Hòa thượng Thích Như Niệm không thể nhớ rõ mốc thời
gian xây dựng cây cầu từ thiện đầu tiên, chỉ loáng thoáng là khoảng năm
1990. Vào thời điểm ấy, đời sống bà con vùng sông nước, đặc biệt là
phương tiện đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Chứng kiến người dân nghèo
đi lại trên chiếc cầu khỉ chông chênh, HT không khỏi xót xa! Bởi có
biết bao nhiêu nguy hiểm đang chực chờ! HT Như Niệm thổ lộ rằng: từ
thiện là từ tâm nhưng phải có tầm nhìn. Xây cầu, làm đường sẽ giúp
người dân lưu thông thuận tiện, thì chắc chắn kinh tế sẽ phát triển,
giải quyết được cuộc sống của dân, góp phần ổn định xã hội. Vì thế, hễ
nghe vùng quê nào ở các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu...
cần xây cầu, HT đều trực tiếp đi khảo sát. Nếu khả quan và cần thiết,
HT lại bắt đầu dành dụm tiền để thực hiện “dự án”. Cứ thế, ngày qua
ngày, tháng lại trôi nhanh, dưới sự giúp sức của chính quyền địa
phương, đến nay HT Như Niệm đã xây được hơn 100 cây cầu từ thiện. HT
Như Niệm thật thà bảo vui rằng: “Cứ làm thế thôi, chứ cũng không thể
nhớ chính xác hết tên của các cây cầu”. Nhưng ai cũng hiểu rằng, mỗi
lần một cây cầu được khánh thành là HT Như Niệm lại là người hạnh phúc
nhất. Một niềm vui rất bình dị, đơn sơ, nhưng cũng chất chứa hi vọng về
một tương lai tươi sáng hơn, khi nhìn thấy bà con nghèo lưu thông trên
chiếc cầu mới. Những chiếc cầu bê tông kết nối hai bờ trên những con
rạch, nhánh sông sẽ thắt chặt tình quê hương, tình làng nghĩa xóm.
HT Thích Như Niệm cắt băng khánh thành cầu và trong dịp thông lộ cầu
Trong số hàng trăm cây cầu đã được khánh thành ở
vùng kênh rạch chằng chịt này, có rất nhiều cây cầu được xây dựng ở Bến
Tre. Khi được hỏi vì sao HT lại nặng nợ với mảnh đất này nhiều đến vậy?
Thầy chỉ cười: đó cũng là cơ duyên. Năm 1981, trong dịp dự Đại hội đại
biểu Phật giáo tại Hà Nội, HT Như Niệm đã gặp HT Hồng Liên (đã mất) -
một người con của mảnh đất kiên cường Bến Tre. Thông qua lời tâm sự của
HT Hồng Liên, ông được biết vùng quê này còn rất khó khăn. Đời sống
người dân ở vùng nhiều bưng biền, kênh rạch còn rất nghèo. Đường sá
giao thông lại bất tiện nên cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng. Ý tưởng xây
cầu giúp bà con nghèo vùng sâu, vùng xa cũng hình thành từ đó. Hơn nữa,
dù sinh ra và lớn lên ở Gò Vấp (TPHCM) nhưng HT Thích Như Niệm vẫn dành
rất nhiều tình cảm cho mảnh đất Bến Tre, vì ở đó là nơi ghi dấu biết
bao xương máu của cha ông đã đổ xuống cho phong trào Đồng khởi. Bởi cha
HT cũng là một liệt sĩ và chính bản thân HT cũng là người tham gia cách
mạng, được Huân chương Kháng chiến hạng Ba và rất nhiều bằng khen, giấy
khen nên với vùng đất anh hùng đó, HT Thích Như Niệm chất chứa biết bao
nghĩa tình.
Người dân phấn khởi khi được đi trên con đường mới
Để chuẩn bị xây dựng một cây cầu, HT Thích Như Niệm
đã lặn lội cùng với cán bộ địa phương trực tiếp đến tận nơi để khảo
sát. Khi thì phải leo qua chiếc cầu khỉ chênh vênh giữa dòng nước, khi
thì ngồi trên chiếc xuồng chông chênh, có lúc lại xắn quần lội bùn để
vào sâu bên trong tìm hiểu cuộc sống của người dân, nhưng HT vẫn không
nề hà gì. Chính những điều đó đã tạo động lực cho HT thực hiện thêm
nhiều cây cầu mới cho bà con nghèo. Sau khi khảo sát và chấp thuận vị
trí, HT sẽ đầu tư toàn bộ vật tư xây cầu, dưới sự hỗ trợ của Hội Khoa
học - kỹ thuật của tỉnh, còn chính quyền địa phương sẽ phụ trách phần
nhân công. HT còn nhớ như in cảm giác khó tả khi nhìn thấy bà con phấn
khởi trong ngày khánh thành cây cầu liên xã nối liền Bình Khánh Đông,
Bình Khánh Tây. Trong khi xã Bình Khánh Tây có chợ thì Bình Khánh Đông
lại heo hút. Giữa hai xã lại bị ngăn cách bởi một con rạch lớn nên việc
đi chợ của bà con xã Bình Khánh Đông cực kỳ khó khăn và mất thời gian.
Khi biết được điều này, HT đã rất trăn trở. Và cuối cùng, sau vài tháng
thực hiện, một cây cầu nối liền hai bờ đã được khánh thành trong niềm
hân hoan vô bờ bến của người dân hai xã.
HT Thích Như Niệm trong một chuyến đi cứu trợ bão lụt tại tỉnh Bình Định
Trong số hơn trăm cây cầu từ thiện trên, chiếc cầu Phan
Triêm (HT đã đặt tên cây cầu để tưởng nhớ Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của
Bến Tre) là chiếc cầu lớn nhất bắc ngang qua con sông Cái, trị giá gần
một tỷ đồng. Và cứ thế, những chiếc cầu lần lượt được khánh thành với
những cái tên rất dễ nhớ và có những ý nghĩa riêng. Nhưng tất cả đều có
chung mục đích là giúp cho bà con nghèo lưu thông thuận tiện, các em
nhỏ đến trường đỡ vất vả và nguy hiểm hơn trong mùa mưa lũ và giúp giao
lưu kinh tế, nâng cao cuộc sống người dân...
Mới đây, ngày
31-8-2010, HT Thích Như Niệm đã đến chùa Quy Thuận, xã Tân Thanh, huyện
Giồng Trôm, Bến Tre bàn giao đường bê tông nông thôn cho nông dân
nghèo. Đây là đoạn đường đã từng gây khó khăn cho các cháu học sinh đi
học và 200 gia đình sinh sống tại xã Tân Thanh. Cùng ngày, HT cũng đến
bàn giao đường bê tông nông thôn tại ấp Thanh Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Mõ
Cày Nam. Đoạn đường nối liền huyết mạch lưu thông hàng hóa, sinh hoạt
của các gia đình nghèo xung quanh chợ Đình và Cẩm Sơn.
Không chỉ
xây cầu, làm đường từ thiện, HT Thích Như Niệm còn tham gia rất nhiều
hoạt động từ thiện xã hội trên khắp các tỉnh thành. Là Phó ban thường
trực Ban từ thiện xã hội Trung ương và Trưởng ban từ thiện xã hội Phật
giáo TPHCM, HT thường kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của các phật tử để
cứu trợ lũ lụt ở các tỉnh miền Trung và nhiều hoàn cảnh khó khăn trong
cuộc sống.
Những chiếc cầu nghĩa tình sẽ lại được lan rộng
trên những bưng biền, kênh rạch, sông nước miền Tây. Và ở nơi cây cầu
được bắc qua, người dân sẽ nhắc đến tên của HT Thích Như Niệm!
Theo CATPHCM