng trở nên quá phổ biến. Qua thời gian, thiền
quán sẽ thực sự làm dày lên khu vực hai bên và trước trán thuỳ đảo phải
của não bộ, khu vực chịu trách nhiệm về sự lạc quan và cảm giác an lạc,
rỗng rang, triển vọng. Khu vực này cũng liên hệ tới sự sáng tạo và gia
tăng ý thức tò mò, cũng như khả năng quán chiếu thể cách hoạt động của
tâm trí.
Bằng cách xây dựng nên những kết nối thần kinh mới giữa các tế bào
não, chúng ta tạo ra các mạch mới trong não bộ; và với mỗi kết nối thần
kinh mới, bộ não đang thực sự học hỏi. Điều đó cũng giống như là chúng
ta đang tăng dung lượng bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) của máy tính
vậy, cho nó thêm chức năng. Trong tác phẩm The Mindful Brain (Não bộ
tỉnh thức), nhà khoa học thần kinh hàng đầu Daniel Siegel định nghĩa tâm
như là “một tiến trình kiểm soát dòng năng lượng và thông tin.” Nghiên
cứu não bộ gần đây của ông đã chỉ ra rằng “nơi nào các nơ-ron kích hoạt,
thì tại nơi ấy chúng có thể tạo ra các mạch mới”; nói khác đi, chúng
tạo nên những con đường hay cấu trúc thần kinh mới trong não bộ. Ông mặc
nhiên công nhận rằng một trong những lợi ích của việc thực tập thiền
quán là đó là quá trình tạo ra những hệ mạch thần kinh mới cho việc tự
quan sát, lạc quan, và hạnh phúc. Thông qua thiền quán, chúng ta thắp
sáng và góp phần gây dựng vỏ não trước trán bên trái, vốn liên quan đến
sự lạc quan, sự tự quan sát, và lòng từ bi, cho phép chúng ta chấm dứt
tình trạng bị thống trị bởi vỏ não trước trán bên phải, vốn liên quan
đến sự sợ hãi, trầm cảm, lo âu, và bi quan. Kết quả là sự tự nhận thức
và ổn định của tâm trạng được tăng lên trong khi những phán xét khắc
nghiệt của chúng ta về người khác và chính mình giảm xuống. Bằng việc
dành sự chú ý, quyết tâm và nỗ lực cho việc giữ chánh niệm mỗi ngày,
chúng ta biết cách làm chủ tâm trí và mở ra cánh cửa cho sự sáng tạo
luôn sẵn có trong ý thức rộng mở.
Hoàn toàn có khả năng là những hiệu quả tương tự cũng có thể đạt được
thông qua những phương pháp thực hành khác dường như cũng có khả năng
khơi mở những dòng thần kinh mới; chẳng hạn tập thái cực quyền, tập yoga
hay những cách thiền tập khác; tuy nhiên, nhờ vào những nghiên cứu tìm
hiểu về thiền quán, ngày nay chúng ta biết rằng con người có thể thực sự
tái cơ cấu bộ não và tác động đến cách thức hoạt động của nó, cũng như
cái cách mà bộ não gây ảnh hưởng lên cơ thể.
Nguồn: Ronald Alexander, Ph.D., Mindfulness Meditation & Addiction