Phật Học Online

Chữ 'nhẫn' giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vượt sóng gió cuộc đời

Đương thời Đại tướng sống, người ta đã bàn nhiều đến chữ “Nhẫn” của Võ Nguyên Giáp”, bàn nhiều về “thiền” của ông, thậm chí còn thêu dệt thêm nhiều giai thoại quanh chuyện này.

Mấy ngày nay, nhìn dòng người thành kính trật tự, kiên nhẫn xếp hàng, thứ tự lần bước để có thể đến chia tay lần cuối vị “Đại tướng của lòng dân” - chứ không phải bằng cách tự nhận là “người có nhiều ảnh hưởng tới công chúng” để giành đặc quyền chen ngang - ngẫm về chữ "Nhẫn” cao đẹp của ông, lại thấy thêm rằng nhân dân đến vĩnh biệt ông cũng như đồng cảm, hiểu và (phần nào) “hành nhẫn” như Đại tướng đã “hành nhẫn” một cách minh triết trong suốt cuộc đời mình.

Chữ “Nhẫn” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt nguồn từ chữ “Nhân” và cả chữ “Trí”. Đối với ông, “Nhẫn” là để yêu thương con người, để giảm bớt hy sinh của chiến sĩ.

Chữ Nhẫn (Hán tự) thường thấy và hay được sử dụng nhất trong ngôn ngữ đời sống là chữ nhẫn có chữ đao bên trên bộ tâm. Nghĩa dễ hiểu nhất là “nhịn” - và còn được tiếng Việt mở rộng ra: nhẫn nại, nhẫn nhục... Lại có người nhìn hình chữ mà (bình) luận (thêm): “nghĩa sâu của chữ nhẫn là thiền” - trông giống như hình một người đang ngồi thiền, thiền phải nhẫn, thiền để nhẫn và nhẫn để thiền...

Chị Võ Hòa Bình (thứ nữ của Đại tướng) đã có lần nói về chữ Nhẫn của cha mình: "Những khi bạn bè, đồng chí, người thân hoặc chính bản thân ông gặp lúc khó khăn, bao giờ chúng tôi cũng thấy ở Ba một thái độ bình thản. Ông điềm tĩnh nhưng kiên quyết làm rõ đúng - sai với niềm tin rằng sự thật và cái đúng sẽ sáng tỏ. Và ông đã truyền cho chúng tôi niềm tin như vậy".

Người chân thành, rộng lượng với cấp dưới, bình thản, kiên nhẫn vượt qua khó khăn chẳng phải là người bao dung và nhân ái lắm thay.

Nhìn từ chiều cạnh khác, trước khi trở thành nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là nhà sử học, là một trí thức.

Dòng người bất tận viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau này ông đã bộc bạch: Tư duy sử học đã giúp ông rất nhiều trong khi chỉ huy cuộc kháng chiến. Sự gặp nhau giữa sử học và quân sự là phải tôn trọng sự thật - cho dù đó là sự thật đau đớn - và phải xem xét sự vật, hiện tượng trên quan điểm lịch sử trong quá trình vận động biện chứng của nó. Cái (thói quen) nhìn điềm tĩnh và khách quan của nhà sử học cũng góp phần hình thành “tâm tính nhẫn” ở họ.

Khi nghiên cứu về nghệ thuật quân sự Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo đã đánh giá: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất…”.

Ông là vị Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Trong việc “cầm quân”, khi chưa “chắc thắng”, ông kiên trì “đánh chắc, tiến chắc”, không bao giờ manh động phiêu lưu.

Trong cuộc sống đời thường, ông là vị tướng đứng đầu quân đội, nhưng sống gần gũi, thân ái, đoàn kết, chân thành với đồng chí đồng đội, tôn trọng, thương yêu, dân chủ, bình đẳng rộng lượng đối với cấp dưới và gần gũi với nhân dân. Ông luôn đến với các chiến sĩ, đồng chí, đồng bào bằng tình cảm của một người thân thiết.

Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những kinh nghiệm lịch sử chống ngoại xâm sáng tạo của một dân tộc nhỏ yếu hơn chống lại kẻ thù lớn mạnh bằng cách “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy đoản binh mà chế trường trận” (Trần Hưng Đạo), “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều” (Nguyễn Trãi), mưu trí sáng tạo, “dĩ nhu xử cương”... càng bồi đắp thêm “bản lĩnh Nhẫn” của ông, để ông vượt qua mọi gian nan sóng gió cuộc đời.

"Dù trong những hoàn cảnh khác nhau, ở những cương vị, trọng trách khác nhau, Đại tướng luôn kiên nhẫn, nhẫn cho lợi ích chung của Tổ quốc, của nhân dân" - Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Theo TS Ngô Vương Anh - VNN

Tổ chức Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vào lúc 18h09 ngày 04/10/2013 (nhằm 30/08/Quý Tỵ) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam - đã từ trần tại Bệnh viện 108 (Hà Nội), hưởng thọ 103 tuổi.

Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang.

Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10/2013.

Lễ truy điệu trọng thể Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ ngày 13/10/2013.

Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức ngày 13/10 tại quê nhà Quảng Bình.

Linh cữu của Đại tướng từ Hà Nội sẽ được chuyển lên máy bay riêng để đưa về sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) lúc 13 giờ cùng ngày. Từ sân bay Đồng Hới, linh cữu Đại tướng tiếp tục được đưa bằng ô tô đến địa điểm an táng tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch).

Trong hai ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngày 12 và ngày 13/10/2013), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng hoạt động vui chơi giải trí.

PV (tổng hợp)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage