Phật Học Online

Báo hiếu đâu chỉ một ngày...
Dã Liên

Tôi còn nhớ, trong thời bao cấp, đôi khi những dịp Tết khác phải dè sẻn, nhưng Rằm tháng Bảy bao giờ các gia đình cũng bày biện rất đầy đủ. Với người Việt, ngày đó có ý nghĩa thật đặc biệt.

Hiếu nghĩa là đạo của con người, dù là dân tộc nào, chỉ khác nhau ở mức độ và cách biểu hiện mà thôi. Với người Việt, chữ Hiếu thể hiện trong nhiều sắc thái khác nhau. Ghi nhớ công ơn các bậc sinh thành, người Việt đã hình thành tục thờ cúng tổ tiên từ lâu đời. Chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, chữ Hiếu còn được khắc sâu hơn bởi quan niệm Nho giáo. Chữ Hiếu là chuyện xuyên suốt từng ngày, từng tháng trong cả cuộc đời con người. Dân ta vẫn bảo: "Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Bản chất của văn hoá Việt là "không chối từ", người Việt tiếp nhận tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới, rồi chuyển hoá thành cái của riêng mình. Trong đời sống, ảnh hưởng của Phật giáo vẫn luôn mạnh nhất. Nhiều lễ tiết Phật giáo ăn sâu vào đời sống người dân Việt. Tục cúng Rằm tháng Bảy là một trong số đó.

Ngài Mục Kiền Liên là một đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thân mẫu ngài là bà Thanh Đề, vốn làm nhiều việc thất đức khi còn sống ở nhân gian. Khi thác, bà Thanh Đề phải đày đọa ở địa ngục. Là đệ tử "thần thông đệ nhất" của Đức Phật nhưng ngài Mục Kiền Liên không thể cứu được mẹ. Đức Phật Tổ mới dạy rằng: Muốn cứu thân mẫu, Mục Kiền Liên phải nhờ đến công đức tu hành của chư tăng cầu nguyện cho thân mẫu Mục Kiền Liên được giải thoát. Ngài Mục Kiền Liên y lời Phật dạy, nên đã cứu được mẹ khỏi địa ngục. Nguồn gốc cúng Rằm tháng Bảy được cho là ra đời từ đó.

Tiếp nhận Phật giáo, trong đó có tục cúng Rằm tháng Bảy, người Việt bổ sung vào văn hóa của mình thêm phương thức thể hiện lòng thành kính với tổ tông. Nhưng có lẽ, tục cúng Rằm tháng Bảy sẽ không ăn sâu vào tâm thức người Việt đến thế, nếu không còn một lý do khác...

Cái nôi của văn minh đất Việt là Đồng bằng Bắc Bộ. Ở đất này, cữ tháng Bảy ta cũng là mùa mưa bão dữ dội nhất. Ở thế kỷ XXI này, khi hệ thống đê điều đã hoàn thiện, với vô khối phương tiện hiện đại, mà mỗi khi bão về, vẫn có những sinh mạng bị cướp đi. Thế để hình dung ra những thế kỷ trước kia, cha ông ta đã khó khăn thế nào trong chống chọi với thiên nhiên. Bão lũ cướp đi bao nhiêu sinh mạng con người qua ngần ấy năm tháng? Và đã có bao nhiêu vong hồn xiêu dạt?

Rằm tháng Bảy, người Việt xưa vẫn gọi là ngày “xá tội vong nhân”. Nhà nhà vừa dâng cúng lên ông bà tổ tiên, vừa cúng đồ ăn, vật dụng cho các linh hồn, mong các cô hồn siêu thoát. Cúng Rằm tháng Bảy, không chỉ là một sự du nhập, ở đó có sự giao thoa giữa một lễ nghi đến từ xứ khác, với cách ứng xử đầy nhân văn của văn hoá Việt.

Đừng gọi đó là ngày lễ báo hiếu. Chữ Hiếu với người Việt từ xưa truyền lại là chuyện cả đời. Có chăng đó là ngày nhắc nhở chúng ta về chữ Hiếu mà thôi...

Theo: giadinh.net.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage