Phật Học Online

Diễn văn Phật đản PL2554 của HT Chủ tịch HĐTS GHPGVN
GHPGVN

HT Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Mùa Phật đản năm nay, Phật lịch 2554, chúng ta thành tâm tưởng niệm hình ảnh cao vời toàn hảo về Trí tuệ và Đức độ của Đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni và thệ nguyện một lòng vì Đạo pháp và Dân tộc, vì hết thảy chúng sinh tại thế gian này.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 4 năm Canh Dần           

DIỄN VĂN PHẬT ĐẢN Phật lịch 2554
của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm,

Kính thưa chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và quý Phật tử,

Kính thưa Liệt vị,

Theo Phật lịch đang được công nhận, cách đây 2634 năm, vào ngày trăng tròn, tháng Tư tại vườn Lâm-tỳ-ni im mát, sở hữu của hai dòng tộc Sakya và Kolia dưới chân rặng núi Hy-mã-lạp sơn của Ấn Độ cổ, một sự kiện hy hữu, vi diệu đã xảy ra: “Kim quang sáng ngời, mặt đất rung động theo sáu cách, chúng sanh trong sáu đường hân hoan vì niềm cảm ứng thiêng liêng, hoa trời tuôn rải, nhạc trời lừng vang trước sự ra đời của Đấng Tối Thắng Đại từ bi, Đại trí tuệ là Đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni”.

Sự kiện hy hữu, vi diệu này được kinh tán thán như sau: “Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, của đại quang, đại minh; là sự xuất hiện của thù thắng và sự chứng ngộ vô ngại giải, là sự chứng đạt các giới và các giới sai biệt, là sự chứng ngộ minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán. Người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán”.

Ngày nay, Lâm-tỳ-ni thuộc đất nước Nepal trở thành một Thánh tích của Phật giáo, với diện tích 8km2 bao gồm trụ đá của vua A-dục ghi nơi Đức Phật đản sanh, đền thờ Hoàng hậu Ma-da và rất nhiều tự viện Phật giáo của rất nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Đối với người con Phật ở Việt Nam, Lâm-tỳ-ni tuy xa xôi về mặt địa lý nhưng lại vô cùng gần gũi trong tâm linh. Nhân kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh, chúng ta lắng tâm, hướng về Lâm-tỳ-ni của chính Phật tâm vốn có của mỗi người chúng ta để tưởng niệm Đấng Thế Tôn, để hình dung sự xuất hiện của Ngài dưới bóng cây Vô ưu kim thân tỏa sáng hào quang, đóa sen thiêng đỡ chân Ngài, hai vị thiên đang rưới nước và hoa vào thân Ngài.

Ánh hào quang rực rỡ linh diệu vẫn tỏa sáng trong tâm tư của người Phật tử trên khắp thế giới, hòa nhập vào đất nước và con người Việt Nam đã hơn 20 thế kỷ qua, góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển mảnh đất thân yêu này.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Phật giáo kế thừa, tiếp nối mạng mạch Phật giáo của đất nước trong thời đại mới. Ngót 30 năm thành lập và phát triển, Giáo hội đã đạt những thành quả tốt đẹp song song với sự phát triển của đất nước.

Chúng ta đã và đang làm Phật sự lợi Đạo ích Đời, và do đó, Giáo hội được sự ủng hộ, tham gia của chư Tăng Ni, Phật tử cùng sự đồng tình, giúp đỡ của nhà nước.

Trong năm nay Tăng Ni Phật tử chúng ta đã và sẽ tổ chức, tham gia nhiều sự kiện quan trọng. Vừa qua, Giáo hội đã tiến hành nhiều hoạt động có ý nghĩa về mặt nhân sinh như các cuộc viếng thăm, ủy lạo đồng bào, chiến sĩ vùng đảo Trường sa; các cuộc lễ cầu an, cầu siêu cho các chiến sĩ, liệt sĩ tại các địa phương trong cả nước; lễ đón nhận Xá-lợi Phật từ Ấn Độ đưa về tôn trí tại chùa Bái Đính; chuẩn bị chu đáo Đại lễ Phật đản; chuẩn bị cho kỳ an cư kiết hạ; đề cử nhiều phái đoàn tham gia hội nghị, hội thảo; viếng thăm nhiều tổ chức Phật giáo ở nhiều nước bạn: Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia…

Còn hai Phật sự quan trọng là tham gia tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần VI tại Hà Nội.

Kể từ cuối năm vừa qua cho đến nay, Giáo hội chúng ta xem ngày lễ nghìn năm có một của Thăng Long Hà Nội, của toàn thể con dân nước Việt, là một ngày trọng đại. Bởi thế, cùng với nhân dân, các tổ chức, ban ngành trong cả nước, Tăng Ni Phật tử đã lồng ghép các ý nghĩa trọng đại này bằng nhiều phương tiện: truyền thông, hội nghị, hội thảo, lễ lạc…

Từ khi vua Lý Thái Tổ dời triều đình từ Hoa Lư về thành Đại La, đặt tên là Thăng Long – Hà Nội ngày nay, và lấy làm kinh đô. Phật giáo, vốn có mặt tại nước ta từ một ngàn năm trước, đã phát triển nhanh chóng, rực rỡ, nhất là vào thời nhà Trần. Những trang sử Việt vẻ vang đời Lý Trần cũng là những trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam.

Vào cuối tháng 11, chúng ta sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI mà Giáo hội là thành viên sáng lập. Đây là dịp để chứng tỏ sự lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam trên đất nước và trên thế giới.

Tất cả mọi hoạt động của chúng ta nhằm mục đích lợi đạo, ích nước, độ dân chính là nhằm phục vụ Đạo pháp, thực hiện thông điệp cứu độ của Đức Phật. Đấy là ý nghĩa đích thực của việc hoằng pháp.

Đức Phật dạy, “Này các tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc của quần sinh, vì an lạc của quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người.”

Kinh còn dạy, “Pháp nhờ Phật mà được triển khai một cách khéo léo. Pháp ấy là hiện thực, không bị hạn chế bởi thời gian, là pháp mà người nào thực hành thì sẽ có hiệu quả nhanh, là pháp có thể dẫn đường.

Muốn hoằng pháp, muốn mang ánh sáng Phật giáo cho đời, bản thân người con Phật phải nỗ lực tu tập, thúc liễm thân tâm, thấm nhuần kinh kệ, và nhất là phải kiên trì, tận tụy, nhẫn nhục, hy sinh.

Ngày xưa, Tôn giả Phú-lâu-na không quản gian nguy, nài nỉ Đức Phật, xin được phép đi hoằng pháp tại xứ Du-lãn-na nơi mà người dân còn thô bạo, hung tợn.

Ngày xưa, chư Tổ đã vượt rừng núi, sông biển, đã dựng am cốc ở nơi xa xôi hẻo lánh để tu tập và hoằng pháp, để thỉnh kinh, dịch kinh, phổ biến Phật pháp cho đời.

Mùa Phật đản năm nay, Phật lịch 2554, chúng ta thành tâm tưởng niệm hình ảnh cao vời toàn hảo về Trí tuệ và Đức độ của Đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni và thệ nguyện một lòng vì Đạo pháp và Dân tộc, vì hết thảy chúng sinh tại thế gian này.

Kính chúc chư liệt vị thân tâm hạnh lạc, Phật sự viên thành.

Xin cảm ơn toàn thể quý vị.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage