Phật Học Online

Vị sư “vướng nợ trần” dưới mái chùa Bồ Đề

Thường đã là người tu hành thì đều mong muốn thoát hết nợ trần, chuyên tâm tụng kinh niệm Phật để tinh thần và thể xác được về miền cực lạc. Ấy vậy mà tại một ngôi chùa của thủ đô nằm bên bờ tả sông Hồng, lại có một sư thầy đã mấy chục năm nay chưa một ngày được tĩnh tại.

Bởi lúc nào người cũng phải lo cho cả trăm đứa trẻ bị bỏ rơi, hàng chục ông, bà già không nơi nương tựa và rất, rất nhiều hoàn cảnh cơ nhỡ khác đang trú ngụ tại đây. Bà là ni sư Thích Nữ Đàm Lan - trụ trì chùa Bồ Đề - một trong mười “Công dân ưu tú thủ đô năm 2011” được TP.Hà Nội vinh danh trong dịp kỷ niệm 57 năm Giải phóng thủ đô.

“Há chẳng phải đây là xứ Phật?”

Chúng tôi tìm đến chùa Bồ Đề vào một buổi chiều mưa phùn giữa cái lúc cơn bão này chưa qua, cơn bão kia lại ập đến. Gió từ ngoài sông thốc từng đợt, phả cái hơi se se lạnh vào người. Vào chùa, trước mắt chúng tôi là cảnh tượng cực kỳ vui mắt của những đứa trẻ, cứ nghĩ mình đang đến thăm nhà trẻ. Thời điểm này, có tới 60 đứa trẻ từ 2 -3 tuổi trở xuống đang ở đây, số còn lại thì đi học chưa về.

Bên ngoài sân, những đứa trẻ chập chững đang bi bô vui đùa với những tình nguyện viên nước ngoài làm từ thiện theo một chương trình phi chính phủ. Dưới các giường dựng tạm bên mái hiên, nhiều cụ già dõi theo nụ cười của lũ trẻ. Trong dãy nhà tầng, có rất nhiều đứa trẻ mới từ 3 tháng đến dưới một tuổi hay các bé có vấn đề về thần kinh đang được sự chăm sóc tận tình từ các “mẹ”.

Hầu hết những đứa trẻ ở chùa Bồ Đề đều mang tên Anh. Bé trai họ Cù Đàm, bé gái là Kiều Đàm. Sư thầy Đàm Lan giải thích: “Họ Cù là họ của đức Phật, còn họ Kiều là lấy họ của bà Kiều Đàm Di - tên một nhân vật trong truyền thuyết của nhà Phật. Còn tên Anh là tôi muốn sau này anh em chúng nó ra ngoài còn nhận ra nhau”.

Ngoài những đứa bé có sự phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần, chùa Bồ Đề hiện cũng đang nuôi những em mang trong mình căn bệnh thế kỷ hay các bệnh về trí não. Cù Quang Anh là một cậu bé như vậy. Em bị hẹp hộp sọ chèn não nên khi bị kích thích cứ cúi rạp người xuống đất, gật đầu liên tục. “Mẹ” em cho biết: “Bất cứ lúc nào cũng phải có một người ở bên nhằm tránh mọi va đập vào đầu cháu. Cách đây không lâu, bé Quang Anh đã một lần được mổ để nới hộp sọ chèn não. Hiện tại, cần phải chờ thời gian cho em lớn rồi mới tiến hành mổ tiếp được”.

Tại một gian phòng khác trên tầng 2, bế bé Cù Đức Anh trên tay, tôi hỏi “mẹ” của em thì được biết chị quê ở Thanh Hóa, hiện chăm sóc 4 đứa trẻ tại đây. Nhìn điệu bộ e dè với vóc dáng còn thiếu nữ, nước da trắng ngần, tôi đoán “mẹ” mới đang tuổi đôi mươi. Đây cũng là một trong hơn 30 “mẹ” có số phận cơ nhỡ được sư Đàm Lan cứu giúp rồi tình nguyện ở lại đây chăm sóc cho những đứa trẻ.

Không biết từ lúc nào, ngôi chùa ven đô lại trở thành mái ấm của những người không nơi nương tựa. Từ trẻ sơ sinh lành lặn, kháu khỉnh đến đứa trẻ lỡ sinh ra không bình thường; rồi là các em, các chị, các cô lầm đường, lạc bước; và cả những cụ ông, cụ bà bị con cháu hắt hủi... Họ đều ở đây, nương nhờ cửa Phật. Như sư Đàm Lan nói: “Có duyên thì sinh, vô duyên thì diệt”. Phải chăng, chính nhờ tấm lòng trắc ẩn của “người con của Phật” mà những cảnh đời, số phận hẩm hiu kia được cứu vớt.

Đạo là đạo đời

Sinh ra trong một gia đình đắc đạo, ni sư Thích Nữ Đàm Lan đã sớm quy y cửa Phật từ khi mới 16 tuổi. Đến nay, sư thầy đã có 40 năm tu hành ở chùa Bồ Đề. Sư thầy Thích Đàm Lan được biết đến như một người nổi bật trong công tác làm từ thiện xã hội. Từ năm 1989, sư Đàm Lan bắt đầu cứu vớt những số phận bất hạnh. Hiện nay, chùa Bồ Đề đang cưu mang 130 đứa trẻ; 34 ông, bà già và 31 người cơ nhỡ khác.

Trước hay sau, sư Đàm Lan luôn là người chắp cánh cái thiện, hướng con người đến cái thiện cũng như luôn tìm kiếm những cái thiện trong cuộc đời. Cảm được tấm lòng đại từ, đại bi của sư Đàm Lan, rất nhiều cá nhân, tổ chức tình nguyện đã chung tay cứu giúp những cảnh đời bất hạnh đang trú ngụ ở Bồ Đề. Sư thầy tâm sự: “Bây giờ kinh tế phát triển, nên nhiều người có điều kiện làm từ thiện, nhưng tôi vẫn nhớ nhất lần một ông giáo thanh bạch, đến và đi vội vã trong chiều đông lớt phớt mưa phùn. Ông mang đến một cái áo sơmi trắng đã cũ, gói trong tờ báo rồi nói: “Con gửi sư cái áo cũ, con đã giặt sạch sẽ lắm rồi!”.

Quả thật với sư Thích Đàm Lan, là một con của Phật không chỉ là tụng kinh, niệm Phật mà phải đưa cái thiện tâm vào đời sống. Như giáo lý nhà Phật: “Phục vụ chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”. Ngày qua ngày, vị ni sư này tất bật với công việc của một trụ trì rồi đến việc làm “mẹ” của cả trăm đứa trẻ. Với người: “Thời gian trôi quá nhanh, một giấc ngủ cũng chưa bao giờ đẫy. Tuy phải lo nhiều nhưng tâm trạng lúc nào cũng vui. Nhất là buổi sáng thức dậy được nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ chưa vướng sự đời”.

Chí Công - Phan Dương


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage