Phật Học Online

Vì sao bị tẩu hỏa nhập ma?

“Tẩu hỏa nhập ma” là thuật ngữ được nói đến trong võ học. Đó là tình trạng rối loạn khí huyết, đảo lộn kinh mạch do tu luyện khí công, nội công sai phương pháp hoặc do nóng vội mà luyện tập không đúng trình tự, diễn tiến; dẫn đến nhẹ thì sinh bệnh, nặng thì bán thân bất toại; điên loạn, thậm chí tử vong.

Người tu theo đạo học, thỉnh thoảng cũng dùng thuật ngữ “ tẩu hỏa nhập ma ”để chỉ tình trạng cuồng tâm loạn trí, ảo tưởng, hoặc rơi vào tà kiến, ngoại đạo ..do dụng tâm , dụng công sai trong quá trình tu tập. Có thể nói “ tẩu hỏa nhập ma ”là một dạng bệnh lý; trong võ học nó thiên về tâm bệnh.

Tình trạng tẩu hỏa nhập ma trong giới võ thuật tuy biểu hiện là thân bệnh nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bệnh , có thể khiến cho người bệnh thay đổi tính khí , thay đổi tâm tư tình cảm , có thể khiến một người có bản tính lương thiện trở thành hung ác. Tình trạng tẩu hỏa nhập ma trong giới tu tập theo đạo học tuy là tâm bệnh nhưng cũng ảnh hưởng không ít đến cơ thể sinh-vật lý .

Trong Phật giáo không có thuật ngữ “ tẩu hỏa nhập ma ”, nhưng những tình trạng tương tự tẩu hỏa nhập ma được kinh điển đề cập rất nhiều thông qua các từ “ma sự”, “ma chướng ”, gồm cả nội ma lẫn ngoại chướng mà tiêu biểu là 50 món ma đã được kinh Thủ Lăng Nghiêm nói đến .

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm , Đức Phật dạy có 10 món ma thuộc về sắc ấm , 10 món ma thuộc về thọ ấm , 10 món ma thuộc về tưởng ấm , 10 món ma thuộc về hành ấm ,và 10 món ma thuộc về thức ấm ‘ tổng cộng có 50 món ma nói trên , có hai trường hợp mà người tu hành thường gặp phải :

Thứ nhất , tâm sinh đại ngã mạn : người tu tự cho việc tu hành của mình với những sở ngộ , sở đắc như thế là đầy đủ , viên mãn rồi ; từ đó sinh tâm đại ngã mạn , khinh khi chư Phật , các bậc Thinh văn , Duyên giác , tự cho mình chứng Thành , không lạy Phật , lạy Tổ ; lại còn hủy hoại kinh tượng.

Thứ hai , tham cầu thần thông , diệu dụng : người tu khởi tâm tham cầu thần thông , diệu dụng ,và những cảm ứng linh nghiệm . Thiên ma biết được tâm niệm đó thừa dịp nhập vào người giúp người tu có thể hiển thị thần thông diệu dụng , hoặc sai sử người tu làm việc phạm trai , phá giới , thuyết tà pháp , bày điều mê tín dị đoan , tiên tri kiết hung họa phước.

Đôi khi người tu hành học đạo rơi vào tình trạng “ tẩu hỏa nhập ma ” mà không hay , đó là những hiện tượng:

1-   Tư tưởng rối loạn do tích chứa quá nhiều khiến thức mà không thể thâu về một mối , không thể thâu về một mối , không thể quán triệt thấu suốt để dung hòa , từ đó cũng không biết chỗ để thực hành , tu tập.

2-  Học không bắt đầu từ căn bản , không có cơ sở, nền tảng vững chắc , không được chỉ dạy , huấn luyện căn cơ , trình độ . Căn cơ trình độ thấp kém , nhưng tiếp cận giáo lý Đại thừa nên sinh tâm ngã mạn, rơi vào tà kiến, ngoại đạo . Việc tu tập những pháp môn khong phù hợp căn cơ , trình độ , chẳng những không đạt kết quả mà còn có hại cho bản thân.

3- Tự thấy mình có khả năng tiên tri , dự đoán kiết hung, tiêu tai giải nạn , xem mình như tần thánh có quyền ban phước giáng họa, thay đổi điều kiết hung mà không cần phải tuân theo nhân quả bằng cách dùng thần chú , mật ấn , Phan tự nếu là người tu theo Phật giáo , dùng tà thuật nếu là ngoại đạo ; có người còn tự xưng là Vô Thượng sư , Đạo sư , Phật sống , Tổ sư v.v..và thấy rằng mình đáng được mọi người sùng bái , kính ngưỡng.

Trong Đạo giáo – do Trương Đạo Lăng thành lập vào thế kỷ thứ II ở Trung Quốc thờ Lão Tử làm Giáo tổ , dạy cách tu tiên , dùng bùa phép , chú thuật trừ tà , trị bệnh, sai khiến quỷ thần – có nhiều người còn tự xưng mình là Ngọc Hoàng Thượng Đế , Thái Thượng Lão Quân , Nguyên Thỉ Thiên Tôn , Tây Vương Mẫu v.v.

Thời nào cũng có những người tu tập theo đạo học như sai đường lối, rơi vào tà kiến, mắc phải tâm bệnh , làm việc ma sự . Hầu hết những người này đếu có ảo tưởng rằng mình đã chứng đắc thần thông hoặc được các đấng thiêng liêng phù trợ . Hiện tượng này giống như tình trạng bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng . Ở Phương Tây , trước giờ cũng có vô số trường hợp “ tẩu hỏa nhập ma ” khiến phát sinh tinh thần do cuồng tín . Do có niềm tin và cách hành đạo lệch lạc , làm hại bản thân và hại nhiều người khác .

Người tu học Phật nếu dụng tâm sai ( không có chánh kiến, không có chánh niệm, móng tâm vọng niệm chấp trước, tham cầu thần thông diệu dụng , tu hành với niệm tham sân, si tu hành với mục đích có được lợi dưỡng , danh tiếng , sự trọng vọng ), dụng công sai ( tình trạng thái quá hoặc bất cập trong tu tập , hoặc thực hành sai phương pháp, không đúng lộ trình ) hoặc nếu không có thầy hướng dẫn …đều có thể rơi vào đường tà hoặc rối loạn tâm thần , điên loạn ( nếu như tu thiền sai phương pháp, lạc vào tà thiền , ngoại đạo thiền ).

Có thể nói không ít người đã từng tiếp xúc các trường hợp như thế . Có một vị Phật tử nọ, sau một thời gian tu thì nảy sinh tình trạng “ ợ ợ, ngáp ngáp ” cho rằng mình được “ đấng bề trên ” độ mạng; anh thường hay coi bói, đoán kiết hung cho người khác, chỉ cách cúng kiến, cầu khấn. Thầy bạn của anh cho rằng anh đã lạc vào đường tà, tìm cách giúp anh nhưng anh cứ khư khư là mình tu đúng chánh pháp.

Có nhiều người sau khi tu theo Mật tông một thời gian thì tự tin rằng mình có khả năng tiêu tai giải bệnh , trừ tà , giúp người kinh doanh mua bán hanh thông phát đạt , dám tiên đoán người bệnh trong bao lâu sẽ bình phục hoặc mãn phần. Nhưng khi sự việc xảy ra không như lời “ phán ”của “ cao nhân ” thì “ cao nhân ”lánh mặt hoặc tìm lý do để ngụy biện, đôi khi tự gạt cả thân mình vì có ảo tưởng mình có khả năng đặc biệt hoặc có hộ pháp chư thiên ủng hộ.

Tình trạng “ tẩu hỏa nhập ma ” tinh thần không dễ nhận ra nếu không có minh sư , không có thiện hữu trí thức khai thị , chỉ điểm , dẫn dắt.

Theo Minh Hạnh Đức - VHPG


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage