Phật Học Online

Khai hội chùa Bái Đính

 Ngày 15-2-2013, tức mồng 6 tháng Giêng năm Quý Tỵ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đánh trống khai hội Chùa Bái Đính – một trong những lễ hội lớn nhất nước, kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân.

Nhiều quan chức nhà nước cùng các Chư tôn đức của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã tham dự nghi lễ dâng hương và thả chim phóng sinh cầu nguyện cho quốc thái dân an, cuộc sống an lành, hạnh phúc. Trong tiết trời mưa xuân lất phất, hàng vạn du khách thập phương đã đổ về Khu du lịch tâm linh Bái Đính để du ngoạn cảnh xuân, chiêm bái những công trình kiến trúc khổng lồ, những pho tượng Phật kỷ lục của ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. 

a1_ dang huong khai hoi.JPG
Chư vị giáo phẩm và lãnh đạo chính phủ, tỉnh dâng hương khai hội

Nét mới trong lễ hội chùa Bái Đính năm nay - đã được Ban Tổ chức quảng bá rầm rộ trước khi mùa hội diễn ra, ấy là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã trang bị 200 chiếc xe điện phục vụ việc đưa, đón khách từ bến xe đến các điểm tham quan trong chùa. Vì vậy đến chùa Bái Đính lần này, tôi cũng muốn biết xe điện hoạt động như thế nào.

Lệ thường mọi năm lễ khai hội chùa Bái Đính diễn ra vào 10 giờ sáng, vì vậy tôi đến xã Gia Sinh vào khoảng 9 giờ sáng. Bất ngờ trước hết là con đường vào cổng chính của chùa vốn rộng thênh thang nhưng đã bị chặn bởi hàng rào, cấm đi vào. Gửi xe máy ở một trong vô vàn những bãi gửi xe tự phát mọc lên hai bên đường, tôi hòa vào dòng người trẩy hội. Trên con đường vào xã Gia Sinh có rất nhiều đường đâm ngang vào bên hông chùa, mọi lối ngõ ngả đường đều đông đúc người đi hội. Những dòng người nháo nhác hết vào lại ra ở từng con ngõ, vì không biết đường nào vào được chùa. Tôi cũng loanh quanh suốt một giờ mà vẫn không biết phải vào chùa lối nào.

Mặc dù trên đường có rất nhiều cảnh sát giao thông, nhân viên an ninh làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự cho khu vực lễ hội, thế nhưng khi tôi hỏi đường thì đều nhận được cái lắc đầu rằng: không biết. Một anh xe ôm đi qua bảo: Muốn vào được chùa phải đến bến xe mới xây dựng cách đây 3 km, lên xe tôi đưa đến đó! Như chết đuối vớ được cọc, tôi nhảy phắt lên xe ôm. Tới bến xe, hỏi tiếp được biết có hai cách vào chùa: một là đi xe điện hoặc là phải cuốc bộ 2,5 km. Dĩ nhiên tôi phải mua ngay vé xe điện vì đang lo lắng không kịp dự lễ khai hội. Mỗi vé xe điện khứ hồi 50 nghìn đồng. Đường xe điện từ bến ngoài vào đến bến trong dài tới 4km, nên chuyến xe điện lại “nướng” mất thời gian của tôi hơn 15 phút nữa. Trên xe, trò chuyện với nhân viên lái xe điện, anh giải thích: Lẽ ra nếu để du khách vào lối cổng chính của chùa như mọi năm thì sẽ tiện hơn nhiều, đường ấy lại rộng thênh thang không bao giờ phải lo tắc đường. Nhưng nếu vậy thì Ban tổ chức không thể thu được tiền từ túi du khách, nên phải xây dựng tuyến xe điện, đặt bến đón ở phía sau chùa.

Trước khi đến đây, nghe thông tin có xe điện, tôi cứ nghĩ là do chùa quá lớn, hàng lang chùa dài tới 2km nên du khách đi từ cổng chùa vào đến điện Tam Thế dài sẽ rất mệt, nên mới có xe điện để khách không phải cuốc bộ từ cổng chùa lên điện Tam Thế. Thế nhưng hóa ra không phải vậy. Tường chùa giờ đã xây kín hết, cổng chùa cũng đóng chặt. Tuyến xe điện được xây theo lối giữa tường chùa và hành lang để đưa du khách đến sân trong cổng chùa. Với những du khách “trây ỳ” cố tình không đi xe điện, thì phải cuốc bộ 2,5 km, đã vậy lại không được lễ chùa từ cổng, mà sẽ phải lễ ngược từ Tam Thế xuống Tam quan.

a1_pho thu tuong Nguyen xuan phuc danh trong khai hoi chua bai dinh.JPG
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai hội

Vào đến khu vực diễn ra lễ khai hội thì đã 10 giờ 30 phút, khi chương trình văn nghệ, rồi bài phát biểu khai mạc của Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và của HT trụ trì chùa đã xong. Đúng lúc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dóng trống và  Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình Bùi Văn Nam khua chiêng khai hội. Sau đó, Lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng các Chư tôn đức Giáo hội Phật giáo Việt Nam dâng hương trước điện Quán Âm cầu quốc thái dân an. Sau nghi thức niêm hương, các bô lão và người dân xã Gia Sinh đã thả chim phóng sinh và bóng bay hòa bình lên bầu trời. Rồi các bô lão và người dân xã Gia Sinh rước kiệu, bát bửu từ điện Quán Âm dọc theo hành lang chùa lên Điện Tam Thế, rồi rước sang chùa Bái Đính cổ tự.

Hòa theo dòng người tham quan lên điện Tam Thế đã xế trưa, bụng đói cồn cào. Trong toàn bộ khu chùa, chỉ có duy nhất một nơi bán cơm là Nhà hàng cơm chay bố trí ở tầng hầm của Điện Tam Thế, phục vụ đồng giá với mỗi suất ăn chỉ 25.000 đồng. Muốn có cơm ăn, trước hết phải chen chân mua vé. Tại đây chỉ có 4 quầy bán vé nên khó phục vụ nổi hàng ngàn người chen chúc chìa tiền ra. Đã vào đến đây rồi thì ai cũng mỏi gối chồn chân, mệt và đói lả nên chỉ mong sao có được thìa cơm ăn cho “lại sức”, chẳng mấy người có đủ sức để ngược ra cổng chùa tìm quán ăn. Bởi vậy, đành phải lựa chọn mua cơm của chùa. Chen chân phải mất gần 30 phút tôi cũng không thể mua được vé cơm. Đành phải rời điện Tam Thế xem ai bán đồ ăn gì thì mua thứ đó. Nhưng ngoài nhà hàng cơm chay, thứ đồ ăn duy nhất được người bán hàng tự do phục vụ khách là xúc xích. Đi chùa muốn ăn chay nhưng không đủ sức chen chân, đành chọn món xúc xích vậy.

a1_khai hoi3.JPG
Đông đảo quan khách Trung ương và các tỉnh dự lễ khai hội

Hơn 1 giờ chiều, tôi ra bến xe điện ở cổng chùa để về, gặp cảnh cả ngàn người chen chúc nhau xếp hàng chờ đợi lên xe điện. Gọi là bến, nhưng thực ra đó là một khoảng sân chỉ rộng khoảng vài trăm mét vuông, được ban tổ chức quây bằng rào chắn, bố trí 2 cửa ở 2 phía: một cửa soát vé và một cửa để khách lên xe điện. Đi qua cửa soát vé, khách phải nộp lại vé cho người soát vé bỏ vào một chiếc hòm kín. Lượng khách quá đông, nhưng xe điện có hạn đã dẫn đến cả ngàn người sau khi đã qua cổng soát vé lại phải chen chúc chờ đợi. Tôi cũng nộp lại vé để vào khu vực chờ như mọi người. Nhưng chen chúc chờ đến nửa giờ đồng hồ mà dòng người vẫn không nhúc nhích để tới được xe điện. Bỗng nhiên, những người của Ban quản lý bến xe điện lại làm hành động ngớ ngẩn là mở toang tấm rào chắn ra để cả dòng người bên trong bến ùa ra khu vực bên ngoài trộn lẫn cả những người đã được soát vé lẫn người chưa qua cửa soát vé. Thế là một cảnh hỗn độn xảy ra. Nhân viên các xe điện yêu cầu chỉ những ai có vé mới được lên xe. Thành thử, cả nghìn người vốn đã nộp lại vé và đã phải “dài cổ” chen chân đợi từ cả một giờ trước, bỗng dưng trở thành người như chưa mua vé, và không được lên xe điện. Trong khi chỉ những người vừa mới từ trong chùa ra và vé vẫn còn thì mới được lên xe.

Hơn 500 du khách vô cùng bức xúc đã quay lại phản ứng với hai người soát vé, đòi trả lại vé để họ được lên xe điện. Thế nhưng hai người soát vé ở cửa vào của bến lại không một lời xin lỗi hay giải thích, cũng không nói gì về hướng giải quyết mà tự động bỏ đi. Khiến hàng trăm người càng phẫn nộ. Những tiếng hét, tiếng quát, tiếng la ó giữa đám đông nhốn nháo: Trả lại vé đây! Ban tổ chức lừa du khách! Nhiều người đòi phá hòm để lấy vé. Khoảng 20 phút sau thì 2 người soát vé trở lại cùng với một người phụ nữ - vốn là người làm nhiệm vụ sắp xếp cho khách tại cửa lên xe điện và đã cho bỏ rào chắn. Nhưng họ cũng không giải thích gì, khiến đám đông càng nhốn nháo. Tôi liền giơ máy ảnh lên chụp người đàn bà và hai người soát vé, thì bị bà ta đòi giật máy ảnh và quát: Ai cho chụp ảnh? Cấm chụp ảnh! Tôi bèn giải thích là nhà báo, cần phải tác nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho mình cũng như mọi du khách ở đây. Tôi giơ thẻ nhà báo ra. Thế nhưng người đàn bà này xông vào giật thẻ nhà báo của tôi và vò xé. Rất may, hàng chục người đã lao vào giằng lấy tấm thẻ từ tay người phụ nữ rồi đưa trả lại cho tôi. Một du khách tuyên bố: Nếu bà ngăn cản nhà báo tác nghiệp thì chúng tôi sẽ dùng vũ lực và có thể “án mạng” xảy ra đấy. Nhờ sự bảo vệ của đông đảo du khách, người đàn bà không còn dám ngăn cản nữa mà để tôi tự do chụp ảnh. Tuy nhiên, khi tôi chĩa máy ảnh vào người đàn bà thì bà ta lại lấy mũ che mặt.

Một lúc sau, tình hình cũng đã được giải quyết khi ban tổ chức điều hàng loại xe ô tô buýt đến. Dòng người nhốn nháo tranh nhau lên xe buýt. Tôi lên xe buýt, vẫn còn nghe vọng tiếng nhiều người ở phía cửa soát vé: “Chúng tôi mua vé xe điện chứ không phải xe buýt. Nhà xe phải xin lỗi du khách chứ không thể đem xe buýt đến là xong!”. Xe kín người đứng ngồi và chuyển bánh chạy. Một người phụ nữ kêu to: con tôi đâu rồi, nó chưa kịp lên, nhà xe ơi dừng lại cho tôi xuống tìm con. Dường như người lái xe không nghe thấy tiếng kêu của người phụ nữ đó, vẫn cho xe chạy được một quãng khoảng vài trăm mét. Người phụ nữ vừa khóc vừa kêu: “Người tranh nhau lên xe đông quá, tôi không kéo được con lên, thằng bé mới 6 tuổi. Dừng xe cho tôi xuống tìm con!”. Bấy giờ tài xế mới dừng xe cho người phụ nữ xuống.

Xin giới thiệu với độc giả những hình ảnh không đẹp trong ngày khai hội chùa Bái Đính năm nay.

e_ hang nghin du khach da mua ve xe dien nhung phai mon moi xep hang cho den luot  len xe dien.JPG
Dài cổ chờ xe điện

C10.JPG
Cảnh nhếch nhác thiếu ý thức nơi du khách chuẩn bị lễ trước chùa

C_di Lac va tien.JPG
Cảnh tượng rãi tiền bừa bãi, tung lên cả tượng Phật vẫn tiếp diễn

C_xoa tien vao tuong phat di lac.JPG
Nhốn nháo dưới chân tượng Di Lặc

IMG_0808.JPG
Đi lại lộn xộn nơi chốn trang nghiêm

IMG_1637.JPG

C_du khach met bo pho ngoi la liet.JPG
Sau khi tụ tập thế này, vườn chùa đầy rác thải

C_rac o hanh lang La han chua bai dinh.JPG

C_ban xuc xich o chua bai dinh.JPG
Bày chiên xúc xích tự tùy tiện trong khuôn viên chùa

Tin, phóng sự ảnh của Chu Minh Khôi (GNO).


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage