Phật Học Online

Đạo hiếu và phong hóa gia đình
Huỳnh Ngọc Trảng

Rất phổ biến là các huyền thoại khai nguyên tộc người, những sáng thế luận của các tôn giáo đều giống nhau ở chỗ sáng tạo ra một cặp nam nữ đầu tiên ở buổi hồng hoang xa xăm của lịch sử. Một người đàn ông, một người đàn bà và con cái của họ là hình ảnh của tế bào gia đình nguyên sơ mà ngày nay, trong xã hội hiện đại, đang trở thành mô hình thời thượng.

Thật ra, trong lịch sử chúng ta đều biết cấu trúc gia đình có những quy mô lớn hơn: bầy đàn, thị tộc, bộ lạc, tông tộc, cộng đồng làng xóm… Ở đó nhiều thế hệ sống và lao động liên kết nhau, ở đó nhiều tấm gương của tổ tiên tiếp tục soi sáng cho bao đời sau, ở đó bảo lưu lâu dài các phong tục, ở đó những việc thờ cúng mang tính chất tín ngưỡng hay tôn giáo đã bắt rễ và ăn sâu… Và ở đó, một thiết chế có luật lệ, tôn ti được xác lập, có thể làm ngột ngạt cho một số người, nhưng lại mang đến sự ổn định và an toàn cho tất cả. Hiếu kính với cha mẹ, nói rộng là hiếu đễ (hiếu kính với cha mẹ, kính thuận với anh em) ra đời từ nhu cầu quy phạm hóa, thể chế hóa mối quan hệ của thành viên gia đình. Các bộ luật cổ của xứ ta đều xác định tội bất hiếu, bất mục là trọng tội, thuộc “thập ác” (mười trọng tội hàng đầu). Nói cách khác, hiếu là một chuẩn mực đạo đức đã được thể chế hóa, được xác định là nghĩa vụ, là trách nhiệm mà mỗi người phải tuân thủ và đã trở thành giá trị, quan niệm phổ biến.

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Theo đó, làm con phải có trách nhiệm đền đáp công sinh thành dưỡng dục. Một cách cụ thể, công lao khó nhọc của cha mẹ đối với con cái được xác định vào 9 việc - gọi là “chín chữ cù lao”: 1. sinh (đẻ); 2. cúc (nâng đỡ); 3. phủ (vuốt ve/âu yếm); 4. xúc (cho bú); 5. trưởng (nuôi nấng cho lớn mạnh); 6. dục (dạy dỗ); 7. cố (đoái tưởng đến); 8. phục (săn sóc); 9. phúc (bảo vệ).

Đã đành lý lẽ là như vậy, nhưng điều cần lưu ý là đạo hiếu vốn là tình cảm tự nhiên. Cũng có ý kiến rằng tình mẫu tử, phụ tử tương tác là một nhiên tính bản thể (như gà mẹ chiu chắt đàn con, hổ dữ không ăn thịt con, v.v…)

- Chiều chiều chim vịt kêu chiều,

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

- Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng,

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!

(Thương cha nhớ mẹ thì về,

Nhược bằng thương cảnh, nhớ quê thì đừng).

Lưu ý đến căn nguyên tình cảm tự nhiên của đạo hiếu ở đây là muốn nhấn mạnh đến mối ràng buộc thiêng liêng của con cái đối với cha mẹ. Nói cách khác, hiếu thảo là một mặt và cái cách thể hiện đạo lý đó là mặt thiết yếu khác. Trả hiếu cho cha mẹ không chỉ thuần là nghĩa vụ phụng dưỡng hoặc tân tiến hơn là cung cấp đủ các khoản chi phí cho nhà dưỡng lão, để ở đó người ta lo cho cha mẹ mình.

- Mẹ già như chuối ba hương,

Như xôi nếp một, như đường mía lau.

- Mẹ già ở túp lều tranh,

Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con.

- Đêm đêm thắp ngọn đèn trời,

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Chúng ta có thể dẫn ra nhiều câu ca dao liên quan đến vấn đề hiếu đạo và tuồng như hầu hết đều hàm chứa cái tình nhiều hơn cái nghĩa. Đó là điều lý giải tại sao một tiếng chim kêu chiều, một bóng núi mờ xa… đã làm chúng ta bâng khuâng, da diết nhớ đến song thân ở quê nhà… Hơn cả một nghĩa vụ, hiếu có nguồn cội sâu xa trong tâm khảm mỗi chúng ta chứ không chỉ ở lý trí.

2. Một hôm, Tử Du hỏi về hiếu, Khổng Tử nói: “Kim chi hiếu giả, thị vi năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng dưỡng. Bất kính hà dĩ biệt hồ?” (Hiếu ngày nay là bảo có thể nuôi cha mẹ; đến như giống chó, giống ngựa đều có người nuôi. Nuôi mà không kính lấy gì phân biệt?). Hiển nhiên, người có hiếu trước hết phải nuôi cha mẹ. Nuôi thì phải kính, nếu không kính thì không là hiếu. Như vậy, việc phụng dưỡng cha mẹ cốt tủy là ở sự thành kính, dầu phải ăn gạo xấu, uống nước lã mà làm cho cha mẹ được trọn vui, ấy gọi là hiếu (Xuyết thúc ẩm thùy, tận kỳ hoan, tư chi vị hiếu”/ Lễ ký. Đàn cung hạ).

Hiếu là phạm trù luân lý cơ bản của Nho gia: là gốc của nhân luân, là nguồn của đạo đức. Hiếu kinh viết: “Xét ra hiếu là gốc của đức, là nguồn sinh ra giáo hóa” (Phù hiếu đức chi bản dã, giáo hóa chi sở do sinh dã). Về nội dung của hiếu, Nho gia cho rằng: Hiếu bao gồm từ việc có kế thừa được di chí và sự nghiệp của tổ tiên hay không, tình cảm hiếu kính đối với cha mẹ có xuất phát từ nội tâm hay không và sự phụng dưỡng, ma chay, tế tự có giữ nghiêm lễ chế hay không v.v… Hiếu kinh tổng kết về hiếu cụ thể như sau: 1. Da, tóc, thân thể nhận từ cha mẹ nên chẳng được làm cho thương tổn hay hủy hoại; 2. Lập thân hành đạo với đời để cho cha mẹ được hiển vinh là sự thể hiện trọn vẹn đạo hiếu. Hiếu bắt đầu từ thờ cha mẹ, kế đó là thờ vua và cuối cùng là lập thân. Nói chung, hiếu của Nho gia có những nhân tố hợp lý như tôn kính, phụng dưỡng cha mẹ, nhưng cũng có điều phi lý hoặc lỗi thời như chuyện để râu, tóc, móng tay chẳng cắt gọt; hoặc như coi việc không có con trai nối đời là bất hiếu (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại), hay việc cha mẹ còn không được đi xa… Cái mục đích của hiếu là nhắm đến việc giáo hóa đạo nhân và việc thực hành đạo hiếu là đặt cơ sở trên lý trung dung. Tuy nhiên, trong lịch sử, có những cố chấp vào hình thức, bày ra nhiều cách phiền toái làm mất đi yêu cầu chủ đạo là cung kính và thành thực; lại không quán triệt tinh thần trung dung của chính Nho giáo nên câu chấp điều vụn vặt không hợp thời, hợp cảnh.

3. Ở xứ ta, nói đến hiếu đạo thường nhắc đến 24 gương hiếu tử trong Nhị thập tứ hiếu diễn âm do Lý Văn Phức (1785-1849), dịch từ sách Nhị thập tứ hiếu của Trung Quốc. Lý Văn Phức làm quan trải các triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, từng đi công cán nhiều nước Viễn Đông. Ông dịch Nhị thập tứ hiếu với ý thức “Muốn lưu gia phạm nên truyền quốc âm”. Tác phẩm này có ảnh hưởng lớn qua con đường văn chương lẫn truyền khẩu, theo đó 24 hiếu tử trở thành mẫu mực trong cuộc sống thế kỷ XIX. Ở đó, chúng ta biết đến Ngu Thuấn nhẫn nhục, Văn Đế hầu mẹ ốm ba năm không ngủ, Mẫn Tử Khiên cam phận đầy thánh thiện, Diễm Tử vào rừng tìm sữa hươu, Mạnh Tông mặc giá rét vào núi tìm măng, Ngô Mãnh ngủ trần cho muỗi đốt, Đinh Lan tạc tượng cha mẹ để hầu hạ cơm nước suốt mấy chục năm liền, Quách Cự giết con để mong trọn chữ hiếu với mẹ… Nói chung, các tấm gương “anh hùng đạo lý” trong Nhị thập tứ hiếu không hiếm trường hợp cao cả và cũng không ít trường hợp thái quá.

Không phải bây giờ chúng ta mới xét lại mà đương thời với Lý Văn Phức, Trương Hảo Hiệp trên đường đi sứ Trung Quốc qua nơi Quách Cự chôn con đã đề thơ chê trách:
Cận thính từ đường ái thử nhi,

Quách quân hà sự nhẫn mai thì?

Nhược giao (giáo) lão mẫu văn tiêu tức,

Khấp tử tuyền đường vị khả tri!

Cao Tự Thanh dịch:

Nghe nói bà cưng đứa cháu này,

Tại sao chàng Cự lại chôn đi?

Mẹ già như rủi mà nghe được,

Khóc chết tuyền đài cũng có khi.

(Đề Quách Cự mai nhi xứ/ trong Mộng Mai đình thi thảo)

Rõ ràng hiếu của Nho gia mà được hiểu và làm như Quách Cự là bất nhân. Hiếu là nền tảng giáo hóa để đạt đến nhân, chứ không câu chấp điều vụn vặt thái quá như vậy. Trần Trọng Kim trong sách Nho giáo nhận xét: “Cũng vì nhiều người không hiểu cái thâm ý chữ hiếu là cái mối đầu sự tác dụng của đạo nhân cho nên cứ câu nệ vào cái hình thức bề ngoài bày ra những phiền toái, làm mất cả cái tinh thần giản dị, thành thực (Bản in của NXB Tân Việt, trang 145). Lời nhận xét về đám hủ nho ngày xưa đáng coi là lời phê bình những “hủ nho ngày nay” sính việc tang lễ rình rang, giỗ chạp linh đình để biểu diễn cái lòng hiếu thảo rỗng tuếch. Người hiếu thảo khác với kẻ làm ra vẻ hiếu thảo.

4. Đọc trong truyện thơ Dương Từ - Hà Mậu của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, sáng tác hồi cuối thế kỷ XIX, chúng ta thấy tác giả đứng trên lập trường Nho giáo chỉ trích khá gay gắt đạo Phật là đạo xúi bẩy người ta bỏ vợ con, gia đình, “trốn tránh xâu thuế vào chùa tu” và đặc biệt là tội bất hiếu của Tăng sĩ Phật giáo:

Tóc, râu là dạng nam nhi,

Của cha mẹ đúc can gì cạo đi?

Tổ tiên chút đã đền chi,

Vùa hương, bát nước mấy khi phụng thờ.

Và:

Làm người sao chẳng theo loài,

Thảo cha, ngay chúa đoái hoài chi đâu?

Đành lòng cạo hết tóc râu,

Đã âu bất hiếu, lại âu phản thần.

Những lý lẽ mà Nguyễn Đình Chiểu nêu ra trên đây thực ra cũng… phổ biến và trong lịch sử, ở chừng mực nào đó rất gần với lý lẽ của sáu phái ngoại đạo chê trách Phật Thích Ca khi ông bỏ cung điện đi tu. Họ chê rằng Thích Ca là người phước bạc (mẹ sinh ra ông 7 ngày đã chết), bạc nghĩa (bỏ vợ con), bất hiếu (bỏ vua cha đã già)… Điều này ghi rõ trong kinh Đại Phương Tiện Báo Ân. Tất cả những lý lẽ này hoàn toàn không thể tất đối với đạo Phật, có thể nói chưa lĩnh hội hết tinh thần hiếu đạo cao cả và rộng lớn của Phật giáo. Giáo lý nhà Phật coi công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ là một trong Tứ trọng ân mà mỗi người phải lo báo đáp: ân cha mẹ; ân đồng bào, đồng loại; ân quốc vương; ân Tam bảo. Ở Nam Bộ từ giữa thế kỷ XIX, Tứ ân đã được coi là giáo pháp chính yếu của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và kế đó là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, coi trọng cả Tứ ân và đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị Hiếu và Nghĩa. Điều này đã chỉ ra ảnh hưởng, tác động to lớn của quan điểm Tứ ân Phật giáo với cộng đồng cư dân Nam Bộ.

Đối với đạo Phật, đạo Hiếu được đề cập trong nhiều kinh điển: kinh Báo Ân, kinh Hiếu Tử, kinh Vu Lan Bồn, kinh Tâm Địa Quán, kinh Bổn Sự

Đạo Nho chủ vào tính chất nội tại hơn là tính siêu việt; do đó, đạo hiếu Nho gia không chịu có một bước nhảy siêu hình mà quay về với người sinh tạo ra họ và hiếu được xã hội hóa là trung với vua. Hiếu đạo của Phật giáo bao gồm cả hiếu đạo thế gian và hiếu đạo xuất thế gian (tức vừa có những nội dung thực tiễn lại vừa có những nội dung siêu việt). Trong kinh Hiếu Tử, Đức Phật đã nói với các Sa môn rằng: “Con nuôi cha mẹ bằng cách đem những thức cam lộ trăm mùi ngon ngọt dâng lên cha mẹ làm cho cha mẹ thỏa miệng, đem các thứ nhạc hay như nhạc ở cõi trời làm cho cha mẹ vui tai, may các quần áo đẹp cho cha mẹ rực rỡ và suốt đời cõng cha mẹ đi dạo chơi khắp bốn bể để trả ơn sinh dưỡng thì vẫn chưa đủ hiếu. Người con thực hiếu, thấy cha mẹ mê tối, làm những việc ác phải can ngăn, kiên trì làm cho cha mẹ giác ngộ Chánh pháp”. Khác Nho giáo, hiếu đạo Phật giáo gồm cả lý lẫn sự. Sự là việc phụng dưỡng, kính ái cha mẹ; lý là làm sao cho cha mẹ thoát khỏi luân hồi, nghiệp báo, đạt được cứu cánh giải thoát của tôn giáo này. Nói cách khác, sống thiện là hiếu hạnh, là phát tâm báo ân; và ác là làm ác, không tu dưỡng là bất hiếu. Theo đó, đây cũng là ý nghĩa của lời nói của Phật Di Lặc: “Trong nhà có hai Đức Phật mà con người không hiểu: cha mẹ hiện tại là Phật Thích Ca và Phật Di Lặc vậy”.

5. Những gì trình bày trên đây cho chúng ta thấy rằng hiếu thảo là một đạo lý phổ quát trong các nền văn hóa và không một tôn giáo nào không lưu tâm thích đáng đến nó. Dù có thể có những cách nhìn và những quy phạm khác nhau, tất cả các giáo lý đều coi hiếu là một giá trị quan trọng của cuộc sống làm người, nền tảng của đạo lý và hạnh phúc. Do vậy, dù thời cuộc đổi dời đến đâu, hiếu đạo vẫn là điều luôn được coi trọng và đặc biệt là cơ sở chế định các mối quan hệ gia đình. Thay lời kết, tôi xin kể một câu chuyện:

Một họa sĩ suốt đời ước mơ vẽ một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đến hỏi vị giáo sĩ để biết điều gì đẹp nhất. Vị giáo sĩ trả lời: Tôi nghĩ điều đẹp nhất trần gian là niềm tin vì niềm tin nâng cao giá trị con người”.

Họa sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với một cô gái và được trả lời: Tình yêu là điều đẹp nhất trần gian, bởi tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào, mang đến nụ cười cho kẻ đang khóc than, làm cho điều bé nhỏ trở nên cao trọng. Cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao khi không có tình yêu”.

Cuối cùng, họa sĩ gặp một người lính vừa trở về từ chiến trường. Được hỏi, người lính trả lời: Hòa bình là cái đẹp nhất trần gian, ở đâu có hòa bình là ở đó có cái đẹp”. Và họa sĩ tự hỏi mình: Làm sao mình có thể vẽ cùng một lúc cả niềm tin, hòa bình và tình yêu…?”.

Khi trở về nhà, ông nhận ra niềm tin trong ánh mắt các con, tình yêu trong nụ hôn của người vợ. Chính những điều đó làm tâm hồn ông tràn ngập hạnh phúc và sự bình an. Họa sĩ đã biết như thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Ông cặm cụi vẽ và khi hoàn thành tác phẩm, ông đặt tên cho nó là Gia đình”.

Thật vậy, gia đình là nơi đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, tiếng hát của người mẹ và sức mạnh của người cha. Nơi đó chan hòa hơi ấm của những con tim biết yêu thương, là ánh sáng của những đôi mắt tràn đầy hạnh phúc, là sự ân cần, là lòng chung thủy.

Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên học những điều hay lẽ phải, niềm tin và lý tưởng sống”.

Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ.

Đó là nơi những món ăn đơn sơ cũng thành mỹ vị,

Đó là nơi tiền bạc không quý bằng tình yêu,

Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm vui, hạnh phúc”.

Chúng ta có thể kể ra nhiều hơn nữa những điều tốt đẹp cho cuộc sống mà gia đình mang lại. Song trong thực tế, những mối dây liên hệ truyền thống đó có khuynh hướng lỏng lẻo dần và các nơi chốn ấy ngày càng bị xã hội hiện đại xô đẩy đến chỗ tan rã. Xã hội hiện đại với tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã làm tiêu hao các hệ thống họ hàng mở rộng và đưa tới sự thay đổi trong bản chất bổn phận gia đình, người ta ngày càng ít dành thời gian cho bất cứ cái gì giống như gia đình và đã có nhiều dấu hiệu của sự căng thẳng và xung đột hơn trước đây… Gia đình hiện nay đang ngả qua xu hướng coi đó là một lĩnh vực trong đó người ta tìm được sự mãn nguyện cá nhân. Một khi gia đình thất bại trong việc cung cấp tình trạng tốt đẹp về mặt tình cảm và tâm lý cho các thành viên của nó thì tính hợp lý cho sự tồn tại của nó sẽ mất đi. Mâu thuẫn chính trong gia đình hiện đại là xung đột: một bên, là gia đình, với bất cứ kiểu nào, cũng yêu cầu hy sinh một số tự do và ngược lại, bên kia, xã hội hiện đại với sự cá nhân hóa, lại kỳ vọng mọi người là những vai trò tự lập hơn trong các quan hệ kinh tế, gia đình, giải trí, thân mật riêng tư. Nói chung, khuynh hướng thu hẹp gia đình lại đang bộc phát, song sức sống dồi dào của nhu cầu cộng đồng vẫn đang cưỡng lại. Do đó, niềm hy vọng của chúng ta là với năng lực sáng tạo không lường trước được, trong bước đường dấn vào quá trình ứng đối đau đớn, sẽ tìm ra được phương thức hợp quần mới, dung hòa được mối liên kết gia đình với tự do cá nhân.

Theo: www.chuyenphapluan.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage