Phật Học Online

Lạc
Hoàng Công Danh

Cứ ra Giêng sư thầy lại vào thất như một nguyên tắc thiền định để bắt đầu kế hoạch tu hành của một năm. Thường thì sau Nguyên tiêu, vào một ngày sương phớt nhẹ và nắng ửng hồng, thầy gói ghém ít tư trang rồi khởi thân từ sáng sớm.


imagea

 Mỗi lần nhập thất thầy lại hoàn thành một bộ pháp thoại để truyền giảng trong mùa an cư kiết hạ sắp tới. Riêng mùa thất năm nay thầy còn thêm ý định là muốn lánh đi đâu đó một thời gian.

Điều này chỉ thầy biết mà thôi. Thầy không nói ra với ai, kể cả với người mà thầy muốn họ hiểu. Đấy là chị bán vải. Nói với chị điều ấy chắc chị buồn lắm. Chị luôn coi thầy là chỗ dựa tinh thần, một nơi an toàn cho phép chị có thể trút ra những tâm tư thế thái và nhận về niềm an ủi để thong dong đi hết cuộc đời cô đơn còn lại. Nhưng sự đời vốn không đơn giản thế. Một khi con ong đã tìm thấy hoa thơm thì ắt hẳn nó muốn lấy mật. Mà hoa ấy sinh ra không phải để rủ rê loài ong, lại càng không phải chỉ để ứa ra chất ngọt quyến rũ. Thầy từng giảng về thuyết vô thường cho chị nghe. Rằng ở đời mọi sự biến hoá khôn lường. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đừng quá tin vào bản thân mình, khi mà người ta chưa vượt qua tự ngã thì lý trí khó điều hành nổi ham muốn. Nói điều ấy là lời răn cho cả thầy và chị.

Phía bên ngoài thất, sư thầy kê ba hòn đá vững chắc làm cái đầu rau đun bếp. Buổi sang thầy dậy sớm nấu nước sôi và thực hành nghi thức thiền trà cho bữa điểm tâm. Cơm trưa thì điệu Sanh đưa từ dưới chùa lên. Buổi chiều thầy tự nấu cơm, ăn với muối mè hoặc nước tương đậu.

Nghe kế hoạch vào thất của thầy, chị bán vải có vẻ áy náy, bảo thầy ăn uống như thế chắc không đủ sức khoẻ để ngồi thất và làm việc đâu. Thầy cười, hành đạo ở trong tâm mình thì câu nệ gì chuyện ăn uống. Người ta đói đôi khi là do cứ mãi nghĩ đến miếng ăn, chị ạ, nhiều lúc cái ruột rỗng mà trí tuệ thông suốt thì cũng chẳng thấy đói.

– Con xin phép thỉnh thoảng được cúng dường thầy một bữa cơm chiều. Coi như chút công quả trong mùa nhập thất. Cũng là dịp để nghe thầy nói pháp. Được không thầy?

Sư thầy cảm thấy hơi choáng trước ý nguyện của chị. Cho chị lên thất chẳng khác nào mượn chỗ cho hổ gầm gào. Ai biết được ở nơi tĩnh mịch chuyện gì sẽ xảy ra. Dễ cầm lòng được chăng khi mà trời ở trên cao đất ở dưới thấp rừng cây che khuất.

– Thế phiền chị quá! Mà chị chưa quen đường khó đi lắm – thầy nói, có ý thoát thác công đứng phò trì của chị.

– Con cứ theo đường mòn là tới thôi chứ gì?

– Thì đúng vậy. Từ chùa dẫn lên thất chỉ có một lối mòn, nhưng không phải cứ cắm đầu đi thẳng là tới được. Coi chừng lạc lối lúc nào chẳng hay.

Ý thầy không phải nói tới cái sự lạc của bước chân. Bàn chân đi theo sự điều hành của lý trí. Mà lý trí nếu không sáng suốt thì tư tưởng dễ lệch lạc. Chị vẫn cứ nằng nặc đòi lên thất gặp thầy. Nghĩ cũng cam go đây. Thật khó lòng từ chối. Không có lý do nào ngăn cản được chị. Nếu thầy nói thật lòng mình là muốn tránh chị một thời gian thì phũ phàng quá, lại sợ chị nghĩ khác ý thầy, không còn tin tưởng thầy như trước nay nữa. Mà nói dối lòng mình thì thật không đành chút nào. Thầy bèn miễn cưỡng gật đầu đồng ý, cảm ơn tấm lòng của chị và không quên nhắc khéo.

