Tín ngưỡng trong Phật giáo
Trước hết cần phải hiểu ý nghĩa của từ tín ngưỡng (belief) trong
Phật pháp, tín ngưỡng bao hàm lòng tin (faith) hay đức tin và cả hai từ
này đối với tín đồ Thiên Chúa giáo đều mang ý nghĩa “tín điều” (creed)
(gồm hết những gì gọi là tín ngưỡng) và giáo điều (dogmas – những diễn
đạt của nhà thờ áp đặt lên mọi tín đồ thực thụ). Trong Phật pháp không
có tín điều và giáo điều. Người Phật tử tự do đặt nghi vấn mọi điều
Phật pháp. Quả vậy, Bậc Đạo Sư đã từng khích lệ họ làm như thế. Không
có gì ngăn cấm người Phật tử đặt nhiều nghi vấn, không có lời dạy nào
bảo người Phật tử phải khép kín tâm trí mình lại, và phải tin tưởng một
cách mù quáng. Sở dĩ như vậy là vì lòng tin trong ý nghĩa của Phật
giáo không mang tính chất mù quáng mà bao gồm trí tuệ. Như vậy, một
người được thu hút đến Phật pháp bởi vì anh ta có trí tuệ nào đó để trực
nhận một ít sự thật trong Phật pháp, trong khi đó, do lòng tin, anh
chấp nhận những sự thật của giáo lý như là những gì mà anh ta chưa xác
chứng. Thực hành Phật pháp, anh ta thấy rằng Phật pháp thực sự hữu
hiệu, thực tiễn và như thế lòng tin của anh ta tăng trưởng lên. Khi
lòng tin tăng trưởng, anh có thể thực hành sâu xa hơn và như thế anh
chứng nghiệm nhiều hơn về sự thật. Do đó lòng tin lại càng tăng trưởng
mạnh mẽ hơn. Như vậy, thực hành lòng tin và trí tuệ bổ túc cho nhau và
làm cho nhau mạnh mẽ lên. Trong trường hợp này, cũng như trong nhiều
giáo lý của đạo Phật, thật dễ hiểu tại sao Phật pháp được biểu tượng
bằng một bánh xe Pháp vì đây là biểu tượng của một sự trưởng thành tích
cực cho dẫn chứng trên.
Thực hành và xác chứng lời Đức Phật dạy
Thực hành và xác chứng lời Đức Phật dạy sẽ đưa đến kết quả là người
ta sẽ tự mình chứng nghiệm sự thật của toàn bộ giáo lý Đức Phật trong
chính cuộc đời này. Điều này được thực hiện nhờ tinh cần thực hành. Đức
Phật đã bảo đảm cho mọi người rằng họ có thể xác chứng những lời dạy
của Ngài khi Ngài tuyên bố rằng giáo lý của Ngài là cái gì để “đến và
thấy”, có nghĩa là tìm hiểu cho chính mình thực hiện thử xem nó có hữu
hiệu không, điều ấy có thể thực hiện được, vì Đức Phật không quan tâm
đến lý luận (những thứ chỉ dẫn đưa con người đi lạc hướng), mà quan tâm
đến những phát hiện và những lời dạy về con đường thực tiễn của tiến
bộ tâm thức, “con đường hướng nội” mà người trí tự xác chứng cho mình.
Phật pháp là phương pháp chứ không phải là học thuyết
Điểm này đưa đến một sự phân biệt rất quan trọng khác giữa giáo lý
của Đức Phật và giáo lý của hết thảy các tôn giáo khác. Các tôn giáo
khác dạy những học thuyết, tín điều và giáo lý không đưa ngay đến thực
chứng (hay thực ra chúng được giả thiết rằng sẽ được thực chứng) mà
phải được chấp nhận với lòng tin. Đức Phật dạy những phương pháp người
ta có thể áp dụng vào đời sống riêng của mỗi người và nhanh chóng thấy
được lợi ích của sự thực hành ở đây và bây giờ. Thực vậy, toàn bộ giáo
lý Phật giáo đã là một khối lượng những phương pháp uyển chuyển thích
hợp nhiều mặt cho từng lúc, từng nơi khác nhau và quan trọng nhất là
cho những căn tánh khác nhau của con người. Ngoài việc định nghĩa Đạo
Phật là những phương pháp hay những phương tiện thiện xảo, thật chính
xác khi nói rằng đạo Phật không có lời dạy nào mà không:
a) Xây dựng trên căn bản; hoặc
b) Dẫn đến sự giác ngộ tối thượng như Đức Phật đã chứng nghiệm. “Xây
dựng trên căn bản” có nghĩa là phát khởi từ kinh nghiệm chứng ngộ đã
khiến Đức Gotama, vị ẩn sĩ khổ hạnh, trở nên một Bậc Giác ngộ hay một
Bậc Giác tỉnh (Đức Phật ở đây là một tước hiệu chứ không phải là một
cái tên). “Dẫn đến” nghĩa là tất cả các lời dạy của Đức Phật đều nhằm
mục đích là tất cả mọi người thực hiện đều có thể đi đến chứng nghiệm
cái đại tuệ mà Đức Phật đã chứng đạt.
Ngôi Tam Bảo
Vậy thì Phật tử đặt tin tưởng vào đâu? Họ tin vào ngôi Tam Bảo: Đức
Phật, Pháp và Tăng (những đệ tử giác ngộ của Đức Phật). Ở Thái Lan, khi
đi đến một ngôi chùa Phật để tụng đọc bằng tiếng Pali cổ mà Đức Phật đã
thuyết, tụng đọc những đoạn văn xuôi, những câu kệ tôn kính và tán
thán ngôi Tam Bảo, trong những dịp ấy, Phật tử tự hiến mình để đi theo,
để hiểu và chứng nhập nội tâm ý nghĩa về Phật, Pháp và Tăng già.(1)
(Đức Phật, những lời dạy của Ngài và các đệ tử của Ngài). Phật tử là
người nương tựa nơi ngôi Tam Bảo hay đến để nhận sự hướng dẫn của ngôi
Tam Bảo vì họ đã tìm thấy ở trong đó những dấu hiệu của chân lý vô úy
và tối thượng.
Tôn kính những Bậc Đạo Sư
Chúng ta cần đề cập đến sự tôn kính đối với các bậc thầy về tinh
thần, những vị tu sĩ hoặc cư sĩ trong giới Phật giáo. Những bậc Đạo Sư
ấy là những “Thiện hữu” cho chúng ta những lời khuyên quý giá, thường
dựa vào những chứng đắc mà quý vị ấy đã đạt được một cách khó khăn, chỉ
cho chúng ta con đường chân chính đưa đến giải thoát. Hình thức cung
kính những Bậc Đạo Sư như thế (những vị đối với những đệ tử trong hiện
tại, tiêu biểu cho Đức Phật) và những tranh tượng của chính Bậc Giác
Ngộ, mà nếu thiếu đức tính khiêm cung ấy thì người ta chỉ có rất ít
hoặc không có tiến bộ tâm thức nào. Chúng ta thấu hiểu rõ rằng, trong
tâm lý học Phật giáo, chẳng những tâm ảnh hưởng vào thân, mà những hành
động của thân cũng ảnh hưởng vào tâm, cả hai thực sự phụ thuộc nhau.
Từ đó có sự cẩn trọng trong lễ lạy, sự thân thiết khi thực hiện và thái
độ niệm tưởng cần phải kèm theo. Người ta thường lễ lạy ba lạy liên tục
tỏ lòng tôn kính Bậc Giác Ngộ, tôn kính Con Đường đi đến Giác Ngộ của
Ngài và tôn kính những vị nhờ hành trì theo Con Đường ấy mà đạt được
Giải thoát, khỏi những ô nhiễm của tâm và đạt được Trí tuệ gọi là Giác
ngộ.
Việc thực hành Phật pháp có hiệu quả, đặc biệt về những phần Thiền
định và Trí tuệ, điều này, tùy thuộc rất nhiều vào việc ta có được một
người hướng dẫn mà chắc chắn có kinh nghiệm nhiều hơn chúng ta hay
không. Mặc dù có một vài loại thiền định của Phật giáo mà việc thực hiện
không cần có thầy chỉ dẫn, nhưng thông thường thì sự có mặt của thầy
vẫn đem lại cho chúng ta nhiều lợi lạc hơn, nếu đây là một vị thiện
xảo. Những vị thầy ấy rất đáng kính vì nếu có đủ cả kiến thức và trí
tuệ thì các vị thầy ấy giúp ích rất nhiều cho những ai học và thực hành
giáo pháp.
Những lễ dâng trong một ngôi chùa
Trong vấn đề tôn kính, hẳn cũng cần phải biết ý nghĩa của nhiều
những lễ dâng lên Đức Phật, vì Phật giáo thực sự không chứa đựng cái gì
vô nghĩa cả, nếu có sự thực hành vô nghĩa nào thì thực ra đó không phải
là giáo lý của Đức Phật.
Có ba lễ dâng thông dụng: hương, hoa, và đèn, cho chúng ta dịp thực
hiện một ít thiền quán riêng lẻ trong khi chúng ta dâng lễ. Khi thắp
nến hay đèn, chúng ta tác niệm: “Ôi mong sao con được giác ngộ”. Những
cây hương được thắp từ ánh lửa nến (hay đèn) ấy (thường là 3 cây hương)
với tác niệm “để thành tựu sự giác ngộ ấy”, trong khi mùi hương dịu tỏa
khắp mười phương, xin nguyện cho mùi hương đức hạnh của con rải đến
khắp cả chúng sinh. Khi dâng hoa với hai bàn tay chắp lại ta suy nghĩ:
“Cuộc đời này thì ngắn ngủi, cho dù những bông hoa này, ngày hôm nay
tươi đẹp ngày mai sẽ úa tàn và vẩn mùi. Cái mà con gọi đây là thân xác
thì cũng như thế mà thôi”. Hiểu được điều ấy trong cuộc sống trôi chảy
và vô thường này, người Phật tử nỗ lực duy trì và nâng cao tiêu chuẩn
giới đức của mình và bước thêm một bước hướng về Giác ngộ.
Thỉnh thoảng Phật tử cũng dâng cúng thực phẩm và nước uống lên hình
tượng của Bậc Đạo Sư, dĩ nhiên họ không nghĩ rằng Ngài sẽ dùng, mà
chính họ, bằng thái độ sùng đạo, họ chỉ dùng thực phẩm khi nào một ít
của phần thực phẩm tốt được dâng cúng Đức Phật trước tiên. Đức Phật là
tối thượng của loài người, Ngài xứng đáng với những dâng cúng tốt nhất,
phần hơn nữa, việc tu tập của người Phật tử gồm trong sự chia xẻ những
thứ tốt lành cho người khác.
Ba lễ vật thông thường đôi khi còn được nối kết trực tiếp với ngôi
Tam Bảo: Những bông hoa, đặc biệt là hoa sen, là những biểu tượng về
Đức Phật. Vì hoa sen mọc lên từ bùn mà không uế nhiễm. Ngay cả một giọt
nước cũng không đọng lại trên lá sen. Tương tự như thế, Đức Phật là Bậc
Đạo Sư sống giữa thế giới rối rắm của nhục dục mà Ngài vượt lên khỏi
nhục dục. Ngài ở trong thế giới này nhưng ngay cả một ham muốn nhỏ nhặt
nhất cũng không ảnh hưởng đến tâm trí Ngài. Đây là biểu tượng của hoa
sen. Những bông hoa đẹp khác nhắc nhở tín đồ về những đức tính sáng
ngời và tốt đẹp của Đức Phật. Ánh sáng được cúng dường trong trường hợp
này là biểu tượng cho Giáo pháp luôn thắp sáng những vùng tối tăm của
tâm thức và đem giác ngộ thay thế vô minh. Tăng già (của Bậc Giác ngộ)
được biểu tượng bằng hương, bởi vì sự thành tựu giới đức của các vị ấy
tỏa rộng mọi hành động của thân, khẩu, ý.
Sau khi đã nói về ý nghĩa của lòng tôn kính của người Phật tử, bây
giờ chúng ta diễn tả rõ ý nghĩa của từng ngôi báu. Tuy nhiên, cần phải
nhấn mạnh trước rằng ba ngôi báu liên hệ nhau không thể tách rời ra được
về mặt tu tập và chứng đắc. Vậy nên không thể có Pháp bảo và Tăng bảo
nếu như không có một Đức Phật xuất hiện trước ở đời. Sự tương tục của
Pháp tùy thuộc vào Tăng, nhân tố truyền bá Pháp. Tăng thì tương tục nếu
vẫn còn có những vị tu tập và chứng đắc Pháp. Không thể nói rõ rằng
Phật bảo tùy thuộc Pháp bảo như thế nào. Sở dĩ như thế là vì chư Phật
có xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, Pháp bảo vẫn là mãi mãi
chân thật. Thông thường, Pháp bảo được diễn tả là “phi thời gian”,
không có một lúc nào là lần đầu tiên Pháp trở nên thật (như trong trường
hợp các tôn giáo mắc phải) và cũng không có một lúc nào trong tương
lai Pháp không còn là thật nữa. Khi nào còn có đời sống hữu tình thì
Giáo pháp này hẳn cần thiết chứa đựng sự thật liên quan đến kinh nghiệm
về cuộc đời (và không dính dáng gì tới những lý thuyết hay giáo điều).
Quả thực rằng pháp có thể có lúc bị tạm thời quên đi trong những
khoảng thời gian cách quãng giữa những chứng đắc, nhưng ngay cả khi bị
quên lãng, Pháp vẫn còn là thật và chờ đợi được phát hiện. Người đã phát
hiện ra tuệ giác cổ xưa, với tính viên mãn và sáng sủa của nó được gọi
là một vị Phật, một chứng đắc tâm linh vượt lên tất cả mọi chứng đắc
tâm linh. Như vậy quá dễ hiểu lời dạy của những hiền triết Phật giáo về
sau này, những người đã nhân cách hóa tinh hoa của Pháp như là sự toàn
hảo của trí tuệ mà gọi Pháp là Mẹ của chư Phật.
(1) Trong Phật giáo, không có việc “thờ thần tượng”. Hình tượng
Đức Phật trong các ngôi chùa gợi cho các Phật tử một số đức tính của
Bậc Đạo Sư và Giáo pháp; hình tượng ấy làm cho họ tưởng niệm đến những
đức tính như thế và do đó phát triển chúng trong chính họ. Hình tượng
Đức Phật cũng hỗ trợ rất nhiều trong thiền định và có thể được sử dụng
để làm an tịnh tâm vào lúc chết.
Lại nữa, không có sự cầu
xin trong các tu viện Phật giáo. Người ta không cầu xin một Bậc Đạo Sư
đã đạt cứu cánh Niết Bàn hơn 2500 năm rồi; người ta kính ngưỡng và tôn
quý Ngài. Sự cầu xin phước lạc cho người ta hoàn toàn xa lạ đối với tư
tưởng Phật giáo, tư tưởng Phật giáo vẫn nhằm thực hiện vô ngã.