Có lẽ không một ai trong chúng ta không
biết đến sự tích Quan Âm Thị Kính. Sự tích Quan Âm Thị Kính được lưu truyền
trong dân gian từ lâu qua nghệ thuật hát chèo, cải lương, kịch ảnh, truyện thơ
và gần đây nhất là truyện văn xuôi. Tích chèo Quan Âm Thị Kính ra đời trước,
sau đó mới tới truyện thơ rồi chuyển thể qua kịch ảnh. Truyện thơ Quan Âm Thị
Kính chưa biết đã được sáng tác vào năm nào và do ai sáng tác, chỉ biết bản in
đầu tiên bằng quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911. Bản này gồm có 788
câu thơ lục bát và một lá thư của Kính Tâm viết cho cha mẹ. Đến năm 1997 tại
hải ngoại xuất hiện bản văn xuôi do Thiền Sư Nhất Hạnh kể và do nhà xuất bản Lá
Bối in, sau đó bản văn xuôi này được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng phát hành
trên thế giới.
Nội dung tích chèo Quan Âm Thị
Kính và truyện thơ cũng như truyện kể bằng văn xuôi Quan Âm Thị Kính là một. Thị
Kính pháp danh Kính Tâm là một trong những hoá thân của đức Bồ Tát Quán Thế Âm.
Cốt chuyện được tóm lược như sau:
Có một chàng trai xuất gia tu hành
liên tiếp trong chín kiếp. Đến kiếp thứ 10 tức là kiếp cuối sẽ đắc đạo Phật
quả, chàng thác sinh làm con gái nhà họ Mãng ở quận Lũng-tài. Người con gái ấy
tên là Thị Kính, lớn lên tài sắc đoan trang, được cha mẹ gả cho Thiện-Sĩ, một
thư sinh, con nhà giầu có họ Sùng. Hai vợ chồng sống với nhau hoà thuận. Một
đêm kia chàng ngồi đọc sách, nàng ngồi khâu áo bên cạnh. Chàng mệt tựa vào ghế
ngủ. Nàng nhìn thấy nơi cằm chồng có râu mọc ngược; sẵn nơi tay đang cầm cây
kéo, nàng toan cắt sợi râu đi. Bỗng người chồng giật mình thức dậy, tưởng vợ có
ý ám hại mình bèn tri hô lên là bị vợ mình mưu sát. Nghe tiếng kêu cứu, cha mẹ
chồng chạy vội đến, một mực buộc tội nàng cố ý giết chồng, rồi sai người làm
mời cha mẹ nàng đến để giao trả nàng lại.
Về nhà sống với cha mẹ ruột. Ngoài
chuyện săn sóc song thân, nàng dành thì giờ nghiền ngẫm về nỗi khổ đau của cuộc
đời và tính chất vô thường của vạn hữu. Nàng cảm thấy cuộc sống thoải mái hơn
trước, nhưng vẫn băn khoăn về nỗi khổ của con người. Một buổi sáng kia, ý hướng
xuất trần thôi thúc, nàng quyết chí lên đường đi tu cầu giải thoát. Để tránh
khỏi lộ tông tích vì thời đó không có chùa ni và người nữ không được phép xuất
gia, nên nàng giả dạng nam-nhi, đến chùa Vân [1] xin qui y theo Phật. Được sư
cụ trụ trì nhận làm đệ tử, đặt pháp danh là Kính-Tâm.
Lòng trần tưởng đã rửa sạch do
công phu tu tập mỗi ngày. Nào ngờ việc oan trái lại đến. Một cô gái trong làng
tên Thị Mầu, con của một phú ông giầu có, hiện đương kén chồng, thường hay đến
chùa lễ Phật. Thị Mầu thấy Kính-Tâm thanh tao tuấn tú, đem lòng say mê, nhưng
Kính-Tâm thì vẫn thờ ơ. Trong một giây phút không tự chủ được lòng, trong nỗi
say mê khao khát dục tình, cùng với nỗi tuyệt vọng và lòng tự ái bị tổn thương,
Thị Mầu đã thông dâm với người tớ trai trong nhà, sau đó có thai. Chuyện đổ bể,
làng biết, gọi ra tra hỏi thì Thị Mầu đổ lỗi cho Kính-Tâm. Kính-Tâm bị hội đồng
làng bắt tra tấn, hạch hỏi nhưng Kính Tâm quyết một mực nói rằng chưa từng bao
giờ phạm giới dâm dục với bất cứ ai. Động mối từ tâm Sư phụ của Kính Tâm bảo
lãnh đệ tử về chùa, cho dựng một lều tranh ngoài cổng chùa để tiếp tục tu hành,
nhằm tránh dư luận của dân làng phản đối.
Thị Mầu sinh được một đứa con
trai, không biết đem đi đâu, liền đem đứa bé tới bỏ trước cổng tam quan chùa. Vì
tấm lòng từ bi và đức hiếu sinh, Kính-Tâm ẩn nhẫn nuôi đứa hài nhi mặc cho mọi
người cười chê. Khi đứa bé lên ba tuổi thì Kính Tâm viên tịch. Trước khi chết,
Kính Tâm viết một bức thư để lại cho cha mẹ, trong ấy Kính Tâm kể rõ đầu đuôi
mọi việc.
Khi chùa tẩm liệm thi hài mới
phát giác Kính-Tâm là gái giả trai, mới khám phá ra nỗi oan ức mà Kính Tâm đã
nhẫn chịu bao năm nay. Và trong lúc trà tỳ mọi người đều trông thấy một vầng
hào quang ngũ sắc trên bầu trời và trên vầng hào quang là một toà sen nhiều
cánh có hình ảnh Bồ Tát Kính Tâm.
Câu chuyện Quan Âm Thị Kính trên cho thấy Thị Kính
tức Kính Tâm đã thể hiện tấm lòng từ bi và đức tính nhẫn nhục. [2]. Thị Kính là
hình ảnh của một lòng tha thứ bao la và một đức nhẫn nhục không bờ bến. Mặc dù
bị tới hai nỗi oan ức rồi bị tra tấn đánh đập, nhưng Kính Tâm vẫn một lòng nhẫn
chịu, không hề la lên một tiếng rằng tôi bị oan, rằng tôi là phận gái. Kính Tâm
biết nếu mình nói là gái thì chắc chắn hội đồng làng sẽ ngưng tra khảo và được
giải oan ngay, nhưng Kính Tâm đủ sức nhẫn chịu một cách bình thản không nổi
niệm sân giận những nghịch cảnh, những cái mà người đời thường gọi là những
điều bất công và những nỗi oan ức. Kính Tâm nghĩ rằng “Tất cả chúng sinh vì có
nhân duyên tội lỗi mới xâm hại nhau. Hôm nay ta nhận thọ mọi khổ não này, ấy
bởi nhân duyên đời trước cảm ứng nên mới vậy. Tuy đời này ta không tội lỗi,
nhưng quả báo gieo đời trước đã đến mùa chín trái, ta phải trả nợ đó một cách
vui vẻ. Ví dụ như có người mắc nợ của người, nay hạn kỳ đã mãn, chủ nợ đến đòi,
kẻ ấy đương nhiên vui vẻ mà trả.” Thêm nữa, Kính Tâm nghĩ rằng: “Chúng sinh bởi
mê mờ nên thuận dòng sinh tử, hễ bị ai xâm phạm là nổi niệm sân giận, hễ được
ai mến thương chiều chuộng bèn vui mừng ưa thích, hễ gặp việc khủng bố thì
khủng hoảng kinh hoàng. Mình thì ngược lại, đang nghịch dòng sinh tử, đang trôi
ngược về nguồn, nên không thể sân giận với những điều nghịch hại, không mừng
vui với nhửng điều ái kính, không sợ hãi đối với những nguy hiểm gian lao...”
Kính Tâm nghĩ rằng trong suốt cuộc đời hoằng pháp
của đức Từ phụ, Ngài chưa từng giận dữ, dù Ngài bị ngược đãi nặng nề hay dù các
đệ tử của Ngài nhẫn tâm chống Ngài và bỏ Ngài mà đi, Ngài vẫn luôn luôn thân
ái, từ bi và độ lượng. Nên quyết một lòng noi theo gương đức Từ phụ và luôn
luôn nhớ lời Ngài dạy trong Kinh Lục Độ Tập:
“Người đắm say vướng mắc
Thì không còn sáng suốt
Tạo khổ nhục cho mình
Nếu ta nhẫn chịu được
Thì tâm ta sẽ an
Kẻ buông lung thân tâm
Không hành trì giới luật
Vu cáo làm hại mình
Nếu ta nhẫn chịu được
Thì tâm ta sẽ an.
Kẻ vô ơn dối mình
Tâm địa đầy oán thù
Tạo bất công oan ức
Nếu ta nhẫn chịu được
Thì tâm ta sẽ an
Hơn nữa, Thị Kính khi quyết định xuất trần lên
đường tu đạo giải thoát, đã phát nguyện bồ đề tâm, đã phát nguyện thành Phật vì
lợi ích cho chúng sinh và muốn hướng dẫn chúng sinh tu đạo giải thoát. Nàng
thực hiện đại nguyện ấy bằng cách thể hiện một cách thực tiễn tấm lòng tôn
trọng, quí chuộng và yêu thương những kẻ khác, kể cả những người hành hạ mình,
thù ghét mình và vu oan giá hoạ cho mình, những người mà Kính Tâm thấy ai cũng
ngập tràn nỗi khổ đau riêng, ai cũng đang lặn ngụp trong sông mê biển ái, trong
tham dục, trong hận thù và si mê. Như vậy, nỡ lòng nào lại gây thêm khổ cho họ.
Cũng không khác gì người bị tai nạn gẫy tay, ta đã không chăm sóc băng bó vết
thương mà lại can tâm bẻ luôn chân họ sao đành? Nếu nói rằng mình là gái, là kẻ
bị oan ức, thì biết bao điều đau khổ sẽ đổ ụp xuống cho Thị Mầu với đứa con
trong bụng nàng, cho người tớ trai của gia đình Thị Mầu đang phải lẩn trốn và
ngay cả cha mẹ Thị Mầu nữa. Có quá nhiều người liên luỵ sẽ phải đau khổ và từ
đau khổ sẽ sinh ra oán thù và cứ như thế chồng chất lên mãi. Kính Tâm vui vẻ
nhẫn chịu một mình để thay cho những người kia khỏi khổ và cũng là để gỡ mối
dây ràng buộc oán thù với nhau. Chỉ một nút dây được tháo gỡ là tất cả được
tháo gỡ.
Kính Tâm vẫn nhớ lời dạy của
đấng Từ phụ: hận thù không thể diệt được bằng hận thù. Chỉ có lòng từ bi mới
hoá giải được hận thù. Nếu không có lòng từ bi thì hận thù sẽ chồng chất từ
kiếp này sang kiếp khác. Chỉ có lòng từ bi mới cởi trói được những nỗi oan ức
và những khổ đau của đời mình. Quả là như vậy, trong lễ trà tỳ Sư Kính Tâm có
đông đủ mọi người trong chùa và dân trong làng tham dự, chắc không còn trái tim
nào mang oán thù và chắc tâm người nào cũng rung một nhịp thương yêu và tha thứ
cho nhau. Trái tim bồ tát của Kính Tâm đã đi vào trái tim mọi người từ thân đến
sơ, từ thù đến bạn.
Xin một lòng cung kính chắp tay
niệm: Nam Mô Quan Âm Thị Kính Bồ Tát.
Tịnh Thuỷ
Chú Thích:
[1] Chùa Vân là tên tắt của
Pháp Vân Tự hay còn gọi là Chùa Dâu, là nơi phát xuất của tích chuyện Bồ Tát
Quan Âm Kính Tâm. Để người ta mãi mãi nhớ rằng đức Quan Âm này xuất thân từ một
người nữ, nên dân chúng thường gọi là Bồ Tát Quan Âm Thị Kính và ca dao Việt Nam có câu:
Xem trong cõi nước Nam ta
Chùa Vân có đức Phật Bà Quan Âm
Phật Bà Quan Âm đây là Phật Bà
Quan Âm Kính Tâm, hay nói gọn hơn là Quan Âm Thị Kính
[2] Hoà Thượng Thích Minh Châu
giảng: “Nhẫn nhục là một trong những đức tính quan trọng của tu sĩ Phật Giáo,
dùng để đối trị tính sân giận. Trong sáu hạnh của Bồ Tát, thì nhẫn nhục thuộc
về hạnh thứ ba. Sách Phật phân biệt có ba loại nhẫn: (1) Sinh Nhẫn: Giữ được
thái độ bình thản, không sân giận, oán thù khi gặp những người khác chửi mắng
hay bức hại mình. (2) Pháp Nhẫn: Gặp các nghịch cảnh thiên nhiên như mưa gió
nóng lạnh... đều xem như không, không chút than van oán trách. (3) Vô Sinh Pháp
Nhẫn: Đức nhẫn thành đạt của bậc Thánh, trở thành bẩm tính tự nhiên của họ,
không cần cố gắng, ra vào mọi nghịch cảnh như ra vào hư không. “Chữ rằng: nhẫn
nhục nhiệm hoà, Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu” (Quan Âm Thị Kính)” [Tự Điển
Phật Học Việt Nam]