– Ở trên ấy tôi tự lo được, mấy mùa thất rồi chớ có phải lần đầu đâu.

Thầy dành ngày nhập thất đầu tiên để chăm chút lại túp lều. Thật ra là chỉ đi quanh nhặt nhạnh ít cành cây khô, rồi vào trong sắp đặt mấy thứ đồ đạc cho gay ngắn. Cái bát trầm mới đem ra chùi buổi sáng đến chiều thầy bê ra chùi lại. Cứ như thể là bày việc ra mà làm cho đỡ tẻ. Lần vào thất này xem ra khó yên tĩnh hơn những lần trước đây.

Mảnh đất phía sau thất cỏ lên um tùm. Từ mùa thất năm ngoái đến giờ thầy ít khi lên đây lại. Chỉ đôi ba lần đi tìm mấy thế cây chơi bon – sai thì có ghé qua. Bận quá không dọn dẹp. Với lại cỏ dại cây rừng, có thu vén xong mấy bữa sau chúng lại mọc lan ra nhanh lắm. Không chừng dọn dẹp lại phá hỏng mất mấy cái tổ của chim trời thú núi thêm mắc tội. Thầy quơ cây gậy tre, đánh động vạt bụi rậm coi có con gì ngụ ở đó không rồi mới yên tâm bứt cây phạt cỏ.

Sáng hôm sau thầy cuốc đất, lật lên từng miếng to vừa nhát cuốc rồi qua suối lấy nước về tưới cho đất giữ nước. Chờ đến chiều cho đất rút ráo nước thầy xoay tai cuốc đánh tơi đất. Thầy đem hạt cải giống mang từ dưới chùa lên vãi ra. Coi như một cách tăng gia, tự làm nên thức ăn cho những bữa cơm chiều trên thất. Lá cải này đem nhúng nước sôi chấm với nước tương xì dầu thì hết ý. Thầy vừa trỉa hạt xuống đất vừa nghĩ, cái công việc này giống như gầy chủng tử vào trong A – lại – da thức. Mà sao ta lại tự tiện đi gieo những chủng tử đắng đót nhỉ?

Buổi tối thầy châm đèn cho rạng lên rồi xếp bằng ngồi trong tư thế kiết già, nhắm mắt hướng về phía ngọn lửa. Ánh sáng lờ mờ đọng lại trên võng mạc nhạt dần rồi nhoà ra tạo cảm giác nhờ nhờ hồng đỏ, ấy là khi đã nhập được quãng thiền. Nhưng chốc lát có gió thoảng qua, ngọn đèn bùng lên khiến vùng sáng lại đậm hơn. Như thế thì chưa thiền được. Đừng tưởng nhắm mắt mà không thấy gì, cớ sao người mù lại băng được qua đường. Chẳng phải ở một mình nơi miền hẻo lánh này mà không gặp bóng người đâu. Cái bóng lửa tưởng như đã khai ngộ ấy bùng loé là chứng tỏ tâm mình chưa yên.

“Ta cô đơn quá, muốn hắt sáng lên một chút để đỡ tẻ!”. Thầy cảm nhận được lời của búp lửa, hay chính là tâm tư của thầy lúc này đây. Ngọn lửa dẫn đường đi tìm chánh pháp mà còn làm thế làm sao soi tỏ đường cho người khác được. Thầy tự nhủ lòng chắc mới hôm đầu tiên nên chưa nhập tâm vào thiền định thôi. Nếu mà so với mấy bận trước thì coi như đêm nay thầy chưa đạt được gì. Chắc do tuổi tác, già thêm một xuân thì cái sức chống chọi với giá rét kém đi, và sức đề kháng trước căn bệnh cô độc càng suy giảm.

Điệu Sanh đưa cơm trưa lên thất đúng giờ ngọ, sắp ra theo cách dùng cơm của thầy khi ở dưới chùa. Ăn bằng cái thìa kẽm nhỏ. Đũa tre thì dùng để gắp thức ăn vào bát. Nước canh múc bằng cái muôi nhựa to. Nhất quyết không chọc thìa kẽm vào dĩa thức ăn hoặc bát lớn đựng canh. Làm như thế để nước bọt không vướng vào thức ăn, lỡ có thừa ra thì vẫn còn dùng được cho bữa sau.

Thầy thọ trai chậm rãi, cảm giác không ngon miệng lắm. Cơm chay do quý đạo hữu nấu cúng dường ở dưới chùa đưa lên, vẫn thức nêm vừa miệng thầy mà sao bữa nay thầy khó nuốt quá. Chắc là do thầy ăn một mình, lại thêm mấy ý nghĩ cứ lởn vởn trong đầu khiến thầy không để tâm thưởng thức. Vơi được một bát, thầy ngó qua hỏi điệu Sanh:

– Mấy bữa nay dưới chùa có yên tĩnh không?

– Dạ, vẫn yên ạ!

– Có ai đến vãn cảnh chùa hay viếng hương Phật không?

– Không ạ, chỉ có mấy đứa trẻ chăn trâu bên đồng vào leo cây ngô đồng hái quả. Mải hái để trâu đi lạc, nghe tiếng kêu chúng rung cây nhảy xuống, lá rụng nhiều thầy ạ!

– Thế không có ai tới kiếm thầy à?

– Dạ, chắc họ biết thầy lên ở trên thất nên cũng không tới.

Thầy múc nửa bát nước canh, hớp dăm thìa cho suôn miệng. Thôi vòng vo, thầy hỏi thẳng cái điều đang muốn biết:

– Thế chị ấy cũng không đến chùa sao?

Điệu Sanh ngập ngừng một lát mới trả lời được:

– Thưa thầy, mới bữa chiều nay con hay đi chơi quanh xóm nên không biết chị có đến không nữa.

Sư thầy im lặng một lúc, hơi thất vọng về câu trả lời ấy. Thầy nhắc nhủ điệu:

– Dửng dưng vô tâm thế không phải là người nhà chùa đâu con. Mà thầy nhắc con mấy lần rồi, đừng có tự ý đi chơi khi vắng thầy. Đi lung tung có ngày lạc đường đấy.

Điệu Sanh đưa tay lên gãi gãi trên đầu, không có tóc thì ngứa ngáy gì đâu mà gãi. Điệu muốn nói tại không có thầy buồn quá mà đi chơi thôi, sao thầy trách con. Túm kẻ có tóc, ai túm kẻ trọc đầu.

Đến ngày thứ ba sư thầy đã thấy văng vắng, đang viết thì thôi chớ rảnh ra tí là lại bồn chồn, đợi chờ một điều gì đó. Lúc mặt trời dồn về phía trời tây, chếch hướng nắng so với mặt đất một góc chừng bốn nhăm độ là thầy lại ngong ngóng bữa cơm chiều. Nếu chị cúng dường cơm thì phải đưa lên từ sớm để thầy khỏi chuẩn bị. Ơ hay, biết chị có đưa cơm lên không mà chờ. Thầy tự nghiệm lại pháp an nhiên, rằng đừng có chờ mong chi cả, điều gì hội đủ duyên thì nó tới.

Nhìn theo lối đường mòn, phía trước những rặng cây che khuất, nếu có một người tới thì bàn chân giẫm lên xác lá khô nghe rào rạc liền. Đôi khi chỉ vì gió thoảng qua khiến rừng động, tâm thầy cũng lao xao như lá, tự hỏi có phải ai đó đang lên đây với ta?

Thầy lật sách, đọc lại tạng Chuyển pháp luân, bộ kinh đầu tiên mà Đức Bổn sư đã giảng trong vường Lộc Uyển sau khi chứng đạo. Chuyển pháp luân nghĩa là quay bánh xe, người ta muốn đi xa trước hết cần một sự khởi hành ráo vát, cần có chánh tâm sáng suốt để xác định phải bắt đầu theo hướng nào. Và muốn khỏi lạc trên hành trình đã chọn thì bánh xe phải được quay trong định tâm, đừng nao núng khi gặp ngã ba. KinhChuyển pháp luân khuyên bậc tu hành không nên vướng phải hai điều cực đoan: tự làm khổ mình và chìm đắm vào dục vọng thấp hèn. Có khi thầy đang phạm vào cả hai điều ấy chăng?

Tâm đục ắt chúng sanh đục

Tâm tịnh ắt chúng sanh tịnh
Muốn được tịnh độ, trước cần tịnh tâm.
Tuỳ tâm mình tịnh, xứ Phật tịnh theo
Ba giới tu tịnh tự nhiên thành tựu

Chiều hôm đó, sau khi đã tịnh nghi thức Tịnh độ, thầy mới bắt tay vào công việc soạn pháp được. Xung quanh xem ra đã yên lặng và thầy nhập tâm viết một mạch ba trang giấy. Nét chữ ngay ngắn đều đặn chảy ra đầu ngòi bút. Thầy đang khởi viết về sự khổ của vọng tưởng. Nhập đề bằng cách nhắc lại khổ đế, bản chất cuộc đời là đau khổ. Rồi dẫn dắt ví von bằng những câu chuyện đời thường. Cái khổ trước tiên nảy sinh từ trong suy nghĩ của ta. Tư tưởng chưa thông vác bi đông không nổi. Xem ra thầy đang viết pháp thoại này để tự nhủ với mình. Nhưng viết ra được liệu có thực hành được.

Thầy chấm ngòi bút xuống giấy, đánh mục hai là ý thức tự giác trong việc thực hành diệt đế, rồi dừng lại đi ra ngoài thư giãn. Vừa lúc ấy chị bán vải mang cơm chiều lên thất. Hai người chạm mặt nhau ở cửa thất. Bỡ ngỡ. Bất ngờ. Vô thường mà bất thường. Trúc xinh trúc đứng đầu đình, tới chi nẻo thiền thêm quấy phá trúc ơi.

– A di đà Phật!.  Thầy chắp tay niệm danh hiệu vị Phật giáo chủ cõi Tây phương cực lạc. Người nhà chùa thường dùng danh hiệu của Ngài thay cho lời chào nhau, hoặc để thốt lên lúc gặp sự bất ngờ, giống người ta kêu lên một tiếng “ồ” mỗi khi tâm xao động.

Chị mỉm cười hiền hậu, nhẹ nhàng đặt cái giỏ mây xuống rồi sắp cơm ra chiếc bàn gỗ mà thầy đã kê sẵn bên mái hiên ngôi thất. Từng động tác cẩn trọng, chu tất như đang soạn sửa bữa cơm chiều cho gia đình. Ở đời nhiều khi chính cái dịu dàng lại làm tê liệt mọi sự mạnh mẽ đấy chứ chẳng phải chơi. Trong lúc chị bày cơm thì thầy đi ra sau thất lấy nước thanh tẩy mặt mày tay chân. Liệu có thể thanh tẩy tâm mình được chăng? Sao ta nghe nhoi nhói trong lòng một cảm giác khang khác. Có chút mừng gặp gỡ xen lẫn nỗi âu lo. Như thể người xuống bến chao chân, vừa mát nhưng vừa sợ trượt ngã.

Thầy ngồi vào chiếc ghế đối diện với chị, chắp hai tay cúi đầu nhẹ như để cảm tạ công lao người trồng ra hạt lúa ngọn rau và công quả cúng dường cơm chay của thí chủ.

– Mời chị thọ trai! – Thầy nói khẽ.

– Dạ. Con mời thầy. Con xin phép đi đun nước pha trà.

Nói xong chị đi về phía sau thất, gác mấy nhành cây khô nhúm mồi lửa. Lát sau khói đã xông lên uôm kín một góc mái thất. Thầy đang dùng cơm, ngửi được mùi khói thơm và cảm giác có sự ấm áp khác thường.

Thầy hớp năm thìa canh rồi đặt bát xuống. Thọ thực xong. Chị vừa rót trà vừa mời khéo:

– Sao thầy không dùng thêm một bát nữa?

– Tôi đủ rồi chị ạ. Cơm ngon lắm!

Chị tỏ vẻ mừng. Phụ nữ có một bổn phận lấy làm hạnh phúc, đó là săn sóc bữa cơm cho gia đình. Nghe thầy khen cơm ngon, chị vừa vui vừa nhơ nhớ. Ngày trước chồng chị cũng từng khen như thế. Cơm ngon canh ngọt. Nhưng quả đắng trong hạnh phúc nào ai ngờ. Giá hồi ấy chị sinh cho anh được một đứa con thì giờ này chắc chị cũng đang ngồi ăn cơm với gia đình và mãn nguyện ngắm nhìn những miếng ăn ngon lành. Đối với chị bây giờ ngôi chùa là căn nhà trú ngụ tinh thần và sư thầy như cây cột chắc chắn để nương tựa.

– Hay là… Từ nay con xin đều đặn cúng dường thầy cơm chiều nhé? Buổi chiều con không mở quán vải, ở dưới nhà nhàn rỗi cũng buồn thầy ạ!

– Cám ơn chị. Tôi tự lo được mà. Cứ có người lo cho riết rồi mình sinh ra ỷ lại. Bữa trưa diệu Sanh đưa cơm lên đây là được rồi.

Nhắc đến diệu Sanh, chị chợt nhớ ra lúc nãy ghé sang chùa, thấy vắng Sanh. Hỏi bác quản tự thì nghe bảo điệu ấy đem cơm lên thất từ trưa vẫn chưa về. Sư thầy đâm hoang mang khi biết tin. Lại cái tính ương nghịch và ham chơi của điệu Sanh. Thầy biết mỗi lần lên thất, điệu ưa đi theo mấy đứa trẻ con vào sâu trong rừng tìm bắt chim và hái quả dại. Nhắc nhở bao nhiêu lần rồi điệu vẫn quên. Có khi mấy đứa trẻ con dùng ná bắn chim rồi vặt lông, nhúm lửa nướng lên ăn nữa.

Thầy nhìn ngược về phía đỉnh núi, thấy một cột khói bay lên mờ mờ. Dễ diệu Sanh đang ở đó lắm. Trẻ con cứ thấy vui là tới, có ăn thì ở chơi không biết chán. Phải đi tìm điệu ấy về thôi, trời sắp tối rồi.

Chị cũng đi theo thầy. Hai người nhằm theo hướng cột khói. Khu rừng cỏ dại mọc cao che lối. Không hề có một con đường mòn nào dẫn lên trên đó cả. Vì thế họ cứ đi theo cảm tính. Đôi khi biết cái đích đến, xác định được phương hướng rồi mà chướng ngại trên đường đi khiến ta vẫn bị lạc. Trời tắt nắng nhanh, mặt trời khuất sau núi, bóng tối tràn qua khu rừng như khiêu khích người ta chơi trò trốn tìm.

Cuối cùng họ cũng tìm được tới cái chỗ phát khói kia. Chỉ có một đống lửa nằm bên khe suối, hình như là của những người đi qua rừng lúc chiều đốt lên nướng cá. Trời đã tối muộn, rừng cây chìm trong một màu đen đặc. Đến lúc này thầy mới nhớ ra là chiều nay điệu Sanh đi học bù ở trường, có xin thầy cho ở lại một lúc để tập duyệt chương trình hội thi tìm hiểu luật an toàn giao thông. Sao thầy lại có thể quên khuấy đi được cơ chứ. Vậy là điệu ấy không đi lạc đâu cả. Chỉ có thầy và chị bây giờ không thể tìm được đường về ngôi thất. Đành ngồi lại đây chớ đi đâu nữa.

Vẫn may là còn một đống lửa, không thôi có khi nửa đêm trời lạnh phải ôm chầm lấy nhau cho đỡ rét. Mà biết đâu được? Một khi đã lạc thì khó ai lường trước chuyện gì sẽ xảy ra.

Văn Hoá Phật Giáo


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage