Phật Học Online

“Bệ phóng” Tây phương

Đọc kinh A Di Đà, tôi hiểu rằng, nếu mình tin sâu, tin chắc có cõi Tây phương cực lạc; phát nguyện kiên cố về cõi ấy và thực tập niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà miên mật đến nhất tâm thì mình sẽ có đủ lực để về cõi của Phật A Di Đà, hóa sanh trong hoa sen báu. 

Tôi gọi, niềm tin, hạnh và nguyện ấy là “bệ phóng” được xây dựng để đưa mình về Tây phương cực lạc!

didaphat.jpg

Đường về Tây phương không xa đâu, nếu ta có niệm Phật, có tin, có nguyện. Trong ảnh: Lễ vía Đức Phật A Di Đà tại chùa Đức Hòa, Bình Dương - Ảnh: Chí Giác Thông

Một chủ thể muốn đi đến một điểm nào đó mà không có la bàn chỉ dẫn hoặc không có định hướng cụ thể thì biết đi như thế nào. Do vậy, khi mình quỳ trước tôn tượng Đức Phật A Di Đà và nguyện rằng: “Con nguyện làm tất cả những việc lành, tinh tấn niệm Phật và hồi hướng công đức ấy cho con được về Tây phương cực lạc, tiếp tục tu hành cho đến ngày thành tựu ngôi vị chánh đẳng chánh giác và trở lại hóa độ cõi Diêm Phù Đề, để ai cũng biết, cũng đi tới con đường giải thoát như con”, thì cũng đừng nghĩ là mình tham lam, mình mong cầu. Bởi lời nguyện ấy thực chất là một định hướng để phóng mình đi. Đi đâu? Đi về quốc độ Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà. 

Phải tin sâu. Đó là lời nhắc của mười Phương chư Phật với các đệ tử của mình, về tất cả những công hạnh, cảnh giới lành tốt mà các Đức Phật đã tạo dựng từ chính tâm từ, tâm bi, và trí tuệ sáng suốt (xuất thế gian) hầu cứu độ chúng sinh là một cõi lành tốt, có thật. Phật nhắc như vậy bởi lẽ Ngài sợ đệ tử không tin, hoài nghi thì sẽ sinh tâm coi thường, bất kính, và đó là nhân phải đọa địa ngục, mất con đường học pháp, hành pháp giải thoát. 

Chính vì vậy mà trong những thời pháp của mình, Ngài thường thuận theo đại chúng mà nói, đại chúng phải thỉnh cầu, thể hiện rõ sự cần cầu học hỏi, tu tập thì Ngài mới nói. Và những ai chưa đủ căn cơ, trình độ để nghe, hiểu và tin thì Ngài cũng không ép để nghe, và tin theo kiểu thần quyền ép buộc. Trong kinh Pháp Hoa ở phẩm Phương tiện thứ 2 ta thấy rõ điều đó, khi có tới 5.000 vị rời khỏi đạo tràng bởi đó là những vị Tăng thượng mạn và Đức Phật đã không cản.

Bối cảnh khi Đức Phật còn tại thế còn như thế huống hồ thời mạt pháp như hiện nay. Tuy nhiên, nếu thời mạt pháp mà ai nghe lời dạy khó tin của Phật mà tin nhận, thọ trì thì Ngài càng khẳng định giá trị của niềm tin đối với pháp giải thoát của người ấy là tối thượng, đáng kính, công đức vô lượng. Pháp Phật, đó là linh dược để chúng sinh thoát khỏi nỗi khổ niềm đau. 

Và phải tin thì mới uống, giống như khi bác sĩ cho thuốc, mình tin rằng uống thuốc này bệnh sẽ khỏi thì mình mới uống. Chúng ta thường tin bác sĩ chữa bệnh thân bởi cái thân đau là biểu hiện rõ ràng, cụ thể ở điểm nào đó. 

Song, cái tâm mình bệnh, với ba món độc (tham, sân, si) cắm rễ trong mình mà mình nào có hay. Nhiều lúc nó não phiền, nó làm mình đớn đau nhưng dường như mình không quan tâm nhiều, có lẽ do mình chấp tướng, nên cái gì có hình tướng cụ thể thì mình mới cho đó là thật. Bởi sự mê mờ này mà mình không chịu uống thuốc của Phật, nghĩa là không tin vị thầy thuốc chữa trị tâm bệnh rất mầu nhiệm - Đức Phật.

Không uống thuốc nên cứ thế, cái tâm mình rề rà bệnh tật và Đức nói rằng đó là vô minh nên sanh tử luân hồi. Luân hồi trong vòng cuốn xoáy của lục đạo, xuống lên sáu đường. Niềm tin Phật pháp mình không đủ mạnh nên mình không hành, nghĩa là không có sự thực tập nên mình không có thực chứng những hạnh phúc nho nhỏ, bắt đầu từ niềm tin giáo pháp.

ap_20101214033841473.jpg

Hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình - Ảnh minh họa

Có thể hiểu nôm na việc thực tập Phật pháp như là việc mình bỏ tiền Ngân hàng vậy. Khi mình tin cậy Ngân hàng nào đó và mình gửi tiền vào thì mình liền có lãi tùy Ngân hàng. Cũng vậy, sự thực tập Phật pháp, hay cụ thể là việc tin vào con đường thoát khỏi luân hồi sanh tử từ việc thực tập niệm Phật thì mình sẽ bắt đầu thực hành nó trong đời sống. Sáng mở mắt niệm Phật, đi đường niệm Phật, tối niệm Phật… 

Mọi lúc, mọi nơi có thể thì cứ niệm, và khi ấy hành giả chắc chắn sẽ lắng dịu tâm mình. Hạnh phúc của tâm lắng diệu và sự an lạc thông qua câu niệm danh hiệu Phật, tiếp xúc với năng lượng từ bi của Ngài là hạnh phúc có thật như khi ta gửi Ngân hàng và nhận tiền lãi vậy.

“Lãi” (hay hoa trái) của sự thực tập niệm Phật là tâm lắng dịu, bằng an. Nên có thể khi niệm Phật trong một ngày, mười ngày hoặc một đời này ta chưa đủ lực để sinh về Tây phương cực lạc (ví dụ vậy) thì ta cũng đã gửi vào “Ngân hàng” những khoản tiết kiệm nho nhỏ và đã có “lãi” liền lập tức. Thế thì tại sao mình lại từ chối việc niệm Phật mà lại đi niệm những cái làm cho tâm mình lao xao, loạn động, phiền não, và cứ thế mù mờ lên xuống sáu đường?

Tới đây ta thấy, niềm tin và sự thực tập là một trong hai cái chân vững chắc cho “bệ phóng” Tây phương. Còn lời nguyện, giống như là định vị phương hướng để phóng vậy. Một chủ thể muốn đi đến một điểm nào đó mà không có la bàn chỉ dẫn hoặc không có định hướng cụ thể thì biết đi như thế nào. 

Do vậy, khi mình quỳ trước tôn tượng Đức Phật A Di Đà và nguyện rằng: “Con nguyện làm tất cả những việc lành, tinh tấn niệm Phật và hồi hướng công đức ấy cho con được về Tây phương cực lạc, tiếp tục tu hành cho đến ngày thành tựu ngôi vị chánh đẳng chánh giác và trở lại hóa độ cõi Diêm Phù Đề, để ai cũng biết, cũng đi tới con đường giải thoát như con”, thì cũng đừng nghĩ là mình tham lam, mình mong cầu. Bởi lời nguyện ấy thực chất là một định hướng để phóng mình đi. Đi đâu? Đi về quốc độ Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà.

Suy tư về điều đó, như là cốt tủy của việc thực tập pháp môn niệm Phật cũng có nghĩa là mình đang vẽ một bản vẽ xây dựng “bệ phóng” Tây phương. Hiểu nôm na như thế, chỉ còn việc bắt tay vào: sáng niệm Phật, đi đường niệm Phật, tối niệm Phật… 

Mỗi thời niệm một cách thành kính, đầy tin tưởng và thiết tha với nguyện về Tây phương cực lạc thì chắc chắc Đức Phật A Di Đà cùng thánh chúng sẽ tiếp dẫn mình về với các Ngài. Tôi tin vào điều đó, thiết tha và càng tin rằng: cứ đi rồi sẽ tới, “bệ phóng” mình đã xây từ chính bản vẽ tín-hạnh-nguyện kiên cố nên niềm tin ấy không hề mông lung, mù quáng!

Lưu Đình Long (GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage