Phật Học Online

Bản lĩnh của Ryonen
Quảng Tánh - Phượng Hoàng


    Hội đủ duyên lành để được xuất gia quả là khó. Xấu quá hoặc các căn khiếm khuyết, không đủ hảo tướng cũng không được mà xinh đẹp quá thì cũng chẳng xong. Dù hình tướng chỉ là bên ngoài nhưng cũng không kém phần quan trọng đối với người tu. 

    Những ai đã từng chứng kiến lễ thế phát mới thấy xúc động. Nhìn những lọn tóc xanh mượt rụng rơi theo nhịp kinh cầu khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Bước vào Phật môn là phải chấp nhận xa lìa thân thuộc, xuống tóc và khoác cà sa. Hình thức đầu tròn áo vuông được xem như hủy bỏ một phần dung nhan để dấn thân vào đời sống phạm hạnh. 

   Truyện cổ Phật giáo có ghi nhận một thiếu phụ nhan sắc mỹ miều đã dũng cảm hủy hình để cầu đạo: “Ryonen là một thiếu phụ Nhật xuất thân từ một gia đình vương giả. Năm hai mươi lăm tuổi nàng được thân quyến cho phép xuất gia và hãy còn rất đẹp. Sắc đẹp của Ryonen đã gây ra nhiều rắc rối. Không một thiền sư nào dám nhận Ryonen vào tu viện vì một lý do duy nhất là dung nhan của nàng sẽ gây xáo trộn cho đồ chúng của họ. 

   Ryonen liền lấy bàn ủi nóng xóa đi cái chướng ngại cuối cùng ấy. Nàng đã viết lên chiếc gương soi những dòng chữ đánh dấu sự thành công của mình: ‘Ngày xưa ta đốt hương trầm/ Ướp xông những chiếc quần hồng, áo xoa/ Muốn làm khất sĩ Ta bà/ Chính tay ta đốt mặt hoa của mình’. 

   Về sau, Ryonen trở thành một thiền sư Ni đắc đạo”. 

   Tuy đã hủy hình nhưng đối với người có nhan sắc thì họ vẫn đẹp như thường. Vì vậy nên Ryonen bị các bậc thầy từ chối và nàng đã dũng cảm dùng bàn ủi nóng chà lên mặt, san bằng chướng ngại sắc đẹp để được nhập môn. Ryonen nguyện mang gương mặt tối tăm để nội tâm bừng sáng. Và cuối cùng nàng đã được như nguyện. 

   Việc Ryonen trở thành thiền sư Ni đắc đạo không làm ta ngạc nhiên, vì nàng dám xả thân cầu đạo. Đành rằng hủy hoại dung nhan bên ngoài chưa hẵn đã phá hủy được thành trì phiền não trong tâm nhưng điều ấy đã thể hiện quyết tâm cao độ, dám hy sinh thân mình để cầu giác ngộ, giải thoát. 

   Ngày nay, người tu nhiều nhưng người đạt đạo không nhiều, phải chăng ta tuy có dấn thân nhưng chưa thực sự xả thân? Nói chi đến chuyện cao vời xả thân cầu pháp như Nhị tổ Huệ Khả chặt tay hay Ryonen ủi mặt, chỉ cần sống đơn giản thanh bần, không bị tiện nghi trói buộc cũng đã đáng trân quý rồi. Bởi hiện nay có một bộ phận người xuất gia trẻ quá chú trọng đến hình thức bên ngoài. Sẽ lãng phí và vô nghĩa nếu chỉ biết chăm chút, tô bồi hình thức mà nội tâm hoang vu, trống rỗng. 

   Có thể không cần hành động quyết liệt và quả cảm như Ryonen (thực ra, đó không phải chuyện dễ làm) nhưng chúng ta cần un đúc chí khí trượng phu của kẻ xuất trần, khinh bạc hình thức bên ngoài để tâm hồn được tự do, trong sáng và sung mãn. Sự trang nghiêm là phi trang nghiêm mới đích thực là trang nghiêm (kinh Kim Cương). Tấm thân tứ đại dẫu tốt hoặc xấu rồi cũng vô thường tan hoại, chiếc bè nào cũng chỉ để qua sông. Hãy đạp lên bè mà vượt sông, và nếu cần thì vứt bỏ khi đến bờ kia.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage